Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật tuần XXIII - Thường Niên năm B (Mc 7, 31-37)

  • 06/09/2024 20:55
  • “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông ấy làm cho kẻ điếc được nghe và kẻ câm nói được” (Mc 7, 37).

     

    1. Bài đọc 1: Is 35, 4-7a

    “Tai người điếc sẽ mở ra và người câm sẽ nói được”.

    Trích sách Tiên tri Isaia.

    Các ngươi hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.

    Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng. Ðất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước.

    Ðó là lời Chúa.

     

    2.  Đáp ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

    Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 2a)

    Xướng:

    1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội.

    2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân. Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.

    3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác.

     

    3. Bài đọc 2: Gc 2, 1-5

    “Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo để hưởng nước Người đó sao?”

    Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.

    Anh em thân mến, anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn, nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: “Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này”. Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: “Còn anh, anh đứng đó”, hoặc: “Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi”. Ðó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em và trở nên những quan xét đầy tà tâm đó sao?

    Anh em thân mến, xin hãy nghe: Không phải Thiên Chúa chọn người nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được hưởng nước Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao?

    Ðó là lời Chúa.

     

    4.  Tin Mừng:  Mc 7, 31-37

    Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông ấy làm cho kẻ điếc được nghe và kẻ câm nói được”.

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Máccô.

    31Khi ấy, Đức Giêsu bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. 32Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. 33Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: Épphatha, nghĩa là: hãy mở ra! 35Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36Đức Giêsu cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. 37Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”.

    Đó là Lời Chúa.

     

    5. Suy niệm:  

    Trong thời gian rao giảng, Đức Giêsu không chỉ giảng dạy Lời Chúa mà Ngài còn làm nhiều phép lạ, chữa lành nhiều kẻ đau ốm, tật nguyền, trừ quỷ, làm cho kẻ chết trỗi dậy… Và bất cứ những ai đến với Ngài bằng một đức tin kiên định, một sự xác tín mạnh mẽ đều được Ngài cứu chữa.

    Thánh sử Máccô hôm nay cũng thuật lại câu chuyện: có một nhóm người dẫn một thanh niên vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu để được Ngài cứu chữa. Đức Giêsu kéo anh ta ra khỏi đám đông và dùng quyền năng Thiên Chúa mà chữa cho anh, “Lập tức tai anh được mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại”. Cả anh cũng như nhóm người dẫn anh đến hết sức kinh ngạc và vui mừng. Trong niềm hân hoan, vui sướng đó họ đã thốt lên “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả

    Lời ca khen “làm việc gì cũng tốt đẹp” của những người vừa được chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu làm chứng tỏ rằng, họ đã từng đi theo và từng biết rất nhiều việc Đức Giêsu đã làm, nên họ mới dành cho Ngài lòng mến mộ và cảm phục đến như vậy. Cũng chắc chắn dân chúng đang hiện diện nơi đây đã cảm nhận được lời rao giảng và đời sống của Đức Kitô hoàn toàn khác với lời giảng dạy và việc làm của các kinh sư, thầy dạy và nhà thông luật. Vì các kinh sư, các thầy dạy cũng như những nhà am hiểu luật thường dùng những lời văn hay, mượt mà để dạy người ta; song đời sống của họ thì lại bất nhất với những gì họ dạy. Còn Chúa Giêsu không giống họ, mà Ngài là người ngôn – hành đồng nhất.

    Nếu Đức Giêsu rao giảng về một Thiên Chúa bao dung, hay tha thứ thì việc làm của Ngài là tìm cách kêu gọi biết hoán cải, ăn năn, sám hối để được ơn cứu độ. Còn nếu Đức Giêsu truyền rao về một Thiên Chúa giàu lòng thương xót thì hành động của Ngài là chữa cho người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người bại liệt có thể đi được và người chết được sống lại. Có thể khẳng định: Đức Giêsu có một đời sống hòa quyện, đan xen, liên kết chặt chẽ giữa lời giảng dạy và việc làm. Nhờ đó mà có rất nhiều người say mê lời giảng của Ngài “Thế nghĩa là gì, giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền” (Mc 1, 27), hay cũng như những lời tán dương, thán phục của những người được xem thấy phép lạ Ngài làm trong bài Tin mừng hôm nay. Ngoài những lời tung hô của người phàm về đời sống, việc làm của Chúa Giêsu thì lời ngợi khen danh ngài còn được đến từ Chúa Cha “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 17). Đời sống của mỗi chúng ta cũng sẽ làm đẹp lòng Chúa Cha và sự hài lòng người khác, nếu chúng ta bước theo sát Đức Kitô và họa lại hình ảnh của Ngài cách đích thực.

    Để có thể trở thành một Đức Kitô khác, chúng ta cần biết nói những điều Ngài từng nói: luôn nói điều Thiên Chúa dạy và nói với tâm tình yêu thương, bác ái, xây dựng; cùng với đó là sống như Đức Kitô đã sống, nghĩa là sống một cuộc sống hòa đồng, khiêm tốn, biết lắng nghe, chất phát, chăm chỉ, giản dị. Và đặc biệt là cần làm những gì như Đức Kitô đã làm, đó là giúp đỡ, an ủi, đồng cảm, phục vụ những con người đau khổ, bất hạnh, bị xã hội loại bỏ, bị lên án…Khi có một đời sống thống nhất giữa lời nói và hành động, chúng ta mới có thể làm lay động tâm hồn, trái tim của những người khác, nhất là những người khô khan, nguội lạnh, tội lỗi hay những người chưa được nghe biết về Chúa. Và đây cũng chính là trách nhiệm, là bổn phận của người môn đệ Đức Kitô.

    Là người môn đệ Đức Kitô với sứ vụ rao truyền và giới thiệu cho mọi người biết về Thiên Chúa. Chúng ta không thể rao giảng bằng việc đọc, hay học thuộc lòng những bản văn có sẵn, cũng như không đòi buộc phải suy tư những điều độc đáo, mới lạ; lại càng không cần dùng đến tài ngôn, mỹ từ… Vì nếu chỉ dừng lại ở những bản văn mẫu, những suy tư cao siêu, những lời giảng dạy hay ho, ngôn từ đẹp đẽ thì mới chỉ làm cho người nghe thấy vui tai cộng thêm vài ba cái gật đầu mà thôi. Nhưng nếu chúng ta biết dùng chính đời sống của mình, là một đời sống dấn thân, phục vụ, sống bác ái, yêu thương hết thảy mọi người, thì những gì chúng ta nói về Thiên Chúa không chỉ còn dừng lại ở tai nghe mà sẽ đi sâu vào tâm hồn, tâm trí, trái tim của những ai gặp gỡ, sống xung quanh chúng ta. Thêm nữa, khi nhìn vào đời sống chúng ta, những việc chúng ta làm biết đâu sẽ khiến cho nhiều người muốn tìm hiểu cũng như khám phá về Thiên Chúa. Ước chi, chúng ta biết sống “đẹp” để cho người không Công Giáo có thể thốt lên rằng: người Kitô hữu làm gì cũng tốt đẹp cả.

    Ý lực sống: Lạy Chúa! Có rất nhiều cách thức và phương tiện để chúng con có thể giới thiệu Chúa cho mọi người, song để mọi người có ước muốn khám phá, tìm hiểu, nhận biết và tin vào Chúa hay không thì đời sống của chúng con phải họa lại được hình ảnh của một Đức Kitô sống động. Xin Chúa giúp chúng con biết dùng các việc làm, hành động cụ thể bằng đời sống bác ái, yêu thương, hiệp nhất để qua đời sống của chúng con, nhiều người sẽ có khát khao, mong muốn được biết về Chúa. Amen.

    Tập sinh Đa Minh Thái Bình

    Bài viết liên quan