ĐÔI LỜI NHÂN DỊP MỪNG LỄ THÁNH PHANXICÔ ASSISI (04.10.2021)
BỔN MẠNG CÁC CHÁU YÊU QUÝ - HỌC VIỆN ĐA MINH THÁI BÌNH.
Ngoài kinh Lạy Cha – Một kinh mà tôi tâm đắc nhất để cầu nguyện và dùng như kim chỉ nam cho đời sống nội tâm đó là Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi. Lời kinh đầy ý nghĩa, và thiết tưởng mỗi chúng ta cũng nên dùng làm khí giới để chiến đấu cho cuộc sống nội tâm của mình. Khí giới đó được đề cập ngay ở trong lời mở đầu kinh Hòa Bình của Thánh nhân. Lời cầu xin cho được yêu mến Chúa và trở thành khí cụ bình an của Chúa. Thực vậy, hòa bình là một trong những giá trị căn bản mà Thánh Phanxicô Assisi ấp ủ, và thực hiện suốt cả cuộc đời. Và điều đó được diễn tả trọn vẹn trong lời kinh Hòa Bình của Ngài. Trong Luật Dòng của Anh Em Hèn Mọn, cũng đề cập đến nhân đức Hiền lành và nhân hậu của Thánh nhân: “Tôi khuyên anh em khi đi ra giữa chợ đời đừng gây sự và cãi vã với ai, cũng đừng xét đoán ai, nhưng hãy hiền lành và nhân hậu ăn nói tử tế với hết mọi người cho xứng hơn” (Luật Dòng Anh Em Hèn Mọn, Chương 3).
Xin mượn bút thay cho những lời chia sẻ trực tiếp với các chị em trong khối Học viện Đa Minh Thái Bình, đã chọn Thánh Phanxicô Assisi làm quan thầy của mình. Bằng Sứ điệp tiềm ẩn trong lời Kinh Hòa Bình để giúp các chị em trở thành khí cụ bình an để Chúa sử dụng. Giờ đây, chúng ta cùng nhau tham gia công việc vạch lá tìm hoa, trọng tâm bí quyết mà Thánh nhân truyền đạt để làm sao chúng ta có thể trở thành khí cụ bình an.
Trước hết, Bông hoa đầu tiên được tìm thấy chính là Hoa nhân đức Hiền Lành. Nhân đức này đến từ lời mời của Chúa Giêsu: “Hãy học cùng ta vì ta hiền lành” (Mt11, 29)
Sự hiền lành là căn tính của Thiên Chúa. Thế nên, không lấy làm lạ là khi Ngài chúc phúc cho những người hiền lành. “Họ sẽ được đất làm gia nghiệp” (Mt 5, 4). Đất này không gì khác hơn là Nước Trời, và chúng ta cũng không lạ gì khi Chúa dạy người ta học với Người vì Người hiền lành. Hãy nghe lời người dạy mà mặc lấy tâm tình hiền lành. Vì khi có sự hiền lành trong lòng, chúng ta mới có thể yêu Chúa và yêu anh chị em của mình. Yếu tố hiền lành là nền tảng trở thành khí cụ bình an để Chúa dùng. Đây chính là cánh cửa đầu tiên mở vào Con đường Đức Ái. Người hiền lành xây dựng hòa bình được Đức Kitô tuyên dương làm con Thiên Chúa. Suy gẫm điều đã chép trong Tin mừng Thánh Matthêu chương 11, Đức Kitô đã mạc khải cho ta biết uy quyền của Người “Chúa Cha đã trao phó cho Thầy mọi sự” (Mt 11, 27). Nhưng liền sau đó, Ngài mời gọi chúng ta bằng những lời thật cảm động: “Hãy đến với tôi, hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng. Tôi sẽ bồi dưỡng cho” (Mt 11, 28). Ngài muốn nói: “Gánh nặng đè trên vai anh em có thế nào đi nữa, cứ đến với tôi, trong trái tim tôi anh em sẽ được nâng đỡ. Anh em tìm kiếm sự bình an, yên nghỉ cho tâm hồn ư? Hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng, anh em sẽ gặp được bình an” (Mt 11, 29). Chúa Giêsu không nói “Hãy đến với tôi, vì tôi là Chúa cả trời đất, nhưng nói vì tôi hiền lành, vì tôi cảm thương nỗi đau khổ của anh em, và tôi đến ở giữa anh em để gánh tội anh em, để giao hòa anh em với Cha tôi. Mang vào mình những thương tích của anh em” ( Mt 8,7). Đó là tinh thần của Đức Kitô. Ai không hiền lành thì không thể là môn đệ của Ngài. Người có tính hung dữ làm sao xây dựng hòa bình được? Chỉ có người hiền lành mới kiến tạo được an bình. Đó chính là ý nguyện trong lời Kinh Hòa Bình mà Thánh Phanxicô Assisi đã cầu xin: “Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”.
Thật vậy, Người môn đệ của Chúa Kitô phải là người hiền từ. Nhìn lại, Tin Mừng Thánh Luca 9, 53: trên đường đi Giêrusalem, Chúa cắt đặt Giacôbê và Gioan đi trước chuẩn bị, hai ông vào một làng người Samarita. Họ đã chặn lại không cho các ông đi, vì các ông lên Giêrusalem. Hai ông tức giận về nói với Chúa: “xin thầy cho phép chúng con khiến lửa từ trời xuống tiêu diệt bọn chúng” (Lc 9, 53).
Chúa Giê su ôn tồn nói: “Anh em không biết mình hành động theo tinh thần nào! Thầy đến không phải để tiêu diệt người tội lỗi, song cứu thoát họ, cũng không sai anh em đi làm việc ấy” (Lc 9, 53). Đối xử cay nghiệt như anh em thì sẽ làm hư hại họ, mà đối xử nhân hiền mới cứu sống họ. Thầy sai anh em đi như con chiên vào giữa bầy sói. Anh em phải ăn ở hiền lành như con chiên và đơn sơ như chim bồ câu” (Mt 10, 16), chính Đức Hiền Lành là hoa trái mà người ta nhận biết anh em là môn đệ của Thầy.
Ngoài ra, chính sự hiền lành Đức Kitô đã hoán cải được nguời thiếu phụ Samaria, đã hoàn lương Gia Kêu – Viên thu thuế và gia đình ông. Đã khiến Phêrô khóc lóc thảm thiết vì tội chối bỏ Thầy, đã thu phục được người thu thuế Matthêu đi theo mình. Ai hiểu được sự hiền lành của Chúa đến thế nào trong cuộc khổ nạn của Người! Đối với các môn đệ trong vườn cây dầu, sự thờ ơ trước nỗi đau đớn thẳm sâu, dằn vặt tâm can Chúa. Thấy các môn đệ thản nhiên ngủ! Chúa không trách móc, chỉ nhỏ nhẹ nói “Anh em không thức được với Ta được một giờ sao?” (Mt 26, 40)
Đối với Giu đa, Người ôn tồn “Giuđa, con lấy cái hôn mà nộp con Người ư?” (Lc 22, 48). Đối với các Lý hình, Ngài cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).
Như vậy, trong mỗi trường hợp và cách thức Chúa đối xử trên. Tưởng nên suy niệm sâu hơn nữa để áp dụng các tình huống gây đau khổ cho Chúa. Nhưng, Chúa làm như thế để nêu gương cho chúng ta về đời sống hiền lành. Chúng ta hãy nhìn lại nơi mình xem có giống Chúa là khuôn mẫu của ta ở điểm nào không? Nhiều lần trong ngày, ta giơ tay làm dấu Thánh giá, chúng ta nhân danh Cha mà sao không giống Cha chút nào?!
Các Chị em Học Viện Đa Minh Thái Bình quý mến!
Các chị em là những người đã dâng mình cho Chúa, đã trở thành môn đệ Chúa. Thì hãy là những người hiền lành. Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên – Một thi sĩ Phật giáo nổi tiếng trong thập niên 1965 đã sáng tác một bài thơ với tựa đề: “Em hiền như Ma soeur”. Bài thơ được phổ biến rất rộng rãi. Thời đó ai cũng học thuộc lòng, và đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát được mọi người rất yêu thích. Bài thơ diễn tả người con gái dịu hiền – Người yêu của một chàng trai đầy bi lụy. Qua đó diễn tả nét dịu dàng, và tính hiền lành của người yêu, chàng trai đã mượn hình ảnh một Nữ Tu Công giáo và từ đó bài thơ “ Em hiền như Ma soeur” được mọi người biết đến.
Là những người Nữ tu, các chị em được đào tạo, huấn luyện không chỉ sống cho mình, mà còn phải sống cho người khác. Vì vậy, trên con đường trọn lành có các Nhân Đức cho mình: như trong sạch, sốt mến, khó nghèo, khổ hạnh và vâng phục…Thì chúng ta cũng cần phải có Nhân đức cho tha nhân nữa, mới mong công việc học tập, và mục vụ sinh hoa kết trái Nhân Đức cho tha nhân được. Và có thể nói chủ yếu là Nhân đức Hiền lành.
Vì người hiền lành thường được nhận diện:
Những Đức tính trên là những tia sáng của Nhân đức Hiền lành mà mỗi người chúng ta cần phải có. Hãy trải nghiệm qua một chứng từ có thật trong đời sống. Chúng ta mới cảm nhận được nét đẹp thâm thúy trong lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi Quan Thầy của các chị em khối Học Viện Đa Minh Thái Bình.
Chứng từ kể như sau: Nơi một tu viện, chị nữ tu lớn tuổi đã nghỉ hưu, tình nguyện chăm sóc cho một chị nữ tu trẻ bị tai nạn xe phải nằm liệt giường! Chị nữ tu trẻ cảm động vị sự chăm sóc nhiệt tình và nhân hậu của chị nữ tu khả kính. Nữ tu trẻ nói: Chị ơi! Chị lớn tuổi và đã về hưu rồi, chính ra em phải là người chăm sóc đỡ đần cho chị, thế mà giờ đây chị phải vất vả vì em! Chị nữ tu lớn tuổi nói: “Em yêu quý của chị, dù em ra sao em vẫn là em của chị, đi hết cuộc đời chị vẫn là chị của em”. Lời nói này chỉ có thể phát xuất từ một tâm hồn nhân ái và hiền lành. Vâng, chị đúng là khí cụ bình an cho chị em của chị trong Dòng. Amen!
Lễ kính Thánh Phanxicô Assisi
Sài gòn, ngày 04, tháng 10, năm 2021.
MẾN TẶNG CÁC CHÁU YÊU QUÝ!
Lm. Giuse Phạm Xuân Thắng
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 238 | Tổng lượt truy cập: 4,164,654