Lễ Mẹ Thiên Chúa - Lễ Trọng (Lc 2, 16-21)

  • 31/12/2022 22:52
  • Các người chăn chiên gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se và Hài Nhi. Được đủ tám ngày, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su.

     

    1. Bài đọc 1:  Ds 6, 22-27

    Chúa phán cùng Môsê rằng: “Hãy nói với Aaron và con cái nó rằng: Các ngươi hãy chúc lành cho con cái Israel; hãy nói với chúng thế này: “Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con”. Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel, và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.

     

    2.  Đáp ca:  Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8

    Ðáp:  Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con

    Xướng:

    1)  Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con; xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ.

    2)  Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu.

    3)  Chư dân, hãy ca tụng Ngài; thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài.

     

    3. Bài đọc 2: Gl 4, 4-7

    Anh em thân mến, khi đã tới lúc thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử. Sở dĩ vì anh em được làm con, Thiên Chúa đã sai Thần Trí của Con Ngài vào tâm hồn chúng ta, kêu lên rằng: “Abba!”, nghĩa là “Lạy Cha!” Thế nên, bạn không còn phải là tôi tớ, nhưng là con; mà nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa.

     

    4.  Tin Mừng:  Lc 2, 16-21

    16 Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê-lem. Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.

    17 Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này.

    18 Tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết.

    19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.

    20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo.

    21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

     

    5. Suy niệm:  

    Suy niệm 1: Xin Chúa chúc lành

    Năm 2023 đã khởi đầu. Chúng ta đón năm mới với những vui mừng và âu lo. Vui mừng vì một năm cũ đã qua, với hy vọng năm mới sẽ tốt lành. Âu lo vì tình hình thế giới rất ảm đạm trong mọi lãnh vực, nhất là lãnh vực kinh tế. Đâu đâu cũng nói tới lạm phát, thất nghiệp do hậu quả của dịch bệnh. Trong bối cảnh đầy lo âu này, chúng ta tin vào tình thương của Thiên Chúa, đồng thời chạy đến phó thác nơi Ngài, với xác tín Chúa sẽ chúc phúc cho chúng ta. Trong ngày đầu năm, chúng ta được nghe lời chỉ dẫn của Thiên Chúa, về công thức chúc lành cho dân. Đó là lời cầu nguyện xin Chúa dủ lòng thương, ghé mắt nhìn và ban bình an. Đây là lời cầu chúc đi đôi với lòng tín thác cậy trông Thiên Chúa sẽ ban muôn ơn phúc. Trong những giờ khắc đầu tiên của năm mới chúng ta cũng cầu xin Chúa tươi nét mặt nhìn đến cuộc sống đầy lo âu và bất ổn của chúng ta. Xin Ngài ban cho chúng ta một năm mới mạnh khoẻ, bình an, hạnh phúc và thánh thiện.

    Hôm nay là ngày thứ tám sau lễ Giáng sinh. Phụng vụ trước Công đồng Vatican II gọi ngày này là “lễ đặt tên” dựa vào trình thuật của thánh Luca, kể lại việc Thánh Giuse và Đức Maria đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu. Việc đặt tên cho con trẻ mới sinh là một nghi thức trong truyền thống Do Thái giáo, tên đi liền với nghi thức cắt bì, theo luật ông Môisen. Với nghi thức này, trẻ sơ sinh đã thuộc trọn về Chúa và được giới thiệu với họ hàng làng xóm.

    Vào ngày đầu năm dương lịch, Giáo Hội công giáo tôn vinh Đức Mẹ, với tước hiệu là “Mẹ Thiên Chúa”. Tước hiệu này đã được Công đồng Ephêsô tuyên tín long trọng vào năm 431, khi kết thúc công đồng bàn về thiên tính (hay còn gọi là thần tính) của Đức Giêsu. Đức Giêsu có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người. Là Thiên Chúa, Người là Đấng tạo dựng vũ trụ và Cứu độ nhân loại. Là Con Người, Người sinh bởi Đức Trinh nữ Maria. Đức Maria sinh hạ Chúa Giêsu về thể xác, và như thế, Mẹ là Mẹ của Con Đức Chúa Trời. Chúa Giêsu đồng bản thể với Đức Chúa Cha, nên Đức Maria xứng đáng được tôn vinh với tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”. Ngay từ thời Giáo Hội khai sinh, tước hiệu này đã được khẳng định. Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Galát, được đọc trong Bài đọc II: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ và sống dưới lề luật”.

    Trong mùa Giáng sinh, khi đến cầu nguyện bên Hang đá Máng cỏ, chúng ta được chiêm ngưỡng một khung cảnh rất an bình dung dị. Đó là khung cảnh gia đình. Trong Hang đá đơn sơ nghèo nàn, Đức Trinh nữ và Thánh Giuse trầm lắng suy tư tôn thờ Con Chúa làm người. Cầu nguyện bên Hang đá, trước hết chúng ta cảm nhận sự khiêm nhường của Thiên Chúa. Thiên Chúa cao cả đã hoá thân làm người. Trẻ sơ sinh nằm trong Máng cỏ là Thiên Chúa, Đấng đã có từ trước muôn đời. Đây chính là sự khiêm nhường của Thiên Chúa. Nếu ở khởi đầu lịch sử, ông Ađam và bà Evà đã muốn phủ nhận thân phận tạo vật của mình để lên ngang hàng với Thiên Chúa, thì nay Thiên Chúa lại tự nguyện từ bỏ ngai trời để mặc lấy thân nhận phàm nhân. Nếu xưa kia nguyên tổ kiêu căng muốn lên bằng Thiên Chúa, thì nay Thiên Chúa lại khiêm hạ muốn trở nên con người. Mầu nhiệm Nhập thể là sự trao đổi kỳ diệu: Thiên Chúa làm người để con người được trở nên con Thiên Chúa. Ngôi Lời đã làm người và ở với chúng ta. Thánh Giuse và Trinh nữ Maria thờ lạy Chúa Hài đồng trong sự thinh lặng cung kính.

    Khung cảnh Hang đá cho chúng thấy bầu khí an bình. Nơi đây, trật tự giữa Thiên Chúa với tạo vật và với con người được tái thiết lập. Đó là trật tự ban đầu, khi Thiên Chúa sáng tạo mọi vật mọi loài. Trật tự ấy đã bị mất do tội lỗi của con người. Ngày đầu năm cũng là ngày thế giới cầu nguyện cho hoà bình. Hoà bình là niềm ước vọng của nhân loại ở mọi thời đại. Tuy vậy, con người lại thường xuyên mâu thuẫn với chính mình. Một đàng cầu nguyện cho hoà bình, đàng khác lại không ngừng gây hấn và xung đột. Từ 10 tháng nay, cuộc chiến bùng nổ tại Ucraina và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Biết bao người vô tội đã đổ máu, biết bao công trình văn hoá, tôn giáo đã bị phá huỷ. Thế giới hôm nay ngạc nhiên vì trong một xã hội hiện đại mà con người đối xử với nhau như thời hoang dã. Ngoài cuộc chiến tranh tại Ucraina, còn biết bao cuộc xung đột và bạo lực ở các cấp độ khác nhau: gia đình, cộng đoàn, xã hội. Điều đó cho thấy, chỉ cầu nguyện cho hoà bình thôi thì không đủ. Cần phải nỗ lực hành động trong sự tôn trọng người khác và lòng khiêm tốn chân thành. “Tâm bình thế giới bình”, chỉ khi nào con người cảm nhận được bình an nội tâm thì mới có khả năng cộng tác thiết lập hoà bình trong cuộc sống. Hãy đón nhận Đức Giêsu Kitô, Hoàng tử hoà bình, Đấng đến để thiết lập mối tương quan hài hoà giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau. Những ai chuyên tâm thực thi giáo huấn của Người sẽ tìm thấy bình an thanh thản trong tâm hồn và trong cuộc sống.

    Các mục đồng tại Belem năm xưa, sau khi được chiêm ngưỡng Hài Nhi Giêsu, trở về vui mừng kể lại những gì đã mắt thấy tai nghe. Những người chăn chiên đơn sơ nghèo nàn ấy đã là những nhà truyền giáo đầu tiên, kể lại câu chuyện Đức Giêsu cho mọi người đương thời. Chứng từ của họ đầy sức thuyết phục, vì họ kể lại trong tâm tình hân hoan và với lời ca tụng Thiên Chúa. “Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa” – đó là lời ca quen thuộc, phác hoạ lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô thành Asidi. Người Kitô hữu, khi mừng lễ Giáng sinh, cần phải gặp được Chúa, nhờ đó mới có thể kể cho người khác về những kinh nghiệm thiêng liêng và đem cho họ sự an bình.

    “Nguyện xin Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em!”. Đó là lời cầu nguyện của chúng ta và cũng là lời chúc phúc của Thiên Chúa. Giữa những trăn trở ưu tư của cuộc sống, hãy cậy trông phó thác nơi Thiên Chúa. Đức Giêsu đã hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”. Liền sau lời khẳng định này, Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta: nếu những người cha trần thế còn tốt lành đối với con cái mình, thì huống chi là Cha trên trời. Ngài luôn lắng nghe, thấu hiểu và ban cho chúng ta những điều tốt nhất theo ý Ngài (x. Lc 11,9-13). Xin Chúa cho chúng ta một năm mới bình an, hạnh phúc, thành đạt và vững vàng trong Đức tin.

    “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Lời kinh đơn sơ nhưng đượm tình yêu mến cậy trông. Xin cho lời kinh ấy vang lên hằng ngày nơi môi miệng tín hữu chúng ta. Xin Mẹ là Nữ Vương bình an chúc phúc cho toàn thể thế giới. Amen.

    + TGM Giuse Vũ Văn Thiên

    Nguồn tin:  https://www.tonggiaophanhanoi.org/

    Suy niệm 2:

    Mừng lễ Đức Maria - Mẹ Thiên Chúa hôm nay, các bài đọc Lời Chúa, cách riêng là bài Tin Mừng nhắc lại cho chúng ta một chi tiết quan trong đó là việc lắng nghe và suy gẫm lời Chúa: “Đức Maria hằng ghi nhớ và suy niệm trong lòng(Lc 2, 19).

    Hôm nay Tin Mừng mặc khải cho chúng ta rằng sự cao cả của Đức Maria không hệ ở việc thực hiện một hành động phi thường nào đó; đúng hơn, trong khi các mục đồng, sau khi nhận được tin báo của các thiên thần, đã vội vã tiến về Bêlem (Lc 2,15-16), thì Mẹ vẫn im lặng: “Đức Maria ghi nhớ tất cả những điều này và suy ngẫm trong lòng” (Lc 2:19). Mẹ đã giữ chúng. Mẹ chỉ đơn giản giữ lại; Đức Maria không nói. Tin Mừng không thuật lại một lời nào của Mẹ trong toàn bộ câu chuyện về Lễ Giáng Sinh. Sự im lặng của Mẹ không đơn giản chỉ là sự vắng đi lời nói, mà là sự im lặng  trong chiêm niệm, nghiền ngẫm trong lặng thinh tràn đầy kinh ngạc và tôn thờ trước những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đang thực hiện. Thánh Luca lưu ý: “Bà Maria đã ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Bằng cách này, Mẹ dành chỗ trong lòng Mẹ cho Đấng được sinh ra; trong sự thinh lặng, chiêm niệm và tôn thờ, Mẹ đặt Chúa Giêsu vào trung tâm và làm chứng Người là Đấng Cứu Độ. Đức Maria, Mẹ của sự thinh lặng, Đức Maria, Mẹ của sự tôn thờ.

    Những lời của Tông đồ Phaolô trong bài đọc 2 soi sáng sự khởi đầu của năm mới: “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ” (Gal 4:4). Khi Thiên Chúa làm người, mang lấy trọn phận người, Ngài cũng cần một người, như bao người mẹ khác. Mẹ Maria là thiếu nữ, là trinh nữ là con đường Chúa đã chọn; để thụ thai và sinh hạ Con Một Thiên Chúa. Như vậy, Mẹ là trung tâm của thời gian: Thiên Chúa vui lòng làm thay đổi lịch sử ngang qua Mẹ, một người nữ. Với từ này, Kinh Thánh nhắc chúng ta về nguồn cội, về Sáng Thế, và gợi ý rằng Người Mẹ với Hài Nhi đánh dấu một cuộc tạo dựng mới, một khởi đầu mới. Công Đồng Êphêsô (năm 431) gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Công Đồng không có ý dạy Đức Mẹ sinh ra Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần. Đức mẹ chỉ sinh ra Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể, nên Mẹ thực sự là con Thiên Chúa. Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu không phải chỉ vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu tại hang đá Bêlem, đã cho bú mớm và nuôi dưỡng Ngài tại Nagiarét, mà hơn thế nữa vì Mẹ chính là người đã lắng nghe và thực hiện lời Chúa”.

    Nhìn lên Mẹ, chiêm ngắm thế giới mà Đức Mẹ sinh ra là một thế giới đầy hy vọng, tin tưởng vào Thiên Chúa, và vâng phục Thiên Chúa. Chúa Giêsu hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha nên đã sinh xuống thế làm người và sẵn sàng vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá. Đức Mẹ vâng phục thánh ý Thiên Chúa khi thưa “Xin vâng” với thiên thần. Thánh Giuse vâng phục Thiên Chúa nên trở về nhận Đức Mẹ làm bạn. Các mục đồng vâng theo lời thiên thần đến hang Bêlem tìm Chúa. Ba Vua vâng phục theo ánh sáng ngôi sao đến thờ lạy Chúa.

    Người Kitô hữu, giống như Đức Maria, là một người hành hương của hy vọng và “Chứng tá hùng hồn nhất của niềm hy vọng là Mẹ Thiên Chúa. Nơi Mẹ, chúng ta thấy rằng niềm hy vọng không phải là sự lạc quan hão huyền, mà là một món quà ân sủng trong hiện thực cuộc sống… Và trong nỗi đau dâng hiến vì tình yêu, Mẹ đã trở thành Mẹ của chúng ta, Mẹ của niềm hy vọng. Không phải ngẫu nhiên mà lòng đạo đức bình dân vẫn cầu khẩn Đức Trinh Nữ là Stella Maris, một tước hiệu diễn tả niềm hy vọng chắc chắn rằng, trong những thăng trầm giông bão của cuộc đời, Mẹ Thiên Chúa đến trợ giúp chúng ta, nâng đỡ chúng ta và mời gọi chúng ta tin tưởng và tiếp tục hy vọng” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 24).

     

    Cầu Nguyện:

    Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin dẫn chúng con đến với Chúa Giêsu con mẹ. Xin cho chúng con biết luôn tìm Chúa, lắng nghe Lời Chúa trong tĩnh mạc thanh vắng và nguyện ngắm. Xin cho chúng con biết học nơi Mẹ cách sống mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc, mỗi công việc với ánh nhìn nội tâm hướng về Chúa Giêsu. Tất cả đều ở trong sự hiện diện và ân sủng của Chúa. Tất cả với lòng biết ơn và đặt trọn niềm hy vọng nơi Chúa. Amen.

    Tập sinh Đa Minh TB

    Bài viết liên quan