1. Bài đọc 1: Ml 3, 1-4
“Ðấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, đến trong đền thánh Người”.
Trích sách Tiên tri Malakhi.
Này đây Chúa là Thiên Chúa phán: “Ðây Ta sai thiên thần Ta đi dọn đường trước mặt Ta!” Lập tức Ðấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người. Chúa các đạo binh phán: “Này đây Người đến”. Ai có thể suy tưởng đến ngày Người đến, và có thể đứng vững để trông nhìn Người? Vì Người sẽ như lửa thiêu đốt, như thuốc giặt của thợ giặt. Người sẽ ngồi như thợ đúc và thợ lọc bạc, Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi, và làm cho chúng nên sạch như vàng bạc. Chúng sẽ hiến dâng lễ tế cho Chúa trong công bình. Lễ tế của Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa, như ngày xưa và như những năm trước. Ðó là lời Chúa toàn năng phán.
Đó là Lời Chúa.
2. Đáp ca: Tv 23, 7. 8. 9. 10
Ðáp: Vua hiển vinh là ai vậy?
Xướng:
1) Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên; vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu! để Vua hiển vinh Người ngự qua.
2) Nhưng Vua hiển vinh là ai vậy? Ðó là Chúa dũng lực hùng anh, đó là Chúa anh hùng của chiến chinh.
3) Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên, vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển vinh Người ngự qua.
4) Nhưng Vua hiển vinh là ai vậy? Ðó là Chúa đạo thiên binh, chính Người là Hoàng Ðế hiển vinh.
3. Bài đọc 2: Dt 2, 14-18
“Người phải nên giống anh em mình mọi đàng”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Vì các con trẻ cùng chung thân phận máu thịt, chính Chúa Giêsu cũng giống như chúng, cũng thông phần điều đó, để nhờ cái chết của Người mà Người huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời. Vì chưng Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi thế, Người nên giống anh em Mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách.
Đó là Lời Chúa.
4. Tin Mừng: Lc 2, 22-40
Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
22 Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”.
24 Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.
25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.
26 Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.
27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29 “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ. 31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: 32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người.
34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng.
35 Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”
36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ là bà An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa.
38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
39 Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê.
40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
Đó là Lời Chúa.
5. Suy niệm: Ánh sáng muôn dân
Từ truyền thống xa xưa, ngày lễ được cử hành vào ngày 2-2 dương lịch được gọi là “Lễ Nến”, bởi trong thánh lễ có nghi thức làm phép Nến. Có một thời, người ta coi ngày lễ này là lễ kính Đức Maria, dựa trên trình thuật của Thánh Luca về việc Đức Maria mang lễ vật dâng vào đền thờ, để được thanh tẩy như luật định. Từ năm 1969 lễ này không còn thuần ý nghĩa lễ dành kính Đức Maria, nhưng được đổi thành lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ, với mục đích quy hướng chúng ta về Chúa Giêsu, Đấng Thiên sai đã đến trần gian để cứu độ nhân loại
Khi gọi ngày lễ này là lễ “Dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ”, phụng vụ muốn nhắc tới sự kiện Đức Mẹ và Thánh Giuse thực hiện điều được quy định trong luật Môi-sen. Đây là những quy định chúng ta có thể đọc thấy trong sách Xuất Hành, sách Lêvi và sách ngôn sứ Isaia ( Xh 13,11-16; Lv 12,1-8; Is 88,14f;42,6). Nội dung những khoản Luật này nói về nghi thức dâng con đầu lòng cho Chúa vào thời điểm khoảng 40 ngày sau khi con trẻ được sinh ra. Nghi thức này vừa khẳng định những trẻ nam đầu lòng thuộc về Chúa, vừa là nghi thức thanh tẩy đối với người phụ nữ sau khi sinh. Bởi lẽ, theo quan niệm Do Thái xưa kia, sau khi sinh con, người phụ nữ trở thành “ô uế”.
Đức Mẹ và Thánh Giuse cũng làm theo luật đã ghi chép, tức là đem Hài Nhi Giêsu dâng cho Chúa. Theo Thánh Luca, nghi thức dâng Chúa Giêsu trong đền thờ Giêrusalem theo luật định lại trở nên cuộc gặp gỡ kỳ diệu: Hai người đạo đức Ông già Simêon và Bà Anna được hạnh phúc bồng bế hài nhi Giêsu trên tay mình. Họ là những người từ nhiều năm hằng trông đợi Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa đã hứa. Qua cuộc gặp gỡ này họ đã nhận ra hài nhi Giêsu là “ánh sáng cho mọi dân tộc” (Lc 2,22-40). Phụng vụ Kitô giáo diễn tả nghi lễ này như một cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với Dân của Người. Lần đầu tiên, Chúa Giêsu hiện diện trong Đền thờ, là trung tâm của Do Thái giáo, biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa Dân Ngài. Việc Chúa đến mở ra một giai đoạn mới trong chương trình cứu độ. Ngài sẽ trở nên ánh sáng muôn dân và thánh hóa con người. Người cũng làm cho những hy lễ dâng tôn thờ Thiên Chúa Cha mang một ý nghĩa mới. Đây cũng là điều chúng ta đọc trong Bài đọc I, trích sách ngôn sứ Isaia. Vị ngôn sứ đã thông báo: “Này đây Người đến. Khi Người đến, Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi và làm cho chúng thanh sạch như vàng bạc. Chúng sẽ hiến dâng lễ tế cho Chúa trong công bình”. Chúa Giêsu xuất hiện trong Đền thờ để thân thưa với Chúa Cha: “Này con đến để thực thi ý Chúa”. Sau này, Người còn đến Đền thờ nhiều lần, không phải để thi hành công việc tế tự, nhưng để thanh tẩy Đền thờ. Trong giáo huấn của Người, Chúa cũng kịch liệt lên án một thứ phụng tự chuộng hình thức, xa rời tình yêu và thiếu vắng thương xót, để kêu gọi mọi người hãy tôn thờ Chúa trong tinh thần và Chân lý.
Qua nghi lễ dâng Hài Nhi Giêsu dâng trong Đền thờ, Đức Maria và Thánh Giuse đã chu toàn những điều Luật dạy. Phụng vụ Kitô giáo cũng nhìn thấy ở đây sự hạ mình của Con Thiên Chúa. Đức Giêsu mang lấy thân phận con người và sống như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Tác giả thư Do Thái khẳng định: Chúa Giêsu trở nên giống như anh em mình mọi đàng, nhờ đó, Người trở thành vị Đại Giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa. Vì là người như chúng ta, Đức Giêsu cảm thông với chúng ta, chia sẻ những tâm tư của phận người, nâng đỡ những ai chịu thử thách và đem cho họ ơn niềm vui ơn cứu độ (Bài đọc II).
“Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israen Dân Chúa”. Đó là lời ca tụng của cụ già Simêôn. Lời ca tụng này diễn tả chủ đề chính yếu của Phụng vụ hôm nay. Chủ đề “Ánh Sáng” được nhấn mạnh trong phụng vụ lễ Giáng Sinh, Lễ Hiển Linh và Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa. Ngày hôm nay, một lần nữa, chủ để này lại được nhắc tới. Chúa Giêsu là ánh sáng trần gian. Người đến để chiếu soi đêm tối nơi lòng người. Đó là đêm tối của hận thù, chia rẽ, tội lỗi và sự chết. Tác giả Tin Mừng thứ bốn giới thiệu với chúng ta: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Chính Chúa Giêsu khẳng định: “Chính tôi là ánh sáng cho trần gian, ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8,12). Người đã chữa cho người mù từ khi mới sinh, không chỉ con mắt thể lý, mà còn con mắt tâm hồn. Nhờ đó anh trở nên sáng mắt và sáng suốt nhận ra Người là Đấng Thiên sai và Đấng Cứu độ trần gian.
Năm 1997, thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng đã thiết lập lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ là ngày Quốc tế của đời sống thánh hiến, với ước nguyện những ai dấn thân sống đời tu trì trở nên giống Chúa Giêsu và trở thành ánh sáng cho trần gian.
Trở nên ánh sáng là ơn gọi của các Kitô hữu, như Chúa đã nói. Tuy vậy, những người sống đời thánh hiến lại tình nguyện sống triệt để lời gọi này qua việc khấn giữ ba nhân đức Phúc âm, đó là Khó nghèo, Khiết tịnh và Vâng lời. Đức Thánh Cha Phanxicô mong ước, ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui. Ngài cũng khích lệ các tu sĩ nam nữ: anh chị em hãy đánh thức thế giới bằng đời sống thánh thiện và hy sinh của mình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những ai sống đời sống thánh hiến, biết tỏa sáng xung quanh bằng sự thánh thiện đơn sơ, với lòng yêu mến chân thành và nhiệt huyết tông đồ. Chúa Giêsu đã dạy: “Anh em là ánh sáng thế gian…Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ nhìn thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
Một câu chuyện do chính Mẹ Têrêxa kể lại: một ngày kia tại Melbourne, Úc, Mẹ đến thăm viếng một người đàn ông nghèo nàn không được một ai quan tâm đến. Ông ta sinh sống dưới tầng hầm, trong một căn phòng dơ dáy, hôi tanh, không có ánh sáng. Mẹ bắt đầu bằng việc thu dọn và sắp xếp lại căn phòng. Ban đầu, ông ta cự tuyệt:
– “Bà cứ để mọi sự như cũ. Tôi quen như vậy rồi”.
Dù thế, Mẹ vẫn cứ xúc tiến công việc dọn dẹp và gợi chuyện để nói với ông. Tình cờ, dưới một đống rác, Mẹ phát hiện ra một cây đèn dầu phủ đầy bụi bặm. Mẹ lấy cây đèn ra lau chùi, và nhận thấy nó khá đẹp. Mẹ nói với ông ta:
– “Ở đây, ông có một cây đèn rất đẹp. Sao ông không bao giờ thắp sáng nó lên vậy?”.
Người đàn ông này đáp:
– “Tôi không bao giờ thắp sáng cây đèn đó vì có ai đến thăm tôi đâu!”
Hai trong số các nữ tu của Mẹ Têrêxa bắt đầu thường xuyên đến thăm ông. Mọi sự dần dần được cải thiện đối với ông ta. Mỗi lần các nữ tu đến thăm, thì ông ta đều thắp đèn lên. Thế rồi một ngày kia, ông nói với các nữ tu:
– “Thưa các Sơ, kể từ nay, tôi có thể tự xoay sở được rồi. Xin nói dùm với người nữ tu đầu tiên đến thăm tôi rằng, ánh sáng mà bà đã thắp lên trong cuộc đời tôi hiện vẫn còn đang cháy sáng”.
Cây đèn bên ngoài đã được thắp lên, vì ngọn đèn trong tim ông đã sáng lên. Ánh sáng đó được truyền qua nhờ lòng nhân ái của Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ.
Lạy Chúa Giêsu là Ánh Sáng trần gian, xin cho chúng con tiếp nhận từ nơi Chúa ánh sáng thiêng liêng, để chúng con biết đường đi đến Chân Lý, đồng thời trở nên ánh sáng cho những người xung quanh. Amen.
+ TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn tin: https://www.tonggiaophanhanoi.org/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 95 | Tổng lượt truy cập: 4,165,318