1. Bài đọc 1: Cv 2, 14. 22-28
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: “Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, hãy nghe những lời này: Ðức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Sau khi bẻ gãy xiềng xích tử thần, Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng Ðavít đã nói về Người rằng: ‘Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông: vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Ðấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa'”.
2. Đáp ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11
Đáp: Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh (c. 11a).
Hoặc đọc: Alleluia.
1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: “Ngài là chúa tể con, Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con”.
2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.
3) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy sự hư nát.
4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời!
3. Bài đọc 2: 1 Pr 1, 17-21
Anh em thân mến, nếu anh em gọi Người là Cha, Ðấng không thiên vị ai khi xét đoán mỗi người theo việc họ làm, thì anh em hãy sống trong sự kính sợ suốt thời anh em còn lưu trên đất khách. Anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.
4. Tin Mừng: Lc 24, 13-35
13 Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.
14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Chúa Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ.
16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”.
19 Chúa Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.
20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.
21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.
22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.
24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy”.
25 Bấy giờ Chúa Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!
26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ?
27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Chúa Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.
29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”. Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.
30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.
32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?”
33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.
34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn”.
35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
5. Suy niệm: Chậm hiểu và chậm tin
Thánh Lu-ca là tác giả duy nhất thuật lại câu chuyện trên đường Emmaus. Câu chuyện này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều suy tư và giáo huấn, như điển mẫu cho một hình thái mục vụ hiện nay, đó là sự đồng hành của Giáo hội với mọi người thời đại. Như Chúa Giê-su đã đồng hành và lắng nghe hai môn đệ đang thất vọng ê chề và giúp họ khơi lên niềm hy vọng, Giáo hội của Chúa hôm nay cũng phải đồng hành với nhân loại đang đắm chìm trong thất vọng, giúp mọi người tìm thấy niềm vui.
“Chậm hiểu và chậm tin”, đó là hai điều được nhắc tới trong lời khiển trách của vị khách lạ trên đường Emmaus, sau khi đã ân cần lắng nghe hai ông giãi bày nỗi lòng. Các ông không phải là những người không hiểu biết, vì trong lời tâm sự, các ông cho biết các ông theo Chúa Giê-su vì “vẫn hy vọng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel”. Các ông vẫn sống niềm hy vọng của Israel từ nhiều thế hệ. Tuy nhiên, niềm kỳ vọng của các ông lại mang tính trần tục. Theo các ông, Đấng Messia phải chiến thắng lẫy lừng, chinh đông dẹp bắc. Đàng này, Người lại bị giết như một kẻ gian phi. Dưới quan niệm của các ông, Đức Giê-su thành Na-gia-rét, tuy là người có uy thế trong việc làm cũng như lời nói, nhưng đã thất bại thảm hại. Chính các ông cũng đang thất vọng ê chề.
Tâm trạng của hai môn đệ trên đường Emmaus cũng là tâm trạng của nhiều người trong xã hội hôm nay, trong số đó có một số tín hữu Ki-tô. Trước những vấn nạn lớn như chiến tranh, xung đột, dịch bệnh, đau khổ, thiên tai, những dấu hỏi lớn được đặt ra mà không có câu trả lời. Nhiều người còn đặt lại vấn đề về ngay sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ngài có hiện hữu thật không? Nếu Ngài là Thiên Chúa giàu lòng thương xót, sao nhân loại phải khổ đau như vậy?
Giữa một chuỗi những vấn nạn của thời đại, hôm nay Chúa Giê-su Phục sinh trả lời cho chúng ta. Trước hết, Chúa viện dẫn chính trường hợp cái chết của Người, để giải thích ý nghĩa của đau khổ: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (Lc 24, 25). Chúa Giê-su đã mở trí cho hai ông hiểu Kinh Thánh, để thấy ở đó những điều đã tiên báo về cuộc khổ nạn của Người. Người cũng soi sáng cho các ông có một cái nhìn mới về đau khổ và thập giá. Việc hai ông nhận ra Chúa Giê-su khi Người bẻ bánh ở cuối trình thuật như đỉnh cao của mặc khải. Chúa cho các ông thấy Người vẫn sống và sự chết không thể giam hãm Người trong nấm mộ tối tăm. Vào lúc Chúa tỏ mình ra với hai ông, cũng là lúc hai ông thay đổi não trạng, không còn buồn rầu ủ dột.
Cuộc sống trần gian giống như một cuộc lữ hành. Chúa Giê-su vẫn hiện diện giữa chúng ta, mà đôi khi chúng ta không nhận ra Người. Có nhiều người không muốn gặp gỡ Chúa vì cuộc gặp gỡ với Chúa khiến họ phải đảo lộn những dự tính, phải thay đổi cách nhìn và nhất là phải từ bỏ những đam mê không phù hợp với đời sống mới của con cái Thiên Chúa.
Như Chúa Giê-su đã khai lòng mở trí cho hai môn đệ, hôm nay Chúa cũng đang giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh. Ông Phê-rô nhờ được gặp gỡ với Chúa Phục sinh, mà từ một người dân chài chất phác ít học, đã trở nên nhà giảng thuyết hùng hồn. Bài đọc I ghi lại bài giảng đầu tiên của ông trong ngày lễ Ngũ Tuần. Với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, ông đã lược lại lịch sử dân tộc thánh trong một bài giảng, đồng thời chứng minh những gì các ngôn sứ loan báo nay đã được hoàn thành nơi Đức Giê-su thành Na-gia-rét, Đấng đã chết và đã sống lại.
Lễ Phục sinh là lễ của niềm hy vọng. Thánh Phao-lô khuyên chúng ta như vậy. Nhờ Đức Ki-tô phục sinh mà chúng ta được sinh ra làm con cái Thiên Chúa. Tin vào sự Phục sinh của Chúa, cùng với niềm xác tín Người đang hiện diện giữa cuộc đời, sẽ giúp người tín hữu tìm thấy niềm hy vọng và bình an.
“Sao các anh chậm hiểu và chậm tin?”. Đó là câu hỏi Chúa đặt ra cho chúng ta hôm nay, vào những lúc đức tin của chúng ta bị chao đảo trước phong ba cuộc đời.
Trình thuật Emmaus kết thúc với việc Chúa bẻ bánh và trao cho các môn đệ. Trình thuật này dùng các từ vựng giống như việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể. Chúng ta đang cử hành Thánh lễ. Tại nơi đây, vào lúc này, Chúa Giê-su vẫn đang bẻ bánh và trao cho chúng ta. Chúng ta hãy nhận ra Người.
+ TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
Nguồn tin: https://www.tonggiaophanhanoi.org/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 70 | Tổng lượt truy cập: 4,163,991