Chân phước Xê-bát-ti-a-nô Ma-gi (16.12)

  • 25/08/2023 09:00
  • Chân phước Xê-bát-ti-a-nô Ma-gi là một tu sĩ Ða Minh vĩ đại ở thế kỷ XV. Cậu sinh tại Bơ-rét-xi-a năm 1414. Năm 1760, Ðức Cơ-lê-men-tê XIII đã tôn phong cha Xê-bát-ti-a-nô Ma-gi lên hàng chân phước.

    Ngày 16 tháng 12

    CHÂN PHƯỚC XÊ-BÁT-TI-A MA-GI

    B. Sebastianus Maggi

    Linh mục (1414-1496)

    1.  Tiểu sử

    Chân phước Xê-bát-ti-a-nô Ma-gi là một tu sĩ Ða Minh vĩ đại ở thế kỷ XV. Cậu sinh tại Bơ-rét-xi-a năm 1414. Ngay từ thời thơ ấu, cậu đã là một thiếu niên gương mẫu và đạo đức. Khi lên 15 tuổi, cậu được trao tu phục Dòng Ða Minh tại một tu viện nằm trong giáo hạt nơi cậu sinh trưởng.

    Suốt cuộc đời, thầy Xê-bát-ti-a-nô là một tu sĩ nhiệm nhặt, thầm lặng và khổ chế. Hơn nữa, thầy có một trí thông minh sắc xảo nên đã nhanh chóng đạt được các học vị về thần học. Tu viện Bơ-rét-xi-a vẫn còn lưu giữ những bản viết tay của người. Những tài liệu này đã khẳng định tầm hiểu biết uyên thâm của người về lãnh vực thần học

    Sau thảm họa Dịch đen, mọi người đều rơi vào tình trạng thật bi thảm. Cơn dịch hoành khắp châu Âu đã gây thiệt hại đến với mức không thể tưởng tượng được, làm cho hàng giáo sĩ và các tu viện lâm vào tình cảnh hết sức tang thương. Các cuộc cải tổ lần lượt diễn ra khắp nơi. Trong Dòng chúng ra, hình thức "hiệp hội" đã quy tụ các tu viện mong muốn được cải tổ dưới sự điều hành của một tu viện trưởng. Ở Lom-bác-đi-a cũng hình thành những hiệp hội như vậy, và tu sĩ Xê-bát-ti-a-nô Ma-gi bắt đầu xuất hiện trong các hiệp hội cải tổ này. Cha lần lượt làm tu viện trưởng ở Bơ-rét-xi-a, Lô-đi, Cơ-rê-mô-nê, Pơ-lê-xan-xê, Be-ga-mô, và người còn điều hành toàn bộ hiệp hội cải cách trong suốt hai nhiệm kỳ.

    Cha thường xuyên triệu tập tu viện hội để khích lệ anh em cần phải trở về với đời sống đạo đức. Khi bệnh dịnh hoành hành ở Bơ-rét-xi-a, một mình cha tiên phong phục vụ các bệnh nhân và chăm sóc họ với tinh thần hy sinh xả kỷ. Chính cha là người đã khởi công xây dựng tu viện "Ðức Ma-ri-a đầy Ân sủng" tọa lạc ở vùng ngoại ô của thành phố Mi-lăng. Cha luôn tỏ lòng kiên nhẫn và cư xử dịu dàng đối với những tội nhân để tránh những khả năng có thể gây tổn thương cho đời tư của họ. Anh em đều ghi nhận rằng, cha thường chọn các tu viện nghèo nhất làm nơi tá túc và thường lưu lại một thời gian lâu hơn tại các tu viện này. Khi cha đến tu viện Mi-lăng để thi hành việc cải tổ, tại đây chỉ có 7 tu sĩ, thế nhưng, lúc cha rời khỏi tu viện, số tu sĩ đã tăng lên đến 60 người.

    Ở độ tuổi 80, cha được tái nhiệm chức vụ lãnh đạo Hiệp hội ở Lom-bác-đi-a. Cha tiếp tục thực hiện một chuyến viếng thăm các tu viện một lần nữa. Anh em đều ghi nhận rằng, chưa bao giờ lòng nhiệt thành của cha mạnh mẽ như thế. Vì đã cao niên nên không thể tiếp tục đi bộ được nữa, cha đành phải cưỡi ngựa trong các cuôc hành trình. Chuyến kinh lý áp cuối của cha được thực hiện tại Mi-lăng, dù anh em cố gắng nài giữ người lưu lại, nhưng người vẫn thực hiện chuyến kinh lý cuối cùng tại tu viện thánh Ma-ri-a Cát-ten-lô tại Giơ-noa gần một bến cảng. Khi đến nơi, người nói : "Chính nơi đây mới là nơi tôi nghỉ ngơi vĩnh viễn !" Vừa về đến phòng riêng, người xin được lãnh nhận các bí tích sau hết. Người an nghỉ trong Chúa ngay sau đó, thọ 82 tuổi.

    Khi hay tin người vừa mới qua đời, các tín hữu khắp nơi đổ về vây quanh thi hài người tỏ lòng kính nhớ và thương tiếc. Sau đó, người được mai táng trong một ngôi mộ dưới chân bàn thờ. Ðông đảo khách hành hương ngày ngày lũ lượt đến kính viếng người. Năm 1755, nhân một cuộc cải táng tập thể, anh em nhận thấy thi thể người hoàn toàn còn nguyên vẹn. Ðây là một trong những bằng chứng lạ thường để lập án phong thánh cho người. Năm 1760, Ðức Cơ-lê-men-tê XIII đã tôn phong cha Xê-bát-ti-a-nô Ma-gi lên hàng chân phước.

    2.  Cầu cho anh chị em phục vụ bệnh nhân

    Lịch sử thế giới và lịch sử Giáo hội không thể quên cơn dịch đen đã hoành hành châu Âu ở thế kỷ XV. Và có lẽ lịch sử Việt Nam cũng sẽ chẳng bao giờ quên thảm họa môi trường biển trong suốt năm 2016 vừa qua. Hình ảnh vị giám mục Dòng Đa Minh đi tiên phong trong việc đòi lại môi trường biển ở Việt Nam, giúp ta nhớ đến vị linh mục chân phước của dòng Đa Minh người đi tiên phong trong việc phục vụ bệnh nhân ở thảm họa dịch bệnh tại châu Âu thế kỷ XV.

    Sau thảm họa dịch đen, mọi người đều rơi vào tình trạng thật bi thảm. Cơn dịch hoành khắp châu Âu đã gây thiệt hại đến mức không thể tưởng tượng được, làm cho hàng giáo sĩ và các tu viện lâm vào tình cảnh tang thương.

    Khi lãnh chức vụ tu viện trưởng ở Bơ-rét-xi-a, Lô-đi, Cơ-rê-mô-nê, Pơ-lê-xan-xê, Bê-ga-mô cha Xê-bát-ti-a-nô Ma-gi thường xuyên triệu tập tu viện hội để khích lệ anh em cần phải trở về với đời sống đạo đức. Khi bệnh dịnh hoành hành ở Bơ-rét-xi-a, một mình cha tiên phong phục vụ các bệnh nhân và chăm sóc họ với tinh thần hy sinh xả kỷ. Riêng đối với những con bệnh tinh thần, những tội nhân cha luôn tỏ lòng kiên nhẫn và cư xử dịu dàng để tránh những khả năng có thể gây tổn thương cho họ.

    Đọc lại tiểu sử của cha Xê-bát-ti-a-nô Ma-gi khiến ta nhớ lại cuộc nói chuyện của đức thánh cha Phan-xi-cô với các bác sĩ Vê-nê-ru-ê-la tại Va-ti-can ngày 11.6.2016. Đức thanh cha nhấn mạnh rằng căn tính của thầy thuốc không chỉ dựa trên những kỹ năng, nhưng chủ yếu dựa trên thái độ của từ bi và lòng thương xót đối với những người đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần. Đức thanh cha nhắc lại lời của thánh Ca-mi-lô thành Lê-lit về việc chăm sóc các bệnh nhân rằng: “Hãy đặt nhiều tình yêu vào đôi tay.” Ngài còn nhắn nhủ thêm: “Yếu đuối, đau khổ và bệnh tật là những thử thách khó khăn đối với tất cả mọi người, kể cả nhân viên y tế; chúng đòi hỏi sự kiên nhẫn và đồng cảm”… “Thật là tốt biết mấy khi việc thực hành y khoa được làm với ý hướng coi bệnh nhân như người thân cận của chúng ta, như thịt máu của chúng ta, và mầu nhiệm thân thể của chính Đức Ki-tô được phản chiếu nơi thân thể thương tích ấy!  Hãy nhớ rằng: ‘Mỗi lần con làm như thế cho một trong số những anh chị em này của Thầy, là con đã làm cho chính Thầy’[1].”[2]  Đức thanh cha đã nhắc nhở các bác sĩ và những người phục vụ bệnh nhân rằng, họ cần phải đặt cả trái tim vào công việc quan trọng của mình.

    Chân phước Xê-bát-ti-a-nô Ma-gi đã đặt sứ vụ linh mục và trách nhiệm tu viện trưởng của mình ở dưới lòng thương cảm vô biên đối với các bệnh nhân cả về thể xác lẫn các bệnh nhân về mặt tinh thần. Nơi ngài, mọi người gặp được bàn tay xoa dịu ân cần, và tấm lòng rộng mở thứ tha của người mục tử.

    Cha phục vụ mà chẳng giữ gì lại cho mình. Cha thường chọn các tu viện nghèo nhất làm nơi tá túc và thường lưu lại một thời gian lâu hơn ở nơi khác. Ở độ tuổi 80, cha được tái nhiệm chức vụ lãnh đạo Hiệp hội ở Lom-bác-đi-a. Hai năm sau cha an nghỉ trong Chúa, thọ 82 tuổi. Gần 300 năm sau ngày cha qua đời, đức Clê-men-tê XIII đã tôn phong cha Xê-bát-ti-a-nô Ma-gi lên hàng chân phước.

    Lạy Chúa xin Chúa dùng bàn tay của những anh chị em phục vụ, của những y bác sĩ để xoa dịu nỗi đau cho các bệnh nhân. Xin Chúa thương bảo vệ tất cả các bệnh nhân cũng như bảo vệ tất cả những ai đang chăm sóc họ. Xin dùng bàn tay của những anh chị em phục vụ chạm vào các bệnh nhân, giúp họ cảm nhận được bàn tay ần cần của Chúa. Xin cho những anh chị em phục vụ có được tinh thần của chân phước Xê-bát-ti-a-nô Ma-gi, để họ thực hiện công việc cách tốt đẹp. Xin cho họ quả tim yêu thương, cho bàn tay họ luôn ấm áp và ân cần, không bao giờ rút lui vì ghê tởm, không bao giờ mỏi mệt vì chán chường. Với tình yêu sâu đậm của Chúa, xin ban cho họ một tinh thần luôn tươi mới, một tình thương bền vững, một lòng phục vụ vô vị lợi. Amen

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/


    [1] Mt 25,40.

    [2]http://giaoxucoviet.org/vi/news/Giao-Hoi-Hoan-Vu/Duc-Thanh-Cha-Phan-xi-co-Cac-bac-si-hay-dat-nhieu-tinh-thuong-vao-doi-tay-cua-minh-691/

    Bài viết liên quan