1. Bài đọc 1: Lv 19, 1-2. 17-18
Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy nói cho toàn thể cộng đồng con cái Israel: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Ðấng Thánh, là Thiên Chúa các ngươi. Ðừng giữ lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ. Ðừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương. Hãy yêu thương các bạn hữu như chính mình. Ta là Chúa”.
2. Đáp ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8 và 10. 12-13.
Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót.
Xướng:
1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.
3) Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.
4) Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người.
3. Bài đọc 2: 1 Cr 3, 16-23
“Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh, mà chính anh em là đền thờ ấy.
Ðừng có ai lừa dối mình. Nếu có ai trong anh em cho mình là người khôn ngoan ở đời này, thì kẻ ấy hãy nên điên dại để được khôn ngoan: vì sự khôn ngoan của thế gian này là sự điên dại đối với Thiên Chúa, vì có lời chép rằng: “Chính Người bắt chợt những người khôn ngoan ngay trong xảo kế của họ”. Lại có lời khác rằng: “Chúa biết tư tưởng của những người khôn ngoan là hão huyền”. Vậy đừng có ai còn tự phô trương nơi loài người. Vì tất cả là của anh em, dù là Phaolô, hay Apollô, hoặc Kêpha, hoặc thế gian, sự sống hay sự chết, hoặc hiện tại hay tương lai. Tất cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa.
4. Tin Mừng: Mt 5, 38-48
38 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.
39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác; trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.
40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.
41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.
42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
43 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.
44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.
45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.
46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?
47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?
48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
5. Suy niệm: Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên
5.1 Con một Cha
Nếu Chúa nhật trước, Chúa Giêsu dạy những ai theo Chúa phải có đức công chính “trổi vượt hơn sự công chính của các luật sĩ và người Pharisiêu”, thì Chúa nhật này, Người lại dạy chúng ta phải yêu thương cả kẻ thù và cầu nguyện cho những người đã làm hại mình. Theo văn mạch Tin Mừng, những lời khuyên này đi liền theo giáo huấn của Chúa nhật trước. Qua những lời này, Chúa Giêsu khẳng định sự mới mẻ trong lời giảng dạy của Người. Người cũng mời gọi những ai muốn đi theo và làm môn đệ Người phải thay đổi não trạng, nhờ đó cuộc sống cũng được canh tân và trở nên nhân ái hơn.
Với những lời giáo huấn trong Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng lấy ác báo ác, nhưng lấy điều lành mà đối lại với điều ác. Bởi lẽ nếu lấy ác báo ác, sự ác sẽ thêm chất chồng. Luật Do Thái không chỉ đóng khung việc thực thi tình mến giữa những người đồng bào, nhưng mở ra với đồng loại, tức là với tất cả những người sống trên trái đất này. Tuy vậy, đức yêu thương – theo Luật ông Môisen – vẫn còn ranh giới, tức là chỉ là dành cho những người làm ơn cho mình. Chúa Giêsu đã quả quyết: nếu chỉ yêu thương những kẻ yêu thương mình, thì không có gì đặc biệt và cũng chỉ giống như những người thu thuế. Trong cái nhìn của người Do Thái đương thời, người thu thuế là hạng người kém đạo đức và gian dối.
“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. Yêu thương kẻ thù, đó là tính ưu việt của Kitô giáo, nhưng lại là một điều ngược đời, thậm chí là điều không tưởng đối với nhiều người trong xã hội chúng ta. Dù biết rằng đây là điều không dễ thực hiện, nhưng Chúa vẫn kêu mời chúng ta như thế. Chính Chúa Giêsu làm gương cho chúng ta. Trên cây thập giá, vào giờ phút đau thương, Chúa Giêsu đã thều thào trong hơi thở, xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ giết mình, “vì họ không biết việc họ làm”. Noi gương Chúa, trước hết là thánh Stêphanô tử đạo, rồi biết bao Kitô hữu trong suốt bề dày lịch sử, kể cả các vị tử đạo, đã cầu nguyện và tha thứ cho những lý hình và vua quan tham dự vào việc hành hạ và giết mình. Điều đó cho thấy, lời khuyên “hãy yêu kẻ thù” là điều có thể thực hiện. Tình yêu thương mà Chúa Giêsu đề nghị là tình yêu không biên giới, không phân biệt. Đó là tình yêu rộng mở đến hết mọi người.
Nội dung giáo huấn của Chúa Giêsu không nhằm đưa ra một lời khuyên nhẫn nhịn, cam chịu trước những bất công và dối trá, như có người lầm tưởng. Nếu Chúa Giêsu đề nghị: “Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa”, thì trước toà thượng tế Caipha, khi một người lính vả vào má Chúa, Người đã hạch lại: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23). Sự khiêm nhường và lòng bao dung tha thứ không đồng nghĩa với thái độ hèn hạ, nhu nhược trước sự lấn át của kẻ mạnh và kẻ đối xử bất công.
Nền tảng của tình yêu không biên giới chính là vì mọi người cùng là con của Cha trên trời. Thiên Chúa là Cha chung của gia đình nhân loại. Mọi người sống trên thế gian, không phân biệt giàu nghèo, đều là con cái Thiên Chúa. Trong cuộc sống, có những người con nhận ra ơn sinh thành trời biển của cha mẹ để tôn kính và mến yêu; ngược lại, có những người con lại không nghiệm ra điều ấy và dửng dưng với việc đền đáp công ơn cha mẹ. Điều này giải thích tại sao có nhiều người không nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về Chúa Cha. Ngài là Đấng yêu thương nhân loại. Ngài không muốn cho bất cứ thụ tạo nào phải trầm luân. Người lành người ác cũng là con Thiên Chúa. Không lẽ Thiên Chúa vì bênh vực những người lành mà lại trừ diệt những người ác, tức là trừ diệt chính con cái mình?
Lời dạy của Thiên Chúa trong Cựu ước “các ngươi (con cái Israel) phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Bài đọc I), đã được tiếp tục qua giáo huấn của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Một cách cụ thể, thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy sống tốt lành, tôn trọng thân xác, vì thân xác là đền thờ của Thiên Chúa. Thánh nhân cũng cảnh báo chúng ta về điều mà thế gian gọi là “khôn ngoan”, vì nhiều khi đó lại là những cạm bẫy nguy hiểm. Nhờ Bí tích Thanh tẩy, chúng ta thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa. Chính Đức Kitô dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Cha, là cội nguồn của danh hiệu làm cha trên trời dưới đất, và cũng là Cha chung của mọi người.
2. Nên thánh bằng yêu thương
Ngay từ thời đầu của Giáo Hội, những tín hữu Kitô đã được gọi là “các thánh”. Chính Thánh Phaolô đã dùng danh xưng này để chỉ những người đã gia nhập Giáo Hội qua bí tích Thanh Tẩy. Khi gọi họ là “các thánh”, chắc hẳn vị Tông đồ vừa muốn diễn tả đời sống tốt lành của các tín hữu, đồng thời muốn nhấn mạnh tới lý tưởng, mục tiêu mà các tín hữu phải đạt tới. Kitô hữu là người đang cố gắng để thánh hóa bản thân, làm cho mình trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô, để rồi lời nói của chúng ta là lời của Chúa, việc làm của chúng ta là việc làm của Chúa, chúng ta hiện diện nơi đâu là có Chúa hiện diện ở đó.
Như vậy, nên thánh không phải chỉ là tình trạng thiên đàng sau khi chúng ta đã chết, mà là một quá trình biến đổi để hoàn thiện chính mình, để rồi ngay khi còn đang sống ở đời này, chúng ta đã được nếm hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, qua việc được chiêm ngưỡng Chúa bằng đức tin và tình mến. Nên thánh cũng không phải ảo tưởng hay giấc mơ về một thế giới xa vời, như để quên đi những đau khổ hiện tại.
Khái niệm nên thánh như đã nêu trên làm cho đời sống tín hữu không khô cứng, vô vị, nhưng luôn sống động và vươn lên không ngừng. Người ước ao nên thánh là người muốn sống ngày hôm nay tốt hơn hôm qua, và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay. Họ không dừng lại ở một cuộc sống đơn điệu, nhưng luôn khám phá ra niềm vui của đức tin và sự tốt lành của Chúa. Cuộc sống mà dừng lại sẽ giống như ao tù. Con người không lý tưởng sẽ giống như ngõ cụt. Họ không biết mình sống cho ai và để làm gì.
Nên thánh là một lệnh truyền của Thiên Chúa cho dân riêng của Ngài. Lời Chúa phán với ông Môisen cho chúng ta thấy rõ: “Hãy nói với toàn thể con cái Israen: ‘Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Bài đọc I). Lý do của ơn gọi nên thánh là: vì Chúa là Đấng Thánh. Ai muốn thuộc về Chúa thì phải nên giống như Ngài. Thánh thiện chính là được san sẻ một phần vinh quang của Chúa, để rồi ngay khi sống ở trần gian, chúng ta đã tỏa sáng trong cuộc đời qua những cử chỉ tốt đẹp của mình đối với đồng loại. Sau khi nhắc lại lệnh truyền nên thánh, tác giả sách Lêvi quảng diễn chi tiết về khái niệm thánh: đó là yêu thương anh chị em, đừng quở trách họ. Không được trả thù, không được oán hận. Trái lại phải yêu mến người khác như chính bản thân mình.
“Thương người như thể thương thân”. Đó là nét đẹp truyền thống ngàn đời của người Việt Nam. Nét đẹp này đã gặp gỡ lời dạy “Yêu đồng loại như chính mình” của Cựu Ước và còn hơn thế nữa, là lời dạy “yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình” của Tân Ước. Để có thể yêu thương kẻ thù, mỗi người phải vượt lên chính mình, để chiến thắng thù hận và chấp nhận mọi thị phi. Yêu thương kẻ thù là một nhân đức anh hùng, là bằng chứng của sự từ bỏ chính bản thân và là tình yêu thương ở mức tuyệt hảo. Cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình, đó là bằng chứng của lòng bao dung và tha thứ trọn vẹn.
Nên thánh không dừng lại ở một khái niệm lý thuyết, nhưng phải được thể hiện cụ thể trong việc làm và lối sống. Nên thánh trước mặt Chúa là có một lối sống ngay thẳng chân thành. Tuy vậy, sự ngay thẳng chân thành ấy phải được kiểm chứng qua mối tương quan hằng ngày với tha nhân. Một cách rất cụ thể, Chúa Giêsu nói đến luật yêu thương và những lời khuyên để đem luật đó vào cuộc sống. Đức yêu thương Chúa Giêsu truyền dạy ưu việt hơn những lệnh truyền của Cựu Ước. Vì vậy, Chúa nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng…. Còn Thầy, Thầy bảo anh em…”. Qua những lời tuyên bố trên, Đức Giêsu chứng tỏ Người có sứ mạng kiện toàn lề luật. Người dựa trên nền tảng Luật Cựu ước, đồng thời mặc cho Luật ấy một giá trị cao siêu hơn, hoàn hảo hơn. Tình yêu thương Chúa dạy không chỉ được thực hiện nơi người đồng bào, người cùng phe cánh hay người làm ơn cho chúng ta mà thôi, nhưng là hết mọi người không phân biệt. Luật mới của Chúa không chỉ bao gồm những điều cấm đoán, nhưng khuyên dạy làm những điều tích cực cho tha nhân. Chính điều này làm cho lối sống của người tín hữu khác với những thực hành của những người thu thuế và người biệt phái. Đối với người tín hữu, không có ai là kẻ thù hay người ngoại, vì hết thảy mọi người trên trái đất đều là anh chị em của cùng một Cha trên trời. Mức độ thánh thiện của một người được lượng giá qua tình bác ái mà họ thực hiện đối với người xung quanh. Một người sống khép kín, dửng dưng trước nỗi đau của người bên cạnh, không thể nên thánh.
Thánh thiện còn là nhận ra phẩm giá cao quý của mình trong cuộc đời này. Mỗi người chúng ta không hiện hữu như một đồ vật vô tri vô giác, nhưng là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (Bài đọc II). Biết được phẩm giá của mình để tôn trọng thân xác và trau dồi bản thân trong những lãnh vực khác nhau. Chỉ những ai biết yêu mến trân trọng bản thân mình, thì mới có thể yêu mến trân trọng tha nhân. Tác giả thư gửi giáo dân Côrinhtô cũng chỉ rõ đâu là điều quan trọng đích thực mà chúng ta tìm kiếm: đó là Đức Kitô. Người là lý tưởng và mẫu mực cho chúng ta trong hành trình nên thánh. Một khi quy hướng về Đức Kitô, sẽ không còn chia rẽ và ganh ty bè phái như thực trạng của cộng đoàn Côrinhtô lúc bấy giờ, tức là người thì cho mình thuộc về Phaolô, người thì thuộc Apôlô, người thì thuộc Kêpha.
Nên thánh bằng yêu thương. Đó là thông điệp mà Lời Chúa muốn thông truyền cho chúng ta. Hai ngàn năm nay, Giáo Hội đã thực hiện lời mời gọi của Chúa, cổ võ tình yêu thương, phá bỏ những ngăn cách, hòa giải những bất hòa và nâng đỡ người bé mọn. Chúng ta mỗi người đều là chi thể của Giáo Hội, chúng ta có ý thức được lời mời gọi nên thánh qua việc thực thi đức yêu thương không?
“Ai không có sức mạnh để tha thứ, cũng không có sức mạnh để yêu thương” (Martin Luther King Jr.).
Nguồn tin: https://www.tonggiaophanhanoi.org/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 143 | Tổng lượt truy cập: 4,164,077