Thánh Tê-Pha-nô Nguyễn Văn Vinh (19.12)

  • 28/08/2023 08:45
  • Ông Tê-pha-nô Nguyễn Văn Vinh sinh năm 1814 ở làng Bồ Trang tỉnh Thái Bình cùng quê với hai ông Au-gu-ti-nô Nguyễn Văn Mới và Đa-minh Nguyễn Văn Đệ. Ngày 19-12-1839, Ngài đã được phúc lãnh triều thiên tử đạo. Ngày 27-5-1900, Đức giáo hoàng Lê-ô XIII đã suy tôn năm vị anh hùng tử đạo lên bậc chân phước. Ngày 19-6-1988, Đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã phong các ngài lên bậc hiển thánh.

    Ngày 19 tháng 12

    THÁNH TÊ-PHA-NÔ NGUYỄN VĂN VINH

    Tá điền, tử đạo (1813-1839)

    1.  Tiểu sử

    Anh Tê-Pha-nô Nguyễn Văn Vinh sinh năm 1813 tại làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình. Sống trong một gia đình ngoại giáo rất nghèo, một miếng đất cũng không có, anh Vinh quanh năm phải làm thuê, làm mướn cho các gia đình ở Kẻ Mốt (Bắc Ninh). Trường học duy nhất anh ham thích và theo được là các lớp giáo lý. Ðặc biệt anh đem các điều học được ở đó ra thực hành trong cuộc sống. Có điều là người ta không biết vì sao anh chưa được rửa tội. Mọi người đều mến thương anh vì anh đơn sơ, chất phác, khoẻ mạnh và thật thà.

    Ngày 29-6-1838, khi quan quân vây bắt cha Tự ở Kẻ Mốt, và bắt mọi người phải đạp lên thánh giá, chàng thanh niên 25 tuổi này đã anh dũng nói thẳng với họ rằng : "Tôi thà chết chứ không bao giờ chịu đạp lên thánh giá, vì tôi biết đạo Chúa Giê-su là đạo thật."

    Vì lời nói này mà anh đã bị bắt và áp giải về trại giam Bắc Ninh chung với cha Tự, ông trùm Cảnh, thầy Úy, thầy Mậu, hai anh Mới và anh Ðệ. Chính tại đây, anh Vinh được diễm phúc là người ki-tô hữu, được hân hạnh làm con cha Thánh Ða Minh.

    Sau gần một tháng dọa nạt, tra khảo bảy chiến sĩ đức tin nhưng vô hiệu, ngày 27-7-1838, quan tỉnh Bắc Ninh đệ án vào triều xin xử giảo cha Tự và ông trùm Cảnh, còn năm vị kia quan cho là nhẹ dạ tin theo, nên xin đánh mỗi người một trăm roi rồi phát lưu vào Bình Ðịnh. Thế nhưng, vua Minh Mạng cho rằng tội theo Gia-tô thuộc loại nặng hơn, nên quyết định xử chém hai vị trên ngay tức khắc, còn tất cả sẽ bị xử giảo sau một năm nếu không thay đổi ý kiến.

    Thấm thoát hơn một năm trôi qua, ngày 19-8-1839 quan cho điệu tất cả ra toà vẫn để thánh giá một bên, bên kia là dụng cụ tra tấn. Quan hỏi : "Các anh bị giam cầm đã lâu ngày, chịu khổ cũng đã nhiều, vậy bỏ đạo đi, ta tha về với vợ con." Thầy Mậu đại diện anh em trả lời : "Chúng tôi đã quyết tâm trung thành với Chúa, nên quan ra lệnh chém đầu hay giết cách nào khác, chúng tôi đều sẵn sàng." Thất vọng, quan cho lính đưa tất cả về ngục và thốt lên : "Bọn này không thể tha thứ được, mà chúng có thèm được tha đâu."

    Ngày 19-12-1839, trước khi bị xử, quan cho năm vị một cơ hội cuối cùng. Ông nói : "Chỉ cần đi ngang qua phía chân tượng, ta cũng tha." Nhưng các vị chứng nhân đức tin không để bị mắc lừa, họ bảo nhau quỳ xuống đọc kinh kính Danh Chúa Giê-su. Sau đó, thầy Mậu nói với quan lời thánh vịnh 41 (câu 1-2) : "Thưa quan, chúng tôi ước mong về với Chúa như nai mong tìm thấy suối vậy. Xin quan cứ thi hành án lệnh của nhà vua."

    Thế rồi án tử dành cho các chứng nhân của Ðức Ki-tô đã được quyết định. Khi tới nơi xử, mỗi vị bị trói vào một cọc đã được chôn sẵn. Rồi cùng một lúc lý hình xiết cổ các vị bằng dây thừng cho đến lúc tắt thở. Các tín hữu đem thi thể các vị về an táng tại họ đạo mình. Thánh Mậu ở Kẻ La, thánh Úy ở Ðồng Tiến, thánh Mới ở Phượng Vĩ, thánh đệ ở Phong Cốc, và thánh Vinh ở Hương La, tất cả đều thuộc tỉnh Bắc Ninh.

    Ngày 27-5-1900, Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII đã suy tôn năm vị anh hùng tử đạo lên bậc chân phước. Ngày 19-6-1988, Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã phong các ngài lên bậc hiển thánh.

    2.  Người thanh niên dũng cảm

    Khi quan đến vây làng và bắt được Cha Tự thì ông Vinh phải ra điểm mục với dân làng. Quan tra hỏi và bắt ông bước qua ảnh, ông cương quyết từ chối, nhiều người có đạo vì sợ đã khóa quá và cố dỗ dành ông theo gương họ để khỏi chết, nhưng người thanh niên dũng cảm này vững như núi đá trước trận cuồng phong, không nao núng lại mạnh bạo tuyên xưng đức tin, đưa các lý lẽ đơn sơ chứng minh đạo Chúa là đạo thật và thà chết chẳng thà dám khóa quá.

    Ông bị giải về Bắc Ninh cùng với Cha Phê-rô Tự, hai Thày Mận, Úy và hai ông Mới, Đệ. Ông ra đi vui vẻ, bằng lòng chịu khó vì đạo và hân hoan vì mình được Chúa ban cho ơn rất cao trọng.

    3.  Công đường tỉnh Bắc Ninh

    Ông cùng các bạn phải ra công đường nhiều lần, dù các quan tra khảo, đánh đòn thế nào thì ông chỉ đáp một câu ngắn gọn này: “Thà chết chẳng thà xuất giáo”. Các quan bắt ông khóa quá, ông lặng lẽ tiến về phía Thánh giá và khi đến nơi, ông quỳ gối hôn kính sốt sắng.

    Ông bị giam tù lâu ngày lâu tháng như các bạn và cũng như các bạn ông vững vàng tuyên xưng Đức Tin quyết dùng mạng sống mình vì yêu Chúa Ki-tô. Trước khi lĩnh triều thiên tử đạo vinh quang, ông được khấn dòng Ba Thánh Đa-minh.

    Ngày 19-12-1839 ông và bốn ông Mạn, Úy, Mới, Đệ phải xử giảo ở pháp trường Cô Mê – Bắc Ninh. Ông mới 25 tuổi.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    https://www.tonggiaophanhanoi.org/

    Bài viết liên quan