Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật tuần VI - Phục Sinh năm B (Ga 15, 9-15)

  • 03/05/2024 18:49
  • “Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con” (Ga 15, 12).

     

    1. Bài đọc 1:  Cv 10, 25-26. 34-35. 44-48

    “Ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc”.

    Trích sách Tông đồ Công vụ.

    Xảy ra là khi Phêrô vừa vào nhà, thì Cornêliô ra đón ngài, và sấp mình dưới chân ngài mà lạy. Phêrô liền đỡ ông dậy và nói rằng: “Xin ông chỗi dậy, vì chính tôi cũng chỉ là người”.

    Phêrô lên tiếng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận!”

    Phêrô đang nói các lời đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời. Các tín hữu đã chịu cắt bì, những người đã đến cùng Phêrô, đều sửng sốt, khi thấy ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc; vả lại họ nghe các người ấy nói nhiều thứ tiếng và ngợi khen Thiên Chúa. Bấy giờ Phêrô lên tiếng nói rằng: “Ai có thể ngăn cản ta lấy nước mà rửa cho những kẻ này, khi họ đã nhận lãnh Thánh Thần như chúng ta?” Và ngài truyền rửa tội cho họ nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Bấy giờ họ xin ngài ở lại với họ ít ngày.

    Ðó là lời Chúa.

     

    2.  Đáp ca:  Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

    Ðáp:  Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (x. c. 2b).

    Hoặc đọc: Alleluia.

    Xướng:

    1)  Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. 

    2)  Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. 

    3)  Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. 

     

    3. Bài đọc 2: Ga 4, 7-10

    “Thiên Chúa là Tình Yêu”.

    Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

    Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ðiều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta”.

    Ðó là lời Chúa.

     

    4.  Tin Mừng:  Ga 15, 9-17

    "Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con”.

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau”.

    Ðó là lời Chúa.

     

    5. Suy niệm:  

    Trong các Chúa Nhật trước, Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ mình là người Mục Tử Nhân Lành, là cây nho thật; chúng ta là cành phải kết hợp với cây nho mới sinh hoa trái. Hôm nay, Chúa Giêsu còn đưa ra một lệnh truyền hết sức quan trọng, làm nên căn tính người Kitô hữu và mời gọi chúng ta thực hiện, đó là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

    Trước khi từ biệt các môn đệ thân yêu để đi vào cuộc tử nạn, Chúa Giêsu đã nói với các ông lệnh truyền cuối cùng và cũng là lời trăng trối, lời di chúc của Ngài: “Điều Thầy truyền dạy là anh em hãy yêu thương nhau”. Hai chữ “Yêu thương” thoạt nghe thật đơn giản nhưng đã tóm lược tất cả nội dung bài giảng, cũng như lối sống và hành động của Chúa Giêsu. Hai từ “yêu mến” được lặp lại nhiều lần trong bài Tin Mừng này.  Điều đó cho thấy Tình yêu có một vị trí quan trọng đặc biệt trong Giáo Hội mà Chúa Giêsu thiết lập. Quả thực, “yêu thương” là “linh hồn” của toàn bộ “luật mới”. Chỉ yêu thương, người môn đệ mới có thể tha thứ đến “bảy mươi lần bảy”, nghĩa là tha thứ không mức độ, không giới hạn. Con Thiên Chúa đã trở nên mẫu mực, nguyên tắc và thước đo của tình yêu, một tình yêu cao cả đến độ dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu mời gọi chúng ta : “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9b). Vậy, chúng ta phải sống lệnh truyền “yêu thương” của Chúa Giêsu như thế nào? Một trong những lý do quan trọng khiến chúng ta phải yêu thương nhau, đó là chính Chúa Cha và Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta trước: “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11); “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19); Đức Kitô là Đấng vâng phục tuyệt hảo, từ trời xuống không phải để làm theo ý mình, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai phái Người (x.Ga 6,38; Dt 10,5.7). Người ký thác bản thân và hành động vào tay Chúa Cha (x.Lc 2,49)…, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x.PL 2,7-8).

    Như vậy, phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta làm một cuộc xuất hành nội tâm khởi đi từ khuôn mẫu của Đức Kitô. Chúng ta sẽ lấy tình yêu của Ngài làm tiêu chuẩn hướng dẫn cho mọi hành động, làm khuôn vàng thước ngọc để đo mọi việc làm và sứ vụ của chúng ta. Nếu tình yêu là một cuộc xuất hành ra khỏi chính mình thì chúng ta cần thiết phải ra khỏi chính mình, đặt mình vào trong Trái Tim của Chúa; và tự hỏi: Chúa yêu thương chúng ta như thế nào? Chúa mong đợi điều gì nơi chúng ta? Chúng ta đã học được bài học: yêu mến người khác như Chúa yêu mến chúng ta chưa? Hay chẳng những chúng ta đã không yêu Chúa như Chúa đáng được yêu mà quả tim chúng ta đã bị chia năm sẻ mười!

    Thế giới hôm nay đói khát tình yêu đích thực. Chúng ta không thể yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta nếu trong lòng ta không có trái tim của Ngài. Thánh Thể mà mỗi người chúng ta được mời gọi tham dự mỗi ngày như là bảo vật giúp hình thành nên trái tim của Đức Kitô trong chúng ta, để cuộc đời chúng ta được hướng dẫn bởi thái độ sống thánh thiện của Thiên Chúa. Vì thế, thấm nhuần tinh thần của Đức Kitô, người Kitô hữu được mời gọi mỗi ngày hãy biết sẵn sàng hy sinh cho nhau, quên mình để hiệp nhất với nhau, tự hiến chứ không đòi hỏi, không so đo, mặc cả hay tính toán thiệt hơn. Thánh Bernard nói: “cái mức độ ta phải mến Chúa Giêsu, là yêu mến không độ mực”. Vì trong tình yêu: khi càng trao ban, càng cho đi thì ta lại nhận lại được một cách dồi dào phong phú hơn gấp nhiều lần; vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, tình yêu ấy không bao giờ vơi cạn. Thánh Gioan đã cảm nhận sâu xa tình yêu của Chúa và đã chia sẻ với chúng ta trong bài đọc 2 hôm nay: Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa, còn ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

    Chiêm ngắm Đức Kitô để chúng ta mở lòng đón nhận trái tim của Người, đón nhận ước muốn của Người, đón nhận Thần Khí của Người. Xin Chúa giúp chúng ta luôn học bài học yêu thương của Chúa để đem ra thực hành trong cuộc sống thường ngày; ngõ hầu chúng ta cảm thấy hạnh phúc, vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương và được sai đi thông truyền tình thương của Chúa. Đức Kitô đã nhắc đến mệnh lệnh này nhiều lần để dạy chúng ta: lòng tin và yêu mến không chỉ là lý thuyết, là tư tưởng suông nhưng phải được thực hành, đó mới là bằng chứng cụ thể. Vì đức tin không việc làm là đức tin chết (x.Gc 2,17), và đức ái không việc làm là đức ái vô ích, trống rỗng ngoài môi miệng (x.Mc 7,6).

    Ý lực sống:

    Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một đức tin mạnh mẽ và một lòng mến dồi dào. Xin ban cho chúng con bình an của Chúa, thứ bình an mà người đời không thể cho được. Có đức tin, có tình yêu và bình an của Chúa, chúng con sẽ hoàn toàn tự do diễn tả gương mặt của Chúa Giê-su qua đời sống cụ thể hằng ngày: biết hy sinh thời giờ, sức lực, công việc, tiền tài; biết quên mình để hiệp nhất với nhau; bác ái trong lời nói, trong cách nhìn và trong cách đối xử với người khác; tự hiến chứ không đòi hỏi, không so đo, mặc cả hay tính toán thiệt hơn. Bởi vì như Lời Chúa đã xác quyết: Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau.

    Tập sinh Đa Minh Thái Bình

    Bài viết liên quan