Suy niệm Tin mừng thứ Hai - Tuần 6 - Thường niên (Mc 8, 11-13)

  • 15/01/2023 18:39
  • "Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào" (Mc 8, 12)

     

    1. Tin Mừng: Mc 8, 11-13

    Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: "Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào". Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.

     

    2. Suy niệm: Phép lạ cần có lòng tin

    Những người biệt phái đòi xin Chúa làm dấu lạ. Đó cũng là lẽ thường của con người khi gặp người lạ mặt. Gặp một người không quen thuộc chúng ta thường nghi ngờ hỏi han và đòi hỏi những giấy tờ chưng minh. Ở đây những người biệt phái cũng muốn Chúa Giêsu minh chứng về Ngài bằng việc làm, vì việc làm minh chứng con người là ai. Họ suy luận rằng xưa kia trong Cựu ước, để minh chứng là tiên tri, thì Maisen đã xin được Manna từ trời xuống cho dân (Xac 16,12). Còn Giosuê đã từng làm cho mặt trời đứng lại (10,12). Elia đã làm mưa tầm tã cho nhà nông sau ba năm ròng rã nắng hạn nứt nước (1V 18,44). Tiên tri Isai đã làm cho thời gian như lùi lại (Is 38,7)... Bởi thế họ cho rằng nếu Chúa Giêsu tự cho mình là cao trọng hơn các tiên tri, thì ít ra cũng phải làm được dấu lạ nào đại khái như là nhật thực, nguyệt thực, mưa sa nước lũ khi họ cần, họ muốn chứ...

    Thật ra thì nhóm này đã từng biết đến những phép lạ Chúa đã làm như sóng gió im lặng (Mt 8,18), trừ quỉ (Mc 1,32-34), chữa bệnh cùi (Lc 17,11), cho kẻ chết sống lại (Gio 11,1-46). Đứng trước những sự kiện lạ lùng ấy, họ lại cho là Chúa Giêsu đã dùng quyền tướng quỉ là Beezeebuth (Mc 3,22). Nghĩa là họ không thực tâm đi tìm Thiên Chúa đâu. Họ không muốn nhìn những phép lạ như là những bảng chỉ đường về Thiên Chúa. Trái lại, họ muốn đòi hỏi để tấn công, để thách thức, để xem Chúa có vâng theo tham vọng của họ không.

    Đấy là thái độ thử thách Thiên Chúa mà thôi. Giống như trường hợp của ma quỉ thử thách Chúa nơi hoang địa là biến đá ra bánh, là lao mình xuống đất (Mt 4,1-11). Cũng giống như những người ở Nazareth thách Chúa làm những phép lạ đã làm ở Caphanaum, mà Chúa không làm (Mc 6,1-6). Cũng giống như những trưởng tế, luật sĩ đố Chúa “nếu ông là vị Cứu thế, hãy cứu lấy mình và cứu tôi đi” (Lc 23,39). Tất cả nói lên thái độ trịch thượng, bất tin, tự cao. Cho nên Chúa đã không cho như ý họ đâu. Không cho là bởi vì không tin, không biết ơn huệ là gì. Nếu không tin, thì Chúa không ban cho được, càng không thể được ơn cứu rỗi. Chính Chúa đã xác nhận là “đức tin của con cứu con” (Mt 9,22). Bao nhiêu lần Chúa làm phép lạ cũng chỉ vì lòng tin. Nơi Nazareth đã không có phép lạ vì không có lòng tin (Mc 6,5).

    Nếu như ở đời này, chúng ta cần có tin nhau thì đối với Thiên Chúa phải thế nào, khi Ngài đặt điều kiện đó. Ở đời này, chúng ta có tin nhau, chúng ta mới đối thoại, mới trao đổi hàng qua công việc cho nhau, có tin nhau, chúng ta mới sống bên nhau. Một dân tộc có chung một niềm tin mới sống còn được. Đối với Chúa là Đấng sáng tạo nên lòng tin, Ngài càng cần điểm đó. Ngài cần, đến nỗi chỉ cần phát biểu lòng tin vào Ngài là được sống lại như trường hợp Lazarô (Gio 11,1-40). Nếu như hôm nay, chúng ta chỉ tin Chúa và coi Ngài như một người thường thôi, hay cùng lắm như một sư phụ, thì cái chết và sự sống lại của Ngài không ảnh hưởng gì đến chúng ta được vì nếu chúng ta tin Ngài như thế, thì có hơn gì chúng ta tin một người bạn hay tin vào bậc sư phụ. Đối với Chúa, hầu như mọi vấn đề được giải quyết theo cấp độ đức tin (như những trường hợp chữa bệnh chẳng hạn) 

    Chúng ta hôm nay có tin được Chúa Giêsu là Thiên Chúa không?

    Nguồn tin: http://giaophanthaibinh.org

     

    Bài viết liên quan