Giáng Sinh – Thánh lễ ban ngày (Ga 1, 1-18 )

  • 24/12/2022 20:53
  • Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1, 14).

     

    1. Bài đọc 1:  Is 52, 7-10

    7Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo Tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Xi-on rằng: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.” 8Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được tận mắt thấy Đức Chúa đang trở về Xi-on. 9Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem. 10Trước mặt muôn dân, Đức Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Người: ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn thấy.

     

    2.  Đáp ca:  Tv 97, 1.2-3ab.3cd-4.5-6 (Đ. c.3cd)

    Đáp.Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

    Xướng:  

    1Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người.

    2)  Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ, mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân;3abNgười đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en.

    3) Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.4Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát.

    4)  Đàn lên mừng Chúa khúc hạc cầm dìu dặt, nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca.6Kèn thổi vang xen tiếng tù và, tung hô mừng Chúa, vị Quân Vương!

     

    3. Bài đọc 2: Hr 1, 1-6

    1 Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; 2 nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. 3 Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời. 4 Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu.

    5 Thật vậy, có bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên thần nào: ‘Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con’, hoặc là: ‘Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta’. 6 Còn khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói: Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người.

     

    4.  Tin Mừng:  Ga 1, 1-18 

    1Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.

    2Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. 3Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.  5Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. 6Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an.

    7Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. 8Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. 9Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. 10Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. 11Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. 12Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. 13Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.

    14Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
    15Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” 16Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. 17Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.

    18Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

     

    5. Suy niệm:  Lời ngỏ của tình yêu

    Thánh Gioan Tông Đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu”. Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài bằng nhiều cách dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng Thiên Chúa với hình ảnh ta khó thấy được và nhiều khi không nhận ra những công trình tình yêu của Ngài. Yêu nhiều rồi cũng có lúc phải nói ra. Thiên Chúa quá yêu thương con người nên sau cùng đã gửi Con Một của Ngài xuống trần để tỏ cho ta biết tình yêu Thiên Chúa. Con Một Thiên Chúa chính là Lời của Chúa ngỏ với nhân loại. Vì thế ta hãy vào hang đá Bêlem để lắng nghe được Lời Chúa nói với ta. Chúa Giêsu bé thơ không nói bằng âm thanh vật lý, nhưng Ngài nói bằng âm thanh của trái tim. Lời của Ngài là lời của tình yêu. Qua bản thân Ngài, qua ánh mắt Ngài, qua khung cảnh hang đá, ta sẽ nghe được tiếng thì thầm của Thiên Chúa. Tiếng thì thầm đó là tiếng nói của tình yêu dưới nhiều sắc mầu khác nhau.

    Đó là tiếng nói của tình yêu dâng hiến. Bêlem theo tiếng Do Thái có nghĩa là nhà bánh. Chúa Giêsu tự nguyện trở thành tấm bánh nuôi dưỡng chúng ta. Ngài nằm trong máng cỏ như một lương thực mời gọi đoàn chiên đến để được bổ dưỡng. Lương thực đó không phải là lương thực vật chất nuôi xác, nhưng là lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng tâm hồn. Ngày nay, tuy nạn đói cơm bánh đã bớt phần gay gắt, nhưng lại xuất hiện những cơn đói mới: đói văn hóa, đói sự an ủi chia sẻ, và nhất là đói khát đời sống thiêng liêng. Chúa Giêsu chính là tấm bánh bẻ ra cho thế giới mới, đáp ứng những cơn đói mới của thế giới.

    Đó là tiếng nói của tình yêu khiêm nhường. Tình yêu chân thực là tình yêu khiêm nhường. Tình yêu hạ mình vì người yêu. Chúa Giêsu đã hạ mình thẳm sâu. Từ trời xuống đất. Từ địa vị Thiên Chúa xuống địa vị làm người. Khiêm nhường nên nhường hết không gian cho con người. Những không gian rộng lớn, cao sang thuộc về con người. Chúa chỉ thu mình trong một góc nhỏ nghèo hèn của chuồng bò. Nhường không gian cho con người ăn nói. Còn Chúa chịu im lặng, thu nhỏ trong câm nín.

    Đó là tiếng nói của tình yêu đi tìm. Tình yêu của Thiên Chúa luôn đi những bước trước. Yêu con người khi con người chưa biết yêu Chúa. Tha thứ cho con người trước khi con người xin lỗi. Đi tìm con người trước khi con người quay về. Cuộc đi tìm thật vất vả. Chúa phải bỏ trời cao, phải mặc thân phận yếu hèn, phải chịu khổ sở, phải chịu nhục nhã, phải chịu chết mới tìm được con người.

    Đó là tiếng nói của tình yêu hy sinh. Vì yêu nên Chúa chấp nhận hết những thiệt thòi về phần mình. Chịu đói nghèo, chịu bị xua đuổi, chịu khổ nhục. Trẻ thơ Giêsu rét mướt nằm trong máng cỏ nói với ta điều gì nếu không phải là tình yêu, yêu đến độ chấp nhận tất cả.

    Đó là tiếng nói của tình yêu kết hợp. Cứ dấu này các ngươi nhận biết Ngài, đó là một em bé sơ sinh nằm trong máng cỏ. Vâng, kỳ diệu thay tình yêu Thiên Chúa. Vì yêu nên đã kết hợp trọn vẹn với con người. Trở nên một với con người. Chấp nhận hết những gì của con người. Chấp nhận đói khát, khổ sở, nghèo nàn. Chấp nhận cả những bấp bênh, bất trắc của kiếp người.

    Lời Thiên Chúa đang ngỏ với ta qua Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Hãy đến bên hang đá để nghe được tiếng nói của Thiên Chúa. Hãy mở rộng trái tim để đón nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Trong bóng tối hận thù, ích kỷ, ghen ghét của thế giới, tình yêu Chúa là ánh sáng xé tan đêm tối. Hãy để ánh sáng tình yêu Chúa soi chiếu tâm hồn ta. Hãy đón nhận ánh sáng tình yêu của Chúa, để đến lượt chúng ta, chúng ta đem ánh sáng tình yêu của Chúa chiếu soi vào môi trường chung quanh ta. Để cho thế giới bớt tối tăm. Bấy giờ Lời của Chúa, Lời tình yêu sẽ vang dội khắp thế giới.

    KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

    -Bạn nghe thấy gì qua tiếng nói thinh lặng của Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ?

    -Yêu thương, ngỏ lời mà không được lắng nghe và đáp lại. Bạn cảm thấy thế nào nếu rơi vào tình trạng đó? Bạn có hiểu được lòng Thiên Chúa khi ngỏ lời yêu thương với bạn không?

    -Còn nhiều người chưa nghe được lời yêu thương của Chúa. Bạn có sẵn sàng làm sứ giả đem lời tình yêu của Chúa đến với họ không?

    -Để làm sứ giả tình thương, bạn cần những đức tính nào?

    ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

    Nguồn tin:  https://www.giaophanbaria.org/

    Bài viết liên quan