Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật Tuần 30 - Năm A (Mt 22, 34-40)

  • 28/10/2023 19:41
  • Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22, 37).

    Chúa nhật 30 Thường niên năm A - Yêu thương (Mt 22,34-40)

     

    1. Bài đọc 1:  Xh 22, 21-27 (Hr 20-26)

    “Nếu các ngươi hà hiếp các cô nhi quả phụ, Ta sẽ nổi giận các ngươi”.

    Trích sách Xuất Hành.

    Đây Chúa phán: “Ngươi chớ làm phiền lòng và ức hiếp khách ngoại kiều: vì các ngươi cũng là khách ngoại kiều ngụ trong đất Ai-cập. Các ngươi đừng làm hại cô nhi quả phụ. Nếu các ngươi hà hiếp những kẻ ấy, họ sẽ kêu thấu đến Ta, và chính Ta đã nghe tiếng họ kêu van. Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ, sẽ dùng gươm giết các ngươi, vợ các ngươi sẽ phải goá bụa, và con cái các ngươi sẽ phải mồ côi.

    “Nếu ngươi cho người nghèo khó nào trong dân cùng định cư với ngươi mượn tiền, thì ngươi chớ hối thúc nó như kẻ đặt nợ ăn lãi quen làm, và chớ bắt nó chịu lãi nặng. Nếu ngươi nhận áo sống của người láng giềng cầm cố, ngươi hãy trả lại cho kẻ ấy trước khi mặt trời lặn: vì nó chỉ có một áo ấy che thân, và không còn chiếc nào khác mặc để ngủ; nếu kẻ ấy kêu van đến Ta, Ta sẽ nhậm lời nó, vì Ta là Đấng thương xót”.  

    Đó là Lời Chúa.

     

    2.  Đáp ca:  Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47 và 51ab

    Đáp:  Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa (c. 2).

    Xướng:

    1) Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa, lạy Chúa là Đá Tảng, chiến luỹ, cứu tinh.

    2) Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca ngợi khen cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù.

    3) Chúa hằng sống, chúc tụng Đá Tảng của con, tán tụng Thiên Chúa là Đấng cứu độ con. Ngài đã ban cho vương nhi Ngài đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Đấng được xức dầu của Ngài.

     

    3. Bài đọc 2:  1 Tx 1, 5c-10

    “Anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa để phụng sự Người và để trông đợi Con của Người”.

    Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

    Anh em thân mến, khi chúng tôi còn ở giữa anh em, anh em biết chúng tôi sống thế nào vì anh em. Và anh em đã noi gương chúng tôi và noi gương Chúa, đã nhận lấy lời rao giảng giữa bao gian truân, với lòng hân hoan trong Thánh Thần, đến nỗi anh em đã nên mẫu mực cho mọi kẻ tin đạo trong xứ Macêđônia và Akaia.

    Vì từ nơi anh em, Tin mừng vang dội không những trong xứ Macêđônia và Akaia, mà còn trong mọi nơi; lòng tin của anh em vào Thiên Chúa đã quá rõ rồi, đến nỗi chúng tôi không còn nói thêm làm gì nữa. Vì người ta thuật lại việc chúng tôi đã đến với anh em thế nào, và anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa làm sao để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống và chân thật, để trông đợi Con của Người từ trời mà đến, “Đấng mà Người đã làm cho từ cõi chết sống lại”, là Đức Giêsu, Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi cơn thịnh nộ sắp đến.  

    Đó là Lời Chúa.

     

    4.  Tin Mừng:  Mt 22,34-40

    “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi”.

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

    34 Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. - 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: 36 “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?” 37 Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: “ Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”

    Đó là Lời Chúa.

     

    5. Suy niệm: 

    5.1 -  Mến Chúa yêu người - +TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

    Trong thời gian đầu, khi Tin Mừng mới đến trên Quê hương Việt Nam, những người lương dân không biết gọi Đạo của người Công giáo là Đạo gì, và nhiều người đã gọi bằng một cái tên rất thiện cảm: Đạo Yêu Thương.

    Mặc dù ngày nay, danh xưng Đạo Yêu Thương không còn được anh chị em không cùng tôn giáo sử dụng, yêu thương vẫn là cốt lõi của Đạo Chúa Ki-tô. Nếu nhìn một cách tổng quát về Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy giáo huấn về tình yêu được tiến triển trong thời gian, điều mà các chuyên viên Kinh Thánh gọi là “tiệm tiến”, tức là từng bước được tỏ ra. Nếu Thiên Chúa trong Cựu ước được trình bày như Đấng có quyền năng và hùng mạnh, thì Chúa Giê-su trong Tân ước là trình bày Ngài là Cha yêu thương. Nếu giáo huấn Cựu ước cho phép trả thù “mắt đến mắt, răng đền răng”, thì Chúa Giê-su lại mời gọi người môn đệ phải yêu thương cả kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Phải chăng Thiên Chúa của Cựu ước và của Tân ước là hai Thiên Chúa khác nhau? Không phải thế. Thiên Chúa của người Ki-tô cũng là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, của I-sa-ác và của Gia-cóp, nghĩa là Thiên Chúa đã bước vào lịch sử để diễn tả tình yêu bao la và lòng thương xót của Ngài cho nhân loại. Có thể so sánh như lối giáo dục mà cha mẹ dành cho con cái: khi con còn thơ ấu, cha mẹ thường dùng những hình ảnh, những quan niệm đơn sơ để dạy con, đôi khi dùng những hình ảnh hay biểu tượng nghiêm khắc để trừng phạt. Sau này thánh Phao-lô quảng diễn: Lề luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Ki-tô, để chúng ta được nên công chính nhờ Đức tin. Nhưng khi Đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa” (Gl 3,25). Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói như sau: “Một khi chúng ta đã có đức tin, Lề Luật sẽ hết giá trị giám hộ của nó và phải nhường chỗ cho một thẩm quyền khác. Điều đó có nghĩa là gì? Có phải khi Lề Luật kết thúc, chúng ta có thể nói: “Chúng ta tin vào Chúa Giê-su Ki-tô và chúng ta làm điều mình muốn? Không! Các Điều Răn có đó, nhưng chúng không làm cho chúng ta trở nên công chính. Đấng làm cho chúng ta trở nên công chính là Chúa Giê-su Ki-tô. Các Điều Răn phải được tuân giữ, nhưng chúng không ban cho chúng ta sự công chính; cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su Ki-tô cho chúng ta được ơn công chính cách nhưng không. Ơn ích của đức tin là đón nhận Chúa Giê-su. Chúng ta phải tuân giữ các Điều Răn nhưng như là một sự trợ giúp cho cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su Ki-tô” (Huấn đức thứ Tư, ngày 18-8-2021).

    Đương nhiên, chúng ta không hề đánh giá thấp giáo huấn của Cựu ước. Bài đọc I trích sách Xuất hành đã ghi lại lời Đức Chúa dạy về tình yêu thương: không được bạc đãi người ngoại kiều; không được ức hiếp mẹ góa con côi; không được ép người nghèo trong lúc khó khăn để kiếm lợi; không được giữ áo choàng của người làm công để trừ nợ… Đức Chúa đã tuyên bố: “Nó (người nghèo bị áp bức) mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ.

    Nền tảng của đức bác ái là bởi vì Chúa là Đấng từ bi thương xót. Thánh Gio-an sau này khẳng định rõ hơn: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4,9). Vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nên chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Yêu thương được coi như lệnh truyền của Thiên Chúa.

    Chúa Giê-su không phủ nhận Luật ông Môi-sen, nhưng nâng Lề Luật lên một cung bậc mới: những ai yêu thương thì có Thiên Chúa ở cùng. Yêu thương làm cho chúng ta được tham dự vào đời sống phong phú nơi Ba Ngôi, tức là có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần hiện diện trong tâm hồn. Mến Chúa và Yêu người như chính bản thân, cả hai đều là “giới răn trọng nhất”. Mến Chúa và Yêu người là tóm lược tất cả giáo huấn của Lề Luật và các ngôn sứ. Sau này thánh Phao-lô viết: “Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10).

    Khi thực hành đức yêu thương là chúng ta làm lan tỏa giáo huấn của Chúa Giê-su. Thánh Phao-lô tỏ ra rất hài lòng về cộng đoàn Ki-tô hữu ở Thê-xa-nô-li-ca, vì những người này đón nhận và thực thi Lời Chúa trong nội bộ cộng đoàn cũng như đối với những người xung quanh. Sự hài hòa trong cuộc sống là những chứng từ hùng hồn về Tin Mừng.

    Mến Chúa thì dễ, nhưng yêu người thì không dễ chút nào, nhất là đối với những người làm chúng ta khó chịu. Vì vậy, lời mời gọi yêu thương của Chúa Giê-su luôn cần được vang lên và được các tín hữu đón nhận. Xin Chúa cho chúng ta có nghị lực để thực hiện trọn vẹn Đức Ái, đó là Mến Chúa và Yêu người. Amen.

    5.2 -  Thương người cũng như mến Chúa - Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ​​​​​​​

    Đoạn Tin Mừng hôm nay mô tả bầu khí tranh chấp đố kỵ của thời Chúa Giê-su. Người phe Biệt phái, kẻ nhóm Sađđucêô. Bên này gài bẫy bên kia và hí hửng khi đối thủ gặp nạn. Tranh chấp từ lãnh vực chính trị xã hội đến tôn giáo. Nên “khi những người Biệt phái nghe tiếng Chúa Giê-su đã làm cho những người Sađđucêô câm miệng, thì họp nhau lại. Một người trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?” (Mt 22, 34-36). Họ hỏi như vậy là vì Luật pháp có tới 613 khoản: 248 lệnh truyền và 365 điều cấm. Nhưng khoản nào trọng hơn khoản nào và khoản nào quan trọng nhất là vấn đề nóng bỏng. Tùy theo người ta nghiêng về phụng vụ hay xã hội, Ðền thờ hay đền vua, mà người ta có thể biện minh cho thái độ Biệt phái hay phái Sađđucêô. Họ hỏi Chúa Giê-su cũng là để gài bẫy Chúa nữa. Ðược hỏi Chúa liền trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: “Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi” (Mt 22,37-39).

    Mến Chúa là trọng nhất

    Trong Kinh Thánh, những từ “lòng”, “tâm trí, “mình” và “sức lực” bổ túc cho nhau để miêu tả toàn bộ con người. Nghĩa là: Yêu mến Chúa bao gồm toàn bộ con người, mọi khả năng và của cải.

    Khi dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa, Chúa đòi hỏi chúng ta phải yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Còn yêu thương kẻ khác, Chúa Giê-su không bảo ta phải yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn; nhưng”yêu kẻ khác như chính mình. Tại sao vậy? Vì Chúa “là dũng lực, là Đá Tảng, chiến lũy, cứu tinh, là sơn động, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù chúng ta “(x. Tv 17, 2-3), nên chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa không những hết… mà còn trên hết mọi sự. Câu luật này trích trong sách Đệ nhị luật 6,5 có đổi một chút, thay vì “hết sức” thì Chúa nói là “hết trí khôn”. Song cốt yếu không có gì đổi. “Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất” (Mt 22, 38).

    Yêu người cũng giống như mến Chúa

    Giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: “Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi” (Mt 22, 39). Chúa Giê-su không đồng hóa hai việc mến Chúa và yêu người. Hai việc đó vẫn khác nhau và có thứ tự trước sau, nhưng quan trọng như nhau; vì thế không được sao nhãng nhiệm vụ nào. Nét độc đáo trong câu trả lời của Chúa Giê-su là thể hiện lập trường của Chúa.

    Cứ sự thường, mến Chúa thì phải yêu người. Nhưng người ta vẫn coi đó là những nhiệm vụ rời nhau, những bổn phận không liên lạc gì với nhau. Có thể mến Chúa trong Ðền thờ và không thương người ngoài xã hội hoặc thương người nơi xã hội nhưng lại không mến Chúa trong Ðền thờ. Nhất là coi thương người không bằng mến Chúa.

    Ðối với Chúa Giê-su thì không như thế. Phải thương người như mến Chúa. Mến Chúa thôi thúc chúng ta yêu người. Yêu người như chính mình, chúng ta sẽ đối xử với họ theo cách chúng ta muốn họ đối xử với mình (x.Mt 7,12). Ưu tiên là mến Chúa nhưng đồng thời cũng phải thương người. Sau này thánh Gio-an sẽ giải thích: không thể có lòng mến Chúa vô hình nếu không thương người hữu hình (1Ga 4,20).

    Khi Chúa Giê-su bảo người thông luật “hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi“, Chúa như đặt một tấm gương để tự chúng ta soi xem mình có yêu “kẻ khác” hay không? Ai cũng yêu mình, không ai ghét mình bao giờ. Chúa Giê-su xem tình yêu “kẻ khác” như “mệnh lệnh của Người,” mệnh lệnh tóm tắt toàn thể lề luật. “Đây là mệnh lệnh của Thầy, là anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em” (Ga 15, 12).

    Chúa Giê-su kết luận: “Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó” (Mt 22, 38)Điều răn thì có: thứ nhất mến Chúa, thứ hai yêu người, nhưng mến Chúa thì phải yêu người.

    Vừa mến Chúa vừa yêu người

    Chúng ta đừng tưởng, thời Cựu Ước dân sống như kiểu luật rừng. Không, lời Chúa trong bài đọc I cho thấy dân 3.000 năm trước đã sống rất nhân đạo. Chúa truyền cho họ: “Ngươi chớ làm phiền lòng và ức hiếp khách ngoại kiều: vì các ngươi cũng là khách ngoại kiều ngụ trong đất Ai-cập” (Xh 22,20). Và Ngài dạy: “Các ngươi đừng làm hại cô nhi quả phụ. Nếu các ngươi hà hiếp những kẻ ấy, họ sẽ kêu thấu đến Ta, và chính Ta đã nghe tiếng họ kêu van. Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ, sẽ dùng gươm giết các ngươi, vợ các ngươi sẽ phải góa bụa, và con cái các ngươi sẽ phải mồ côi” (Xh 22,21-27).

    Ngay cả khi cho vay cũng không được lấy lãi. Ðược giữ vật thế chân để tránh sự lạm dụng, nhưng những đồ cầm đó phải trả lại trước khi mặt trời lặn, kẻo đêm lạnh người nghèo không có áo che thân (x. Xh 22,25-26).

    Như thế, yêu không phải vì mọi người là đồng loại, hoặc vì phải nhớ lại hồi trước dân đã từng là nạn nhân của nhiều sự bóc lột, nhưng nhất là vì Thiên Chúa là Ðấng lân tuất, luôn xót thương và bênh vực những kẻ khó nghèo và yếu thế, chống lại bóc lột. Chúa đòi cho mọi người được bình đẳng vì tất cả đều là hình ảnh Chúa. Ai muốn đẹp lòng Chúa thì phải săn sóc đến tha nhân. Chúa không tách rời lòng đạo đức và tình đồng loại, cũng không đồng hóa hai vấn đề mến Chúa và yêu người; Chúa chỉ chấp nhận những lòng mến Chúa đồng thời cũng yêu người.

    Lạy Chúa, vì Chúa thì con yêu người như mình con vậy. Amen.

     

    5.3 -  TGM Giuse Nguyễn Năng

    Suy niệm: Qua bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu đã tóm tắt cả các giới luật quy về hai điều quan trọng: mến Chúa - yêu người. Phải yêu Chúa toàn vẹn con người chúng ta; và yêu tha nhân như chính mình. Trong tương quan với Chúa, nhiều khi chúng ta đến với Ngài để thỏa mãn nhu cầu của chúng ta mà thôi. Chúng ta tính toán với Chúa từng giây từng phút. Còn với anh em, chúng ta hẹp hòi, khó tha thứ. Lời Chúa hôm nay cật vấn chúng ta, chúng ta có suy nghĩ gì ?

    Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy chúng con luôn ý thức rằng mọi sự đều là của chúa và tất cả những gì chúng con có đều do Chúa ban. Xin ban cho chúng con luôn nhận ra tình yêu của Chúa đối với chúng con, để chúng con biết đáp trả tình Chúa bằng trái tim yêu mến thâm sâu, và sống quảng đại chia sẻ tình thương Chúa cho những anh em đang cần chúng con giúp đỡ. Amen.

    Ghi nhớ: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi”.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Bài viết liên quan