1. Bài đọc 1: Ðnl 18, 15-20
“Ta sẽ gầy dựng một tiên tri và Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng người”.
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Mô-sê nói với dân chúng rằng: “Chúa là Thiên Chúa các ngươi, sẽ gầy dựng giữa các ngươi và giữa những anh em các ngươi, một tiên tri như ta: các ngươi sẽ nghe lời người, như các nguơi đã xin cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi ở Khô-rếp khi có cuộc đại hội, và các ngươi nói rằng: Tôi không muốn nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa tôi nữa, tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết. Và Chúa phán cùng tôi: sự họ đã nói, là tốt. Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó. Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà nói lời Ta không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ chết”.
Ðó là lời Chúa.
2. Đáp ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9.
Đáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng (c. 8).
Xướng:
1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người.
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”.
3. Bài đọc 2: 1 Cr 7, 32-35
“Người nữ đồng trinh lo lắng việc Chúa, để nên thánh”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi ước mong anh em khỏi phải lo lắng. Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ đã có chồng thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình. Tôi nói thế vì ích lợi cho anh em, chứ không phải để gài bẫy anh em đâu, nhưng là để hướng dẫn anh em đến đời sống đoan chính và hoàn toàn khắng khít với Chúa.
Đó là lời Chúa.
4. Tin Mừng: Mc 1, 21-28
“Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
21 Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy.
22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: 24 “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”
25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”
26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.
27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì ? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”
28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
Đó là lời Chúa.
5. Suy niệm:
5.1 Nhiệm vụ ngôn sứ - +TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
Theo nguyên ngữ, “ngôn” là “lời” và “sứ” là “được sai đi”. Vậy, “ngôn sứ” là người “được sai đi để nói lời” của Chúa. Chính Thiên Chúa là người sai các ông đi, với sứ mạng chuyển tải giáo huấn của Ngài cho dân Ít-ra-en. Trong Cựu ước, có những vị ngôn sứ có ảnh hưởng rất lớn trong triều đình nhà vua, hoặc trong đời sống xã hội cũng như tôn giáo của người Do Thái, như Giê-rê-mi-a, I-sai-a hay Ê-dê-ki-en. Có những vị ngôn sứ “chuyên nghiệp” và cũng có những vị ngôn sứ “nhất thời”. Dù thuộc loại nào, các ngôn sứ đều là những người trung thành với sứ mạng được trao.
Nội dung những sứ điệp mà Thiên Chúa trao cho các ngôn sứ mang tính đa dạng. Có thể là lời cảnh báo, đe dọa, khiển trách, nhưng cũng là những lời khen ngợi hay an ủi, khích lệ động viên. Ngôn sứ là một nhiệm vụ khó khăn, vì nhiều khi phải tuyên bố những điều đi ngược lại với quan điểm và suy nghĩ của người đương thời. Có những khi vị ngôn sứ bị mua chuộc và “hối lộ” để nói khác đi điều Thiên Chúa sai nói. Cũng có trường hợp bị hành hạ, thậm chí đe dọa giết chết, như trường hợp ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Dù trong hoàn cảnh nào, ngôn sứ cũng phải trung thành với sứ mạng, nếu không, ông sẽ bị chính Chúa trừng phạt (x. Bài đọc I).
Đức Giê-su là vị ngôn sứ vĩ đại và đúng nghĩa nhất. Sách Đệ Nhị Luật (Bài đọc I) đã ghi lại những lời trăng trối của ông Môi-sen đã tiên báo về vị ngôn sứ này. “Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người”. “Vị ngôn sứ như ngươi” mà Thiên Chúa nói qua ông Môi-sen ở đây chính là Đức Giê-su Ki-tô. Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Mê-si-a được Chúa Cha sai đến trần gian để truyền đạt thánh ý của Ngài. Người đến trần gian để xua tan bóng tối, tiêu diệt và đẩy lui quyền lực của Sa-tan (x. Lời tung hô Tin Mừng). Chính thần ô uế (một tên gọi khác của ma quỷ) đã tuyên xưng Đức Giê-su là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Bằng một mệnh lệnh, Chúa Giê-su đã bắt nó phải buông tha người bị nó ám. Chắc hẳn lời tuyên xưng của thần ô uế đã làm cho nhiều người tin vào Chúa Giê-su, nhận ra Người là Đấng đến trần gian để xua đuổi thế lực của tối tăm, xây dựng một vương quốc thánh thiện nhằm thánh hóa con người. Trước uy quyền và sự khôn ngoan thông thái của Người, những người có mặt hôm đó tại hội đường, từ tâm trạng sững sờ đến trầm trồ thán phục: “Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”.
Sứ mạng của Chúa Giê-su cũng là canh tân việc thờ phượng để hướng con người về sự tôn thờ đích thực. Với chi tiết Người trừ thần ô uế trong Hội đường, tác giả muốn nói với chúng ta, ngay trong những không gian thánh thiêng và dành riêng cho việc phụng thờ, vẫn có thể có những thế lực xấu xa, lôi kéo con người đi ngược lại với giới luật của Chúa. Chúa Giê-su cũng dạy: “Không phải những ai nói “Lạy Chúa! Lạy Chúa! đều được vào Thiên đàng, nhưng là những ai thực hiện ý của Cha tôi”. Sự hiện diện của Thiên Chúa không bị giới hạn bởi đền thờ hay hội đường. Tình yêu thương của Chúa không phân biệt sắc tộc hay ngôn ngữ, nhưng ở đâu có tình bác ái huynh đệ thì ở đó có Đức Chúa Trời. Theo giáo huấn của Chúa Giê-su, lời ca tụng tôn vinh Thiên Chúa phải xuất phát từ tấm lòng chân thành và phải đi đôi với thiện chí để nên trọn lành.
Tại sao ngày nay không còn những vị ngôn sứ như ngày xưa? Bởi lẽ đã có Đức Giê-su là vị ngôn sứ vĩ đại. Tác giả thư Do Thái đã khẳng định: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Con của Ngài” (Dt 1,1). Giáo huấn của Người được các tác giả Tin Mừng ghi lại mang nội dung đầy đủ, tóm lược và hoàn thiện giáo huấn của các ngôn sứ thời Cựu ước. Nơi Chúa Giê-su, Thiên Chúa Cha đã diễn tả đầy đủ những gì Ngài cần nói với con người. Với Đức Giê-su, Thiên Chúa Cha không cần trung gian nào nữa để chuyển tải sứ điệp của Ngài. Đàng khác, nhờ phép Thánh tẩy, mỗi Ki-tô hữu đều là ngôn sứ. Bí tích Thánh tẩy làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su. Những ai mang danh Ki-tô hữu được chia sẻ quyền năng của Người. Quyền năng ấy do Chúa Thánh Thần thông ban. Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa và là Đấng soi sáng phù trợ các tín hữu. Loan báo Đức Giê-su là sứ mạng và vinh dự của mỗi Ki-tô hữu.
Tuy vậy, trước khi nói đến loan truyền Tin Mừng cho người khác, mỗi chúng ta phải cố gắng thanh tẩy chính mình. Trong con người của chúng ta, đang hiện hữu vừa ánh sáng vừa bóng tối, vừa hình ảnh của Thiên Chúa nhưng cũng vừa hình ảnh của Sa-tan. Chính vì thế mà chúng ta phải thanh tẩy bản thân mỗi ngày. Ơn gọi nên thánh không phải là những điều quá sức con người, mà đó là những điều rất bình dị trong cuộc sống. Thánh Phao-lô đã cụ thể hóa đời sống Ki-tô hữu bằng cách khuyên mỗi người trong gia đình và trong cộng đoàn hãy chuyên tâm thực thi bổn phận của mình đối với Chúa và đối với tha nhân. Người lập gia đình thì chăm lo việc gia đình. Người tu hành thì chăm lo việc Chúa. Những công việc đời thường, nếu được chu toàn với thiện ý và với tâm tình Đức tin, thì cũng góp phần làm cho chúng ta nên hoàn thiện (Bài đọc II). Như thế, bất cứ ở bậc sống nào, chúng ta có thể trở thành ngôn sứ của Chúa.
Ki-tô hữu là hình ảnh của Đức Ki-tô giữa trần gian. Xin cho chúng ta biết thực thi sứ vụ rao giảng Lời Chúa trong đời sống cụ thể, để thánh hóa bản thân và giúp nhiều người khác nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời.
5.2 Phép lạ trừ quỷ của Chúa Giêsu - Lm. Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng
Tin Mừng Chúa nhật thứ IV Thường niên năm B sắp tới kể rằng, khi Đức Giê-su đang giảng dạy trong hội đường Ca-phác-na-um, bỗng xuất hiện một người bị thần ô uế nhập, anh ta kêu lớn tiếng, và Đức Giê-su đã quát mắng thần ô uế, bắt nó phải xuất khỏi người đó (x. Mc 1,21-28).
Trong bài học hỏi hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các phép lạ trừ quỷ của Đức Giê-su.
Như chúng ta biết, trong thời gian rao giảng, Chúa Giê-su đã làm rất nhiều phép lạ (x. Ga 20,30) có thể tạm phân loại như sau : 1/phép lạ trên thiên nhiên, 2/phép lạ trên con người, và 3/phép lạ trừ quỷ. Những phép lạ là những dấu chỉ cho thấy quyền năng của Thiên Chúa hoạt động nơi Đức Giê-su.
Trừ quỷ là trục xuất thần dữ ra khỏi một người. Đức Giê-su dùng quyền năng của chính Người mà xua trừ ma quỷ. Người cũng trao quyền ấy cho các môn đệ : “Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3,14b-15). “Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1).
Chúa Giê-su trừ quỷ khiến “mọi người đều kinh ngạc, đến nỗi họ bàn tán với nhau. Thế nghĩa là gì?... Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! “ (Mc 1,27 ; Lc 4,36 ; Mt 12,25-28). Đức Giê-su thể hiện uy quyền trên các tà thần chứng tỏ uy quyền của Thiên Chúa hiện diện nơi Người và vương quốc của Xa-tan bị đánh bạ (x. Mt 12,29 ; Mc 3,27 ; Lc 11,21-22).
Vậy, chúng ta cùng tìm hiểu xem thần ô uế hay ma quỷ là ai. Các tác giả Tân Ước sử dụng những thuật ngữ khác nhau để chỉ những thực thể thiêng liêng đối kháng với Thiên Chúa.
1- Thần ô uế : danh từ Hy-lạp là pneu-ma a-ka-thar-ton (πνεũμα ἀκάθαρτον - x. Mt 10,1 ; 12,43 ; Mc 1,23.26.27 ; Lc 6,18 ; Cv 5,16 và Kh 18,2). Đây là cách gọi phổ biến của người Do-thái để chỉ ma quỷ. Ô uế ở đây không hẳn theo nghĩa luân lý nhưng đúng hơn là sự đối lập với sự thánh thiêng. Nhiều lần Thiên Chúa đòi hỏi dân Người chớ để mình ra ô uế vì các ngẫu thần (x. Ed 20,7.18) vì thế có thể nói thần ô uế là mãnh lực tăm tối chống lại Thiên Chúa và con người.
2- Ma quỷ : danh từ Hy-lạp là đai-mo-ni-on (δαιμόνιον). Danh từ này được sử dụng nhiều nhất trong Tân Ước, hơn 30 lần để chỉ các thần dữ làm hại con người (x. Mt 7,22 ; Mc 1,39 ; Lc 4,35 ; Ga 7,20 ; 1 Cr 10,20 ; Gc 2,19 ; Kh 16,14…)
3- Quỷ : danh từ Hy-lạp là đi-a-bo-los (διάβολος) : Tác giả Mác-cô không sử dụng từ này, nhưng trong trình thuật Chúa Giê-su chịu cám dỗ, cả hai tác giả Mát-thêu và Lu-ca cùng sử dụng từ này để chỉ tên quỷ cám dỗ Chúa (x. Mt 4,1.5.8.11 // Lc 4,2.3.6.13). Tác giả Gio-an chỉ dùng 3 lần, mà 2 lần để ám chỉ Giu-đa Ít-ca-ri-ốt (Ga 6,70 ; 13,2). Các tác giả khác cũng sử dụng từ này để chỉ ma quỷ (x. Ep 4,27 ; 1 Tm 3,6 ; 1 Pr 5,8 ; Kh 12,12).
Tác giả Mác-cô sử dụng hai từ pneu-ma a-ka-thar-ton và từ đai-mo-ni-on với cùng ý nghĩa như nhau (so sánh : Mc 6,7 và 13 ; 7,25 và 26). Danh từ đai-mo-ni-on (δαιμόνιον) do bởi động từ đai-mo-ni-zo-mai (δαιμόνιζομαι) hầu hết là của hai tác giả Mát-thêu và Mác-cô, động từ này luôn luôn đặt ở lối động tính từ, dạng thụ động và được dịch là “kẻ bị quỷ ám” ( x. Mt 4,24 ; 8,16.28.33 ; Mc 1,32 ; 5,15.16.18).
Tác giả Tin Mừng, đặc biệt là Mác-cô đã thuật lại những lần Chúa Giê-su trừ quỷ bằng một lối văn sống động, nhưng không có những chi tiết ly kỳ để thoả tính hiếu kỳ của độc giả. Đây là lần trừ quỷ thứ nhất trong 4 lần được Tin Mừng Mác-cô kể lại (x. Mc 1,23-26 ; 5,1-20 ; 7,24-30 và 9,14-29).
Trong câu chuyện trừ quỷ của Chúa nhật này, tác giả thuật lại rằng kẻ bị thần ô uế nhập đã la lên, thì phải hiểu là chính thần ô uế la to qua miệng kẻ bị quỷ ám. Câu nói của thần ô uế nguyên văn là : Này ông Giê-su Na-da-rét ! Có điều gì cho chúng tôi và ông? Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao ? Tôi biết ông là ai, Đấng Thánh của Thiên Chúa !
Câu hỏi : “Có điều gì cho (chúng) tôi và ông ?”, là một công thức khá quen thuộc trong một vài trình thuật Kinh Thánh, nó mang ý nghĩa từ chối can dự vào việc do người khác đề xuất. Chúng ta tìm thấy trong 1 V 17,18 (bản LXX) ; lời bà goá ở Xa-rép-ta trách ông Ê-li-a, chỉ vì ông mà đứa con trai của bà bị chết ; hoặc 2 V 3,13 lời ông Ê-li-sa nói với vua Ít-ra-en khi vua đến xin ông thỉnh ý Đức Chúa. Sau này, chính Chúa Giê-su cũng dùng kiểu nói này với Đức Ma-ri-a trong tiệc cưới Ca-na, và thường được dịch cho dễ hiểu là “chuyện đó can gì đến bà và tôi?” (Ga 2,4). Tuy nhiên, ở Mc 1,24 và 5,7 câu “Có điều gì cho (chúng) tôi và ông ?” được ma quỷ dùng như một sự phòng bị để chống lại việc Đức Giê-su sẽ làm là trục xuất ma quỷ.
Đức Giê-su đến trần gian để khai mở một triều đại mới, là vương quốc Thiên Chúa. Ma quỷ biết rõ điều này, và sự xuất hiện của Đức Giê-su là mối đe doạ cho chúng, nên trong câu hỏi, thần ô uế tự xưng là “chúng tôi” như thể nói thay cho cả thế giới của ma quỷ. Trong thế giới cổ đại, đặc biệt trong Kinh Thánh, đặt tên cho vật nào hay biết rõ tên của một người có nghĩa là có quyền trên người đó. Vì thế lúc này tên quỷ chuyển sang danh xưng “tôi” : “Tôi biết ông là ai, Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Nhưng chỉ có Thiên Chúa mới có quyền trên tất cả mọi thụ tạo, vì thế Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” Kết quả là thần ô uế đã bị khuất phục trước lời đầy quyền năng của Đức Giê-su và bị trục xuất khỏi kẻ bị quỷ ám (x. Mc 1,26).
Chứng kiến Đức Giê-su làm phép lạ xua đuổi thần ô uế, biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa, cũng như được nghe những lời giảng dạy đầy uy quyền của Người, hơn hẳn những kinh sư trong Do-thái giáo, dân chúng rất đỗi kinh ngạc. Chẳng mấy chốc tin tức đã lan truyền khắp nơi, đến cả những vùng lân cận miền Ga-li-lê (x. Mc 1,27-28).
Mác-cô đã dùng câu chuyện Đức Giê-su đụng độ với tà thần, để mở đầu sứ vụ công khai của Người ngay sau khi kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên (1,16-20) và Mác-cô lấy câu chuyện trừ quỷ này làm khuôn mẫu cho những lần trừ quỷ sau đó. Khuôn mẫu ấy gồm những bước tuần tự như sau :
(1) cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su với ma quỷ (1,23) ;
(2) ma quỷ cố chống lại quyền năng Thiên Chúa (1,24) ;
(3) lời quát mắng đầy quyền năng của Đức Giê-su (1,25a) ;
(4) lệnh truyền phải xuất khỏi người bị ám (1,25b) ;
(5) quỷ phải mau chóng thi hành (1,26) ;
(6) thường có lệnh truyền phải giữ kín (x. 3,12) ;
(7) những phản ứng : kinh ngạc, thắc mắc hoặc câu chuyện được lan truyền (x. 1,27-28).
Cách trình bày câu chuyện trừ quỷ của Mác-cô cho chúng ta thấy rõ chân tính của Đức Giê-su. Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa (1,24b) mà ngay cả quyền lực tà thần cũng phải tuyên xưng. Hơn nữa, Mác-cô muốn nhấn mạnh rằng Đức Giê-su là Đấng mạnh mẽ hơn ma quỷ (x. Mc 1,7.13) và đã đuổi chúng ra khỏi nơi chúng cư ngụ (x. Mc 3,23-27). Lời Người mạnh mẽ đến nỗi ma quỷ phải run khiếp và van xin Người nương tay cho chúng (x. Mc 5,12).
Kết luận
Qua những điều tìm hiểu dựa trên Kinh Thánh, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng, ma quỷ thực sự hiện hữu trong thế giới và Giáo Lý Công Giáo dạy rằng ma quỷ cũng là thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên vốn tốt lành, nhưng là thụ tạo sa ngã và làm cho mình ra xấu xa và gian ác (GLHTCG, 391). Ngay từ khởi thuỷ ma quỷ đã muốn lôi kéo con người chống lại Thiên Chúa (x. St 3), và trải dài suốt dòng lịch sử, ma quỷ luôn tìm mọi cách để cám dỗ và làm hại con người. Nhưng dù ma quỷ có quyền lực đến đâu thì nó vẫn chỉ thụ tạo có giới hạn. Những hoạt động do ma quỷ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho mỗi người và cho xã hội, trong lãnh vực tinh thần cũng như vật chất, ấy là vì được sự cho phép của Chúa Quan Phòng, Đấng điều khiển lịch sử loài người. Việc Thiên Chúa cho phép ma quỷ hoạt động là mầu nhiệm về sự dữ, nhưng “chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người.” (GLHTCG, 395).
Để kết thúc bài học hôm nay, chúng ta hãy dùng Tv 57,2-7.8 để xin Chúa che chở gìn giữ chúng trước những tấn kích của tà thần :
Xin thương xót con cùng, lạy Thiên Chúa,
xin Ngài thương xót con,
này con đến ẩn náu bên Ngài ;
dưới bóng Ngài, này con ẩn náu,
tới khi nào hết tai hoạ khổ đau.
Tôi kêu cầu Chúa Tối Cao,
Chúa ban ơn phúc dồi dào cho tôi.
Tự trời xanh, mong Người đưa tay giải thoát,
hạ nhục kẻ thù tấn công tôi.
Xin Chúa Trời gửi xuống
tình thương và lòng thành tín của Người.
Tôi phải nằm giữa bầy sư tử, loài thú ăn thịt người ;
nanh vuốt chúng là đầu tên mũi giáo,
lưỡi thì sắc bén tựa gươm đao.
Lạy Thiên Chúa, xin biểu thị uy phong khắp cõi trời
và chiếu toả vinh quang đầy mặt đất.
Dưới chân con, chúng đã giăng lưới sẵn,
cho con phải mắc vào.
Trước mặt con, chúng đào hầm đào hố,
chính chúng lại sa chân.
Con an lòng, lạy Thiên Chúa, con vững dạ an lòng,
Này con xin đàn hát xướng ca.
Nguồn tin: https://www.tonggiaophanhanoi.org/
https://tgpsaigon.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 234 | Tổng lượt truy cập: 4,164,534