1. Bài đọc 1: Nkm 8, 2-4a. 5-6. 8-10
“Họ đọc trong sách Luật và người ta hiểu được điều đã đọc”.
Trích sách Nơkhemia.
Ngày ấy, thầy tư tế Esdras mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Thầy thư ký Esdras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc. Nơ-khê-mia là tổng trấn, Esdras là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: “Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc”. Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: “Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gửi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh, dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em!”
Ðó là lời Chúa.
2. Đáp ca: Tv 18, 8. 9. 10. 15
Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).
Xướng:
1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.
2) Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.
3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.
4) Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Tảng Ðá, là Ðấng Cứu Chuộc con.
3. Bài đọc 2: 1Cr 12, 12-30 (bài dài)
“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Dothái hay Hylạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Nếu chân nói rằng: “Vì tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Và nếu lỗ tai nói rằng: “Vì tôi không phải là con mắt, nên tôi không thuộc về thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Nếu toàn thân xác là một, thì đâu là thính giác? Nếu toàn thân xác là tai, thì đâu là khứu giác? Vậy, Thiên Chúa đã đặt các chi thể, và mỗi chi thể ở trong thân xác như ý Người muốn. Nếu tất cả đều là một chi thể, thì còn đâu là thân xác? Thật vậy, có nhiều chi thể, nhưng có một thân xác. Con mắt không thể nói với bàn tay: “Ta không cần mi”. Ðầu cũng không thể nói với chân: “Ta không cần các ngươi”. Nhưng hơn thế nữa, các chi thể thân xác xem như yếu hơn, lại cần thiết hơn. Và những chi thể ta coi là ít vinh dự nhất, lại là những chi thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn; và những chi thể thiếu trang nhã lại được ta trang sức hơn, còn những chi thể trang nhã lại không cần như thế: nhưng Thiên Chúa đã sắp đặt thân xác, cho cái thiếu vinh dự được vinh dự hơn, để không có sự bất đồng trong thân xác, mà là để các chi thể đồng lo công ích cho nhau. Nếu một chi thể phải đau, tất cả các chi thể khác đều phải đau lây; hoặc một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể cùng chia vui.
Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể của Người, mỗi người có phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các tông đồ, rồi đến các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư?
Ðó là lời Chúa.
4. Tin Mừng: Lc 6:36-38
Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.
✠Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
1 1 Thưa ngài Thêôphilô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. 2 Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. 3 Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, 4 mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.
4 14 Khi ấy, được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. 15 Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.
16 Rồi Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: 18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công bố một năm hồng ân của Chúa.
20 Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. 21 Người bắt đầu nói với họ : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”
Đó là Lời Chúa.
5. Suy niệm:
Sau khi chịu phép rửa của ông Gioan tại sông Giođan, Chúa Giêsu đã nhận lấy Thánh Thần và Người bắt đầu sứ vụ công khai đi rao giảng Tin Mừng, Chúa muốn cho muôn dân nhận biết tình yêu của Chúa và hưởng ơn cứu độ của Ngài. Hôm nay thánh Luca đã cho ta thấy gương mặt của Chúa khi Ngài trở về Galile trong quyền lực Thánh Thần. Ngài được trao sách để đọc. Đoạn sách Ngài đọc xem ra ngẫu nhiên “Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng…”, nhưng đó lại là thánh ý Chúa. Ngài đã mặc khải Ngài chính là Đấng Mêsia mà họ đang mong đợi; Ngài chính là Đấng được xức dầu, được sai đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Ngài đến khai mở thời đại mới trong đó Thiên Chúa đích thân hiện diện để hòa giải loài người với nhau. Quả thực với ơn của Chúa Thánh Thần, lời Ngài đọc, lời Ngài giảng dạy đã đánh động các thính giả “chăm chú lắng nghe”.
Đức Giêsu đến thế gian không phải là để được phục vụ, hay thân quen với những người quyền thế, giàu có nhưng đối tượng mà Người quan tâm chính là người nghèo, những người đang cần đến Chúa “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng” (Lc 4, 18-19). Đức Giêsu đã thấu hiểu rõ tâm tư của con người, Ngài biết con người đang đau khổ và bị những gông cùm của tội lỗi, bất hòa, chia rẽ… đè nặng khiến họ chưa nhận biết Chúa. Và trước mặt Chúa, ai cũng là người nghèo. Bên cạnh những người đang thiếu vật chất để nuôi thể xác thì còn có biết bao người đang sống trong cảnh cô đơn, thiếu tình thương; biết bao người đang bị giam cầm bởi một đam mê xấu nào đó; biết bao người chưa nhận biết Chúa. Chính vì thế Đức Giê su khao khát mong mỏi mọi người nhận ra và mở lòng đón nhận ân sủng của Ngài. Là người kitô hữu tôi có nhận thấy cái nghèo của tha nhân trong cuộc sống ngày hôm nay không? Tôi có thấy mình đang bị nghèo điều gì không? Và tôi cần làm gì với bản thân và tha nhân?
Đây cũng chính là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô trong sắc chỉ công bố năm thánh thường lệ 2025 đã nói: “trong năm thánh, chúng ta được mời gọi trở nên những dấu chỉ hy vọng hữu hình cho những anh chị em đang sống trong những hoàn cảnh khốn cùng” (số 10). Đó là các bệnh nhân, giới trẻ, người di dân, người cao tuổi, đặc biệt là những người nghèo. Mỗi người chúng ta được tham dự vào chức vụ ngôn sứ khi lãnh nhận bí tích rửa tội, nghĩa là chúng ta có bổn phận “rao giảng tin mừng” tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu nơi mình sống, những người mình gặp gỡ hầu qua đó mọi người sẽ nhận ra Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, trong bầu khí tưng bừng chuẩn bị đón một mùa xuân mới, bao người đang nô nức lên đường trở về quê hương, trở về với gia đình, bên những người thân yêu. Xin cho mỗi kitô hữu chúng con, những người sống xa gia đình, xa quê hương, khi trở về biết dành giờ cho Chúa, biết thăm hỏi mọi người, nhất là những người già neo đơn, người bệnh tật, những người kém may mắn…để trở nên dấu chỉ của niềm hy vọng trong cuộc lữ hành hầu giúp họ vơi bớt đi nỗi cô đơn, sự thiếu thốn tình thương mà cảm nhận được niềm vui và sự bình an của Chúa xuân.
Tập sinh Đa Minh TB
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 112 | Tổng lượt truy cập: 4,205,115