1. Bài đọc 1: St 2, 18-24
“Cả hai nên một thân thể”.
Trích sách Sáng Thế.
Chúa là Thiên Chúa phán: “Ðàn ông ở một mình không tốt. Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó”. Sau khi lấy bùn đất dựng nên mọi thú vật dưới đất và toàn thể chim chóc trên trời, Thiên Chúa dẫn đến trước mặt Ađam để coi ông gọi chúng thế nào, và sinh vật nào Ađam gọi, thì chính đó là tên nó. Ađam liền đặt tên cho mọi súc vật, chim trời và muông thú. Nhưng Ađam không gặp một người nội trợ giống như mình.
Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Người lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra”. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể.
Ðó là lời Chúa.
2. Đáp ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5. 6
Ðáp: Nguyện Chúa chúc phúc cho chúng con hết mọi ngày trong đời sống chúng con! (x. c. 5).
Xướng:
1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may.
2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như chồi non của khóm ô-liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn.
3) Ðó là phúc lộc dành để cho người biết kính sợ Chúa. Nguyện Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn.
4) Và để bạn nhìn thấy lũ cháu đàn con. Nguyện xin bình an đến trên đất Israel.
3. Bài đọc 2: Dt 2, 9-11
“Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc”.
Trích thư gửi tín hữu Do thái.
Anh em thân mến, Ðấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên Thần, là Ðức Giêsu, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người. Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Ðấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em.
Ðó là lời Chúa.
4. Tin Mừng: Mc 10, 2-12
“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
2 Có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?" Họ hỏi thế là để thử Người.
3 Người đáp: "Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?"
4 Họ trả lời: "Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ".
5 Đức Giêsu nói với họ: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông.
6 Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ;
7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,
8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.
9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly".
10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy.
11 Người nói: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình;
12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình"
13 Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người chạm tay vào chúng. Nhưng các môn đệ xẵng giọng với chúng.
14 Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng.
15 Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào"
16 Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.
Ðó là lời Chúa.
5. Suy niệm:
Bài Tin mừng hôm nay xoay quanh nguồn gốc của con người, liên đới giữa người nam và người nữ, để hướng về Thiên Chúa là cùng đích của tất cả mọi thụ tạo và chỉ vẽ cách thế để vào Nước trời.
Về nguồn gốc con người, Tin mừng khẳng định: “Ngay lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ” (Mc 10, 6), và để làm sáng tỏ bài Tin mừng, phụng vụ chọn một đoạn Cựu ước (x. St 2,18-24) có khả năng hướng lòng chúng ta về mặc khải của Đức Giêsu để chúng ta thấy chính Người đã đến không phải để xoá bỏ nhưng để kiện toàn và hoàn tất luật cũ và mọi lời tiên tri trong Cựu ước. Đồng thời chúng ta cũng sẽ thấy chính Đức Giêsu sẽ làm cho bài sách khởi nguyên thêm giá trị.
Có lẽ những người Pharisêu biết lập trường của Đức Giêsu nên mới đặt câu hỏi: “chồng có được phép rẫy vợ không?” (Mc 10, 2). Chúng ta không hiểu rõ vì sao các Biệt phái lại chọn vấn đề rẫy vợ để thử Chúa Giêsu. Họ muốn thử gì? Để xem ý kiến của Người về vấn đề ly dị ư?... Đúng hơn, họ muốn gài bẫy Người, để xem người có kính trọng luật Môsê không? Đức Giêsu không trả lời câu hỏi này, nhưng hỏi ngược lại. Ngài đòi họ đưa ra câu trả lời từ luật Môsê: “Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?”. Đức Giêsu không muốn đối đầu với luật Môsê. Đức Giêsu đưa các ông Pharisêu đi xa hơn sách Đệ nhị luật. Người đưa các ông đi vào sách Sáng thế để thấy khởi dầu công trình tạo dựng “Thiên Chúa đã làm ra con người có nam có nữ” (St 1, 27). “Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình; cả hai sẽ thành một xường một thịt (St 2, 24). Đó là ý muốn của tạo hoá và của bản tính con người. Điều mới mẻ nằm ở hai kết luận rút ra từ đó: “Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được phân ly” (Mc 10, 8-9). Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về bài sách Khởi nguyên và bài Tin mừng để thấy việc vợ chồng khăng khít với nhau là một cái gì nằm sâu trong bản chất nam nữ mà Thiên Chúa đã dựng nên từ nguyên thuỷ.
Chúng ta sẽ thấy bài Tin mừng và bài sách Khởi nguyên nói đến nỗi an ủi mật thiết trong tương quan giữa người nam và người nữ trong hôn nhân được đặt trên nền tảng Thiên Chúa là nguồn gốc, cùng đích của con người. Nhưng nguồn gốc của con người chỉ có giá trị và ý nghĩa khi con người nhận biết chính Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người mới thực là nguồn gốc ơn cứu độ của họ, như thánh Phaolô đã quả quyết: “Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ. Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giêsu, và những ai được thánh hóa đều do một nguồn gốc” (Dt 2, 10-11).
Như vậy, tác giả thư Do Thái đã nhấn mạnh đến sự khăng khít giữa Đức Kitô và loài người trong mầu nhiệm tử nạn và phục sinh. Nói cách khác, liên đới giữa con người với con người, cũng như tương quan hiệp nhất giữa người nữ và người nam trong bậc sống hôn nhân, gia đình được bảo đảm bởi Giao ước giữa Thiên Chúa và con người đã được Đức Giêsu thực hiện bằng chính máu Ngài, máu của Con Thiên Chúa làm người đã chết như con người để đem lại ơn cứu độ cho con người. Nhờ thế, con người được trở thành con của Thiên Chúa Cha, và anh em của Đức Giêsu như Tin mừng Máccô ghi lại: “Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em” (Mc 10, 11).
Như vậy, khi Thiên Chúa được chân nhận là nguồn gốc và cùng đích của con người, thì đời sống của mỗi người sẽ là một cuộc hành trình tiến dần đến Thiên Chúa. Với ơn của Người, chúng ta sẽ lướt thắng mọi khó khăn trong tương giao xã hội, tương quan giữa người với người, và đặc biệt trong quan hệ gia đình, cộng đoàn, tất thảy đều quy hướng về Giao ước yêu thương giữa Thiên Chúa với con người là Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người. Với Đức Giêsu và trong tình yêu của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi đoàn kết yêu thuơng nhau, không chỉ bằng tình cảm và lời nói hoặc lời cầu nguyện, mà bằng việc làm, hy sinh, cố gắng; như vậy chúng ta được mời gọi sống đạo cách cụ thể. Và chúng ta cũng được mời gọi thông dự vào tiến trình của ơn cứu độ đang trở nên trọn vẹn trong thế giới hiện tại mà chúng ta đang sống.
Ý lực sống:
Lạy Chúa, là nguồn Tình Yêu. Xin cho mỗi người chúng con nghị lực yêu thương để chúng con học biết yêu thương như Chúa. Xin cho mỗi người chúng con luôn xác tín Chúa là nguồn gốc và cùng đích của cuộc đời chúng con, ngõ hầu chúng con có thể phục vụ mọi người bằng tình yêu nhưng không, hy sinh, và khiêm hạ, hầu mai ngày được dự phần vinh phúc trong Nước trời.
Tập sinh Đa Minh Thái Bình
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 206 | Tổng lượt truy cập: 3,271,921