Suy niệm Tin Mừng - Lễ Chúa Giáng Sinh (25.12)

  • 24/12/2021 14:40
  • Các bài Suy niệm Lễ Giáng Sinh (Ga 1,1-18)

    Các bài Suy niệm Lễ Giáng Sinh (Ga 1,1-18)

    1.  Bài giảng Lễ Giáng Sinh của ĐTC. Gioan Phaolô II

    HÔM NAY ĐẤNG CỨU THẾ ĐÃ GIÁNG SINH CHO CHÚNG TA

    Hôm nay Đấng Cứu Thế đã Giáng Sinh cho chúng ta. Lời loan báo Chúa Giáng Sinh vang lên đêm nay, lời loan báo xa xưa và luôn mới mẻ. Lời loan báo vang lên cho những ai đang tỉnh thức, cho những mục đồng tại Bêlem cách đây 2,000 năm, nó vang lên cho những ai đang sống theo đòi hỏi của Mùa Vọng, và một khi đã tỉnh thức trong đợi chờ, sẵn sàng đón nhận sứ điệp vui mừng được hát lên trong Thánh Lễ hôm nay: "Hôm nay Đấng Cứu Thế đã Giáng Sinh cho chúng ta".

    Dân Kitô đang tỉnh thức, toàn thể thế giới đang tỉnh thức trong đêm Giáng Sinh này. Trong những ngày này, dường như Giáo Hội không bao giờ ngừng lặp lại rằng:"Hôm nay Đấng Cứu Thế Giáng Sinh cho chúng ta". Lời rao giảng này có tích chứa sức mạnh không bao giờ cạn để canh tân, nó vang dội trong Đêm Thánh này một cách mạnh mẽ đặc biệt. Đây là Giáng Sinh của đại năm thánh, kỷ niệm sống động của hai ngàn năm của Chúa Kitô, kỷ niệm cuộc sinh hạ kỳ diệu, một biến cố đã ghi dấu điểm khởi đầu mới của lịch sử. "Ngày hôm nay Ngôi Lời đã làm người và sống giữa chúng ta".

    Ngày hôm nay trong đêm cực thánh này, thời gian được mở ra đến cõi đời đời, bởi vì Ngài, Lạy Chúa Kitô, Ngài đã từ trời cao mà sinh xuống giữa chúng con. Ngài sinh xuống trần gian từ cung lòng của một người nữ đã được chúc phúc hơn mọi người nữ. Ngài là con của Đấng Tối Cao, sự thánh thiện của Ngài đã thánh hóa thời gian của chúng con một lần vĩnh viễn luôn mãi, những ngày tháng, những thế kỷ, những ngàn năm. Với sự Giáng Sinh của Ngài, Ngài đã làm cho thời gian trở thành cái hôm nay của ơn cứu rỗi.

    Hôm nay Đấng Cứu Thế đã Giáng Sinh cho chúng ta. Đêm nay chúng ta cử hành mầu nhiệm Bêlem, mầu nhiệm của một đêm đặc biệt cách nào đó nằm trong thời gian vừa đồng thời vượt qua thời gian, trong cung lòng của Đức Nữ Đồng Trinh một Con Trẻ đã sinh ra, một máng cỏ đã trở thành cái nôi cho Đấng là sự sống đời đời.

    Lễ Giáng Sinh là lễ của sự sống, bởi vì Ngài, Lạy Chúa Giêsu, khi đến trong thế gian như một người trong chúng con, Ngài đã chúc phúc cho giờ Ngài đã sinh ra, một giờ nói lên cách tượng trưng cho mầu nhiệm của cuộc sống con người, vừa liên kết những đau khổ của sự sinh hạ với niềm hy vọng, liên kết đau khổ với niềm vui. Tất cả những điều này đã xảy ra tại Bêlem, một người mẹ đã sinh con, một con người đã sinh ra trong trần gian, đó là con người, đó là mầu nhiệm của Bêlem.

    Với niềm cảm xúc trong tâm hồn, tôi nghĩ lại những ngày hành hương năm Thánh của tôi bên Thánh Địa, tâm trí tôi trở lại với hang đá nơi tôi được dịp dừng lại cầu nguyện. Tôi hôn kính trong tinh thần, hôn kính miền đất được chúc phúc kia nơi phát sinh niềm vui không bao giờ tàn cho thế giới. Tôi lo âu cho những nơi Thánh và đặc biệt là thành Bêlem nơi mà buồn thay vì hoàn cảnh chính trị khó khăn không thể nào diễn ra Lễ Nghi Giáng Sinh với sự long trọng như mọi khi. Tôi mong muốn sao cho trong đêm nay, những cộng đoàn Kitô tại đó cảm thấy được tình liên đới tràn đầy của toàn thể Giáo Hội đối với họ.

    Thưa anh chị em rất thân mến tại Bêlem,

    Chúng tôi gần gũi với anh chị em với lời cầu nguyện thật sốt sắng. Cùng với anh chị em, chúng tôi rung động vì số phận của toàn vùng Trung Đông.

    Nguyện xin Thiên Chúa lắng nghe lời chúng ta khẩn cầu. Ước chi từ quảng trường này, trung tâm của thế giới Công Giáo được vang lên một lần nữa với sức mạnh được canh tân, vang lên lời loan báo của các thiên thần, của các mục đồng: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao và hòa bình dưới thế cho mọi người được Chúa yêu thương".

    Niềm hy vọng của chúng ta không thể nào bị lung lay, cũng như không thể nào thiếu đi sự khâm phục những gì chúng ta đang cử hành. Ngày hôm nay, Đấng ban hòa bình cho thế gian Giáng Sinh. Hôm nay Đấng Cứu Thế Giáng Sinh cho chúng ta. Ngôi Lời nằm khóc trong máng cỏ, Ngài được gọi là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa Cứu Rỗi, bởi vì Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi mọi tội lỗi.

    Không phải trong một lâu đài mà Đấng Cứu Chuộc sinh ra, Đấng có sứ mạng thiết lập lại Vương Quốc đời đời và phổ quát. Ngài sinh ra trong một chuồng loài vật và sống giữa chúng ta, Ngài thắp lên trong thế giới ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa và ngọn lửa này sẽ không bao giờ tắt. Ước chi ngọn lửa này cháy lên trong các tâm hồn như một ngọn lửa tình bác ái hữu hiệu, tình bác ái trở thành sự tiếp đón, nâng đỡ cho biết bao anh chị em bị thử thách bởi sự nghèo cùng và đau khổ.

    Lạy Chúa Giêsu mà chúng con chiêm ngắm trong cảnh nghèo hèn tại Bêlem, xin hãy làm cho chúng con trở nên những chứng nhân của tình yêu Chúa, của tình yêu đã thôi thúc Ngài cởi bỏ vinh quang của Thiên Chúa để sinh ra sống giữa con người và chịu chết vì chúng con, xin Ngài hãy đổ vào chúng con Thánh Thần của Ngài, ngõ hầu ân sủng của mầu nhiệm Nhập Thể khơi dậy nơi mỗi tín hữu sự dấn thân góp sức cách quảng đại hơn, phù hợp hơn với sự sống mới do Bí Tích Rửa Tội trao ban. Xin hãy làm cho ánh sáng của đêm hôm nay sáng hơn ban ngày, chiếu sáng trên tương lai và hướng dẫn những bước tiến của nhân loại trên con đường hòa bình.

    Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng của Ngài với lời nguyện:

    Lạy Chúa, Hoàng Tử của Hòa Bình, Đấng Cứu Chuộc đã Giáng Sinh vì chúng con, xin hãy đồng hành với Giáo Hội Chúa trên con đường đang mở ra dẫn đưa Giáo Hội bước vào ngàn năm mới.

     

    2.   “Thuở ban đầu đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1) - Peter Felmeier.

    Chuyển ngữ: Văn Hào, SDB

    Lời nói là cách diễn đạt sự tương kính của chúng ta đối với một ai, trân trọng họ hay khẳng định sự hiện hữu của họ. “Lời” là một ý niệm sâu xa, phong phú và rất mạnh mẽ. Lời nói để đổi trao, để tiếp cận mọi người, và cũng là một phương cách mà ai ai cũng sử dụng. Nhiều tín đồ Ấn giáo cho rằng, vũ trụ được hình thành và duy trì bằng sức mạnh của Lời (Sanskrit).  Cũng thế, triết gia Platon cho rằng Lời (logos) là nguyên lý chủ đạo, nhờ đó thế giới được tạo thành cách linh thiêng. Philo, một học giả lỗi lạc thuộc thế giới Do Thái cổ xưa, đã xem Lời như là nguyên lý vận hành mà Thượng đế đã dùng để điều quản vũ trụ.

    Cựu ước cũng diễn tả sức mạnh của Lời với những dạng thức kỳ diệu khác nhau. Lời khiến moi sự được tạo thành. Trong sách Sáng thế, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ bằng Lời của Ngài. “Hãy có ánh sáng” và liền có ánh sáng. Giacóp đón nhận phúc lành từ Isaac thế chỗ của Esau. Khi lời chúc phúc được ban ra, lời đó không thể rút lại, và Giacóp hưởng nhận sự chúc lành từ thân phụ mình. “Lời” còn có một ý nghĩa khác. Đó là sự mạc khải của Thiên Chúa, và sâu xa hơn, “Lời” chính là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi cuộc sống con  người.

    Hiểu ý nghĩa sâu xa của hạn từ này, chúng ta sẽ không lạ gì khi Gioan khởi đầu Tin Mừng bằng xác quyết: “Thuở ban đầu đã có Lời, và Lời ở với Thiên Chúa, Lời chính là Thiên Chúa”. Sau đó Thánh Gioan giải thích: “Mọi sự đều có qua Ngài. Nhờ Ngài, có sự sống, và sự sống chính là ánh sáng cho nhân loại”. Hơn nữa, đó chính là nguồn mạch sự khôn ngoan của vũ trụ.

    Thánh Gioan nói tiếp về một điều rất kỳ diệu và khó hiểu: “ Lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Đây không phải là sự đánh đố đối với đầu óc con người. Ở đây, Gioan nói về một việc xem ra có vẻ bất khả thi, nhưng đã thành sự thật, đó là “sự kết hợp tuyệt đối giữa Đấng Tạo Thành với thụ tạo, giữa vĩnh cửu với hữu hạn, giữa thực thể hay chết với Đấng Hằng Sống”, vì ‘đối với Chúa, không có gì là không thể làm được’ (Mt 19,26) . Thần học gia Karl Rahner SJ đã có lần suy tư như sau: “Thiên Chúa là Đấng chúng ta không thể hiểu biết, và cũng là đấng mạo hiểm trong tình yêu. Ngôi Lời đã quá mạo hiểm và liều lĩnh khi đi vào thời gian để trở nên một  người phàm giữa chúng ta”.

    Với suy nghĩ đó, câu nói “Tôi ngỏ lời với ban” mang một chiều kích tổng thể khác sâu xa hơn. Thiên Chúa ban Lời của Ngài cho con người, không chỉ nói về sự tương kính, hay nói về sự hiện hữu của Ngài, nhưng còn sâu xa hơn rất nhiều. Lời đã tạo thành mọi sự, và Lời chính là ánh sáng đã đến cư ngụ giữa chúng ta. Đây chính là quà tặng của Thiên Chúa, quà tặng trao ban chính Ngài cho con người.

    Khi chiêm ngắm Hài Nhi tại máng cỏ Bêlem, chúng ta cũng phải suy nghĩ về cuộc mạo hiểm trong tình yêu của Thiên Chúa với cách thái độc đáo của Ngài.  Thiên Chúa đã trở nên người phàm, một con người mỏng dòn yếu ớt để mang ánh sáng soi dọi những chỗ tăm tối nơi phận người. Thiên Chúa đã liều lĩnh, và sự liều lĩnh đó đáng giá biết bao. Gioan đã từng nói về sự nhập thể của Thiên Chúa như là sự đối kháng giữa tình trạng trở nên con Thiên Chúa so với tình trạng một con người bị lạc mất giữa bóng đêm. Gioan cũng nói cho chúng ta biết rằng, những ai tin vào Ngài sẽ được thấy ánh sáng, được đầy tràn ân sủng và sự thật, đầy dư ân sủng trong chính nguồn ơn sủng vô biên, và những ai ở trong bóng tối ‘sẽ không biết Ngài’. Ngôi Lời của Thiên Chúa thách đố chúng ta trước những chọn lựa cho cuộc sống mình khi chiêm ngắm thực tại này.

    Thánh Gioan vạch rõ cho ta thấy, sứ điệp ngày lễ Giáng sinh không phải chỉ  là sự giáng sinh của Ngôi Lời đến giữa chúng ta. Nó còn đề cập đến sự sinh ra của chính mỗi người chúng ta trong Thiên Chúa. Trong dịp lễ Giáng sinh, không phải chúng ta chỉ dừng lại nơi máng cỏ Belem. Niềm tin mời gọi chúng ta rộng mở tâm hồn để đón nhận ánh sáng. Cuộc sống chúng ta được ngập tràn ánh sáng, và chúng ta sẽ sống trong ánh sáng đó. Ánh sáng thần linh sẽ rực lên khi chúng ta diễn bày lòng yêu thương đối với cận nhận chung quanh. Ánh sáng đó sẽ chói lọi khi chúng ta đem lòng trắc ẩn, bảo vệ những người cùng khổ, bị gạt ra bên lề xã hội, những người thấp cổ bé họng, những người lang thang không nhà cửa. “Hãy nhớ, anh em cũng đã từng là những khách ngoại kiều” (Xh 22,21). Ánh sáng đó cũng thắp lên niềm vui được sẻ chia, khi chúng ta ý thức rằng Thiên Chúa cũng đang mời gọi chúng ta sao chép lại tình yêu của Ngài, Đấng đã tự hư vô hóa mình để chúng ta được thông dự vào Thần Khí thánh thiêng và được chia sẻ  vinh quang của Ngài.

    Với lời cầu nguyện trong đêm Giáng sinh, chúng ta xin Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng đã tác thành chúng ta, cũng soi dọi ánh sáng vào cuộc sống mỗi người, để Ngài cũng đến và cư ngụ dồi dào trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta xin Ngôi Lời của Thiên Chúa “Nói” trong chúng ta, và qua chúng ta, tỏ hiện ánh sáng của Ngài nơi  chính cuộc sống chúng ta ngày hôm nay.

     

    3.   Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.

    Trong ngày đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh,
    Giáo Hội cho chúng ta nghe Lời mở đầu Tin Mừng theo thánh Gioan.
    Lời mở đầu này là một bài ca về sự cao trọng vô song của Ngôi Lời.
    Ngôi Lời là Đấng vĩnh hằng, đã hiện hữu từ nguyên thủy.
    Ngài là Thiên Chúa, là Con Một luôn hướng về Thiên Chúa Cha (c. 1).
    Tương quan giữa Thiên Chúa và Ngôi Lời là tương quan giữa Cha với Con.
    Thiên Chúa Cha đã muốn Ngôi Lời cộng tác trong việc tạo dựng vũ trụ.
    Nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành (cc. 3, 10).
    Chẳng có thụ tạo nào hiện hữu mà lại không được dựng nên bởi Ngôi Lời.
    Dù khác nhau về màu da, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo…
    mỗi con người đều mang trong mình Sự Sống của Ngôi Lời.
    Sự Sống ấy là Ánh Sáng vẫn chiếu soi cả nhân loại (c. 4),
    và soi chiếu lương tâm từng con người, chẳng trừ ai (c. 9),
    bất chấp sức mạnh gớm ghê của bóng tối (c. 5).

    Rồi khi đến thời viên mãn, vì quá yêu thương con người trầm luân
    Thiên Chúa đã sai Ngôi Lời, Con Một của Ngài vào trần gian để cứu độ.
    Ngôi Lời vĩnh cửu đã trở nên người phàm, mang tên Giêsu,
    mang thân xác giới hạn như chúng ta, sống trong dòng lịch sử,
    và ở giữa chúng ta trên cùng một trái đất (v. 14).
    Đấng Tạo thành vạn vật bây giờ trở nên một thụ tạo bé nhỏ,
    được sinh ra, được bú mớm, từ từ lớn lên và trưởng thành.
    Đấng Tạo thành vạn vật nay sẽ là Đấng Cứu độ loài người,
    để ai tin vào Ngài thì Ngài cho họ quyền làm con cái Thiên Chúa (c. 12).

    Khi vâng ý Cha chấp nhận nhập thể và nhập thế,
    Ngôi Lời đã cúi xuống bắc cầu nối kết Thiên Chúa với con người,
    để đưa con người vào sống tình thân với Thiên Chúa.
    Chưa bao giờ và mãi mãi về sau,
    chẳng bao giờ có một Vị Trung Gian cứu độ nào tuyệt vời đến thế.
    Vì chỉ mình Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là một con người thật.
    Mừng lễ Giáng Sinh là mừng đại lễ Thiên Chúa đến cứu con người.
    Thiên Chúa Cha không muốn cứu độ nhân loại bằng cách chỉ phán một lời.
    Ngài muốn tặng cho ta món quà cao quý là chính Người Con duy nhất.
    Chẳng ai thấy tận mắt hay biết rõ Thiên Chúa bao giờ.
    Nhưng nơi Đức Giêsu, chúng ta được quen biết và gặp gỡ Thiên Chúa.
    Vì duy chỉ mình Ngài là Con hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha (c. 18).

    Lễ Giáng Sinh đem lại niềm vui cho toàn thể thế giới con người.
    Vì Con Thiên Chúa đã mang phận người vất vả, long đong,
    nên đời người, dù đổ vỡ khổ đau, cũng có ý nghĩa, và đáng sống.
    Vì Con Thiên Chúa đã mang khuôn mặt, và thân xác con người,
    nên bất cứ ai là người, đều mang hình ảnh của Con Thiên Chúa.
    Vì Con Thiên Chúa đã cư ngụ trên trái đất nhỏ xíu này của chúng ta,
    đã sống nhờ không khí, nước và thức ăn của trái đất này,
    nên trái đất này thật là thế giới linh thánh, cần trân trọng.
    Lễ Giáng Sinh bao giờ cũng mời ta nhìn lại đời mình,
    nhìn lại khuôn mặt những người chung quanh, nhìn lại trái đất mình sống,
    với lòng kính trọng, vui sướng, và biết ơn.
    Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại.
    Ước gì tôi biết đưa hai tay ra để đón lấy quà tặng cao quý ấy.

    Bài viết liên quan