Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Hôm nay chúng ta bước vào một năm phụng vụ mới. Mục đích của năm phụng vụ là trình bày trong vòng một năm tất cả các mầu nhiệm về Chúa Kitô, từ Nhập Thể, Giáng Sinh, Phục Sinh đến Thăng Thiên, Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và cho tới cuộc tái lâm vinh hiển của Chúa Kitô. Mùa Vọng là giai đoạn chuẩn bị tâm hồn để đón mừng kỷ niệm biến cố Chúa Giáng Sinh làm người và sống giữa con người cách đây hơn 2000 năm tại Bê-lem. Vậy tại sao Tin Mừng ngày Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng lại nói về ngày tận thế ?
Thật ra, từ “Mùa Vọng” dịch từ gốc la-tinh “adventus”, có nghĩa là “đến, hiển trị, quang lâm”. Đây là sự hiển trị của Chúa, sự trở lại của Chúa Kitô trong vinh quang vào ngày tận thế. Đây là chìa khóa để hiểu Tin Mừng hôm nay.
Ngôn từ và hình ảnh trong bài Tin Mừng hôm nay có vẻ khủng khiếp đối với người tín hữu thời nay. Thực ra, đây là văn chương khải huyền, một thể văn xuất hiện từ thế kỷ thứ II trước Công Nguyên, để loan báo sự can thiệp của Chúa và sự chiến thắng của Người trên các quyền lực ác thần. Chúng ta cũng biết rằng theo các dân tộc phương Ðông thời cổ đại, ngoài nước Do-thái, các tinh tú là những thần linh cai quản vũ trụ. Như thế, khi nói mặt trời và mặt trăng trở nên tối tăm, các ngôi sao sa xuống, đó là xác nhận sự chiến thắng của Thiên Chúa trên các tà thần.
Đức Giêsu dùng ngôn ngữ của thời đại của Người để nói về ngày tận thế sẽ tới. Nhưng chúng ta phải hiểu theo nghĩa bóng, chứ không nên hiểu theo nghĩa đen như kiểu các giáo phái, chẳng hạn như giáo phái Chứng Nhân Giê-hô-va. Điều quan trọng là ý nghĩa thực sự mà ngôn ngữ ấy muốn muốn truyền đạt cho chúng ta.
Trong phần thứ hai của Tin Mừng, Đức Giêsu nói về thái độ mà các tín hữu phải có trong cuộc sống trần gian, đó là : “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.” Chúng ta phải “tỉnh thức”, có nghĩa là đừng ngủ mê : ngủ mê trong tiền bạc, danh vọng, quyền bính, hay địa vị, nhất là phải “cầu nguyện” để kết hiệp với Chúa Kitô, sống tương quan tình yêu với Người trong khi mong đợi Người quang lâm để cứu chuộc chúng ta.
Mùa Vọng kéo dài bốn tuần, mừng hai cả hai cuộc chờ đợi : chờ đợi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang và chờ đợi Chúa Kitô xuống thế làm người, mặc dù biến cố Chúa Giáng Sinh đã diễn ra hơn 2000 năm trước. Thực ra, mừng biến có ra đời của Chúa Kitô là hiện tại hóa biến cố này chứ không phải để chia cách nó trong thời gian và không gian. Vì vậy, đối với chúng ta, chờ đợi sự ra đời của Chúa Kitô là một sự chờ đợi thực sự và tích cực, điều này sẽ dẫn đến một thái độ cụ thể trong cuộc sống.
Tóm lại, Mùa Vọng mời gọi chúng ta sống ba chiều kích :
1/ Chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ Giáng Sinh, cử hành biến cố Con Chúa Nhập Thể.
2/ Hướng về niềm trông đợi Chúa Kitô ngự đến lần thứ hai khi đến thời viên mãn.
3/ Cố gắng nhận ra các dấu chỉ sự hiện diện của Chúa ngày hôm nay, vì Chúa Kitô Phục Sinh luôn hiện diện giữa chúng ta.
Như thế, Tin Mừng của bốn Chúa nhật Mùa Vọng được đánh dấu bằng ba chiều kích quá khứ, hiện tại và tương lai : Chúa Kitô đã đến, đang đến và sẽ đến.
Từ nhiều tuần nay, việc chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh đã nhộn nhịp trong các cửa hàng và trên đường phố. Có lẽ chúng ta đã nghĩ đến việc tổ chức lễ tiệc, mời người này người kia. Nhưng chúng ta có nghĩ đến việc chuẩn bị tâm hồn, dọn lòng đón mừng Chúa Giáng Sinh chưa ?
Hôm nay, Chúa mời chúng ta thay đổi một vài cách sống. Mỗi người nhìn lại, trong cuộc sống của mình, điều gì đang đè nặng tâm hồn hoặc làm mình xa cách Chúa ? Sống trong một xã hội tiêu thụ, chúng ta quen việc chỉ tìm kiếm hạnh phúc nơi những của cải trần gian, làm thế nào chúng ta có thể mong đợi biến cố Chúa Kitô đang đến và sẽ đến ?
Trong Mùa Vọng này, Chúa Giêsu kêu mời chúng ta ở trong tư thế như của những người lính gác. Trong bài đọc I, thánh Phaolô chỉ cho chúng ta một phương cách đặc biệt để giúp tâm hồn chúng ta luôn tỉnh thức, đó là tiến bước trong tình yêu với tha nhân. Thái độ chờ đợi không phải với tâm trạng tiêu cực, thụ động như kiểu « ăn không ngồi rồi », nhưng cần tích cực chu toàn bổn phận của mình trong đời sống hằng ngày và hướng đến anh chị em mình trong những việc bác ái cụ thể. Chúng ta mong chờ Chúa đến, nhưng chúng ta biết rằng hôm nay Người vẫn đến gặp gỡ chúng ta qua anh chị em của chúng ta khi họ cần đến tình thương yêu, sự giúp đỡ của chúng ta.
Kính chúc quý Ông Bà và anh chị em đón mừng Chúa Giáng Sinh trong niềm vui và tràn đầy hy vọng.
Nguồn tin: http://daminhtamhiep.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 221 | Tổng lượt truy cập: 4,164,356