1. Bài đọc 1: Ds 21, 4-9
Trong những ngày ấy, dân chúng đi đường và mệt nhọc, nên nản chí, họ kêu trách Chúa và Môsê rằng: “Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này”. Bởi đó Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn”.
Môsê cầu nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”. Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được chữa lành.
2. Đáp ca: Tv 77, 1-2. 34-35. 36-37. 38
Ðáp: Chúng ta đừng quên lãng những kỳ công của Chúa.
Xướng:
1) Hỡi dân tôi, hãy nghe lời huấn dụ, hãy lắng tai nhận lấy những lời miệng tôi. Tôi sẽ xuất khẩu nói ra lời ngạn ngữ, sẽ trình bày những điều bí nhiệm của thời xưa.
2) Khi Người sát phạt họ, bấy giờ họ kiếm tìm Người, và họ trở lại kiếm tìm Thiên Chúa. Họ nhớ lại rằng Thiên Chúa là Ðá Tảng của họ, và Thiên Chúa Tối Cao là Ðấng cứu chuộc họ.
3) Nhưng rồi miệng họ đã phỉnh phờ, và lưỡi họ ăn nói sai ngoa với Người. Ðối với Người, lòng họ không ngay thẳng; họ cũng không trung thành giữ lời minh ước của Người.
4) Phần Người từ bi, tha lỗi và không huỷ diệt họ; nhiều khi Người đã tự kiềm chế căm hờn, và không để cho thịnh nộ hoàn toàn tuôn đổ.
3. Bài đọc 2: Pl 2, 6-11
Anh em thân mến, Chúa Giêsu Kitô, tuy là [thân phận] Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.
3. Tin Mừng: Ga 3, 13-17
13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.
4. Suy niệm:
Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh... sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô đã tự hào khi nói về thập giá của Đức Kitô và đó cũng là nội dung chính của những bài giảng của Ngài trong suốt hành trình truyền giáo. Khi khẳng định như vậy thánh Phaolô bộc bạch rằng theo sự khôn ngoan của con người thì thập giá là một điều đáng khinh bỉ, là cớ vấp phạm, là sự ngu xuẩn. Cái chết thập giá vào thời Đức Giêsu sinh thời là một sự nhục nhã, một cảnh tượng kinh khủng, là công cụ của sự chết, … là hình phạt của kẻ tội đồ phản bội dân tộc,…. Thế mà Đức Giêsu lại chọn cái chết kinh khủng và nhục nhã ấy để hôm nay và mãi đến tận thế mọi người tin vào Đức Giêsu lại suy tôn thập giá, nơi đã treo thân xác của Đấng Cứu Độ.
Tại sao thế? Tại sao trong Phụng vụ của Giáo Hội lại có ngày lễ hôm nay?
Tất cả những bản văn của Tân Ước nói về cái chết của Đức Giêsu, chúng ta tìm ra được rằng cái chết của Đức Giêsu trên thập giá mang lại hiệu quả tuyệt vời cho mọi người và mọi thời. Cái chết ấy đã được thánh Gioan đã thấy và làm chứng
1. Điều đã thấy
Đó là một con người vô tội và tốt lành đã chết một cách nhục nhã và tàn nhẫn như một tên gian phi, tội đồ mà Philatô đã dõng dạc tuyên bố: Ta không thấy nơi người nay có tội gì đáng kết án. Có thể nói đó là cái chết của người công chính trước sự độc ác và gian tà của con người và sự dữ. Trước mắt con người thì dường như người tốt bị gạt sang một bên còn kẻ ác chiến thắng và thịnh vượng và cây Thánh giá tượng trưng cho sự thất bại.
Thế nhưng cái chết của Đức Giêsu lại mang đến cho nhân loại ơn cứu độ. Cái chết của Ngài có thể nói nằm trong chương trình của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của mình cho nó, ngõ hầu hễ ai tin vào Người sẽ không bị hủy diệt (Ga 3,16). Hơn nữa, chính Chúa Giêsu còn tình nguyện đón nhận cái chết như một hành động trao hiến mạng sống, một hành động tự do và ý thức. Ngài khẳng định: Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được (Ga 10,18).
Vậy nên chúng ta có thể vượt qua tất cả những điều này để đón nhận thông điệp của Thánh giá, không chấp nhận rằng Thiên Chúa cứu độ chúng ta bằng cách cho phép tất cả những điều xấu trên thế giới tự do hoành hành, hay chúng ta mơ về một Thiên Chúa mạnh mẽ, giáng phạt tất cả những ai gây ra sự xấu và làm sự xấu hay một Thiên Chúa yếu ớt bị đóng đinh. Chúng ta vẫn luôn khao khát một Kitô giáo chiến thắng vẻ vang có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, đầy vinh quang và danh dự,…. Nhưng nhớ rằng Kitô giáo không có thập giá là một Kitô giáo của thế gian, trở nên vô ích, hèn kém chứ không phải của Thiên Chúa.
Thánh giá là sự hiện diện và là công trình tuyệt vời của Thiên Chúa. Vinh quang Thiên Chúa nơi Đức Kitô chịu đóng đinh. Thiên Chúa qua Đức Giêsu Con của Ngài sẵn sàng thua cuộc để hiến thân vì mọi người. Thiên Chúa chọn con đường thánh giá là con đường khó khăn nhất để không ai trên thế gian này phải thất vọng. Họ tìm được chính Thiên Chúa ngay ở đó, hình khổ thập giá, ngay giữa những đau khổ, tăm tối, tai tiếng, bị bỏ rơi của chính cuộc sống mình. ở đó nơi mà chúng ta tưởng chừng như Thiên Chúa không có mặt thì Ngài lại hiện diện một cách rõ ràng và mạnh mẽ nhất. Chúng ta không còn cô đơn giữa cuộc đời đầy đau khổ, chông gai bị ruồng bỏ và hất hủi chê bai.
Hãy tập nhìn vinh quang nơi Thánh giá. Thánh giá như một cuốn sách phải được mở ra và đọc chiêm ngắm thường xuyên Đấng chịu đóng đinh trên thánh giá. Chẳng ích gì khi chúng ta mang Thánh giá trên người, trong nhà, trên xe hơi, … mà chẳng bao giờ mở cuốn sách Thánh giá này để đọc và chiêm ngắm. Hãy để những suy nghĩ mình bị ngạc nhiên và trái tim mình rung lên và thổn thức khi chiêm ngắm Đức Giêsu trên Thánh giá.
2. Làm chứng về Thánh giá – dấu chỉ của tình yêu
Thánh giá là dấu chỉ của tình yêu là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại thế nên khi mang Thánh giá chúng ta làm chứng về điều này: không coi ai là kẻ thù mà mọi người là anh chị em, không bám vào những sai trái của quá khứ để than thở về hiện tại với sự bất mãn, chán chường,… cũng chẳng lừa dối hay sử dụng quyền lực của thế gian để áp đặt ý mình mà luôn muốn hiến thân mình cho tha nhân. Làm chứng về Thánh giá phải có chiến lược rõ ràng như Chúa Giêsu. Chiến lược của tình yêu, sự khiêm nhường và chấp nhận chịu xỉ nhục. Chúng ta không tìm chiến thắng theo kiểu thế gian mà đón nhận một tình yêu tự hủy, một cuộc sống bị chôn vùi và mục nát như hạt lúa mời mong trổ sinh hoa trái.
Làm chứng cho Thánh giá là làm chứng về Tình Yêu Thiên Chúa lên đến tột cùng. Tình Yêu ấy đã thắng tội ác, sự sống thắng sự chết, ánh sáng thắng bóng tối, tha thứ thắng hận thù. Xin cùng đọc lại lời cầu nguyện của Nhà thần học Karl Rahner:
Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả, đó là ơn nhận ra Thánh Giá của Con Cha trong mọi nỗi khổ đau của đời con, và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh Giá, bao lâu tuỳ ý Cha định liệu.
Xin đừng để con trở nên chua chát nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ và lòng khát khao nóng bỏng có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau. Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ của những người đã yêu mến Cha, đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ, tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.
Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con nói lên lòng tin của con vào những lời hứa của Cha, lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha, và lòng mến mà con dành cho Cha.
Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân, và yêu Cha chỉ vì Cha, chứ không mong phần thưởng.
Ước gì Thánh Giá trở nên mẫu gương cho con, là ánh sáng cho đêm tăm tối, nhờ đó con không còn coi khổ đau như một tai họa hay một điều vô lý, nhưng như một dấu chỉ cho thấy con đang thuộc về Cha mãi mãi.
3. Gẫm lời Chúa
Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời (Ga 3,14).
THẬP GIÁ CON ĐƯỜNG VỀ TRỜI
+ Điều Chúa Giêsu đòi hỏi: Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta,
+ Con đường về trời là con đường thập giá: khúc khuỷ, nhỏ bé, đau khổ,…
+ Đó là con đường duy nhất: vác thập giá của mình.
Ý NGHĨA CỦA THẬP GIÁ
+ Mạc khải tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa,
+ Là sự chối bỏ và khước từ của con người đối với Thiên Chúa,
+ Là dấu chỉ của sự thù ghét của con người đối với con người,
+ Là sự loại bỏ Chúa Giêsu, do thế lực của tôn giáo Do Thái thời đó,
THÁNH GIÁ CỨU CHUỘC NHÂN LOẠI
+ Thánh giá mang lại nguồn hy vọng, toàn thắng và sự sống.
+ Ơn cứu độ đến với loài người qua thánh giá và phục sinh của Đức Giêsu,
+ Có thánh giá => có sự phục sinh,
+ Đón nhận thánh giá => cái chết của chính mình => tìm được sự sống,
+ Cái chết trên thánh giá = > sự toàn thắng của Thiên Chúa,
LÀ KITÔ HỮU TÔI
+ Đón nhận thánh giá của chính mình
+ Tin vào Đức Giêsu không thể chối bỏ thánh giá,
+ Thánh giá chính là phương tiện cứu rỗi,
+ Thánh giá là lối sống của một số người theo sát Đức Kitô (Các Hội Dòng MTG)
+ Vượt qua thánh giá chứ không dừng lại ở thánh giá
+ Ý nghĩa và giá trị vĩnh cửu từ thánh giá khi theo Đức Giêsu
TÔI CŨNG ĐANG MANG THÁNH GIÁ
+ Thánh giá của đau yếu, bệnh hoạn và tật nguyền
+ Thánh giá của những vết thương về tâm lý, và tinh thần,
+ Thánh giá của băn khoăn, lo âu, sợ hãi và hiểu lầm trong cuộc sống,
+ Thánh giá của cảnh nghèo túng và đói khát,
+ Thánh giá của sự kỳ thị chủng tộc, vùng miền, bách hại, khủng bố và phân biệt tôn giáo,
+ Thánh giá của sự chia ly, loạn lạc, chết chóc vì chiến tranh và dịch bệnh,
+ Hãy can đảm vác thánh giá theo Chúa,
+ Hãy xin Chúa cho có sức mạnh và niềm vui,
+ Hãy biến đau khổ mệt nhoài thành nguồn ơn cứu độ,
+ Và hãy để thân xác mình bị treo trên thánh giá như Đức Giêsu.
Xin cùng đọc câu của thánh Phaolô:
Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đanh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hi Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,23-24).
Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bửu Khánh
Giáo phận Xuân Lộc
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 124 | Tổng lượt truy cập: 4,167,441