1. Tin mừng: Lc 4, 21 - 30
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu nói trong hội đường rằng: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: “Người này không phải là con ông Giuse sao?”
Và Người nói với họ: “Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: ‘Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình!’ Ðiều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông'”. Người nói tiếp: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật với các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Elia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Elia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”.
Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.
2. Suy niệm:
Chúa Nhật tuần này được xem như là việc tiếp tục suy niệm những chủ đề chính của Chúa Nhật tuần trước. Thực sự, chúng ta có thể có cái nhìn lệch lạc về ý tưởng thần học của Chúa Nhật tuần trước, nếu chúng ta không đặt nó tiếp nối với ý tưởng thần học của Chúa Nhật tuần này. Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước dừng lại với Lời giải thích của Chúa Giêsu về bản văn mang tính ngôn sứ được đọc trong những lễ nghi tại Hội đường. Khi chỉ nhìn vào những chủ đề của Chúa Nhật tuần trước, chúng ta thấy khả năng biến đổi tích cực của Lời Chúa khi Lời được loan báo. Nhưng Chúa Nhật tuần này lại là những phản ứng phẫn nộ của dân chúng khi lắng nghe Lời của Chúa Giêsu, và chúng ta nhận ra sự đa dạng trong những lời đáp trả.
Sự đa dạng trong những lời đáp trả
Trong những lúc sốt sắng, chúng ta có thể hết lòng thưa “xin vâng” với Lời Chúa, nhưng thực tế, lời thưa “xin vâng” hiếm khi mà không phức tạp. Ngay cả những người nghe Chúa Giêsu lần đầu cũng ngạc nhiên về những Lời Ngài nói và sau đó họ lại tìm cách xô Ngài xuống vực. Họ đã nhanh chóng trở mặt sau khi đánh giá cao về Ngài. Hoặc sự đón nhận của họ là nông cạn hoặc họ đã không tính đến sự xung đột hiện diện trong rất nhiều hành vi của con người.. Vì vậy, nhiều khi chúng ta thực sự hành xử theo cách mà chúng ta muốn mà chúng ta lại không làm, hoặc những gì chúng ta muốn làm mà chúng ta không thể thực hiện được. Trong những hoàn cảnh khác, chúng ta có thể sợ hãi người khác nhưng lại không dám quay lưng lại với họ vì chúng ta sợ trước quyền lực của họ, quyền lực mà chúng ta không thể hiểu được, cũng như chẳng kiểm soát được.
Một hoàn cảnh phức tạp tương tự cũng đã xảy ra trong cuộc đời của ngôn sứ Giêrêmia. Ông được Thiên Chúa cho biết về một vinh dự lớn lao rằng ông sẽ là ngôn sứ của Người. Thậm chí, ông được Thiên Chúa kêu gọi trước khi ông được sinh ra. Nhưng ông sẽ phải chiến đấu chống lại dân tộc mà ông sẽ được sai đến, đó là toàn thể nhà Giuđa: Những nhà lãnh đạo chính trị, các tư tế và dân chúng. Chính dân tộc được cho là sẽ đón nhận sứ vụ của ông lại là những người chiến đấu chống lại ông. Trong chính sự kháng cự và chống đối của dân chúng, Thiên Chúa sẽ bảo vệ ông. Đường lối của Thiên Chúa cũng muôn hình muôn vẻ như cách mà chúng ta đáp Lời của Ngài.
Những động cơ thúc đẩy và cách chúng ta phản ứng thường khá phức tạp dù mong ước trở thành một người tôi tớ trung thành trong chúng ta là chân thật. Nhận thức được điều này có thể khiến chúng ta thất vọng nặng nề. Chúng ta có thể tìm sự giúp đỡ nơi đâu? Ai là nguồn trợ lực của chúng ta? Câu đáp trong phần Thánh Vịnh – Đáp Ca giúp chúng ta có một lời cầu nguyện đơn sơ, một lời cầu nguyện phát xuất từ một tâm hồn khiêm nhượng thật sự: Thiên Chúa là nơi ta trú ẩn, và ta đặt niềm tin tưởng nơi Ngài.
Lời mời gọi đến cấp độ sâu hơn
Cũng quan trọng như sự hiểu biết sâu sắc, sự cam kết hoàn toàn và lòng can đảm dưới ngọn lửa, sự đáp trả lớn nhất đối với thử thách mà Lời Chúa đặt ra cho chúng ta chính là tình yêu. Bất chấp những khó khăn xảy đến khi Lời được loan báo và những hiểu lầm xảy ra, Lời của Thiên Chúa vẫn được công bố. Cả ngôn sứ Giêrêmia và Chúa Giêsu đều không nao núng để công bố sứ điệp của các ngài, dù rằng các ngài có phải đối diện với những chống đối. Trái lại, thậm chí các ngài còn dấn mình sâu hơn vào tiếng gọi của tình yêu. Vì sợ Giêrêmia phải trải qua những vết thương lòng, Thiên Chúa đã che chở ông trong cánh tay của Ngài. Và chính Chúa Giêsu cũng thể hiện sự kiên nhẫn và nhân từ khi Ngài không dùng đến quyền năng mạnh mẽ của mình để đáp trả những đe dọa làm hại tới Ngài. Cả hai con người đều phải gánh chịu và lường trước những bất hạnh cay đắng trong cuộc đời. Đây là hình ảnh được đặt trước chúng ta như là tấm gương cho chúng ta noi theo.
Lời kêu gọi trở thành môn đệ là lời mời gọi sống trong thời đại cánh chung được Chúa Giêsu khai mở. Theo một cách riêng, đó cũng chính là thực tại mà Giêrêmia đã kêu gọi và cũng là thực tại mà chúng ta được kêu gọi để sống; sau cùng, chính thời đại viên mãn này mà Chúa Giêsu biểu lộ quyền năng và vinh quang của Ngài. Quay trở lại các chủ đề của ngày Chúa Nhật trước, chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng ta sống một đời sống mới. Có thể chúng ta phải chịu đựng những đau khổ xảy đến, nhưng chúng ta sẽ không cô đơn trong nỗi đau của mình. Như Thiên Chúa đã ở với Giêrêmia, vì vậy chúng ta cũng có thể tín thác rằng Ngài cũng sẽ ở với chúng ta khi chúng ta cần đến Ngài. Chúng ta phải nhớ rằng dù chúng ta có đáp trả thế nào, thì sự đáp trả của chúng ta cũng phải xuất phát từ tình yêu.
Tác giả bài viết: Nhóm dịch Ra Khơi, ĐCV. Bùi Chu chuyển ngữ
Nguồn tin: Dianne Bergant, Preaching the New Lectionary – Year C, Forth Sunday in Ordinary Time, The Liturgical Press.
Nguồn tin: https://gpbuichu.org
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 88 | Tổng lượt truy cập: 3,116,183