1. Bài đọc 1: Xh 3, 1-8a.13-15
1 Bấy giờ ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp. 2 Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. 3 Ông tự bảo : “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được : vì sao bụi cây lại không cháy rụi ?” 4 Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông : “Mô-sê ! Mô-sê !” Ông thưa : “Dạ, tôi đây !” 5 Người phán : “Chớ lại gần ! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.” 6 Người lại phán : “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp.” Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.
7 Đức Chúa phán : “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. 8a Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật.”
13 Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa : “Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ : Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con : Tên Đấng ấy là gì ? Thì con sẽ nói với họ làm sao ?” 14 Thiên Chúa phán với ông Mô-sê : “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán : “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này : “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.” 15 Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê : “Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này : Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia.”
2. Đáp ca: Tv 102, 1-2.3-4.6-7.8 và 11 (Đ. c.8a)
Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót.
1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
2) Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.
3) Chúa thi hành những sự việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel.
4) Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người.
3. Bài đọc 2: 1 Cr 10, 1-6.10-12
1 Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. 2 Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê. 3 Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, 4 tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Ki-tô. 5 Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc.
6 Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta. 10 Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách, như một số trong nhóm họ đã lẩm bẩm kêu trách: họ đã chết bởi tay Thần Tru Diệt. 11 Những sự việc này xảy ra cho họ để làm bài học, và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang sống trong thời sau hết này. 12 Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã.
4. Tin Mừng: Lc 13, 1-9
1 Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Đức Giê-su đáp lại rằng : “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao ? 3 Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ? 5 Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này : “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn : ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất ?’ 8 Nhưng người làm vườn đáp : ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.’”
5. Suy niệm: Thiên Chúa cảm thương
Từ ba tuần nay, chiến tranh bùng nổ tại Ucraina, một phần đất của Liên Xô cũ. Quốc gia gây hấn là Liên bang Nga. Đây là một cuộc chiến không cân sức, giữa một cường quốc và một đất nước nhỏ bé. Sau ba tuần kể từ khi chiến dịch quân sự do Nga phát động, máu người vô tội chảy khắp nơi. Hàng triệu người dân Ucraina phải rời bỏ nhà mình đang ở để đi lánh nạn ở các nước láng giềng. Không ai nghĩ máu chảy đầu rơi một cách thảm khốc trong một thế giới hiện đại và tự coi là văn minh. Đức Thánh Cha Phanxicô đã thân hành đến trước đại sứ Nga ở Rôma để phản đối chiến tranh và kêu gọi: hãy dừng lại. Cả thế giới đều chăm chú theo dõi cuộc chiến. Các tổ chức quốc tế đều can thiệp và mong muốn cuộc chiến tranh này sớm kết thúc. Con người đang huỷ diệt chính mình và huỷ diệt tương lai.
Với Đức tin và lòng phó thác nơi Thiên Chúa, người Kitô hữu chúng ta cùng cầu nguyện. Xin Chúa soi sáng các nhà lãnh đạo các quốc gia để cùng nhau đối thoại và xây dựng hoà bình. Lời Chúa của Chúa nhật thứ ba Mùa Chay giới thiệu với chúng ta: Thiên Chúa là Đấng cảm thương trước nỗi thống khổ của con người. Trong bụi gai rực lửa, Chúa tỏ cho ông Môisen biết ý định của Ngài, là sẽ giải phóng dân Do Thái, để đưa họ đến miền đất Ngài đã hứa cho ông Abraham và dòng dõi ông. Bài đọc I trích sách Sáng thế cho thấy đây là lần đầu tiên Thiên Chúa mạc khải cho con người về danh xưng của Ngài. Ngài vừa là “Đấng Tự Hữu”, có nghĩa là Đấng quyền năng, không phải do bất cứ ai tạo thành. Ngài cũng là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp, nghĩa là Đấng đã hành động trong lịch sử và đã thực hiện những điều tốt lành đối với các Tổ Phụ. Khi xưng mình là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp, Thiên Chúa diễn tả lòng từ bi của Ngài.
Nếu Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, thì con người phải sám hối để xứng đáng đón nhận lòng xót thương của Ngài. Lời mời gọi sám hối được nhắc đi nhắc lại bởi chính Chúa Giêsu. Sám hối là từ bỏ tội lỗi, chân thành canh tân đổi mới cuộc đời. Tâm lý thông thường, chúng ta hay để ý đến những điều xảy ra rồi bình luận theo cái nhìn thiên kiến của mình. Hai sự kiện được Chúa nêu, là sự kiện Philatô tàn sát những người Galilêa và tháp Siloê sập đổ đè chết người. Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, những gì xảy ra chung quanh chúng ta đều là những lời cảnh báo và kêu gọi chúng ta hãy nhìn lại mình. Bên cạnh chúng ta, bất kỳ lúc nào cũng có thể có những Philatô tàn sát và những cây tháp đổ sập. Nơi khác trong Tin Mừng, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy luôn tỉnh thức sẵn sàng, vì không biết ngày nào giờ nào là lúc lâm chung của chúng ta. Những ai tỉnh thức và sám hối sẽ không bị bất ngờ khi Chúa đến.
Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu. Đó cũng là nội dung của Thánh vịnh 102 được hát trong phần Đáp ca. Ngài là Đấng nâng đỡ những người bị áp bức. Ngài giải phóng những người tù tội và ban ơn cho hết thảy chúng sinh. Mùa Chay nhắc cho chúng ta tình thương bao la của Chúa, đồng thời sám hối ăn năn để xin Chúa ban những ơn cần thiết, nhờ đó chúng ta có thể vượt qua những thử thách gian nan trên đường đời.
Thánh Phaolô nhìn sự kiện ra khỏi Ai cập với con mắt đức tin, để khẳng định: Chúa vẫn đang tiếp tục dẫn dắt chúng ta ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi, không còn qua những trung gian hay phương tiện của thời Cựu ước xa xưa, nhưng nhờ Chúa Giêsu. Thời nào cũng vẫn có những người cứng lòng bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa. Người Kitô hữu phải học bài học của lịch sử, để nghiệm thấy rằng, mỗi chúng ta đều phải thận trọng khôn ngoan.
“Ta đã thấy nỗi thống khổ của dân Ta”. Chúng ta hãy cầu xin để nỗi thống khổ của những nạn nhân chiến tranh, ở Ucraina và trên thế giới, vang đến Chúa. Xin Ngài ra tay cứu giúp và ban cho thế giới được hoà bình. Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ đọc Kinh Truyền tin trưa Chúa nhật, ngày 13-3 vừa qua đã nói: “Với nỗi đau tận trái tim, tôi hợp với tiếng nói chung, kêu gọi hãy chấm dứt chiến tranh. Nhân danh Chúa, hãy lắng nghe tiếng kêu của những người đau khổ và chấm dứt các vụ đánh bom và tấn công! …Nhân danh Thiên Chúa, tôi kêu gọi: hãy dừng cuộc thảm sát này!”
Chiến tranh không phải là hình phạt của Thiên Chúa. Chiến tranh đến từ sự kiêu ngạo và ích kỷ của con người. Chiến tranh đi ngược lại với giáo huấn của Chúa Giêsu. Từ cuộc chiến tranh quân sự, chúng ta liên tưởng tới những xung đột trong gia đình, trong cộng đoàn và trong môi trường xã hội. Sám hối đích thực là cố gắng góp phần xoá bỏ những xung đột ấy, nhờ ơn phù trợ của Thiên Chúa.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn tin: https://www.tonggiaophanhanoi.org
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 195 | Tổng lượt truy cập: 4,172,878