Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật - Tuần 5 năm B (Mc 1, 29-39)

  • 03/02/2024 20:40
  • “Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.

     

    1. Bài đọc 1:  G 7, 1-4. 6-7

    “Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”.

    Trích sách Gióp.

    Bấy giờ Gióp nói rằng: “Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất, ngày của họ giống như ngày của người làm công. Cũng như người nô lệ khát khao bóng mát, như người làm công ước mong lãnh tiền công thế nào, thì tôi cũng có những tháng nhàn rỗi, có những đêm người ta bắt tôi làm việc cực nhọc. Nếu tôi đi ngủ, thì tôi lại nói: “Chừng nào tôi mới thức dậy, và chừng nào là đến chiều? Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”. Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc”.

    Ðó là lời Chúa.

     

    2.  Đáp ca:  Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6

    Ðáp: Hãy chúc tụng Chúa, Ðấng cứu chữa những kẻ giập nát tâm can

    Hoặc đọc: Alleluia.

    Xướng:

    1)  Hãy ngợi khen Chúa, vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán.

    2)  Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một.

    3)  Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất.

     

    3. Bài đọc 2:  1 Cr 9, 16-19. 22-23

    “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”.

    Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

    Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi đem Tin Mừng biếu không, tôi không dùng quyền mà Tin Mừng dành cho tôi. Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng.

    Ðó là lời Chúa.

     

    4.  Tin Mừng:  Mc 1, 29-39

    “Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

    Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.

    Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.

    Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

    Ðó là lời Chúa.

     

    5. Suy niệm:  Sống vì người khác

    Sống trên đời, con người không phải là một hòn đảo đơn côi, nhưng sống với, sống vì và sống cho người khác. Lịch sử ghi nhận, có những người hiện hữu trên đời, tuổi thọ không được bao năm mà để lại cho hậu thế những di sản tốt đẹp. Họ là người biết sử dụng thời gian, đồng thời biết sống vì người khác. Danh thơm tiếng tốt của họ còn lưu danh thiên cổ. Người đời nhắc đến tên họ với niềm kính phục biết ơn.

    Xã hội hôm nay ngày càng được cải thiện, với những chuyển biến tích cực. Tuy vậy, mối tương quan liên vị xem ra càng ngày càng trở nên khô khan. Tình người và đạo hiếu, trong nhiều trường hợp, chỉ còn đọng lại ở những trang sách và thơ ca. Trong cuộc sống thường ngày, người ta ít có trách nhiệm đối với nhau. Hậu quả là những xung đột, xô xát, cướp bóc và giết người. Nền kinh tế mang danh “kinh tế thị trường” được so sánh như một chiến trường, tức là “anh sống thì tôi chết và ngược lại”. Do đó, cuộc sống trở nên nghiệt ngã, bất bao dung, khiến con người càng ngày càng vô cảm, thậm chí hoang dã với đồng loại.

    Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay kể lại những việc làm của Chúa Giê-su trong một ngày. Từ sáng đến tối, tất cả những gì Chúa làm đều nhằm mục đích phục vụ con người. Người đem đến cho nhân loại ơn chữa lành, hàn gắn những đổ vỡ, xây dựng tình thân ái và giúp con người tìm thấy nghị lực sống. Câu kết thúc của bài Tin Mừng như một kết thúc “mở”. Sau một ngày làm việc vất vả, Chúa Giê-su tiếp tục lên đường đến những thành phố và làng mạc khác. Người không dừng chân lâu ở một nơi nào, vì Người đến trần gian cốt để đem niềm vui và sự chữa lành cho con người.

    Mặc dù bận rộn suốt ngày, Chúa Giê-su không quên dành thời giờ để tâm sự với Chúa Cha. Sáng sớm, lúc trời còn tốt mịt, Chúa đã đi đến nơi hoang vắng để cầu nguyện. Cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Cha là nguồn nghị lực để Chúa Giê-su tiếp tục sứ mạng Chúa Cha trao phó. Chúa Giê-su đã tuyên bố: Người luôn làm theo ý Chúa Cha. Người chỉ làm những gì mà Chúa Cha muốn cho Người làm. Ý Chúa Cha rất quan trọng và là lương thực hằng ngày đối với Chúa Giê-su.

    Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta cảm thấy thời gian trôi đi đơn điệu và vô nghĩa. Đó là trường hợp của ông Gióp, một nhân vật của Cựu ước. Khi chiều xuống, ông mong sao tới sáng; khi ngày lên, ông lại chờ đợi hoàng hôn. Chính trong lúc cô đơn này mà ông Gióp cảm nhận quyền năng của Thiên Chúa. Nếu cuộc đời này chóng qua vô thường, thì Thiên Chúa lại bền vững vô song. Tình thương của Ngài trải rộng suốt bề dày của lịch sử, luôn ấp ủ đỡ nâng chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Cuộc sống này xưa nay vẫn thế, nhưng mỗi người làm cảm nhận tuỳ tâm trạng và niềm tin của mình. Ki-tô hữu là người tin vào Thiên Chúa quyền năng, để rồi trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều trung tín với Ngài.

    Đức tin Ki-tô không chỉ dừng lại ở những câu chữ hoặc những lễ nghi, mà còn phải được hiện thực hoá trong cuộc sống cụ thể. Thánh Phao-lô tự nhận mình là nô lệ của mọi người. Ông cố gắng để trở nên mọi sự cho mọi người, như ông viết trong thư gửi giáo dân Cô-rin-tô: “Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng” (Bài đọc II). Với những cố gắng thiện chí của mình, vị Tông đồ dân ngoại chính là “bản sao” của Chúa Giê-su, Đấng đã dành trọn cuộc đời và thời giờ để phục vụ con người và mang lại cho họ niềm vui, hạnh phúc.

    Cùng với tác giả Thánh vịnh 146 (Đáp ca), chúng ta hãy ca ngợi tình thương của Chúa, vì Ngài là Đấng chữa lành, băng bó những vết thương và mang lại niềm hy vọng cho những ai trông cậy Ngài. Đức Giê-su vẫn đang tiếp tục chữa lành chúng ta. Hãy đến với Người, để được Người nâng đỡ bổ sức, như Người mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Để được Chúa đỡ nâng, chúng ta cũng phải nâng đỡ nhau, trong tình huynh đệ và tình đồng loại. Như thế, cuộc sống này sẽ ý nghĩa hơn và tươi đẹp hơn, vì được thấm đượm chất men Tin Mừng.

    Chúng ta đang chuẩn bị đón Xuân Giáp Thìn. Hương sắc mùa xuân đã tràn ngập mọi nơi, từ trong nhà ra ngoài phố. Mùa Xuân sẽ ý nghĩa và sẽ ấm áp hơn, nếu chúng ta biết chia sẻ nâng đỡ những người kém may mắn. Đem cho họ sự đỡ nâng, tức là đem cho họ mùa xuân an bình. Xin Thiên Chúa là Chúa Xuân giáng muôn phúc lộc cho chúng ta.

    +TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

    Nguồn tin:  https://www.tonggiaophanhanoi.org/

    Bài viết liên quan