1. Bài đọc 1: Is 42, 1-4. 6-7
“Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người”.
Trích sách Tiên tri I-sai-a.
Ðây là lời Chúa phán: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.
Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm”.
Ðó là lời Chúa.
2. Đáp ca: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10
Ðáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.
Xướng:
1) Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa.
2) Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ.
3) Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời.
3. Bài đọc 2: Cv 10, 34-38
“Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phê-rô mở miệng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Ít-ra-en, loan tin bình an, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đa, khởi đầu từ Ga-li-lê-a, sau khi Gio-an đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giê-su thành Na-da-rét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”.
Ðó là lời Chúa.
4. Tin Mừng: Mc 1, 6b-11
“Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
Khi ấy, Gio-an rao giảng rằng: “Có Ðấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.”
Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giê-su từ Na-da-rét xứ Ga-li-lê-a đến và chịu phép rửa bởi Gio-an ở sông Gio-đan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Ðó là lời Chúa.
5. Suy niệm: Một kỷ nguyên mới
Chúa nhật tuần trước, chúng ta đã cử hành lễ Hiển Linh, Chúa Giêsu được giới thiệu cho muôn dân mà đại diện là ba nhà đạo sĩ đến từ phương Đông. Hôm nay, Phụng vụ giới thiệu với chúng ta một cuộc “thần hiện” khác qua việc Chúa Giêsu chịu phép rửa. Sự kiện này được trình bày như một nghi thức phong vương long trọng. Qua nghi thức này, chính Chúa Cha giới thiệu với nhân loại về Chúa Con và sứ mạng của Người. Chúa Thánh Thần cũng xuất hiện dưới hình chim bồ câu và đậu trên Chúa Giêsu.
Dưới ngòi bút của thánh sử Maccô, Chúa Giêsu được diễn tả như một Môisen mới. Nếu ông Môisen trong Cựu Ước đã dẫn Dân Thánh đi qua biển đỏ, thì nay, Chúa Giêsu cũng dẫn nhân loại vượt qua tội lỗi đến đạt tới sự thánh thiện. Cách nói “vừa lên khỏi nước” gắn liền với nghi thức thanh tẩy Chúa Giêsu đã lãnh nhận từ tay ông Gioan Tẩy giả, phần nào muốn nhắc tới cuộc vượt qua biển đỏ của dân Do Thái trong lịch sử.
Chi tiết kể lại việc “Chúa Giêsu thấy tầng trời mở ra” có ý nghĩa tượng trưng rất sâu sắc: theo truyền thống Do Thái, cửa trời đã đóng lại sau những vị ngôn sứ cuối cùng (Agê, Giacaria, Malakia) ở thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người cũng vì thế mà gián đoạn. Trước khi Chúa Giêsu đến trần gian, dường như hoạt động của Thần Khí đã bị ngưng lại. Với Chúa Giêsu, mọi sự đã thay đổi. Kỷ nguyên mới đã khai mào. Việc các tầng trời mở ra (nguyên văn tiếng Hy lạp: trời xé toạc ra) chứng minh cho thấy mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người không còn ngăn cách nữa, mà được nối lại. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu như dấu hiệu của thời cứu rỗi và của cuộc sáng tạo mới. Hình ảnh Chúa Thánh Thần ngự xuống nơi Chúa Giêsu dường như phác họa lại thời hoang sơ, trước khi Thiên Chúa thực hiện công trình sáng tạo của Người: “Thần Khí Chúa bay là là trên vực thẳm hỗn mang” (St 1,2). Việc Chúa Thánh Thần dưới hình dạng chim bồ câu giúp chúng ta liên tưởng đến con chim ngậm cành ôliu sau trận Đại hồng thủy trong Cựu Ước. Thần Khí Chúa đến để loan báo cho nhân loại biết thời gian trừng phạt của Chúa đã mãn (x. St 8,8-11). Cũng giống như nước hồng thủy đã rút và một nhân loại mới tinh tuyền thánh thiện đã khởi đầu, thời kỳ cứu độ trong ân sủng đã khai mào trong Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu. Vì vậy, từ thời các Giáo phụ, trận lụt Đại hồng thủy, cũnng như cuộc vượt qua Biển Đỏ, đã được chú giải như hình bóng của Bí tích Thanh tẩy của các Kitô hữu.
Một chi tiết nữa rất quan trọng trong trình thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa trong Tin Mừng Thánh Máccô, đó là tiếng nói từ trời. “Tiếng nói từ trời” là cách diễn tả Thiên Chúa của người Do Thái, như kiểu người Việt chúng ta kiêng tránh phạm húy. Tiếng nói ấy đã khẳng định: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Đây cũng là một lời giới thiệu Đấng Mêsia cho nhân loại. Những người hiện diện hôm đó ở bờ sông Giođan, khi nghe câu tuyên bố của Chúa Cha, chắc chắn liên tưởng đến những lời của Cựu Ước: “Con là con Ta, hôm nay Ta đã hạ sinh ra con” (Tv 2,7); hoặc: “Đây là tôi tớ mà Ta tuyển chọn. Ta hài lòng về Người” (Is 42,1-2).
Vì những chú giải ở trên, sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa được hiểu như một cuộc “thần hiện”, qua đó, sứ mạng của Chúa Giêsu được giới thiệu công khai cho dân chúng. Người là Đấng Cứu độ trần gian. Người đã khởi đầu sứ mạng một cách rất khiêm tốn, hòa vào dòng người đang nhận mình là tội nhân và sám hối bằng cách dìm mình xuống dòng sông để được ông Gioan thanh tẩy.
Theo giáo huấn của Giáo Hội Công giáo, khi chấp nhận dìm mình xuống dòng sông Giordan và lãnh phép rửa bởi tay ông Gioan, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Tẩy, để rồi từ nay, những ai được dòng nước thiêng ấy tẩy rửa, họ sẽ được tha tội Tổ tông và các tội khác đã phạm, trở nên một tạo vật mới tinh tuyền thánh thiện. Thánh sử Maccô đã nhìn thấy bản chất siêu nhiên của bí tích Thanh Tẩy Kitô giáo, khi ghi lại lời của Gioan Tẩy giả: “Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần”. Như vậy, trong nghi thức Thanh tẩy, linh mục chủ sự chỉ đóng vai trò như ông Gioan Tẩy giả, còn chính Chúa Giêsu thanh tẩy chúng ta và ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần. Nhờ việc ban Chúa Thánh Thần, chúng ta trở nên những người con cái của Thiên Chúa, là người đồng thừa tự với Chúa Giêsu, tức là cùng với Người hưởng gia nghiệp vĩnh cửu mà Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Ngài. Nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, chúng ta cũng trở nên những người con yêu dấu của Chúa Cha. Nhờ bí tích Thanh tẩy, chúng ta chấm dứt cuộc sống cũ và bước sang thời đại mới, thời đại của ơn cứu rỗi. Huyền nhiệm vinh dự của phép Thanh tẩy chỉ có thể cảm nhận bằng Đức Tin, vì “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Bài đọc I).
Nếu Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim bồ câu, thì vào ngày chúng ta được lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta cũng được lãnh nhận Chúa Thánh Thần như vậy. Chính Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta Đức tin và soi sáng giúp chúng ta nhận biết Đức Giêsu là Đấng Cứu độ nhân loại. Có Đức tin là một ơn Chúa ban. Chúng ta ngỡ ngàng trước mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, giống như chúng ta và đã chết trên cây thập giá, đã sống lại vào ngày thứ ba. Đương nhiên chúng ta chưa thể hiểu hết những mầu nhiệm này. Tuy vậy, khi thinh lặng quỳ gối cầu nguyện, chúng ta nhận ra những màu nhiệm ấy là có thật. Khi chiêm ngắm cầu nguyện trước Thánh Thể, là một mầu nhiệm con người không thể hiểu thấu, chúng ta ra về với tâm hồn thanh thản và được tăng thêm sức mạnh.
“Đây là con Ta yêu dấu!”. Chúa Cha đã nói những lời ấy về Chúa Giêsu. Khi được thanh tẩy, Chúa Cha cũng nói về chúng ta như thế. Xin cho chúng ta trở nên hiện thân của Người giữa trần gian, để đem niềm vui và hy vọng đến cho cuộc đời.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn tin: https://www.tonggiaophanhanoi.org/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 27 | Tổng lượt truy cập: 2,797,919