Mùa Chay trong Năm Thánh 2025 với chủ đề "Những người hành hương của hy vọng" đã đưa chúng tôi đến với anh chị em đồng bào vùng cao trong một chuyến đi đầy ý nghĩa. Hành trình này không chỉ là sự sẻ chia vật chất mà còn là hành trình của con tim, của sự đồng cảm và trăn trở trước những mảnh đời còn lắm gian nan. Lần đầu tiên, tôi được đặt chân đến vùng cao, đến với anh chị em đồng bào dân tộc thiểu số, nơi mà cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng chất chứa biết bao câu chuyện về niềm tin, hy vọng và sự hy sinh thầm lặng.
Những con đường gập ghềnh và cuộc sống gian nan
Tôi khởi hành từ sáng sớm, băng qua những cung đường quanh co, gập ghềnh sỏi đá để đến với ba điểm: Xùa Lủng, Sủng Chớ và một điểm truyền giáo trên bản làng của người Dao. Để đến được các bản làng này, tôi phải rong ruổi qua những cung đường đèo dốc quanh co, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Có những đoạn đường đất cùng với sỏi đá gập ghềnh, cheo leo bên triền núi, có đoạn đường chỉ vừa đủ một lối nhỏ để xe máy hoặc đôi chân lặng lẽ bước qua. Mỗi con đường mòn, mỗi viên đá sỏi dưới chân như gợi lên bao nỗi nhọc nhằn của cuộc sống người dân nơi đây. Những con đường ấy không chỉ thử thách đôi chân, mà còn thử thách cả trái tim tôi – liệu có thể vững vàng bước tiếp và dám dấn thân như những nhà truyền giáo đã và đang phục vụ nơi đây? Liệu tôi có thể đi đến nơi và trở về được bình an?...
Trên đường đi ấy, tôi đã trải qua những cung bậc cảm xúc của cuộc sống: Mệt, đói, sợ hãi, nhưng cũng đầy phấn khởi vì được gặp gỡ những con người chân chất, hiền lành, lam lũ và đầy nghị lực. Tất cả những cuộc gặp gỡ ấy không chỉ để lại trong tôi sự xúc động, mà còn là lời mời gọi mạnh mẽ để biết sống yêu thương nhiều hơn, biết sẻ chia và nâng đỡ nhiều hơn.
Cuộc sống của bà con dân tộc nơi đây vô cùng vất vả. Có những nơi không có điện, nước thì khan hiếm chỉ là những dòng nước mưa hoặc nước từ khe núi được hứng về nhà. Lương thực chủ yếu là ngô, củ dong, một số nơi trồng được hoa tam giác mạch và quả óc chó,… nhưng hầu như chỉ để tự cung tự cấp. Những mảnh đất cằn cỗi chen giữa những dãy núi đá khô cằn khiến việc canh tác trở thành một cuộc chiến dai dẳng với thiên nhiên. Nhìn những đứa trẻ nhem nhuốc, làn da rám nắng vì sương gió, bàn chân nhỏ bé lấm lem bùn đất, ánh mắt sáng rực lên khi nhận lấy chiếc bánh, chiếc cặp, thùng mỳ tôi, ít gạo… khiến tôi không khỏi xúc động. Ở nơi thiên nhiên ưu đãi, đặc biệt phố thị, những điều này tưởng chừng đơn giản nhưng lại là niềm vui hiếm hoi đối với các em. Bao nhiêu câu hỏi cứ xoáy sâu trong tâm trí: “Làm sao để các em có một tương lai tươi sáng hơn? Làm sao để những ngọn đèn được thắp sáng trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ này?” Làm sao để họ có nước dùng? Làm sao và làm sao???
Những con người lặng thầm hy sinh
Giữa cảnh khó khăn chồng chất, tôi không khỏi cảm phục các linh mục, tu sĩ đang âm thầm phục vụ tại vùng đất xa xôi này. Các ngài không chỉ mang Tin Mừng đến cho bà con, mà còn là chỗ dựa tinh thần, là người thầy, người bạn đồng hành, giúp đỡ bà con cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Các ngài rong ruổi trên những con đường đá sỏi để thăm hỏi, nâng đỡ và là cầu nối của các nhà hảo tâm.
Không chỉ vậy, các ngài còn học tiếng địa phương, hòa nhập với văn hóa, lối sống của bà con để có thể gần gũi và thấu hiểu họ hơn. Thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt này không phải là điều dễ dàng, nhưng bằng tình yêu và lòng nhiệt thành, các ngài vẫn bền bỉ bước đi, gieo rắc hạt giống Tin Mừng trên những mảnh đất tưởng chừng như cằn cỗi nhất. Tôi tự hỏi mình: Điều gì đã khiến các ngài gắn bó với nơi này? Có lẽ đó chính là tình yêu – tình yêu của người mục tử sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên, tình yêu của những con người luôn mang trong mình ánh sáng hy vọng.
Niềm hy vọng được thắp lên
Chuyến đi này đã mở ra trong tôi nhiều suy tư và trăn trở. Giữa một xã hội hiện đại với biết bao tiện nghi, vẫn còn đó những mảnh đời đang sống trong sự thiếu thốn cùng cực. Tôi hiểu rằng những món quà chúng tôi mang đến chỉ là một phần rất nhỏ bé so với nhu cầu thực tế của bà con, nhưng tôi tin rằng, mỗi sự sẻ chia, dù nhỏ nhất, cũng có thể góp phần làm nên điều kỳ diệu.
Niềm hy vọng không phải là điều xa vời, mà chính là những nụ cười, những cái nắm tay, những lời động viên chân thành và sự đồng hành sẻ chia. Tôi mong rằng những chuyến hành hương thiện nguyện như thế này sẽ không chỉ dừng lại ở một Mùa Chay hay một Năm Thánh, nhưng sẽ là ngọn lửa yêu thương tiếp tục được lan tỏa, để những anh chị em nơi vùng cao xa xôi này có thêm niềm tin và sức mạnh để vượt qua khó khăn.
Chuyến đi đã kết thúc, nhưng những hình ảnh, những câu chuyện và những ánh mắt hy vọng của bà con vẫn còn đọng lại mãi trong tâm trí tôi. Đây không chỉ là một chuyến thiện nguyện, mà còn là một lời mời gọi – mời gọi mỗi người chúng ta cùng bước đi trong niềm hy vọng, để ánh sáng của yêu thương có thể lan tỏa đến những vùng đất ngoại biên.
Ước mong rằng, sẽ có thêm nhiều tấm lòng quảng đại sẵn sàng chung tay góp sức để nâng đỡ và sẻ chia, giúp bà con nơi đây có được cuộc sống tốt hơn, không chỉ về vật chất mà còn cả về tinh thần. Những đứa trẻ nơi vùng cao không chỉ nhận được những món quà nhỏ bé trong một dịp đặc biệt, mà còn được quan tâm, yêu thương và tạo điều kiện để học tập, để vươn lên trong cuộc sống. Để rồi một ngày nào đó, các em sẽ không chỉ là những người nhận, mà còn là những người trao ban, tiếp tục lan tỏa tình yêu và hy vọng đến với những thế hệ sau.
Nt. Maria Hoàng Lanh, OP.
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 1,067 | Tổng lượt truy cập: 6,191,893