Từ siêu bão Yagi đến sự kết nối Bình – Yên

  • 29/09/2024 07:09
  • Sự kết nối giữa hai miền đất đã vẽ nên hai chữ "Bình Yên" – biểu tượng cho tình người, cho sự an ủi giữa khó khăn. Những bàn tay từ Thái Bình đã góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp người dân Yên Bái vượt qua thử thách, hướng tới một tương lai bình yên.

    Khi nhắc đến siêu bão Yagi, hẳn ai cũng nhớ đến những hậu quả thảm khốc mà cơn bão này gây ra. Nỗi đau và sự mất mát của người dân vùng bão thật đáng xót xa! Trong bối cảnh đó, vào ngày 26-27.9.2024, Gia đình Đa Minh Giáo phận Thái Bình đã cùng nhau tổ chức chuyến thăm và chia sẻ tình thương với các gia đình bị ảnh hưởng bởi bão lũ tại khu vực Yên Bái. Đoàn bao gồm quý Cha, quý Xơ thuộc Ban Tông đồ Hội dòng Nữ Đa Minh Thái Bình và đại diện Ban Phục vụ Huynh đoàn.

    Với tấm lòng quảng đại yêu thương của quý ân nhân, quý Cha, quý Xơ và của đoàn Thái Bình dành cho Yên Bái đã không chỉ là những món quà vật chất, mà còn mang theo cả tình thương, sự sẻ chia và niềm hy vọng. Sự kết nối giữa hai miền đất đã vẽ nên hai chữ "Bình Yên" – biểu tượng cho tình người, cho sự an ủi giữa khó khăn. Những bàn tay từ Thái Bình đã góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp người dân Yên Bái vượt qua thử thách, hướng tới một tương lai tươi sáng và bình an hơn.

    Được sự giới thiệu từ cha Giám đốc Caritas Giáo phận Hưng Hóa, đoàn đã khởi hành từ 5g30, ngày 26.9 để đến nhà thờ Giáo xứ thành phố Yên Bái, nơi gặp gỡ và được cha xứ Giuse Nguyễn Đình Tuyến hướng dẫn đến các điểm cứu trợ.

    Đa số những người đoàn ghé thăm đều đến từ các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên được nhà nước cho đi vùng kinh tế mới vào khoảng năm 1975 thuộc thành phố Yên Bái và hai xã Tuy Lộc, Cường Thịnh thuộc huyện Trấn Yên. Đây là những nơi vừa chịu thiệt hại nặng nề từ bão lụt và sạt lở. Những người dân tại đây, đa phần là những gia đình nghèo, đã mất mát tất cả sau cơn bão. Họ đã phải trải qua những ngày cận kề cái chết khi nước dâng ngập mái nhà, và giờ đây đang sống nhờ vào sự hỗ trợ từ cộng đồng.

    Tại khu vực địa bàn xã Cường Thịnh, đa số các ngôi nhà đều được xây ngay dưới chân đồi, dựa lưng vào quả đồi như để được bảo vệ. Trận bão trực tiếp dồn lực vào quả đồi gây sạt lở, đẩy tràn đất từ vách sau vào đầy lòng ngôi nhà: có nhà sập hoàn toàn thành một đống đổ nát, còn đa số phá tan vách sau, tốc mái, sập mái, còn để lại tấm vách phía trước che đi hiện trường hoang tàn, đầy tang thương…

    Hiện tại, đường xá đã được khai thông, thu dọn tương đối sạch sẽ, các khu bị ngập nước đã rút, trong ngoài ngôi nhà còn chỉ rõ mực nước dâng, đồ dùng bị hư hỏng hết. Với những nhà bị ảnh hưởng sạt lở: Một số tự tìm nơi ở nhờ, một số được cha xứ sắp xếp cho vào khu nhà xứ ở tạm, chính quyền cũng cho bà con vào ở trong một trường mẫu giáo gần đó; tạm thời không được phép ra vào ngôi nhà bị sập để đảm bảo an toàn. Tất cả họ giờ đây đã hoàn toàn trắng tay, hiện đang sống nhờ vào lương thực cứu trợ từ tấm lòng quảng đại của bao người. Hy vọng có nhiều người chung tay, chung lòng, chia sẻ giúp họ nhanh chóng khắc phục được hậu quả sau bão.

    Khoảng 14g00 ngày 27.9, xe bắt đầu chuyển bánh từ Yên Bái trở về Thái Bình trong tình kết nối anh em.

     

    Ban Tông đồ Hội dòng

    Bài viết liên quan