Giáng Sinh – Thánh lễ ban đêm 24/12 (Lc 2, 1-14)

  • 24/12/2022 17:18
  • “Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh...” (Lc 2,11).

    Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày)

    1. Bài đọc năm 1:  Is 9, 2-4. 6-7 (Hr 1-3. 5-6)

    Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui? Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. [Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm thắm máu đào sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nuôi lửa.]

    Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là “Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình”. Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Ðavít, và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó.

     

    Đáp ca:  Tv 95, 1-2a. 2b-3. 11-12. 13

    Ðáp:  Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta, Người là Ðức Kitô, Chúa chúng ta

    Xướng: 

    1)  Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người..

    2)  Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc..

    3)  Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên. Ðồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui. Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở.

    4)  Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành.

     

    2. Bài đọc năm 2:  Tt 2, 11-14

    Ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.

     

    3.  Tin Mừng:   Lc 2, 1-14

    Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình. Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Đavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Đavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.

    Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán.

    Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao tỏa chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ.

    Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Đavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”.

    Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

     

    4. Suy niệm:

    4. 1. + TGM Giuse Vũ Văn Thiên

    Theo truyền thống từ rất lâu đời, lễ Giáng sinh được cử hành vào nửa đêm. Việc cử hành lễ Giáng sinh vào lúc nửa đêm không nhằm diễn tả ý nghĩa lịch sử cho bằng ý nghĩa thiêng liêng.

    Trong quan niệm thông thường, đêm là thời điểm chuyển giao giữa một ngày cũ và một ngày mới. Đó là lúc ngày cũ qua đi và nhường chỗ cho một ngày mới bắt đầu.

    Đêm cũng là thời điểm hoạt động của những hành vi ám muội, của phường trộm cắp hoặc những người làm điều xấu xa. Vì vậy, đêm đen là tượng trưng cho tội lỗi hay một lối sống lầm lạc.

    Đêm còn là hình bóng của sự chết, vì trong bóng đêm, người ta không nhìn thấy ánh sáng, như sống trong một nấm mồ.

    Vì thế, lễ Giáng sinh được cử hành vào nửa đêm mang ý nghĩa thiêng liêng:

    Như nửa đêm là thời điểm chuyển giao giữa một ngày cũ vừa kết thúc với một ngày mới vừa khởi đầu, Chúa Giêsu đến khai mở một kỷ nguyên mới. Cuộc giáng sinh của Người đánh dấu một giai đoạn mới của lịch sử nhân loại và lịch sử cứu độ. Vì vậy, những gì xảy ra trước Chúa Giáng sinh, chúng ta gọi là trước Công nguyên, và những gì xảy ra sau ngày Chúa Giáng sinh, chúng ta gọi là sau Công nguyên. Tại một số quốc gia, nhất là Châu Âu và Châu Mỹ, người ta còn nói rõ: sự kiện xảy ra trước Chúa Giêsu hay sau Chúa Giêsu (sinh ra).

    Sứ mạng của Chúa Giêsu là loan báo Nước Trời. Đó là vương quốc của công chính, yêu thương và an bình. Giáo huấn của Người nhằm đẩy lui ảnh hưởng của tội lỗi, mời gọi con người trở về với Chúa, sống trong sự thánh thiện và trong tình yêu thương đồng loại.

    Nếu đêm dài là tượng trưng cho sự chết, thì Chúa Giêsu đến trần gian để giải phóng con người khỏi sự chết. Trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã làm cho người chết sống lại. Chính Người đã sống lại vinh quang, chiến thắng thần chết, chiến thắng tối tăm. Đức Giêsu Phục sinh là niềm hy vọng của nhân loại. Qua đó, Chúa khẳng định với chúng ta, nấm mồ không phải là điểm dừng vĩnh viễn của thân phận người, vì con người được tạo dựng để sống và hưởng tôn nhan Thiên Chúa.

    Chúng ta hãy trở về với Lời Chúa của Thánh lễ đêm nay. Ngôn sứ Isaia (sống ở thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên) đã diễn tả nhân loại đang bước đi trong u tối, đã thấy một ánh sáng bừng lên. Bóng tối tượng trưng cho sự chết. Ánh sáng bừng lên đem lại cho con người sự sống, hạnh phúc và niềm vui. Vị ngôn sứ cũng diễn tả ngày Chúa đến là ngày chiến thắng đối với những ai trung thành và khiêm nhu. Những kẻ kiêu ngạo sẽ bị diệt trừ. Trẻ thơ sinh ra sẽ là một vị Cố vấn kỳ diệu và là Hoàng tử bình an.

    Ánh sáng đã đến để chiếu soi thế gian. Ánh sáng ấy khởi đi từ đồng quê Belem, trong một khung cảnh đơn sơ khiêm nhường. Tác giả Luca đã kể lại việc Chúa Giêsu giáng sinh: Giuse và Maria là Cha và Mẹ của Hài Nhi, vì không tìm được quán trọ, nên phải tạm trú trong một chiếc hang đá giữa đêm đông giá lạnh. Vị Thiên tử đã sinh ra trong cảnh nghèo nàn, như một thông điệp gửi đến cho nhân loại: Thiên Chúa yêu thương và chấp nhận trở nên một người nghèo giữa mọi người nghèo, để nâng đỡ và giúp họ bước đi, vượt qua những chông gai của cuộc sống.

    Hài Nhi Giêsu sinh ra là niềm vui cho cả nhân loại. Đó là lời Sứ thần loan báo với các mục đồng tại Belem. “Này đây tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho cả thế giới: Đấng Cứu độ đã sinh ra trong thành của vua Đavít. Người là Đức Kitô, là Đức Chúa”. Hôm nay, Giáo Hội cũng loan báo cho cả thế giới tin mừng trọng đại này, đồng thời khẳng định: Thiên Chúa yêu thương con người. Ngài muốn cho con người được hạnh phúc, bình an và được cứu rỗi.

    Chúa Giêsu là Hoàng tử của hòa bình. Người đến trần gian để mời gọi con người hãy sống trong hòa bình với Thiên Chúa Cha, là Thượng Đế và là Tạo Hóa. Người cũng thiết lập vương quốc hòa bình và mời gọi mọi người cùng chung tay xây dựng hòa bình dưới thế. Người chúc phúc cho những ai sống hòa bình và nhiệt thành nối kết bình an thân thiện, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Thông điệp mà ngày lễ Giáng sinh muốn gửi đến cho chúng ta, đó chính là thông điệp của hòa bình. Hòa bình là niềm khát khao của con người mọi thời đại. Hòa bình là lý tưởng phấn đấu của mỗi chúng ta. Tuy vậy, hòa bình phải được khởi đi từ tâm hồn và đời sống cá nhân mỗi người. Trong bài đọc II của Thánh lễ Đêm, thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy can đảm từ bỏ đời sống vô luân và những đam mê trần tục để xứng đáng đón nhận Chúa Giêsu đến trong đời.

    Vinh danh Thiên Chúa trên trời

    Bình an dưới thế cho người thiện tâm

    Lễ Giáng sinh là lời mời gọi mọi người hãy cùng nắm tay nhau xây dựng hòa bình, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, văn hóa. Cũng như trái tim, hòa bình không mang một sắc màu riêng biệt cho từng quốc gia hay một ý thức hệ chính trị nào, nhưng bao gồm mọi gương mặt, mọi cuộc đời, với mục đích đem lại hạnh phúc cho mọi người.

    Hãy sống với trái tim tốt lành để gặp Chúa Giêsu, Hoàng tử hòa bình, để đón nhận những lời khuyên, để sống tha thứ, bao dung, chân thành, quảng đại, trung thực, thân thiện và yêu thương. Một khi đạt được tâm hồn hòa bình, chúng ta sẽ sống thân thiện với tha nhân và thân thiện với môi trường xã hội.

    Nguyện xin sự bình an từ Hang đá Máng cỏ tuôn chảy đến mọi nẻo đường của cuộc sống, để những mơ ước của chúng ta được thực hiện. Xin Chúa Giêsu là Vua hoà bình chúc lành cho chúng ta. Amen.

     

    4.2  Nhân loại đang cần Vua Hòa Bình - Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

    Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2,14) là câu cuối của đoạn Tin Mừng công bố đêm nay chúng ta vừa nghe. Lời các Thiên Thần và một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa, từ 21 thế kỷ qua, Giáo Hội vẫn không ngừng hát lên trong các Thánh Lễ Chúa nhật và Lễ Trọng.

    Thế giới hiện nay

    Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất an, bất ổn. Thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 được đánh dấu bằng vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vào tòa Tháp Đôi ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở nước Mỹ làm hơn 4.000 người chết, khiến nhân loại bị ám ảnh về hiểm họa khủng bố ở khắp mọi nơi, làm cho con người cảm thấy lo sợ, bất an nhiều hơn. Tiếp theo đó là cuộc chiến gọi là “chống khủng bố” nổ ra và những hệ lụy của nó càng đưa thế giới vào tình trạng bất an, bất ổn hơn bao giờ hết.  Đại dịch Covid-19 xảy đến chỉ cho con người biết mình thật sự mong manh và nhận ra sự giới hạn của chính mình. Những tin tức hằng ngày về bạo hành, xung đột, dịch bệnh, thiên tai, nhân họa, ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình, internet, nhất là chiến do Nga châm ngòi tại Ucraina gần 1 năm nay… khiến nhiều người lo âu tự hỏi không biết thế giới chúng ta đang sống sẽ đi về đâu.

    Về phương diện nội tâm, lòng người vốn bất an nên sinh ra bất hòa, bất mãn, bất bình, bất nhân, bất nghĩa, bất cần đời….bao nhiêu là chữ “bất” thậm chí đưa đến những cái chết “bất đắc kỳ tử”.  Thật vậy, con người trong xã hội hiện đại ngày càng bất an, bất hòa, bất đồng nên tình yêu, hôn nhân, gia đình đổ vỡ; tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng ngay ở những nước mới thoát khỏi nghèo đói như Việt Nam. Tỷ lệ ly dị ở Việt Nam đang gia tăng đến mức báo động, khoảng 30%.  Đáng lo ngại là hiện tượng mà các nhà tâm lý gọi là “ly hôn xanh”, tức là những vụ ly hôn xảy ra ở những cặp vợ chồng mới kết hôn vài ba năm, con còn quá nhỏ, mà đã kéo nhau ra tòa ly dị với những lý do chưa đáng để ly hôn như thường thấy.

    Điểm qua tình hình thế giới và con người, một câu hỏi cần đặt ra là tại sao con người từ xưa đến nay không tìm thấy sự bình an thật? Mặc dù có nhiều triết lý, tôn giáo xưa nay đã bàn luận nhiều đến nan đề này, tuy nhiên, có thể nói con người không thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Đúng như Isaia nói là: “Dân tộc bước đi trong u tối” (Is 9,2). Nhân loại hiện nay đang khao khát sự bình an.  Có người tưởng rằng vật chất, tiền bạc, tiện nghi khoa học, kỹ thuật sẽ đem lại hạnh phúc, bình an nhưng con người đã nhầm.   

    Tội làm cho con người bất an

    Sách Sáng Thế ghi lại bi kịch trong vườn địa đàng khi tổ tông loài người phạm tội bất tuân lệnh Chúa mà ăn trái cấm (x. St 3,6). Tội lỗi đã khiến con người bối rối, sợ hãi. Dòng dõi loài người do A-đam sa ngã sinh ra lại tiếp tục ghen ghét, chém giết nhau. Bi kịch trong gia đình đầu tiên của nhân loại: Ca-in đã giết em ruột mình là A-ben vì ganh tị (x. St 4,8). Lịch sử nhân loại cũng từ đó trở thành lịch sử của chiến tranh. Hòa bình chỉ là sự ngưng nghỉ của chiến tranh mà thôi. Đúng như Isaia nói: “Những kẻ ác chẳng hưởng sự bình an bao giờ” (Is 48,22).

    Hài nhi giáng sinh là Vua Hòa Bình

    Isaia loan báo một tin vui toàn thế. Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết… Một hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi… Người là “Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa huy hoàn, Người Cha Muôn Thủa, Ông Vua Thái Bình” (Is 9,1.5).

    Chúng ta phải khẳng định rằng: trong thời đại hiện hôm nay, con người có lẽ cần đến Ðấng Vua Hòa Bình hơn bao giờ hết, bởi vì xã hội trong đó con người sinh sống đã trở nên phức tạp hơn, và những hăm dọa xúc phạm đến sự toàn vẹn bản thân và luân lý. Ai có thể bênh vực con người, đem lại bình an cho con người, nếu không phải là Ðấng yêu thương loài người cho đến mức độ trao ban chính Con Một là Vua Hòa Bình cho con người.

    Cuộc chiến do Nga khai mào mệnh danh là “đặc biệt” kéo dài gần một năm chưa có hồi kết cho thấy. Nhân loại đang rất cần Hòa Bình. Con người khiêm nhường cúi đầu quỳ gối xuống trước “một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,7) là Vua Hòa Bình đem bình an cho dương thế.

    “Thế Giới Đang Cần Đến Hòa Bình” là một thông điệp gửi đến tất cả mọi người trên thế giới này, giữa lúc cuộc chiến giữa Nga và Ucraina ngày khốc liệt. Thế giới nói chung, Âu Châu nói riêng bất an và dường như không còn dựa vào sức riêng của mình được nữa, thế giới đang cần Vua Hòa Bình hơn bao giờ hết. Chỉ có Vua Hòa Bình mới mang bình an và ơn cứu độ đến cho nhân loại.

    Cùng với các Thiên Thần chúng ta vang lời ca hát và khẩn khoản nài xin: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiên tâm” (Lc 2,14).

    Xin chúc tất cả Giáng Sinh an lành, thế giới được hòa bình!

    Nguồn tin:  https://www.tonggiaophanhanoi.org/

    Bài viết liên quan