NĂM A: Mt 2,13-15.19-23
1. Để gia đình được hạnh phúc - Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Hôm nay, chúng ta long trọng cử hành lễ Thánh Gia Thất, là gia đình của Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse. Dựa vào Lời Chúa trong thánh lễ này, chúng ta chiêm ngắm gia đình Thánh Gia như mẫu gương tuyệt hảo cho mỗi gia đình học hỏi khi đối diện với những khó khăn thử thách. Chúng ta suy tư về những đức tính cần thiết của một gia đình phải có cho sự phát triển nhân bản và nên thánh của mỗi người trong gia đình.
1- Những phẩm chất cần thiết
Ở bài đọc I trích sách Huấn Ca (Hc 3,2-6.12-14), chúng ta thấy rằng nếu mỗi người trong gia đình biết yêu thương và tôn trọng lẫn nhau sẽ làm cho gia đình thực sự trở thành mảnh đất tốt cho sự phát triển nhân đức và thánh thiện: Đó là lúc con cái sống hiếu thảo với cha mẹ và cha mẹ luôn yêu thương và chăm lo cho con cái. Điều này sẽ mang lại cho gia đình biết bao niềm thương mến và hạnh phúc từ mỗi thành viên. Đặc biệt, con cái biết thảo hiếu và chăm sóc cha mẹ khi cha mẹ già yếu và bệnh tật. Đó là yếu tố quan trọng của một gia đình muốn thực sự trở thành gia đình thánh thiện. Như thế, thảo hiếu cha mẹ hay cha mẹ yêu thương con cái không chỉ là hiện diện với nhau khi cuộc sống gia đình bình an và yên ổn, hay chỉ khi cơm lành canh ngọt, nhưng cả khi gia đình gặp khó khăn, thử thách, khi đau yếu, già nua, bệnh tật… đó là lúc chữ hiếu thảo phải được chứng tỏ một cách rõ ràng nhất.
Trong bài đọc II, trích từ thư gửi tín hữu Côlôxê, chúng ta tìm thấy tình yêu hay lòng bác ái là yếu tố, là mối giây giữ cho gia đình được bình an và hạnh phúc. Tuy nhiên, tình yêu mà thánh Phaolô nói ở đây bằng những hạn từ rất cụ thể. Ngài nói với mọi thành viên trong gia đình rằng: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến và yêu thương. Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nãi. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau… Anh em hãy tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13).
Ngài nhắn nhủ những ai làm vợ: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa” (Cl 3,18).
Ngài nhắc bảo những ai làm chồng: “Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ” (Cl 3,19).
Cuối cùng, ngài cũng không quên khuyên bảo những ai làm cha mẹ và làm con: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3,12-21).
Đây là những giáo huấn quan trọng giúp gia đình trở thành tổ ấm bình an và hạnh phúc, trở thành môi trường cho mỗi thành viên phát triển nhân cách và nên thánh. Nhất là trong những lúc khó khăn thử thách, tình yêu thương là sức mạnh giúp gia đình đứng vững và vượt qua những khó khăn thử thách đó.
2- Khi gia đình gặp thử thách
Trong bài Tin Mừng, chúng ta tìm thấy một khía cạnh khác của một gia đình tốt lành và thánh thiện, đó là sự gắn bó, sự tuân phục và thực hành thánh ý Thiên Chúa. Đây là bí quyết của Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse. Nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy rằng Ba Đấng trong Thánh Gia là những con người luôn tuân phục Thiên Chúa, các Ngài rất nhạy bén trong việc phân định thái độ phù hợp theo thánh ý Thiên Chúa. Khi thánh ý đó trở nên rõ ràng, cả Ba Đấng đều thực hiện thánh ý và làm theo lời Chúa.
Trích đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe tường thuật về một thời điểm rất khó khăn trong cuộc sống của Thánh Gia. Trẻ Giêsu chào đời bị bạo chúa Hêrôđê coi là mối đe dọa cho vương quyền của ông, nên ông đã tìm cách giết hại Hài Nhi và các con trẻ khác từ hai tuổi trở xuống. Ông chủ trương giết nhầm hơn bỏ sót. Chúng ta hãy tưởng tượng xem, gia đình Thánh Gia phải đối diện với nỗi sợ hãi và khó khăn như thế nào trước sự độc ác và nguy hiểm này! Có lẽ, chúng ta cũng đã có những kinh nghiệm về những khó khăn tương tự của gia đình mình, và hãy hình dung: khi một thành viên trong gia đình chúng ta đang bị săn lùng để kết án vì một tội mà người đó không vi phạm. Trước một hoàn cảnh nguy hiểm như thế, chúng ta sẽ làm gì? Có phải gia đình chúng ta sẽ gắn kết với nhau trong những giây phút khó khăn này hay gia đình chúng ta sẽ chia rẽ nhau và mỗi người một hướng không? Chúng ta hãy học từ gương thánh Giuse, ngài thật là một người nhạy bén với ý muốn của Thiên Chúa. Chỉ qua giấc mơ, Thiên Chúa mạc khải cho ngài biết mối nguy hiểm này và truyền cho ngài phải đưa Con Trẻ và Mẹ Người trốn sang Ai Cập. Thánh Giuse đã mau mắn thực hiện theo sự linh hướng này. Và sau khi vua Hêrôđê băng hà, ngài lại đưa cả hai về Nadarét để sinh sống.
3- Bài học từ Thánh Gia
Quả là một mẫu gương tuyệt hảo cho mỗi người chúng ta về sự nhạy bén trước thánh ý Thiên Chúa. Đức Maria cũng là người đã hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa khi thiên thần truyền tin. Mẹ đã hoàn toàn phó thác và hiến mình cho thánh ý Thiên Chúa. Cả hai là mẫu gương cho những ai làm cha, làm mẹ về sự nhạy bén và sẵn sàng trước thánh ý Thiên Chúa. Cả hai chỉ tìm thánh ý đó để thực hiện. Đặc biệt, cả hai đã áp dụng thánh ý Thiên Chúa cho sự tốt lành của người con. Vâng, nhiều lúc, các bậc làm cha mẹ bị cám dỗ là lấy ý mình thay cho ý Chúa để áp dụng cho con cái. Nhưng điều chúng ta muốn nhiều lúc không phải là điều Chúa muốn cho con cái; điều chúng ta cho là tốt lại không phải là điều tốt cho con cái. Vì thế, chúng ta cần học nơi thánh Giuse và Đức Maria về điểm này, là kiên vững theo thánh ý Chúa để tìm kiếm sự tốt lành cho con cái. Khi chúng ta sẵn sàng để lắng nghe thánh ý Thiên Chúa, gia đình không chỉ có tình yêu thương, mà còn có sự bảo vệ, sự chăm sóc mà Thiên Chúa ban cho gia đình bạn. Khi chúng ta vâng phục theo thánh ý Thiên Chúa, chúng ta sẽ bảo vệ nhau tốt hơn. Khi chúng ta vâng theo thánh ý Thiên Chúa, chúng ta có thể tìm kiếm những gì thực sự là tốt cho nhau.
Vì thế, tôi mời gọi các thành viên trong gia đình hãy mở lòng, mở mắt và mở tai ra để nhìn vào gia đình của mình, tôi dám chắc rằng bạn sẽ cảm nghiệm về sự chăm sóc của cha mẹ đối với con cái. Hãy nhìn xung quanh chúng ta, có nhiều người trẻ chăm sóc những cha mẹ già; có nhiều người sống trong cảnh thiên tai, động đất, bão lụt, chiến tranh, nên gia đình họ tan nát, nhưng nhiều cha mẹ vẫn cố gắng để bảo vệ và chăm sóc con cái, dẫu nhiều lúc họ phải thí mạng sống mình vì con cái.
Chúng ta hãy cố gắng làm một điều gì đó để giúp đỡ những gia đình như thế, chứ không chỉ khép kín trong gia đình mình. Ước mong rằng điều xưa đã xảy ra cho Đức Maria, thánh Giuse và Chúa Giêsu thì nay tiếp tục được thực hiện trong mỗi gia đình. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì gia đình chính là hồng ân Chúa ban. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Nguồn tin: https://dcvphanxicoxavie.com
NĂM B: Lc 2, 22-40
1. Suy niệm chú giải Lời Chúa lễ Thánh Gia – Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Lễ Thánh Gia nhắc chúng ta nhớ đến những năm tháng Đức Giêsu sống thầm lặng trong suốt thời thơ ấu và trưởng thành dưới mái ấm gia đình Nadarét, mẫu gương của mọi gia đình.
BÀI ĐỌC I (Hc 3: 2-6, 12-14)
Ông Si-rắc là một hiền nhân Do thái vào đầu thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên. Ông mở trường dạy học và ghi lại vốn kinh nghiệm và những gẫm suy thế sự của mình. Tác phẩm của ông được viết bằng tiếng Híp-ri, sau đó được cháu nội của ông dịch sang Hy ngữ vào năm 130 trước Công Nguyên.
Tác phẩm của ông là sách dạy đạo đức về cách ăn nếp ở thực tiễn. Ông viết tác phẩm này vì muốn trung thành với niềm tin của cha ông mình, đồng thời không muốn dân mình bị ảnh hưởng do văn hóa ngoại giáo chung quanh, đặc biệt do sức quyến rũ của sự khôn ngoan Hy lạp. Sách ông bàn đến nhiều đề tài rất đa dạng. Sách được điểm xuyến bằng những câu châm ngôn dễ nhớ và được Do thái giáo mến chuộng. Giáo Hội cũng xem sách này như Sách Thánh của mình.
Sách cho thấy ông nhất mực gắn bó với Lề Luật. Theo ông, việc thực hành Lề Luật là nguồn mạch khôn ngoan. Trong chương 3, hiền nhân Si-rắc khai triển phận làm con là phải có lòng thảo kính đối với cha mẹ mình, một trong Mười Giới Răn: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20: 12; Đnl 5: 16).
1. Thảo kính cha mẹ, đạo tự nhiên
Bổn phận thảo kính cha mẹ nhất là vào lúc các ngài già yếu thuộc về những truyền thống rất lâu đời của các nền văn minh, được các tôn giáo lẫn triết học ca ngợi. Chúng ta có thể sánh ví những lời khuyên bảo của hiền nhân Cựu Ước này với nhiều bản văn của Trung Quốc, Ấn Độ và Hy lạp xưa. Ở Trung Quốc cũng như ở Ấn độ, bổn phận làm con đối với cha mẹ trở thành một thứ đạo hiếu đòi buộc hết mọi người. Ở Hy-lạp, xin được trích dẫn mẫu gương của hiền nhân Socrate khuyên các con của mình phải bày tỏ tấm lòng hiếu thảo với mẹ của chúng, vì tình sâu nghĩa nặng của cha mẹ đối với mình (Xénophon, Les Mémorables, II, 2). Ở Việt Nam chúng ta, không ai không thuộc câu ca dao này:
“Công cha như núi Thái Sơn,
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
2. Thảo kính cha mẹ, đạo Thiên Chúa
Giới răn thảo kính cha mẹ không chỉ thuộc đạo tự nhiên, nhưng cũng còn chương trình của Đấng Tạo Hóa đối với con người. Cuộc sống gia đình ở Ít-ra-en được ghi khắc trong chiều kích siêu nhiên: không chỉ lưu truyền nòi giống, mà còn truyền đạt từ thế hệ này đến thế hệ khác niềm tin của cha ông vào một Thiên Chúa duy nhất, Đấng đã tự mặc khải mình ra. Chính vị Thiên Chúa này “muốn con cái phải có lòng thảo kính cha và phục quyền mẹ”. Chính Ngài chúc phúc cho con cái nào giữ trọn đạo hiếu với cha mẹ của mình.
“Kẻ kính cha sẽ được trường thọ”, đây là lời chúc phúc cổ truyền nhất. Cuộc sống trường thọ là phần thưởng dành cho con cái có tấm lòng đạo hiếu đối với cha mẹ được đánh giá cao nhất vào thời kỳ những niềm hy vọng ở bên kia nấm mồ chưa được biết đến (chỉ vào thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, viễn cảnh niềm tin vào cuộc sống mai sau mới xuất hiện).
Còn ngạc nhiên hơn nữa đối với lời hứa “Kẻ thờ cha thì được thứ tha tội lỗi”, cũng như “người kính mẹ khác nào kẻ tích trữ kho tàng”, nghĩa là lập công tích đức để được Thiên Chúa thứ tha tội lỗi của mình. Cách nói này tương tự với câu cuối của đoạn trích hôm nay: “Vì việc hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con”.
Trong Do thái giáo sau thời kỳ lưu đày Ba-by-lon, người ta rất nhạy bén trước tội lỗi và bận lòng thanh luyện nội tâm. Hiền nhân Si-rắc thuộc vào những thế hệ này: gẫm suy giáo huấn của các ngôn sứ. Đến phiên mình, ông ca tụng việc thực hành đức hạnh hơn việc tế tự thuần túy bên ngoài. Theo đường hướng này, ông khai triển rất xa và ở đây ông đánh giá việc thảo kính cha mẹ như hy tế xá tội. Tuy nhiên, chúng ta nhận ra một sự khác biệt ở đây: trong khi các ngôn sứ rất bận lòng đến ơn cứu độ của toàn thể dân chúng, thì các hiền nhân quan tâm nhiều hơn đến ơn cứu độ cá nhân.
Cuối cùng chúng ta ghi nhận rằng hiền nhân Si-rắc cẩn trọng trích dẫn bổn phận đối với cha và bổn phận đối với mẹ gần như đối xứng với nhau. Điều này rất hiếm trong Cựu Ước ở đó người cha thường chiếm vai trò gần như độc tôn.
BÀI ĐỌC II (Cl 3: 12-21)
Như thư gởi tín hữu Ê-phê-xô, thư gởi tín hữu Cô-lô-xê đã được thánh Phao-lô viết trong cảnh thánh nhân bị giam cầm ở Rô-ma vào khoảng những năm 61-63 sau Công Nguyên, vì thế nội dung của hai bức thư này rất gần nhau.
1. Hoàn cảnh
Thành phố Cô-lô-xê miền Tiểu Á đã khai sinh một cộng đoàn Ki-tô hữu. Cộng đoàn này được Epaphras, bạn đồng hành đồng thời cũng là môn đệ của thánh Phao-lô, thiết lập. Những sai lạc đạo lý, những biện luận về quyền năng của thiên thần, những thực hành khổ chế, những khuynh hướng Do thái giáo gây nguy hiểm cho đức tin của cộng đoàn non trẻ này. Thánh Phao-lô hiện đang bị giam cầm, nên không thể đến tận nơi được. Vì thế, thánh nhân gởi bức thư này cho các tín hữu Cô-lô-xê. Thánh nhân tập chú giáo huấn của mình vào Đức Ki-tô và quy chiếu cuộc sống Ki-tô hữu vào điều cốt lõi: sống hiệp nhất với Đức Ki-tô, noi gương Đức Ki-tô, thực hành các nhân đức, đặc biệt là đức ái.
2. Nội dung
Phụng vụ đề nghị cho chúng ta đoạn trích của thư này và mời gọi chúng ta đọc nó trong ý hướng của ngày lễ hôm nay: đời sống gia đình: “Anh em hãy có lòng thương xót, nhân hậu, khiêm nhu, hiền từ và nhẫn nại. Hãy chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau”.
Đức ái Ki-tô giáo là nguồn mạch của sự hiệp nhất và bình an trong đời sống cộng đoàn, huống gì trong đời sống gia đình, ở đó tình yêu phải là mối dây liên kết tuyệt hảo. Theo thói quen của mình, thánh Phao-lô mời gọi tạ ơn và cầu nguyện, nhất là cầu nguyện chung: “Hãy đem hết lòng biết ơn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, những khúc thánh ca, do Chúa Thánh Thần linh hứng”, nghĩa là cầu nguyện tự phát.
Đoạn thư hoàn tất với vài lời khuyên bảo đặc thù về bổn phận giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái. Thánh nhân khai triển những điều này trong thư gởi tín hữu Ê-phê-xô 5, 21-32.
TIN MỪNG (Lc 2: 22-40)
Vào ngày lễ Thánh Gia, với đoạn Tin Mừng này, Giáo Hội tưởng niệm hai nghi thức được cử hành cùng một lúc trong Đền Thánh Giê-ru-sa-lem: lễ thanh tẩy Đức Ma-ri-a và lễ thánh hiến Đức Giê-su, con trai đầu lòng.
Chung quanh con trẻ sáu tuần lễ này, chúng ta thấy Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se không chỉ “tuân theo Luật Chúa truyền”, nhưng họ còn ngạc nhiên bỡ ngỡ trước lời sấm của cụ già Si-mê-on về Hài Nhi. Điều này cho thấy thánh Giu-se đã nhận con trẻ này như đứa con ruột thịt của mình. Như vậy, thánh Lu-ca, vốn đã nhấn mạnh đức đồng trinh của Đức Ma-ria, không ngần ngại nói: “cha mẹ của Đức Giê-su”.
Luật Mô-sê đòi buộc người mẹ, sau bốn mươi ngày sinh con trai và sau tám mươi ngày sinh con gái, dâng hy lễ thanh tẩy: một con chiên một năm tuổi, nhưng nếu người nghèo, một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Vì thế, của lễ của Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se là của lễ của một gia đình nghèo.
Lễ thánh hiến con trai đầu lòng là đòi buộc, nhưng không cần phải lặn lội xa xôi đem con lên Giê-ru-sa-lem để tiến dâng cho Chúa. Ở đây, thánh Lu-ca đề cao lòng đạo đức tuyệt vời của Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se.
Vào giây phút Đức Giê-su, được trao ban hoàn toàn vào tay của con người và được dâng tiến lên Cha Ngài, Thánh Thần linh hứng cho hai nhân vật khả kính: cụ già Si-mê-on và bà ngôn sứ An-na, mặc khải sứ mạng của Hài Nhi này.
1. Cụ già Si-mê-on
Cụ già Si-mê-on đang mong chờ “niềm an ủi của Ít-ra-en”, đây là tước hiệu chỉ Đấng Mê-si-a từ thời ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, tức là cuối thời lưu đày (Is 49: 13). Cụ nhận ra ở nơi Hài Nhi này Đấng Cứu Độ không chỉ của dân Ít-ra-en nhưng của muôn dân nữa. Mặc Khải này làm cho Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se ngạc nhiên và bỡ ngỡ. Bài thánh thi của cụ già Si-mê-on tiên báo về sứ mạng của Đức Giê-su đối xứng với bài thánh thi của ông Da-ca-ri-a tiên báo sứ mạng của Gioan Tẩy giả. Thánh Lu-ca thiết lập một sự đối xứng giữa cuộc đời thơ ấu của hai con trẻ này.
“Ông Si-mê-on chúc phúc cha hai ông bà”, nhưng chỉ hướng về một mình Đức Ma-ria và nói với chỉ một mình Mẹ, bởi vì thánh Giu-se qua đời sớm nên không thể làm chứng về cuộc đời công khai của Đức Giê-su. Cụ già Si-mê-on báo trước cho Đức Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi, số phận bi thương đang chờ đợi Mẹ: Mẹ sẽ đau khổ vì dân Ít-ra-en bị chia rẽ về Con của Mẹ: tin vào Ngài hay từ chối Ngài. Chúng ta có thể đọc thấy trong lời tiên báo này viễn cảnh núi Sọ. Mạch văn không đòi buộc điều này nhưng cũng không tuyệt đối loại bỏ.
2. Bà ngôn sứ An-na
Còn Bà ngôn sứ An-na cảm tạ Thiên Chúa và lớn tiếng thông báo cho những ai mong chờ ngày Thiên Chúa giải phóng Giê-ru-sa-lem qua con trẻ này.
Đây là sự ghi nhận mang đậm nét của thánh ký Lu-ca. Đối với thánh Lu-ca, Giê-ru-sa-lem là trung tâm Mặc Khải. Dung mạo của hai ông bà cao tuổi này đại diện rất rõ nét nỗi mong chờ dài lâu của dân Ít-ra-en. Thế nên, đây là hai người tôi tớ vĩ đại của Thiên Chúa đến chứng thực rằng việc dân Ít-ra-en chuẩn bị chờ đón Đấng Mê-si-a đã đến hồi kết thúc. Họ được sánh ví như thời Cựu Ước đã đến hồi hoàn tất để nhường chỗ cho thời Tân Ước, kỷ nguyên Mê-si-a. Trong số bốn tác giả Tin Mừng, thánh Lu-ca là thánh ký nhấn mạnh nhiều nhất những giai đoạn cứu độ.
3. Lời kết
Thánh Lu-ca kết thúc đoạn Tin Mừng hôm nay với đời sống ẩn dật của Đức Giê-su trong mái ấm gia đình Na-da-rét. Thánh ký ghi nhận rất ngắn gọn cuộc đời thơ ấu của Đức Giê-su: “Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh”. Lời nhận xét này được đặt đối xứng với lời nhận xét khác liên quan đến cuộc đời thơ ấu của Gioan Tẩy giả: “Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh” (Lc1: 80). Tuy nhiên, thánh ký còn nói thêm về Chúa Giê-su: “Đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Chúa”. Như vậy, Đức Giê-su thì vĩ đại hơn Gioan Tẩy giả ngay từ thời thơ ấu.
Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Nguồn tin: https://www.tonggiaophanhanoi.org
2. Trách nhiệm, tình yêu – Ts. Vinh sơn Ngọc Biển, SSP
Người ta thường nói: “Chúng ta có nhiều chốn để đi, nhưng chỉ có một nơi để về, đó là gia đình”. Tuy nhiên, thực tế ngày nay lại khác, bởi nhiều người đã không còn coi gia đình là mái ấm, lý do: nơi ấy thiếu tình yêu thương, trách nhiệm và cũng chẳng còn hấp dẫn nếu không muốn nói là đang ngày càng bị đe dọa!
Hôm nay, Giáo Hội muốn giới thiệu đến chúng ta một Gia Đình Thánh, đó là gia đình Thánh Gia. Qua đó, Giáo Hội muốn con cái mình noi gương bắt chước Mẹ Maria, thánh Giuse và Đức Giêsu trong việc xây dựng gia đình trên nền tảng tình yêu và trách nhiệm.
1. Thực trạng gia đình hiện nay
Nhà thơ Nguyễn Du đã từng nói: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Thật vậy, nhìn vào thực tế nhiều gia đình hiện nay, chúng ta không thể không lo ngại và thất vọng, bởi vì:
Có những điều mà ngày xưa người ta coi đó là quái gở, nhưng hôm nay lại là chuyện bình thường được diễn ra như cơm bữa hằng ngày!
Chẳng hạn như chuyện nạo phá thai. Đi ra ngoài đường, chúng ta thấy những trung tâm, phòng khám, nhan nhản mọc lên với những tấm biển nhìn mà thấy ớn lạnh như: “Phá thai an toàn, không đau”; “Siêu âm, hút thai bằng thuốc”.
Chính sự dễ dàng và công khai, cộng thêm chuyện yêu đương bừa bãi hoặc những người cha người mẹ không có tình yêu, thiếu trách nhiệm, nên họ sẵn sàng đang tâm giết chính đứa con vô tội của mình một cách bình thường mà không hề áy náy!
Mặt khác, cảnh ly dị đang dần trở thành thông lệ. Không chỉ những người đã xây dựng gia đình muốn ly dị, mà ngay cả những bạn trẻ chưa lấy vợ lấy chồng mà đã đi tìm “đường thoát hiểm”, cho ngày chia tay trong tương lai! Đây là một nỗi buồn tê tái, bởi vì những cặp vợ chồng ly dị, hậu quả khôn lường, bi đát sẽ đổ dồn lên đầu những đứa con thơ ngây, vô tội.
Hơn nữa, lại có nhiều gia đình ngày nay không dám sinh nhiều con, họ biện minh là không có điều kiện, thời gian…, nên chỉ sinh 1 hoặc 2 con.
Đây là một lựa chọn không thực tế do thói ích kỷ của các bậc làm cha mẹ, nên đã dẫn đến tình trạng bi đát nơi các gia đình.
Thật vậy, khi sinh ít con, bố mẹ thường hay chiều chuộng thái quá. Vì thế, xảy ra tình trạng như: chúng luôn nghĩ mình là thành phần quan trọng nhất trong gia đình, nên nó có quyền đòi buộc mọi người phải phục vụ và đáp ứng mọi nhu cầu. Nếu không, chúng có thể quậy phá, chửi bới, đánh đập…. Đã có biết bao nhiêu bậc cha mẹ bị con cái đánh, chửi, và ngay cả giết chết chỉ vì không đáp ứng đúng như yêu sách của chúng.
Cũng có khá nhiều bậc cha mẹ ít quan tâm đến con cái, mà chỉ lo kiếm tiền hay quá tập trung đến công việc…, mà quên đi tình yêu thương, bổn phận, trách nhiệm của mình với con cái. Vì thế, sau này, đứa trẻ lớn lên nó sẽ vô cảm và dửng dưng với chính bậc sinh thành!
Nguyên nhân dẫn đến chuyện bi đát ấy là: người ta ít coi trọng chữ tín và trách nhiệm với nhau. Từ đó, họ đâu còn để ý hay nâng niu tình yêu và chung thủy trong đời sống gia đình.
Bên cạnh đó, việc hội nhập những nền văn hóa ngoại lai cách vội vàng và thiếu lành mạnh, đã khiến cho chúng ta bị chới với và buông theo khi chưa phân định đúng đắn trong việc chọn lựa.
Trên đây chính là nguyên nhân dẫn đến chuyện bạo lực, ly hôn, ly dị và thiếu trách nhiệm nơi gia đình.
Đây cũng là nguyện nhân làm đảo lộn giá trị đạo đức tốt đẹp của các gia đình hiện nay.
2. Mẫu gương cho các gia đình
Trong khi xã hội và con người ngày nay ít chú tâm đến trách nhiệm cũng như sự chung thủy nơi các gia đình, thì phụng vụ Giáo Hội làm toát lên gương mẫu của gia đình Thánh Gia để cho các bậc cha mẹ và con cái noi theo.
Trước tiên, nơi Đức Mẹ và thánh Giuse, các ngài đã để lại cho các bậc cha mẹ mẫu gương tuyệt vời về hai chữ “trách nhiệm”.
Các ngài có trách nhiệm với Thiên Chúa, với nhau và với con cái. Vì thế, hai ông bà đã bồng ẵm Hài Nhi Giêsu lên đền thờ Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa, cũng như thanh tẩy cho Mẹ của Hài Nhi theo luật định.
Đây chính là quy định trong Luật của Môsê, và hai ông bà đã sẵn sàng chu toàn với đầy trách nhiệm trong lòng mến.
Trách nhiệm của Đức Mẹ và thánh Giuse còn được rõ nét khi hai ông bà đang đêm đem Hài Nhi trốn sang Aicập, rồi một thời gian sau lại từ Aicập trở về. Hơn nữa, năm Đức Giêsu lên 12 tuổi, khi lạc mất con trong đền thờ, hai ông bà đã lặn lội ngược xuôi để tìm cho kỳ được.
Đây là mẫu gương tuyệt vời của Đức Mẹ và thánh Giuse.
Còn với Đức Giêsu, ngài là một người con hiếu thảo, ngoan ngoãn, vâng lời. Vì thế, Kinh Thánh đã diễn tả như sau: “Hài Nhi ngày càng lớn lên, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.
Đức Giêsu đã hiện diện và sống trong một gia đình coi trọng trách nhiệm và sự thủy chung, vì thế, Ngài cũng là một người con đầy trách nhiệm. Trách nhiệm trước tiên với Thiên Chúa, sau là với cha mẹ của mình. Vì thế, trước mặt Thiên Chúa, Ngài được tràn đầy ân sủng. Trước mặt Đức Mẹ và thánh Giuse thì Ngài hằng vâng phục các ngài.
Mẫu gương thứ hai cho các gia đình là mẫu gương về sự “chung thủy”.
Mặc dù nơi Đức Mẹ, thánh Giuse và Đức Giêsu, cả ba đều là thánh và sống đẹp lòng Thiên Chúa trọn vẹn. Nhưng nơi gia đình này, Thiên Chúa cũng không miễn trừ những khó khăn.
Tuy nhiên, những thử thách dồn dập xảy đến, nhưng nơi Đức Mẹ, thánh Giuse và Đức Giêsu vẫn bình an, hạnh phúc và chung thủy.
Có được điều này là bởi vì các ngài luôn yêu thương nhau bằng tình yêu tự hiến, luôn biết đón nhận những thử thách trong niềm tin và lòng mến, đồng thời biết thánh hóa những đau khổ ấy và biến nó thành niềm vui cứu độ.
3. Sứ điệp ngày lễ
Sứ điệp Lời Chúa và ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết noi gương Gia Đình Thánh Gia để sống có trách nhiệm với nhau nhằm xây dựng tổ ấm gia đình trong tình yêu và sự chung thủy.
Cần biết lượng giá những thứ tự ưu tiên trong việc vun đắp hạnh phúc gia đình.
Trước tiên, đó là phải cùng nhau xây dựng tình yêu. Gia đình chỉ có hạnh phúc thực sự khi mọi thành phần của gia đình biết quan tâm, chăm sóc nhau trong tinh thần trách nhiệm và yêu mến. Không có tình yêu, gia đình không có tiếng cười và sẽ biến thành hỏa ngục chốn trần gian!
Thứ hai, các bậc cha mẹ đừng quá quan trọng vấn đề cơm áo gạo tiền. Nhiều bậc cha mẹ đêm ngày lao mình vào cuộc chiến kiếm tiền, nên đã không còn coi trọng đến hai chữ tình yêu cũng như trách nhiệm với nhau và con cái. Vì thế, tình yêu phai nhạt, thất trung leo thang và cuối cùng là bị ngã gục trong sự ích kỷ, đổ vỡ….
Thứ ba, cần tôn trọng bạn đời của mình như một quà tặng vô giá mà Thiên Chúa trao ban cho mình. Mặt khác, cha mẹ biết yêu thương con cái như là kết quả của tình yêu dâng hiến mà hai người trao cho nhau.
Cuối cùng, muốn xây dựng gia đình hạnh phúc thực sự, các bậc cha mẹ và con cái hãy yêu mến những việc đạo đức, nhất là siêng năng tham dự thánh lễ cũng như các Bí tích và trung thành với giờ kinh tối gia đình.
Làm được những việc đó trong lòng mến và trách nhiệm, chúng ta mới mong có được một gia đình hạnh phúc, ấm êm, để cho mọi thành viên cảm thấy an vui mỗi khi ở trong gia đình, và mong muốn được trở về mỗi lúc đi xa.
Lạy Thánh Gia Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse, xin cho chúng con biết noi gương các Ngài để sống đẹp lòng Chúa, biết yêu thương nhau trong tinh thần trách nhiệm và thủy chung, để xây dựng một gia đình yên vui, hạnh phúc trong tình yêu và trách nhiệm theo khuôn mẫu của gia đình Thánh Gia. Amen.
Ts. Vinh sơn Ngọc Biển, S.S.P.
Nguồn tin: https://www.tonggiaophanhanoi.org
NĂM C: Lc 2,41-52
1. Chúa Giêsu lên Đền thờ - Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt
1. Mới đây, Robert Aron, trong cuốn “những năm ẩn dật của Chúa Giêsu, xuất bản tại Paris năm 1960, trang 119-169, đã cố công thiết lập lại đoạn văn này với những chi tiết dồi dào phong phú dưới một hình thức rất sống động. Thật là một lợi ích rất thiết thực cho những ai muốn hình dung lại các sự kiện quá khứ cụ thể; tuy nhiên cần phải chú ý đến điều chính yếu thuộc bình diện học thuyết. Tất cả mọi chi tiết trong đoạn này của Lc đều qui về một lời được coi như là chóp đỉnh và là chìa khóa để hiểu toàn bộ đoạn văn.
2. Tuy nhiên, xin mạn phép lưu ý điều này: bản văn không nói rõ ràng đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu theo cha mẹ Ngài lên Giêrusalem. Như Lc đã chép: câu đó chỉ có ý nghĩa là biến cố đó xảy ra lúc Chúa Giêsu lên 12 tuổi; điều đó không có nghĩa rằng trước kia Chúa Giêsu không bao giờ lên thành thánh. Theo Xac 23,17 và Đnl 16,16 tất cả nam giới ở Palestine, bất phân tuổi tác, phải đi trình diện trước Chúa vào 3 lễ trọng trong năm: lễ bánh không men, nghĩa là lễ vượt qua, lễ cầu mùa, cũng gọi là lễ gieo giống, và lễ gặt cũng gọi là lễ Lều tạm.
Đàng khác, thiếu niên Do thái chỉ chính thức tham dự phụng tự hội đường lúc 13 tuổi, và có một liên hệ nào giữa nghi thức này được người Do thái thực hiện khắp nơi, với cuộc hành hương do tác giả phúc âm kể lại.
Có lẽ phải nghĩ tác giả nhắm nói lên một biểu tượng. Con số 12 có nghĩa là toàn mãn, hoàn thành. Ghi nhận Chúa Giêsu lúc ấy, được 12 tuổi là cốt ý đưa độc giả nghĩ đến ngày chấm dứt sứ mệnh trần gian của Ngài, ngày Ngài phải trở về cùng Cha. Thế mà, chúng ta sẽ thấy, chính việc loan báo úp mở về ngày Phục sinh là điều mà trình thuật này cố ý nhắm đến đầu tiên.
3. Khung cảnh chẳng có gì khác thường. Các giảng sư kinh thánh thời đó, những vị chuyên môn về sách Torah, không hề xua đuổi các cậu du khách trẻ tuổi ưa nghe những bài chú giải của họ. Họ không có coi thường việc thảo luận với các cậu. Do đó, ngoài Chúa Giêsu còn có thể có những thiếu niên cùng lứa tuổi khác đến dự các buổi thảo luận trên.
Lc tiếp: “Vừa thấy Ngài, cha mẹ Ngài rất xúc động. Và mẹ Ngài nói cùng Ngài: Này sao con làm thế? Kìa cha con và mẹ phải lo lắng tìm con”.
Và Chúa Giêsu trả lời, một câu trả lời đầy ý nghĩa và mầu nhiệm đến nỗi cha R. Laurentin đã phải để ra phần lớn một tác phẩm khá quan trọng của ông để bàn giải mà không thế tát cạn nội dung câu trả lời đó: “Tại sao tìm con? Lại còn không biết rằng con phải ở tại nhà cha con sao?” (il me faut être chez mon Père).
Nghĩa từng chữ theo bản văn Hylạp: “dans tes de mon Père”. Đây là kiểu nói có vẻ hàm hồ, quá hàm hồ đến nỗi có nhiều tác giả, từ thế kỷ 16 trở đi, tưởng có thể chú giải như Chúa Giêsu muốn nói: “Cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao?” (je me dois aux affaires de mon Père). Nhưng lỗi phiên dịch này không thể đứng vững. Xét theo văn phạm thì không thể được và không có một chỗ dựa nào truyền thống giáo phụ. Đó chỉ là một sáng tác của óc duy trí (volontarisme) và duy hoạt động (activisme) tây phương. Qua một cuộc chứng minh sâu rộng, Laurentin cho thấy cách rõ ràng kiểu nói “dans les de mon Père” ám chỉ vật này vật nọ, không ám chỉ ai, lãnh vực nào, việc chi, nhưng chỉ có nghĩa “trong nhà cho con” (dans la maison de mon Père), hay cụ thể hơn, theo văn mạch của đoạn này là “trong đền thờ của Cha con” (dans le temple de mon Père). Nhưng những lối phiên dịch này bất lợi ở chỗ quá minh diện hóa một kiểu nói ẩn ngữ và giảm bớt tính cách bí ẩn của nó. Trong tiếng Pháp, có một kiểu nói tương đương và giữ được yếu tố huyền bí của câu “dans les de mon Père” là kiểu nói “chez mon Père”. Công thức này lột tả chính xác ý nghĩa Lc muốn mà vẫn phù hợp với văn phạm Hy lạp, với lối chú giải nhất trí của các giáo phụ Hy lạp và với chính văn mạch của đoạn này. (Nhưng than ôi! bản dịch BJ đã chép lại truyền thống sai lầm. May thay bản dịch mới của TOB (traduction Oecuménique de la Bibles), xuất bản năm 1972, đã dịch chez mon Père).
Cần nhấn mạnh thêm về điểm này, vì việc quán triệt đúng đắn và chính xác kiểu nói “dans les de mon Père” là chìa khóa để hiểu 2 chương phúc âm nói về thời thơ ấu của Chúa Giêsu và một cách nào đó, là chìa khóa để hiểu thần học phúc âm thứ ba cũng như của sách Cv.
Kiểu dịch “lo việc của cha con” (aux affaires de mon Père) rõ ràng làm mất ý nghĩa của trình thuật. Lo việc của Chúa Cha, đó chính là công việc mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện bắt đầu từ khi chịu phép rửa. Công việc vĩ đại, công việc duy nhất của Ngài là hoàn thành công cuộc của Thiên Chúa. Nhưng không phải là từ lúc 12 tuổi, khi lên đền thờ với cha mẹ. Lúc này Ngài chỉ muốn đến ở đó. Người ta không nói gì về những điều Ngài đàm đạo với các giảng sư Do thái mà chỉ nói Ngài “nghe và hỏi” các ông (c.46), có lẽ khi họ xin Ngài xác định lại một câu trả lời vừa phát biểu. Đó chỉ là cuộc đối thoại thầy trò, như thường xảy ra khi học về luật Torah. Trong bản văn không có gì cho phép nghỉ, như một lối giải thích nào đó của truyền thống, là Chúa Giêsu đã dạy dỗ các thầy tiến sĩ bằng cách “nói ra trước” lời loan báo về nước Thiên Chúa. Không phải là lúc Ngài tự hiến thân lo việc Cha Ngài. Giờ của Ngài chưa đến.
Nhưng kể từ lúc này, Ngài ở trong nhà Cha Ngài, trong nhà Ngài; sự hiện diện này còn là một sự hiện diện thể lý trong đền thờ.
4. Theo phúc âm, cha mẹ Ngài không hiểu được lời nói ấy. Thánh Giuse cũng như Đức Maria không lĩnh hội ngay được ý nghĩa đích thực của Lời đó. Không phải vì họ không biết nguồn gốc siêu việt của đứa con sinh ra theo phép lạ đó đâu; hơn ai hết, các Đấng là những người biết rõ nguồn gốc siêu việt của Chúa Giêsu. Nhưng các Đấng không hiểu được ngay là Chúa Giêsu muốn nói Cha Ngài ở trên trời cũng như việc Ngài gọi THIÊN CHÚA là Cha của Mình theo nghĩa đen. Nhất là các Đấng không thể đoán được tất cả mọi ý nghĩa sâu xa giấu ẩn sau lời nói con trẻ Giêsu, một lời nói đầy tính cách tiên tri, một lời nói mạc khải cách đơn sơ một tương lai hoàn toàn vượt khỏi khả năng hiểu biết của các Ngài.
Một ngày kia Ngài sẽ nói với vài người Do thái ở Giêruselem: “các ngươi sẽ tìm kiếm Ta nhưng sẽ không gặp; vì nơi Ta ở, các ngươi không thể đến được” (Ga 7,34). Các thành kiến sai lạc về Ngài của những người đối thoại với Ngài cản ngăn họ vươn tới bình diện thiêng liêng, không cho họ đi sâu vào lãnh vực thần linh, nơi mà Chúa Giêsu đang ở và nơi mà cuộc tử nạn và Phục sinh sẽ đặt Ngài vào một cách hoàn toàn.
Lúc 12 tuổi, ở trong đền thờ, Chúa Giêsu không những chỉ nói với cha mẹ Ngài mà còn nói với một cử tọa vô hình, với tất cả những ai Do thái hay lương dân, chỉ thấy Ngài như một vĩ nhân, một tiên tri, một người làm phép lạ, với những ai tìm Ngài chỉ vì một lợi ích trần tục, hạn hẹp trong cuộc đời này. “Tại sao các ông tìm tôi, như thể các ông không biết nơi tôi đang ở, nơi tôi phải ở, tôi phải ở với cha tôi luôn luôn, tại nhà Người”
Câu Chúa Giêsu trả lời mẹ Ngài hiển nhiên là khó hiểu. Xét cho kỹ, câu trả lời không giải thích gì, không nhắm bào chữa cách cư xử của Ngài, mà chỉ kêu mời Đức Maria và thánh Giuse vươn lên khỏi bình diện của những mối bận tâm thường nhật để đến trình diện thần linh, nơi mà Ngài luôn ở. Đó là một giáo huấn hơn là một câu trả lời. Cách mặc nhiên, nó cho thấy người nói lời đó không phải như các người khác và thái độ của người ấy chẳng giống thái độ của kẻ khác tí nào.
Hơn nữa, và nhất là nó hé mở trước câu hỏi mà Lc sẽ gán cho sứ thần khi ông kể lại việc khám phá mồ trống vào sáng ngày phục sinh. Các phụ nữ từng theo Chúa Giêsu từ Galilê và đã chứng kiến sự khổ hình Ngài đến viếng mồ từ tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần. “Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mồ; nhưng khi vào trong, họ không gặp thấy xác Chúa Giêsu. Đang khi họ phân vân về điều đó thì có hai người hiện ra cho họ, áo chói lòa. Họ đâm sợ, sấp mặt xuống đất, hai người kia mới nói với họ: “làm sao các ngươi tìm Đấng sống giữa những kẻ chết? Ngài không có ở đây, nhưng đã sống lại” (Lc 24,2-5). Rồi hai người gợi lại cho các bà những lời Chúa Giêsu đã phán dạy trước kia” làm sao Ngài đã loan báo âm mưu các thầy thượng tế, cuộc khổ nạn, cái chết trên thập giá và sau cùng là cuộc phục sinh của Ngài ngày thứ ba.
” Tại sao tìm con? Cha mẹ không biết rằng…”. Đấng luôn ở cùng Chúa Cha không thể chết mãi, không thể bị tiêu diệt ngàn đời. Ngài thật vĩ đại, Ngài là Đấng hằng sống; mọi lo lắng về Ngài đều không đúng chỗ, vì không chứng tỏ rằng nếu phải là một sự thiếu đức tin thì ít nữa cũng là một đức tin chưa nhận thức được tầm mức rộng lớn của đối tượng của nó.
5. Ở đây đã đến lúc hồi tưởng lại các chi tiết được Lc cố gom góp để hướng tâm trí độc giả về một lối giải thích không những chính xác mà còn phong phú nhựa sống thiêng liêng về lời hài nhi Giêsu nói.
Chúng ta đã nêu lên ý hướng của tác giả phúc âm khi ông ghi nhận rằng lúc đó Chúa Giêsu lên 12 tuổi. Hình như ông đã thấy trong con số này biểu tượng một sự hoàn thành, một sự hoàn tất. Cùng một ý tưởng đó được tìm thấy nơi đoạn ông viết: “Khi các ngày ấy đã mãn” những ngày của lễ vượt qua – thánh Giuse và đức Maria rời khỏi thành thánh. Nơi Lc ý tưởng “hoàn tất” này được liên kết với việc tử nạn Phục sinh (12,50; 18,31; 22,37; 9,51; 9,31; 22,16; 22,44; 21,24…), biến cố được coi như là đích điểm và hoàn thành sứ mệnh trần thế của Chúa Giêsu. Giây phút mà con trẻ nói lên một lời tiên tri liên quan đến việc Ngài trở về cùng Cha trùng hợp với giây phút Ngài hoàn tất và vâng lời nghiêm túc các giới răn của lề luật.
Chỉ sau ba ngày, thánh Giuse và đức Maria mới tìm thấy con trẻ lạc mất. Ba ngày đó chính là khoảng thời gian từ khi chết đến lúc sống lại, vì phải hiểu thành ngữ này theo nghĩa “vào ngày thứ ba”. Đây là thành ngữ Lc thường dùng. Thành ngữ này có lẽ cảm hứng theo một bản văn của Ôse (6,2) hoặc sách các vua quyển hai (20,5)
Một yếu tố khác. Chúa Giêsu quả quyết, trong câu trả lời cho đức Maria và thánh Giuse: “Con phải ở nhà Cha con”. Kiểu nói “phải” xuất hiện 6 lần khác trong phúc âm Lc và luôn luôn có liên quan đến cuộc tử nạn của Chúa Giêsu nhưng là việc hoàn tất các lời tiên tri (13,33; 24,26; 24,44…). Dường như đoạn văn chúng ta đây không đi ra ngoài thông lệ đó và xem ra đây là lời Chúa Giêsu tiên báo về cuộc tử nạn của Ngài. Vì vậy thành ngữ “ở nhà Cha con” tại chỗ này ám chỉ việc Chúa Giêsu trở về cùng Cha Ngài nghĩa là việc Ngài chết và sống lại.
Rồi đức Maria và thánh Giuse cũng không hiểu về mối tử hệ thần linh của Chúa Giêsu đâu. Vì đức Maria, ngay từ lần truyền tin, đã rõ mối tử hệ thần linh này rồi. Các nhà chú giải cắt nghĩa bản văn theo nghĩa đó cho rằng ở đây có một mâu thuẫn. Nhưng cũng ở đây, phải chú giải đoạn văn bằng cách đối chiếu với những đoạn song song. Thế mà chủ đề “không hiểu” xuất hiện nhiều chỗ trong Lc (9,45; 18,34; 14,25) và luôn luôn liên hệ với những lời Chúa Giêsu ám chỉ bí nhiệm cuộc tử nạn của Người. Do đó, việc không hiểu ở đây chẳng phải là điều đáng trách, nhưng là do lời Chúa Giêsu loan báo cuộc tử nạn còn phải che dấu đối với những người nghe. Họ chỉ hiểu được ý nghĩa lời Ngài nói sau khi các lời loan báo đó được hoàn thành.
6. Ngoài ra trình thuật này còn nhiều yếu tố thần học khác thuộc loại giáo lý. Một trong những yếu tố đó là trí thông minh mà Chúa Giêsu bày tỏ qua việc trả lời các câu hỏi của các tiến sĩ luật. Sự thông minh này làm họ phải kinh ngạc (2,47). Điều này cũng sẽ thường xảy ra trong đời công khai của Chúa Giêsu. Các phúc âm ghi lại nhiều cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với các ký lục và biệt phái. Những người này đặt nhiều câu hỏi, tìm cách làm cho Ngài lúng túng; và Chúa Giêsu làm cho Ngài kinh ngạc vì sự đối đáp khôn ngoan của Ngài (Mt 12,1-8; 19,3-9). Nói cách tổng quát, Chúa Giêsu xuất hiện trong phúc âm như một nhà chú giải kinh thánh có thẩm quyền. Một đoạn của Lc đã cho thấy điều đó: một ngày sabat nọ, sau khi Chúa Giêsu đã giảng dạy, nghĩa là đã chú giải kinh thánh, thì “ai nấy đều kinh ngạc trước lời giảng giải của Ngài (4,32).
Như vậy, đoạn này có tiêu mục giáo lý khác là cho ta thấy Chúa Giêsu thông hiểu kinh thánh đến nỗi chính các tiến sĩ luật phải công nhận. Qua đó Chúa Giêsu được chứng tỏ như là một thày dạy đáng tin. Và đó là một trong những khía cạnh chính yếu của bài giáo lý sơ khai. Nếu Chúa Giêsu là Đấng cứu thế thì Ngài cũng là thầy dạy. Thánh Gioan đã làm nổi bật cách đặt biệt khía cạnh này. Nhưng khía cạnh đó cũng không kém quan trọng đối với phúc âm nhất lãm. Đặc điểm của đoạn văn chúng ta đây là uy quyền của Chúa Giêsu được biểu lộ ngay từ thời Ngài còn niên thiếu.
7. Một yếu tố khác của trình thuật cũng quan trọng đối với giáo lý, là thái độ của Chúa Giêsu đối với đức Maria và thánh Giuse. Khía cạnh này tự nó độc lập với khía cạnh trên và đã được Lc khai triển một cách dài dòng. Chúa Giêsu ở lại trong đền thờ Gierusalem mà không báo trước cho cha mẹ Ngài. Hai ông bà thoạt tiên tưởng Ngài đã về với những người hành hương khác. Sau một ngày tìm mà không gặp, hai Đấng đã trở lại Giêrusalem. Bấy giờ họ mới thấy Ngài ở trong đền thờ, đức Maria phàn nàn đã vì Ngài mà băn hoăn lo lắng… Tất cả những điều đó đều có tính cách lịch sử. Chắc hẳn biến cố xôn xao này đức Maria đã giữ lại một kỷ niệm đáng nhớ. Cho nên phủ nhận tính cách lịch sử của trình thuật không còn gì phi lý bằng.
Tuy nhiên giai thoại cũng có một ý nghĩa học thuyết và vì thế mà giáo lý đã giữ lại. Một lần nữa chúng ta gặp lại trong phúc âm những đoạn song song nói về thái độ tương tự của Chúa Giêsu đối với đức Maria và thánh Giuse. Như trong Lc,19-21 (song song với Mc 3,32) ta thấy: mẹ và anh em Chúa Giêsu hay và Ngài trả lời: “Mẹ và anh em ta là những người nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Cũng y như vậy trong trình thuật tiệc cưới Cana của phúc âm Gioan. Do đó đây chính là một điểm giáo huấn khiến người ta duy trì điểm này. Và giáo huấn đó là việc Chúa Giêsu xác quyết Ngài thuộc về một vũ trụ khác với vũ trụ gia đình nhân loại.
Lời quả quyết này được biểu lộ qua chính lối cư xử của Chúa Giêsu: việc Ngài không báo trước cho cha mẹ Ngài hay chứng tỏ Ngài độc lập với hai Đấng xét như Ngài là Con Thiên Chúa và sự độc lập này được nhấn mạnh bằng lời quả quyết tương phản tiếp đó về sự tùng phục đối với hai ông bà sau khi trở về Nazareth (c,51). Điều ấy chứng thực Ngài lệ thuộc đức Maria và thánh Giuse với tư cách Ngài là con người. Nhưng hành vi của Chúa Giêsu được biểu lộ cách minh nhiên qua lời Ngài nói: “Con phải ở tại nhà Cha con” (2,49), câu nói đối chiếu tử hệ thần linh của Chúa Giêsu với mối dây họ hàng thuần nhân loại được gợi qua câu “cha và mẹ hằng tìm con”.
8. Người ta có thể tự hỏi tại sao chỉ mình Lc ghi lại giai thoại này thôi. Dường như có ba lý do: lý do thứ nhất là vì giai thoại đã xảy ra trong đền thờ (2,46). Mà như chúng tôi đã lưu ý, Lc rất thích nói đến chủ đề đền thờ. Tin mừng của ông khởi đầu với việc thiên thần Gabriel hiện ra cho Giacaria trong đền thờ; rồi tiếp đến là việc dâng Chúa Giêsu vào đền thánh. Do đó thật dễ hiểu khi Lc ghi lại một giai thoại cho phép ông kết thúc phần đầu này của phúc âm bằng cách ám chỉ đến đền thờ, như ông sẽ làm với toàn bộ phúc âm (24,53). Lời của Chúa Giêsu: “Con phải ở tại nhà Cha con”, nghĩa là ở trong đền thờ, đem lại cho sự hiện diện của Chúa Giêsu tại đó chiều kích biểu tượng nói lên việc Chúa Giêsu trở về nhà Cha Ngài.
Nhưng từng ấy không thể giải thích được tại sao Lc, khác với Mt, đã ghi lại một giai thoại liên quan đến thời niên thiếu của Chúa Giêsu. Sở dĩ ông ghi lại là vì, hơn các tác giả phúc âm khác, ông hằng quan tâm đến việc trình bày cho chúng ta một “tiểu sử” của Chúa Giêsu hợp với qui định của văn thể tiểu sử thời đó. Mà những “tiểu sử” này, theo sách Haggada Do thái và sách hiền nhân Hy lạp chú tâm nhiều đến thời niên thiếu. Vì vậy Lc đã muốn lấp đầy khoảng trống giữa những trình thuật về thời thơ ấu và những trình thuật về thời công khai của Chúa Giêsu. Nội dung của thời kỳ này được nói rõ qua hai câu mở và kết thúc đoản văn. Trong hai câu này (2,40 và 2,52) đều nói đến vấn đề Chúa Giêsu lớn lên trong sự khôn ngoan (sophia). Nếu nội dung chính yếu của phúc âm thời thơ ấu là như thế đối với Lc, thì việc ông chọn một giai thoại để làm nổi bật sự khôn ngoan vô song của Chúa Giêsu là một điều dễ hiểu.
Nhưng ngoài việc tôn trọng những qui luật của thể văn lịch sử còn một lý do tín lý nữa. Trong Kitô giáo chúng ta thấy xuất hiện rất sớm một trào lưu tư tưởng cho rằng Chúa Giêsu là một con người như bao người khác, được sinh ra do cuộc hôn nhân giữa đức Maria và Giuse, nhưng Chúa Thánh Thần đã xuống trên Ngài khi Ngài chịu phép rửa để biến Ngài trở nên tiên tri cao trọng nhất. Dòng tư tưởng này là của những Kitô hữu gốc Do thái, những người Ebionites và của một vài nhà ngộ đạo. Phúc âm Mc, khai mạc đời Chúa Giêsu với phép rửa, có thể là cơ hội cho quan điểm này. Nên đây có thể là một trong những lý do thúc đẩy Lc minh chứng rằng Chúa Giêsu đã ý thức mình là Con Thiên Chúa từ lúc thiếu thời, để bài bác sai lầm của tư tưởng kia. Chúng ta thấy có chuyện tương tự như thế trong phúc âm Gioan, nếu thực sự Gioan cũng nhằm bác bỏ thuyết ảo thân của Cérinthe.
KẾT LUẬN
Giai thoại này xuất hiện như là câu kết và điểm hội tụ của toàn thể Tin mừng thời thơ ấu. Đồng thời đó cũng là một bài giáo lý với hai khía cạnh: khía cạnh luân lý (sự vâng phục của Chúa Giêsu) và khía cạnh mầu nhiệm (sự biểu lộ mầu nhiệm phục sinh). Thật ra chính khía cạnh thứ hai mới trổi vượt hơn. Điều đã khiến Lc chọn lựa giai thoại “tìm lại Chúa Giêsu” đây, với các chi tiết (khung cảnh lễ vượt qua, Giêrusalem, đền thờ, ba ngày…) và lối trình bày đặc biệt, chính là hoài bão muốn bày tỏ, trong thời thơ ấu Chúa Giêsu, các dấu chỉ báo trước cuộc tử nạn và việc trở về cùng Cha bằng cái chết, là điểm chính yếu trong mầu nhiệm của Chúa Giêsu.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Từ khi còn niên thiếu, Chúa Giêsu đã ý thức rằng Ngài sẽ phải trở về cùng Cha trên trời ngang qua một cái chết khủng khiếp đã được thánh kinh tiên báo (Is 53; Tv 22,69…) và cũng theo lời thánh kinh (Os 6,2); 2V 20,5), người ta chỉ gặp lại ngài sống lại sau ngày thứ ba. Đó là tất cả mầu nhiệm Tử nạn – phục sinh mà Ngài muốn sống một cách biểu tượng để chuẩn bị cho đức Maria và thánh Giuse, trước khi sống một cách đích thực. Đấy là ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay. Xét cho kỹ, chúng ta sẽ khám phá rằng mọi giai thoại về cuộc đời Chúa Giêsu, mới thoạt nhìn xem ra quá tầm thường, nhưng luôn luôn chỉ nói về mầu nhiệm trung tâm của số phận Ngài và của đức tin Kitô giáo của chúng ta: cuộc tử nạn – sống lại của Đấng cứu thế, mầu nhiệm phục sinh. Đối với chúng ta cũng vậy, những biến cố tầm thường trong cuộc sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi giúp chúng ta sống mầu nhiệm phục sinh trong thân xác chúng ta, nghĩa là vượt qua (:Pâques) cuộc sống con người để sống chính cuộc sống Thiên Chúa. Chúng ta cũng chỉ có một số phận” là ở trong nhà Cha chúng ta, không phải bằng cách ở trong nhà thờ suốt ngày (Chúa Giêsu không ở lại trong đền thờ nhưng đã trở về Nazaret) song bằng cách sống dưới cái nhìn của Chúa Cha, bằng cách chết cho mình mỗi ngày, cho tính ích kỷ tự nhiên để hoàn toàn sống đời tình yêu mà Chúa Cha hằng mời gọi.
2. Chúa Giêsu đối chiếu thánh Giuse, cha nuôi của Ngài với Cha trên trời: “Cha con và mẹ tìm con” – “Cha mẹ không biết rằng con phải ở tại nhà Cha con sao?”. Tử hệ thần linh của Chúa Giêsu vượt trên mọi mối liên hệ nhân loại. Ai yêu gia đình mình hơn Đấng Kitô thì không xứng đáng với Ngài (x. Mt 10,37).
Sứ mệnh của Chúa Giêsu giả thiết một sự vượt qua các đòi hỏi thiết yếu của gia đình. Để thực hiện sứ mệnh này, Chúa Giêsu một ngày kia sẽ bỏ gia đình để hoàn toàn hiến thân cho Nước Trời. Giai thoại về cuộc đi tìm Chúa Giêsu đây đã là một loan báo, một báo động về sứ mệnh tương lai của Ngài. Đức Maria và thánh giuse chưa hiểu điều đó, nhưng khi đến giờ chia ly dứt khoát, các Ngài sẽ không chống lại thánh ý Thiên Chúa. Mọi gia đình Kitô giáo đích thực cũng thế, phải rập theo khuân mẫu của thánh gia thất. Cha mẹ đừng bao giờ chống lại ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ của con cái mình, cũng như đừng chống đối việc con cái lập gia đình khi đã khôn lớn. Muốn giữ con cái lại cho mình với bất cứ giá nào là một hình thức ích kỷ không thích hợp với tình yêu Kitô giáo đích thực.
3. Nhưng sự độc lập của Chúa Giêsu cho ơn gọi thần linh của Ngài không có nghĩa là một sự thoát ly quá sớm; việc Ngài lưu lại Giêrusalem không phải là bất tuân nhưng là tuân phục một mệnh lệnh lớn hơn. Người sẽ chứng minh điều đó ngay lập tức bằng việc hoàn toàn vâng phục thánh Giuse và đức Maria ở Nazaret. Và suốt phần còn lại của đời Ngài, Ngài vẫn nêu gương về điểm đó cho mọi thời đại; qua gương sáng của Ngài, Ngài cho thấy quyền bính của cha mẹ và sự vâng phục của con cái là luật lệ thánh trong nền giáo dục Kitô giáo. Điều đó còn đi xa hơn nữa khi Chúa Giêsu – con Thiên Chúa đã phải tùng phục mệnh lệnh của hai người đơn sơ và chất phác.
4. Chúa Giêsu lạc mất: việc Ngài tự ý biến mất không thể qui trách cho thánh Giuse và đức Maria là những vị đã hết lòng săn sóc lo lắng cho Ngài. Chuyện xảy ra đã vượt quá mọi tiên liệu. Khi trong đời sống thiêng liêng, chúng ta cảm thấy khô khan, nghi ngờ, tối tăm, cảm thấy Chúa Giêsu dường như ẩn khuất và lẩn tránh lời cầu nguyện của chúng ta, điều đó có thể một phần vì lỗi chúng ta. Nhưng cũng có thể là Chúa Giêsu muốn lẩn khuất để thử thách chúng ta (Lc 24,28). Ngài nói với chúng ta: “Còn một ít lâu nữa, các con sẽ lại thấy Ta” (Ga 16,16-19). Trong khi chờ đợi, đừng cam chịu xa cách Chúa Giêsu: “Hãy tìm và sẽ gặp”. Như đức Maria và thánh Giuse, phải đi tìm kiếm Chúa cho đến khi gặp được Ngài.
5. Chúa Giêsu đã muốn trở thành người hoàn toàn, biết qua những giai đoạn tăng trưởng, phát triển của đời người. Nhưng Ngài cũng muốn thánh hóa lao động, tình yêu gia đình và muôn ngàn chi tiết của cuộc sống thường nhật. Chính trong khung cảnh gia đình và lao động mà chúng ta có thể sống tốt làm con Chúa, sống hạnh phúc vì được ở nhà Cha.
Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt
Nguồn tin: https://www.tonggiaophanhanoi.org
2. Xây dựng trên Tình yêu - Gia đình sẽ hạnh phúc - Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Bài hát: “Ba Ngọn Nến Lung Linh” của tác giả Ngọc Lễ đã diễn tả hình ảnh gia đình thật sâu đậm và ấm cúng: “Gia đình gia đình, ôm ấp những ngày thơ, cho ta bao kỷ niệm thương mến. Gia đình gia đình, vương vấn bước chân ra đi, ấm áp trái tim quay về”.
Với thi sĩ Tế Hanh, ông coi gia đình là cái nôi phát xuất tình yêu, vì thế, ông viết: “Con nằm giữa cha, con nằm giữa mẹ. Cuộc đời nằm giữa yêu thương” (Tế Hanh).
Thật thế, ai trên đời này cũng đều có một gia đình, khi nhắc đến, lòng mỗi người rộn lên bao nhiêu nhung nhớ trìu mến, vì: “Người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về, đó là gia đình”. Ôi hình ảnh gia đình thật đẹp và cao quý trong tâm tưởng của mỗi người, khiến chúng ta phải trân trọng!
Cao đẹp, vì nơi gia đình, mọi mối tương quan được thiết lập. Trân trọng vì gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo Hội.
Tuy nhiên, muốn cho các mối tương quan được tốt đẹp và nền tảng được vững chắc, ắt phải dựa trên tình yêu được bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Với người Công Giáo, mỗi khi nhắc đến vai trò gia đình, Giáo Hội còn nhấn mạnh và đi xa hơn khi khẳng định: Gia đình là “Giáo Hội thu nhỏ”; hay “Giáo Hội tại gia” (x. SGLC 2205; FC 52). Nơi đó: “Mỗi gia đình thể hiện đúng bản chất của mình là một cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất và thánh thiện để làm dấu chỉ loan báo cho mọi người về Nước Thiên Chúa” (x. FC 52).
Sứ mạng ấy được nói đến cách cụ thể và thiết thực qua lời dạy của thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay:“Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt” (Cl 3, 18-21).
Như vậy, đời sống vợ chồng được mời gọi diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa với dân người; giữa Đức Kitô với Giáo Hội.
Nếu Thiên Chúa luôn trung thành, yêu thương con người, không bao giờ ly dị chúng ta, dù đã nhiều lần chúng ta bất trung, bội bạc và vô ơn…; thì đời sống vợ chồng cũng luôn mời gọi chúng ta noi gương Thiên Chúa để sống trung thành với nhau trọn đời.
Nếu Đức Giêsu đã yêu thương Giáo Hội và hiến thân vì Giáo Hội, thì vợ chồng cũng được mời gọi sống chết cho nhau như thế. Trong đời sống vợ chồng, chúng ta: “Hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện” (Cl 3, 12-14).
Khi dạy tín hữu như thế, thánh Phaolô muốn nhắc đến điều căn bản của gia đình, đó là: một cộng đoàn đức tin và yêu thương…
Sang bài Tin Mừng, thánh sử Luca trình thuật sự kiện Đức Giêsu cùng với cha mẹ Ngài trẩy hội lên đền Giêrusalem để mừng lễ, sau kỳ lễ, Ngài đã ở lại đền thờ và: “Ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông về những chuyện liên quan đến Kinh Thánh” (x. Lc 2, 46).
Câu chuyện kết thúc bằng việc Đức Maria và thánh Giuse sau khi biết Đức Giêsu không về với bà con thân thuộc, liền quay trở lại để tìm con. Phần Đức Giêsu khi đã gặp Đức Mẹ và thánh Giuse, Ngài đã theo cha mẹ trở về Nazareth và: hằng “vâng phục hai ông bà […], tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta” (x. Lc 2, 51-52).
Qua câu chuyện Tin Mừng, chúng ta thấy, Đức Giêsu đã đặt trung tâm đời sống của Ngài là Thiên Chúa, nên cũng như mọi người, Ngài lên đền thờ Giêrusalem dự lễ để chu toàn bổn phận trong lòng mến với Thiên Chúa.
Nơi Đức Maria và thánh Giuse, thì luôn coi Đức Giêsu là trung tâm của gia đình, nên khi không thấy Đức Giêsu, các ngài đã hối hả lên đường để đi tìm!
Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng: cuộc sống của gia đình chúng ta sẽ gặp được niềm vui, bình an và hạnh phúc nếu biết gắn bó với Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện và luôn đặt Ngài vào trung tâm của gia đình. Nếu đi ngược lại điều đó, mọi mối tương quan sẽ bị rạn nứt và đổ vỡ vì nó không được bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa.
Thật vậy, đời sống cầu nguyện nơi gia đình là tối quan trọng. Quan trọng đến độ nếu muốn có một gia đình hạnh phúc thì không thể không cầu nguyện. Tại sao vậy? Thưa! Vì khi cầu nguyện, mọi mối tương quan được khởi sắc và khăng khít.
Hãy cầu nguyện với Chúa mọi nơi mọi lúc. Cầu nguyện trong sự cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời. Tạ ơn Chúa vì tất cả những gì Ngài đã ban cho.
Ngày nay, người ta coi thường giờ kinh gia đình, thay vào đó là giờ của tivi, truyền hình, sách báo… và nhiều chuyện khác…
Tuy nhiên, hệ quả đằng sau nó chính là sự chia rẽ, rạn nứt, vì không được Lời Chúa hướng dẫn, không nhận ra khuyết điểm để sửa sai, không thấy ân lộc Chúa ban mà tạ ơn, như vậy, đây là mối nguy của sự chung thủy.
Khi cầu nguyện chung với nhau, mọi người được Chúa hướng dẫn và mọi thành viên học được bài học yêu thương.
Nếu con cái tôn thờ Thiên Chúa thì chúng không thể không yêu thương, kính trọng cha mẹ là hình ảnh và đại diện Chúa trên trần gian.
Nếu vợ chồng có những chuyện không thể tha thứ, khi cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy được Thiên Chúa nhân hậu và quảng đại, Ngài đã tha thứ cho mình, thì mình cũng phải tha thứ cho nhau… Trong cuộc sống, có biết bao những khó khăn cách này, cách khác… nhìn lên Thánh Giá Chúa trong tâm tình cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy được mọi lời giải đáp và tìm lại được ý nghĩa, giá trị của đau khổ trong đời sống đức tin.
Cuối cùng, tham dự các buổi cử hành phụng vụ, lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Giải tội và Thánh Thể, chúng ta sẽ được chính lòng thương xót của Thiên Chúa dưỡng nuôi và định hướng.
Mẫu gương gia đình Thánh Gia mà Giáo Hội mừng kính hôm nay toát lên những đặc tính đó. Và, khi thiết lập lễ Thánh Gia, Giáo Hội mời gọi mọi thành phần hãy nhìn ngắm, chiêm ngưỡng đời sống của gia đình Thánh Gia. Những tấm gương ngời sáng của một người cha, một người mẹ và một người con hết lòng vì gia đình.
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, xin cho các bậc làm cha mẹ biết ý thức được vai trò, trách vụ quan trọng của mình trong gia đình, từ đó biết chu toàn bổn phận, yêu thương và giáo dục con cái nên người.
Xin cho các người con biết yêu mến, vâng phục cha mẹ trong tình yêu, để qua đó, được trở nên con người tốt giúp ích cho Giáo Hội và xã hội.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Nguồn tin: https://www.tonggiaophanhanoi.org
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 115 | Tổng lượt truy cập: 4,165,437