Suy niệm Tin mừng thứ Ba - Tuần 5 - Thường niên (Mc 7, 1-13)

  • 15/01/2023 18:39
  • "Hãy thảo kính cha mẹ", và "ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử" (Mc 7, 10)

    1. Tin mừng:  Mc 7, 1-13

    Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?" Người đáp: "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: "Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người". Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy". Và Người bảo: "Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: "Hãy thảo kính cha mẹ", và "ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử". Còn các ngươi thì lại bảo: "Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)", và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế".

     

    2. Suy niệm: Bổn phận kính hiếu cha mẹ 

    Những lời nói cứng cỏi Chúa Giêsu dành cho người biệt phái đã tố cáo họ đi lệch tinh thần lề luật. Chẳng hạn đi ăn cỗ phải rửa tay theo phép lịch sự thì lại làm thành luật tôn giáo. Đáng lý phải rửa tấm lòng hơn là rửa tay. Bài Phúc âm hôm nay còn trình bày cách hiếu đế của người biệt phái đối với cha mẹ. Họ không nói là hãy bất hiếu với cha mẹ, nhưng thực tế lại không cung cấp những gì cần thiết cho cha mẹ. Trong khi luật Maisen đã ghi rõ trong sách Xuất hành: “ngươi phải trọng kính cha mẹ” (20,12) Chính Maisen còn ra án phạt cho những đứa con ngỗ nghịch dám nhục mạ cha mẹ mình: “Kẻ nào chúc dữ cho cha mẹ mình, sẽ phải tử hình” (21,15).

    Trong Tân ước Chúa Giêsu căn dặn: “hãy thảo kính cha mẹ” (Mt 15,4). Chúa sống 9/10 cuộc sống trần gian giữa gia đình. Chúa dự tiệc cưới Cana (Gio 2,1), Chúa yêu thương trẻ em (Mc 9,33-37). Chúa trao gởi thân mẫu mình cho Gioan (Gio 19,27). Tất cả đều minh chứng rõ rệt thái độ của Chúa đối với cha mẹ. Trong Giáo hội có giới răn thứ IV để bảo vệ cha mẹ. Cho nên con cái chúng ta phải có thái độ nào đối với cha mẹ ? Thưa phải yêu mến, vâng lời, kính trọng.

    1. Yêu mến. Tình yêu đây được hiểu là phải có bề trong bề ngoài, con tim khối óc. Bề trong phải ước mong cho cha mẹ được may lành, được khang an trường thọ để lập nghiệp đức tin. Còn yếu tố bên ngoài là lễ độ, là tôn kính, thăm viếng, giúp đỡ, an ủi tinh thần vật chất. Đừng bao giờ để các Ngài phải chật vật về sức khỏe, thuốc thang, áo xống. Nhất là phải lo lắng cho cha mẹ phần thiêng liêng khi cần thiết như bí tích Xức dầu, xưng tội, của ăn đàng.

    2. Trọng kính. Trọng kính cha mẹ là điều phải lẽ, vì cha mẹ sinh thành dưỡng dục không bao giờ chúng ta trả lời được, vì không ai sinh lại được cha mẹ đâu.

    Công cha như núi Thái Sơn

    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

    Lên non mới biết non cao.

    Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.

    Núi cao bể rộng mênh mông

    Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.

    Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể,

    Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày.

    Nhưng trên đời nay cũng không thiếu gì những đứa con bất hiếu như kiểu “tò vò mà nuôi con nhện, đến khi nó lớn nó quyện nhau đi”. Công dã tràng là thế. Nếu như hôm nay đây chúng ta không kính trọng cha mẹ mình cho đủ, thì ngày mai con cái chúng ta sẽ trả y nguyên như chúng ta đối xử với cha mẹ chúng ta hôm nay. Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó... Người lấy đấu nào mà đong cho người ta... Cho nên phận làm con lo tròn chữ hiếu. Có 3 điều năng xúc phạm chự hiếu: 1. Lời nói: chửi rủa nhiếc mắng, giận dữ. 2. Cử chỉ: đánh đập nặng nhẹ. 3. Bỏ bê không đoái hoài.

    3. Vâng lời. “Cá không ăn muối cá ươn”. Nuôi con mà không dạy, thì gây nên một  đàn cướp. Yêu con cho roi cho vọt... cha mẹ nào cũng phải lo phúc lợi và nhất là nước trời cho con cái. Cho nên phải chỉ bảo điều hay lẽ tốt là bổn phận nặng nề. Vậy:

    a. Con cái phải vâng lời cha mẹ vì cha mẹ thương dạy dỗ sửa trị...

    b. Không được vâng lời làm sai luật Thiên Chúa và Giáo hội.

    Vâng lời loài người, còn gì cao đẹp hơn khi tình thương tìm thấy tình thương. Tình thương ấy lại là tình thương tinh khiết trong nghĩa vụ gia đình. Nếu gia đình có tình thương thì đó là sức mạnh đẩy con cái lập sự nghiệp cho gia tộc. Nhưng con cái cũng hãy nhớ ơn cha mẹ đã một thời chắt chiu, cho con mình. Khi cha mẹ tuổi già là tuổi dễ buồn, cô đơn, tủi phận, tính tình dễ thay đổi, vì năm tháng chồng chất. Cha mẹ già như bóng qua cửa sổ. Có khi con muốn nuôi cha mẹ mà cha mẹ không còn. Tại sao không bù cho những ngày cha mẹ còn ở bên mình ? Khi cha mẹ còn sống chúng ta thờ ơ lãnh đạm, cầu cho mau chết... lúc các Ngài mất đi thì mâm cao cỗ đầy... làm văn tế ruồi.

    Chúng ta cùng nhắc nhau bổn phận  hiếu đễ hôm nay.

    Nguồn tin: http://giaophanthaibinh.org

    Bài viết liên quan