Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật Tuần 32 - Năm A (Mt 23, 1-12)

  • 11/11/2023 20:13
  • “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!” (Mt 25,8).

    Chúa nhật 32 Thường niên năm A - Cô dại, cô khôn (Mt 25,1-13)

     

    1. Bài đọc 1:  Kn 6, 13-17 (Hl 12-16)

    “Những ai tìm kiếm sự khôn ngoan, sẽ gặp được nó”.

    Trích sách Khôn Ngoan.

    Sự khôn ngoan sáng tỏ, và không bao giờ lu mờ, những ai yêu mến nó, sẽ xem nó dễ dàng, và những ai tìm kiếm nó, sẽ gặp được nó. Nó sẽ đón tiếp những ai khao khát nó, để tỏ mình ra cho họ trước.

    Từ sáng sớm, ai tỉnh thức tiến lại gần nó, sẽ không lao nhọc, vì sẽ gặp nó ngồi nơi cửa nhà mình. Vậy tưởng nhớ đến nó là được khôn sáng vẹn tuyền; và ai tỉnh thức vì nó, sẽ chóng được an tâm. Vì nó chu du tìm kiếm những kẻ xứng đáng với mình, vui vẻ tỏ mình ra cho những kẻ ấy trong các đường lối, và hết sức ân cần đón tiếp họ.

    Ðó là lời Chúa.

     

    2.  Đáp ca:  Tv 62, 2. 3-4. 5-6. 7-8

    Đáp:  Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khao khát Chúa (c. 2b).

    Xướng:

    1) Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước. - Đáp.

    2) Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quanh của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài. - Đáp.

    3) Con sẽ chúc tụng Ngài như thế trọn đời con, con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thỏa dường như bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ. - Đáp.

    4) Trên giường ngủ, khi con nhớ Chúa, con ngẫm suy về Chúa suốt năm canh. Vì Chúa đã ra tay trợ phù con, để con được hoan hỉ núp trong bóng cánh của Ngài.

     

    3. Bài đọc 2:  1 Tx 4, 13-14 (hoặc 13-18)

    “Nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem những người đã chết đến làm một với Người”.

    Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

    Anh em thân mến, chúng tôi chẳng muốn để anh em không biết gì về số phận những người đã an nghỉ, để anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những kẻ không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì cũng vậy, những người đã chết nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem họ đến làm một với Người.

    Bởi vậy, chúng tôi dựa vào lời Chúa để nói cùng anh em điều này: chúng ta, những kẻ đang sống, những kẻ còn sót lại khi Chúa đến, thì chúng ta không đi trước những người đã an nghỉ. Vì khi nghe lệnh và tiếng Tổng lãnh Thiên thần, và tiếng loa Thiên Chúa, thì chính Chúa từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước hết, rồi đến chúng ta, những kẻ đang sống, những kẻ còn sống sót, chúng ta sẽ được nhắc lên cùng với họ trên các tầng mây, đi đón Đức Kitô trên không trung, và như vậy, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa luôn mãi. Vì thế, anh em hãy dùng những lời đó mà an ủi nhau.

    Đó là lời Chúa.

     

    4.  Tin Mừng:  Mt 25, 1-13

    “Kia chàng rể đến, hãy ra đón người”.

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

    1 “Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. 2 Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn.

    3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. 4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. 5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. 6 Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi!”

    7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. 8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!” 9 Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.” 10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại.

    11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!” 12 Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!”

    13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.

    Đó là lời Chúa.

     

    5. Suy niệm:  

    5.1  Đức khôn ngoan - +TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

    “Khôn ngoan”, trong từ điển Tiếng Việt được định nghĩa là “khéo léo trong việc cư xử với mọi người”. Từ điển Wikipedia lại giải thích dài hơn như sau: “Sự khôn ngoan hay sự thận trọng (tiếng Latinh: prudentia, tiếng Anh: prudence) là khả năng quản trị và kỷ luật bản thân thông qua việc sử dụng lý trí. Sự khôn ngoan được coi là một đức hạnh, và đặc biệt là một trong bốn đức hạnh cốt yếu (cùng với Can đảmCông bằng và Tiết độ)”. Đối với thánh Tô-ma A-qui-nô, ngài coi khôn ngoan là nguyên nhân, phương pháp và hình thức của mọi đức hạnh.

    Lời Chúa trong cuốn sách mang tên “Sách Khôn Ngoan” của Chúa nhật 32 hôm nay lại định nghĩa “khôn ngoan” theo một ý hướng khác. Xin lưu ý là chữ “Khôn Ngoan” tác giả đặt ở chữ viết hoa. Điều này cho thấy “Đức Khôn Ngoan” ở đây không theo nghĩa thông thường. Dưới lăng kính Ki-tô giáo, Đức Khôn Ngoan chính là Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Người có từ thuở ban sơ, hiện diện cùng với Thiên Chúa, để cùng Chúa Cha sáng tạo muôn loài. Những ai thiện chí tìm kiếm Đức Khôn Ngoan thì Người sẽ cho gặp. Đức Giê-su đã quả quyết: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28). Hôm nay, Đức Giê-su, tức là Đức Khôn Ngoan, vẫn đang không ngừng tìm kiếm chúng ta. Người sẽ tỏ mình ra cho chúng ta, nếu chúng ta trở nên nghĩa thiết với Người. Người soi sáng cho chúng ta, nhờ đó chúng ta nhận ra lẽ phải để biết đối nhân xử thế một cách hài hòa.

    Hiểu như thế, chúng ta sẽ nhận ra, lý tưởng đời sống Ki-tô hữu là tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, tức là Đức Ki-tô, đồng thời cố gắng mỗi ngày để nên giống như Người. Danh xưng “Ki-tô hữu”, vừa có nghĩa “người được xức dầu”, vừa khẳng định chúng ta thuộc về Đức Ki-tô, tin vào Đức Ki-tô và phấn đấu để nên giống Đức Ki-tô trong tư tưởng, lời nói và việc làm.

    Một khi có Đức Khôn Ngoan hướng dẫn, chúng ta sẽ biết nhìn xa trông rộng, để sống tốt hiện tại và chuẩn bị cho tương lai. Trên đời, có những người đạt được Đức Khôn Ngoan; nhưng cũng có người không được như vậy. Dụ ngôn “Mười trinh nữ” được thánh Mát-thêu đặt vào văn mạch những bài giảng của Chúa Giê-su về cánh chung, tức là vào lúc tận thế. Người ta có thể khôn ngoan trong những suy tính thế gian, nhưng chưa chắc đã khôn ngoan khi lo liệu hạnh phúc vĩnh cửu. Những cô khờ dại chỉ nhìn trước mắt. Họ chú ý đến trang điểm và làm duyên cầu kỳ, mà không nghĩ đến sự thận trọng và vẻ đẹp tâm hồn. Một điều cần lưu ý là cả người khôn và người dại cuối cùng đều phải trình diện trước nhan Chúa, nhưng tương lai của họ thì hoàn toàn khác nhau.

    Như chúng ta đã biết, hình ảnh tiệc cưới được Chúa Giê-su sử dụng nhiều lần trong Tin Mừng, hầu hết đều mang nội dung giáo huấn về ngày cánh chung. Sống ở đời, chúng ta đang chuẩn bị cho ngày đó. Dù sớm hay muộn, ngày ấy cũng sẽ đến. Nhiều người lập luận rằng: những người Công giáo cứ nói đến cánh chung từ hàng ngàn năm nay rồi, mà ngày ấy đâu có đến. Quả thật, ngày cánh chung chưa đến, nhưng Chúa Giê-su nói với chúng ta trong câu kết của bài Tin Mừng hôm nay: “Anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào” (câu 13). Hơn nữa, nếu ngày cánh chung hay tận thế hiểu theo nghĩa phổ quát chưa đến, thì đối với mỗi chúng ta, lúc kết thúc cuộc đời dương thế, mà chúng ta vẫn gọi là giờ chết, thì đó chính là tận thế và là ngày phán xét riêng Chúa dành cho chúng ta. Đó là lý do vì sao chúng ta phải luôn khôn ngoan chuẩn bị cho tương lai đời mình. Năm trinh nữ khờ dại đã không nghĩ đến chuyện đó, nên các cô đã bị lỡ.

    Qua dụ ngôn “Mười trinh nữ” Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta về sự sống sau khi chết. Chết là biến đổi sang trạng thái khác. Đối với những ai tín trung với Chúa, chết là gặp gỡ Chúa, và là dự tiệc vui muôn đời. Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Thê-xa-nô-ni-ca đã đưa ra lời giải thích về sự chết, để người tín hữu không còn buồn phiền bi quan. Chúng ta kẻ trước người sau, ai cũng phải đến lúc kết thúc cuộc đời. Nếu sống thánh thiện thì sẽ được gặp nhau mãi mãi trên quê trời.

    Tháng Mười Một hằng năm được dành riêng để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất. Dụ ngôn “Mười trinh nữ” cũng thường được đọc trong thánh lễ an táng và cầu hồn, như một lời mời gọi những ai đang sống hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Khi cầu nguyện cho người đã qua đời, chúng ta cũng nghĩ đến thân phận mình. Hãy tìm kiến Đức Khôn Ngoan. Hãy theo học với Người. Tác giả Thánh vịnh (Đáp ca) đã thưa với Chúa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, ngay từ rạng đông, con tìm kiếm Chúa”. Ước chi mỗi chúng ta cũng khởi đầu ngày mới bằng việc tìm kiếm Chúa, tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, để chúng ta cũng được nên khôn ngoan giống như Người.

     

    5.2  Không thể vào thiên đàng bằng đức tin vay mượn - Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

    Đọc dụ ngôn Mười Cô Trinh Nữ lên, chúng ta thấy có điều không ổn, bởi đám cưới có bao điều cần thiết, chứ đâu chỉ cần mỗi người một đèn sáng trong tay là vào dự tiệc cưới. Chàng rể đến cũng phải đem đèn đi theo chứ, vả lại năm cô có đèn mà đèn hết dầu thì vẫn còn năm cô kia, hai người một đèn không đủ sao? Mà cũng thật là thiếu bác ái trong nhóm phù dâu này. Mười chị em cùng nhóm phù râu với nhau mà cũng không chịu chia sẻ dầu cho nhau để tất cả có dầu đèn cùng vào dự tiệc cưới thì vui biết mấy. Khi kể dụ ngôn này, Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta điều gì

    Dầu đức tin

    Năm cô có đèn nhưng hết dầu xin năm cô đèn còn sáng, lại có dầu dự trữ nữa, vậy mà năm cô kia không cho. Chẳng những thế lại còn nói: “E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra hàng mà mua thì hơn” (Mt 25, 9). Tin Mừng kể lại, chính lúc năm cô đi mua thì chàng rể đến và cửa đóng lại. Lúc năm cô có dầu, đèn sáng về gõ cửa, chính chú rể đích thân ra mở cửa, thấy năm cô, nhưng lại trả lời một cách khắc nghiệt: “Ta không biết các ngươi” (Mt 25, 12). Các cô là những người giúp việc nhà, là những người quen thuộc, mà chú rể nói rằng không quen, không biết. Đành rằng chú rể không biết các cô. Thế còn năm cô bạn kia đâu, sao không ra nhận bạn đưa vào? Hậu quả năm cô này được gọi là năm cô khờ dại, vì đã mang được đèn mà không mang dầu theo. Thật là kết cuộc đáng buồn cho những ai không chuẩn bị sẵn sàng!

    Dụ ngôn muốn ám chỉ, dầu ở đây là dầu đức tin. Đức tin cần thiết để được ơn cứu độ. Đức tin không thể vay mượn được. Có đi mua chăng nữa thì cũng uổng công vô ích.

    Không ai có thể vào thiên đàng bằng đức tin vay mượn

    Đây chỉ là dụ ngôn Chúa Giê-su kể cho các môn đệ, chứ thực tế không có đám cưới nào hay đám rước dâu nào lại xảy ra như thế cả. Dù chàng rể có tới trễ, chắc chẳng ai ngủ được, phương chi các cô phù dâu, quần áo đầu tóc như thế làm sao mà ngủ nổi? Khi nói dụ ngôn này, Chúa Giê-su chỉ muốn dạy chúng ta rằng Không ai có thể vào thiên đàng bằng đức tin vay mượn.

    Chàng rể chính là Chúa Giê-su, mười trinh nữ phù dâu là toàn thể nhân loại, được Thiên Chúa yêu thương và đón mời về dự tiệc cưới Nước Trời. Dầu và đèn là điều kiện cần có để được tham dự tiệc cưới, thì đức đức tin cũng cần thiết để được vào Thiên Đàng. Mười cô phù dâu, có năm cô khôn và năm cô dại là hình ảnh nhân loại có người dại người khôn. Khôn hay dại tùy thuộc vào thái độ họ có biết sẵn sàng chuẩn bị cho mình đức tin cần thiết không. Cái làm cho mười cô trở thành khôn dại khác nhau ở chỗ cẩn thận và sẵn sàng. Cả mười cô đều ngủ, nhưng năm cô khôn ngủ trong thái độ tin. Còn năm cô dại đã ngủ trong một thái độ chểnh mảng, tới đâu hay tới đó, đến khi “hay” được thì đã quá muộn.

    Còn việc chàng rể đến chậm, đến trễ, đến bất ngờ ám chỉ việc Chúa đến. Chắc chắn Chúa sẽ đến, nhưng hoàn toàn bất ngờ, đột xuất, nên ai khôn thì sẵn sàng chờ đón ngày chung cục của thế giới, ngày cánh chung, ngày tận thế, ngày Chúa phán xét toàn thể nhân loại. Ngày đó không ai biết trước được. Sẵn sàng đón nhận giờ chết, giờ bất ngờ, không ai biết trước được. Đòi hỏi mỗi người phải hết sức cẩn thận, phải tin cho đủ với đèn nhân đức tích sẵn thì được vào Nước Trời. Đây chính là bài học Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta.

    Hãy học năm cô khôn

    Muốn đón Chúa chúng ta phải khôn ngoan, sẵn sàng có nghĩa là đèn phải luôn có dầu. Đèn ở đây là chính đức tin, tình yêu, một lòng mến bình thường, không gây mỏi mệt và buồn chán. Đèn muốn hữu dụng phải có dầu. Dầu đốt mãi cũng phải hết. Vậy, chúng ta phải tích trữ dầu càng nhiều càng tốt. Từng giọt dầu nhỏ bé được thêm vào liên tục là những công việc nhỏ bé, tốt lành, thiện hảo trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Đó là những giọt dầu của tình yêu và lòng mến, giữ cho ngọn lửa đức tin của chúng ta luôn cháy sáng. Với dầu cầu nguyện và việc lành luôn cháy sáng, Chúa sẽ nhận ra chúng ta.

    Dầu này là dầu không vay không mượn được như người ta tưởng, nghĩa là không ai có thể vào thiên đàng bằng đức tin vay mượn, nên không thể nói đến chuyện thiếu bác ái ở đây. Nhân đức và cách sống không thể cho vay cho mượn để vào Nước Trời, mỗi người phải tự tích luỹ cho mình, nghĩa là phải trở nên người thực thi lời Chúa hơn là người chỉ biết nghe lời Chúa. Chính Chúa Giê-su nhắn nhủ và mời gọi chúng ta: hãy khôn ngoan như năm cô trinh nữ đem đèn và dữ trữ cả dầu.

    Vậy, hãy mến chuộng Ðức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan ở đây là chính Chúa. Chúa là Đấng Khôn Ngoan “sáng tỏ, không bao giờ lu mờ” như câu đầu của bài đọc I hôm nay (Kn 6,12). Những “ai yêu mến nó, sẽ xem nó dễ dàng, và những ai tìm kiếm nó, sẽ gặp được nó. Nó sẽ đón tiếp những ai khao khát nó, để tỏ mình ra cho họ trước” (Kn 6,13).

    Như thế, muốn gặp Chúa phải tìm kiếm; nhưng chỉ ai yêu mến Chúa mới tìm kiếm Người. Duy trì được lòng yêu mến Chúa là có thái độ sẵn sàng; và ai làm như thế được kể là người khôn ngoan. Vậy người khôn có đèn cháy sáng trong tay để sẵn sàng đi gặp Chúa là người có Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến đã được đốt cháy khi chịu phép Rửa tội và đã nhận lấy một cây đèn cháy.

    Vậy, trong thời gian chờ ngày Chúa trở lại hãy giữ sao cho lòng mến Chúa cháy mãi. Hãy luôn tưởng nhớ và yêu mến Người. Nhất là hãy luôn luôn thi hành giới răn Người để lại là thi hành lòng bác ái. Như thế, Người đến lúc nào chúng ta vẫn sẵn sàng để vào dự tiệc đời đời với Người chẳng cần vay mượn hay đi mua gì cả.

     

    5.3  TGM Giuse Nguyễn Năng

    Suy niệm: Câu chuyện chàng rể đến giữa đêm khuya diễn tả niềm tin vào việc Ðức Kitô sẽ trở lại vào lúc không ai ngờ. Ðức Giêsu được ví như một chàng rể.

    Người Kitô hữu phải có thái độ như năm cô khôn ngoan. Phải biết chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng. Nghĩa là chu toàn bổn phận đối với Chúa: giữ các giới răn, sống lời Chúa, chu toàn nhiệm vụ đối với tha nhân: sống công bình bác ái, yêu thương mọi người.

    Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa có thể đến bất ngờ trong các cuộc đời chúng con. Bất ngờ gọi chúng con vào cuộc sống vĩnh cửu. Bất ngờ đến phán xét nhân loại. Xin cho chúng con biết tích cực chuẩn bị cuộc gặp gỡ bất ngờ này bằng đời sống trong ân sủng và an bình của Chúa. Amen.

    Ghi nhớ: “Kia chàng rể đến, hãy ra đón người”.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Bài viết liên quan