1. Quyền Bính - còn cần thiết?
Có thể khẳng định rằng, một xã hội tồn tại và phát triển cần có quyền bính. Quyền bính như để ổn định trật tự, sắp đặt, phân phối, điều hành và hướng dẫn chứ không phải để lạm quyền. Trong Hiến Chế Guadium et Spes, công đồng Vatican II xác định: Nếu không muốn một cộng đoàn bị xé nát ra khi mỗi người một ý, thì cần phải có một quyền bính để hướng dẫn nổ lực của mọi công dân nhằm tới công ích[1].
Như thế, quyền bính cần thiết để thi hành một cách nghiêm túc và để phục vụ nhu cầu lợi ích các cá nhân và tập thể.
Nhưng trong thực tế của xã hội, tôn giáo (nơi các giáo phận, các Hội Dòng: các Bề trên, chị Tổng Phụ Trách) khi có quyền thì lạm dụng quyền bính từ đó dẫn đến sự độc tài, chuyên chế với những cá nhân lãnh đạo chuyên quyền độc đoán, luôn lạm dụng quyền bính để ra oai thậm chí còn mang trong mình bệnh yên trí các chị em hay thuộc quyền của mình để không lắng nghe hoặc không bỏ được thiên kiến kia với chị em.
2. Kinh Thánh nói gì về quyền bính
Trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước quyền bính là ưu phẩm của Thiên Chúa; quyền bính biểu thị quyền tuyệt đối của Người, là Chúa Tể và là Đấng Tối cao. Những người nắm giữ quyền bính như: Môisê, Giôsuê, Davit, Salômon… đều là những người thừa hành quyền bính của Thiên Chúa. Thánh Phaolô xác định Không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, các quyền bính hiện tại đều do Thiên Chúa thiết lập (Rm 13, 1). Những người được trao quyền là tôi trung và là tác viên của Thiên Chúa được đặt lên vì lợi ích của thần dân.
Thái độ của Đức Kitô trong Tân Ước khá rõ. Ngài không huỷ bỏ cũng chẳng thần thánh hóa quyền bính dân sự. Điều Ngài nhấn mạnh người cầm quyền chỉ là tôi tớ, là người phục vụ người khác. Khi quyền bính bị lạm dụng, dùng quyền chống lại Tin Mừng, xúc phạm nhân phẩm, dùng quyền để thống trị lúc đó Ngài lên tiếng bênh vực cho quyền lợi của dân chúng. Vì người có quyền xử dụng quyền không phù hợp với luật tự nhiên, lương tâm, tình yêu và lợi ích chung của con người.
Thì ra, Đức Giêsu không chấp nhận thứ quyền bính áp đảo, bảo thủ, độc đoán của những ai có quyền mà họ phải ý thức rằng quyền bính là để phục vụ công ích, lập lại trật tự công bằng trong xã hội, vì hạnh phúc của mọi phần tử trong xã hội trần thế và tôn giáo, Hội Dòng. Hãy xử dụng quyền bằng đức ái mà phục vụ nhau vì Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên (1Pr 5, 1-4). Vì Thiên Chúa không thiết lập thứ quyền bính dùng để áp đảo, để lộng hành, không mang lại lợi ích thiêng liêng, không phù hợp với các nhu cầu hiện sinh hay đi ngược lại với lợi ích chung.
Thánh kinh cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng về nguồn gốc và ý nghĩa của quyền bính; nêu lên những cách thức thi hành quyền bính đúng theo trật tự luân lý đòi hỏi, hợp với ý định của Thiên Chúa, với lương tâm và nhu cầu của con người. Đó chính là lý do quyền bính thật.
3. Quyền bính là để phục vụ
Chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn và có nền tảng từ kinh thánh và giáo huấn của Giáo Hội rằng quyền bính không phải là một phương thế thống trị, sai khiến hay đàn áp mà là để phục vụ. Ai làm lớn hãy trở thành người phục vụ, vì nơi Đức Giêsu Ngài có tất cả mọi quyền bính nhưng Ngài xử dụng hoàn toàn khác với tâm thức của con người. Từ trước đến nay, ngoài xã hội hay tôn giáo khi ai đó có quyền là dùng mưu lược, địa vị của mình để áp đặt lên người khác ý muốn của mình, dùng quyền lấn lướt người khác, để phô trương, tìm lợi ích riêng, được mọi người tung hô là ông này bà kia, chị Tổng này chị Tổng nọ, bề trên này bề trên nọi…. Đi đến đâu chị em cúi đầu như muông chim, sai không dám nói vì nói sợ “bị đì”, Bề trên có làm trái luật chẳng dám hé môi, tất cả ban cố vấn hoặc mọi người im như thóc ngâm,… Khi chị em và mọi người im lặng không nói thì những người có quyền: Giám Mục, Linh Mục, Chị Tổng, bề trên nên coi lại cách dùng quyền của mình. Bề dưới thi hành nhưng tâm không phục, họ im lặng vì không thèm nói vì nói ra cũng chẳng nghe, thậm chí còn bị “đì sói trán”
Xin hãy xem lại cách hành xử quyền bính nơi Đức Kitô là hiến thân phục vụ anh chị em: giúp đỡ những người kém may mắn, người nghèo khổ, đau yếu, bệnh tật để họ có được cuộc sống tốt hơn và hạnh phúc hơn. Đức Giêsu đến là để phục vụ và hiến mạng sống mình cho con người (Mc 10, 45). Sự phục vụ cao cả đến nỗi Ngài không còn sở hữu gì hết thậm chí còn trở thành đối tượng cho người ta nhạo cười, chế diễu, bị tấn công, miệt thị, bị nộp và bị giết chết như một tội đồ. Hãy nhớ lại câu chuyện của hai mẹ con ông Giêbêđê tới xin Chúa Giêsu (Mt 20, 20 – 28)
Xin trích số 13 của Huấn Thị Quyền Bính và Vâng Phục cho những người cầm quyền
+ Trong đời sống thánh hiến, quyền bính tiên vàn là một thẩm quyền tinh thần. Những người cầm quyền nhận thức rằng họ được gọi để phục vụ một lý tưởng vượt xa hơn mình, một lý tưởng chỉ có thể tiến đến gần trong một bầu khí cầu nguyện và khiêm tốn kiếm tìm, cho phép họ nắm bắt được tác động của cùng một Thánh Thần trong trái tim của mỗi anh em/chị em.[…]
Người cầm quyền trước tiên cần phải trau dồi đời sống ấy nơi bản thân mình, qua việc thân mật cầu nguyện hằng ngày với Lời Chúa, với Luật dòng và những quy tắc khác của đời sống, trong thái độ sẵn sàng lắng nghe người khác và những dấu chỉ của thời đại.
+ Những người cầm quyền được mời gọi thăng tiến phẩm giá con người, qua việc quan tâm đến mỗi phần tử của cộng đoàn và con đường tăng trưởng thành của họ, tỏ lòng trân trọng và quý mến với mỗi người, nuôi dưỡng tình cảm chân thành đối với tất cả, và bảo mật những điều được thổ lộ.[…]
Người cầm quyền được mời gọi khơi dậy lòng can đảm và hy vọng giữa những khó khăn. […[ ngay cả trong lúc gay cấn họ cũng không rút lui, nhưng hiện diện, tham gia vào những lo âu và khó khăn của những người được trao phó cho họ chăm sóc, dành hết tâm lực mình vào đó; Họ cần khiêm tốn nhìn nhận những hạn chế của mình và cần được người khác giúp đỡ, biết thu lượm những hụt hẫng và thất bại của mình thành những kinh nghiệm phong phú.
+ Người cầm quyền được mời gọi để gìn giữ đặc sủng của dòng. Việc thực thi quyền bính cũng bao gồm sự phục vụ đặc sủng riêng biệt của hội dòng của mình, giữ gìn cẩn thận và làm cho nó hiện thực trong cộng đoàn địa phương hoặc trong tỉnh dòng hoặc toàn thể hội dòng, dựa theo những kế hoạch và định hướng đã được đưa ra, đặc biệt bởi các tổng hội
+ Người cầm quyền được mời gọi duy trì cảm thức với Hội thánh (sentire cum Ecclesia), duy trì cảm thức đức tin và hiệp thông với Hội thánh, […] Hãy nhớ rằng Sự vâng phục của chúng ta là tin với Hội thánh, nghĩ và nói với Hội thánh, phục vụ với Hội thánh.
+ Người cầm quyền được mời gọi đồng hành với lộ trình thường huấn. Một nhiệm vụ rất quan trọng vào thời nay của những người cầm quyền là đồng hành trên đường đời với những người được uỷ thác cho mình. […] để không những giúp đỡ giải quyết những vấn đề nảy sinh hoặc vượt qua những khủng hoảng mà còn quan tâm đến sự tăng trưởng bình thường của mỗi người qua mọi chặng và giai đoạn của cuộc đời[2]
4. Quyền bính và vâng phục
Tại công đồng Vatican II với lược đồ Canh Tân Thích Nghi Đời Tu đã thấy rõ vấn đề quyền bính và vâng phục. Làm thế nào cho đức vâng lời vẫn tôn trọng được nhân vị và cho phép bề dưới sống như những người trưởng thành và có trách nhiệm. Chúng ta đọc lại ý kiến của linh mục Buckley, bề trên tổng quyền dòng Maristes: Một số Bề trên không ngừng nói tới khủng hoảng về đức Vâng lời. Song tôi nghĩ rằng có khủng hoảng là khủng hoảng về phía Bề trên, chứ không phải về phía Bề dưới. Sự thật là: người trẻ hôm nay không còn chấp nhận được những câu cũ kỹ lỗi thời như: ý Bề trên phù hợp hoàn toàn với ý Chúa. Lược đồ không nói gì về bổn phận của các bề trên phải tham khảo ban cố vấn của mình, dù ban ấy ở cấp nhà dòng, tỉnh dòng hay toàn dòng. Có nhiều Bề trên đặc biệt là dòng nữ, và cả dòng nam nữa, không biết điều hành một cuộc họp ban cố vấn xứng danh là cố vấn và có hiệu năng. Tôi nghĩ rằng việc canh tân đời tu là một vấn đề đào tạo các Bề trên để họ làm việc hiệu năng, hơn là vấn đề làm thế nào cho Bề dưới biết vâng lời hơn.
Xin đọc lại số 14 của sắc lệnh Perfectae Caritatis như là một tổng hợp nhỏ về đức vâng phục. Xin trích:
Vậy các tu sĩ hãy khiêm tốn vâng phục Bề Trên của mình theo tiêu chuẩn qui luật và hiến chương, trong tinh thần tin kính và yêu mến đối với thánh ý Chúa, dùng tất cả năng lực trí tuệ, ý muốn cũng như năng khiếu và ơn Chúa ban để thi hành các giới lệnh và chu toàn những phận vụ đã được ủy thác cho mình, vì biết mình đang góp công xây dựng Thân Thể Chúa Kitô theo như ý định Thiên Chúa. Như thế, đức vâng lời trong đời tu trì chẳng những đã không giảm bớt phẩm giá, nhưng còn giúp nhân vị trưởng thành nhờ phát triển tự do của con cái Thiên Chúa.
Các vị Bề Trên sẽ phải trả lẽ về các linh hồn đã được ủy thác cho mình (x. Dth 13,17), nên hãy ngoan ngoãn tuân hành thánh ý Chúa khi chu toàn bổn phận và hãy thi hành quyền bính trong tinh thần phục vụ anh em, làm sao để minh chứng được mối tình Thiên Chúa đã yêu họ. Với lòng kính trọng nhân vị, các ngài hãy cai quản những kẻ thuộc quyền như là những con cái Thiên Chúa bằng cách thúc đẩy sự vâng phục tự nguyện. Phải đặc biệt để cho họ được tự do cần thiết trong việc xưng tội và linh hướng. Hãy hướng dẫn các tu sĩ biết cộng tác với tinh thần vâng lời tích cực và trách nhiệm, trong những bổn phận phải chu toàn và những sáng kiến cần có. Nên các Bề Trên hãy sẵn sàng lắng nghe các tu sĩ và khuyến khích họ cộng tác mưu lợi ích của hội dòng và của Giáo Hội, tuy nhiên vẫn phải duy trì quyền ấn định và truyền dạy những gì phải làm[3].
5. Vâng phục theo Công Đồng Vatican II
+ Vâng Lời là tế lễ chính bản thân mình (sacrificium sui) nhờ dâng hiến trọn vẹn (dedicatio plena) ý muốn mình cho Thiên Chúa.
+ Sự vâng lời của bề dưới là sự vâng lời được linh hoạt bởi đức tin và đức ái, tích cực và có trách nhiệm.
+ Sự vâng lời có là do phía quyền bính (Bề trên) hơn là về phía vâng lời (Bề dưới) nên Bề trên cũng không được miễn khỏi vâng lời. Công đồng định rõ vai trò của Bề trên: Các vị Bề trên phải trả lẽ về các linh hồn đã được ủy thác cho mình, nên hãy ngoan ngoãn tuân hành thánh ý Chúa khi chu toàn bổn phận và thi hành quyền bính trong tinh thần phục vụ anh em làm sao để minh chứng được mối tình Thiên Chúa đã yêu họ.
+ Đối với Thiên Chúa: Bề trên phải biết lắng nghe ý Chúa trên cộng đoàn và trên mỗi người. Bề trên là người đầu tiên trong cộng đoàn phải vâng lời.
Tìm ý Chúa ở đâu?
Luật dòng và Hiến pháp dòng xác định những nét tổng quát của thánh ý Chúa nhưng không đủ. Cần phải áp dụng vào những hoàn cảnh cụ thể, cho những cá nhân cụ thể. Bề trên phải nhậy bén với từng hoàn cảnh cụ thể để nhận ra Kế hoạch của Thiên Chúa. (biết phân định trong từng hoàn cảnh, dấu chỉ thời đại,… lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần,..) Xin học khóa học nhận định và đồng hành.
Như đã nói: mỗi tu sĩ có một ơn gọi riêng bên trong ơn gọi chung của cộng đoàn, nghĩa là một cách thức thể hiện ơn gọi làm con cái Thiên Chúa. Họ vào dòng theo tiếng Chúa gọi để tìm những phương tiện giúp họ hiệp thông trọn vẹn hơn với Chúa Cha. Họ vào dòng không phải vì bề trên hay vì cộng đoàn, song để cộng đoàn giúp họ thực hiện trọn vẹn sự tận hiến của họ cho Chúa. Chúa đòi hỏi nơi Bề trên thi hành nhân danh Ngài chính là thỏa mãn đòi hỏi chính đáng của bề dưới. Lẽ dĩ nhiên ơn gọi riêng của cá nhân phải đặt vào trong ơn gọi chung của cộng đoàn, nhưng không được rơi vào chước cám dỗ gò mỗi người vào cái khuôn chung cho giản tiện, coi cá nhân chỉ là vòng tròn trong sợi dây xích => sai. Khi khấn, người tu sĩ dấn thân cho cộng đoàn, nhưng cộng đoàn cũng cam kết giúp tu sĩ đạt tới lý tưởng của họ (song phương mang tính nhân vị).
+ Đối với các tu sĩ bề dưới:
@ Bề trên phải kính trọng nhân vị: họ là những con người có tự do và trách nhiệm. Hơn nữa họ là con cái Thiên Chúa. Vậy phải xem họ như anh em, bạn hữu, cộng sự viên của mình. Đó là thái độ của Chúa Giêsu đối với các tông đồ.
@ Bề trên hãy cố gắng phát triển sự vâng lời tự nguyện, tạo sự dễ dàng để bề dưới dễ dấn thân vào đức Vâng lời.
@ Bề trên hãy để cho bề dưới, một sự tự do chính đáng trong việc xưng tội và linh hướng. Nghĩa là bề trên không được ép buộc bề dưới cởi mở lương tâm cho mình hoặc ngăn cản họ tìm gặp một người linh hướng mà họ mong ước.
6. Một vài nhận định về quyền bính và vâng phục
Công đồng giúp chúng ta nhìn lại chính mình dù là bề trên hay bề dưới. Nên tránh một số cám dỗ này:
+ Về phía Bề dưới: Thiếu tinh thần đức tin, chỉ chấp hành những gì cho là hợp lý và nhất là hợp ý mình. Chưa từ bỏ ý riêng cho đủ để tìm kiếm lợi ích chung. Không vượt ra khỏi quan điểm cá nhân để nhìn theo quan điểm công ích. Thiếu kính cẩn đối với Bề trên nhất là khi Bề trên đồng tuổi hoặc ít tuổi hơn. Thiếu trưởng thành nhân bản. Thiếu thực tế (có óc đối lập, chống đối quyền hành vì quyền hành; coi như quyền hành là đương nhiên xấu… Lúc nào cũng đòi hỏi Bề trên… ). Thụ động, bảo sao làm vậy, không muốn có ý kiến và sáng kiến, sợ trách nhiệm và phiền hà. Người Việt Nam sống quá thiên về tình cảm (không phân biệt các bình diện khác nhau).
+ Về phía Bề trên: Óc vụ quyền, độc đoán: muốn điều khiển tất cả, kiểm soát tất cả. Cho rằng đối thoại với kẻ dưới, nghe theo ý kiến kẻ dưới là mất mặt, thích che chở, bao bọc bề dưới, vì coi họ như con cái chưa có kinh nghiệm, mị dân, ba phải, chiều ý bề dưới để được lòng họ. Lẩn tránh trách nhiệm hoặc lơ là trách nhiệm vì sợ chống đối hoặc đã gặp chống đối, chỉ lo tổ chức vật chất, thu tiền từ các cộng đoàn khi đi kinh lý,…. Không có tiền đóng cho nhà dòng là khó chịu, trách bề dưới hoặc chị phụ trách cộng đoàn, có tiền nhiều là vui vẻ, tâng bốc chị phụ trách và cộng đoàn ấy,…. hoặc bị chê là không có khả năng ,…. Rồi đi tới dâu cũng kể lung tung trong các cộng đoàn khác,… có phải là một bề trên tốt???!!! Đúng vai trò bề trên theo gương Đức Giêsu.
+ Tìm các giải quyết
@ Phải có tinh thần đức tin để giải quyết mọi sự trong đức tin
@ Có quan niệm đúng về cộng đoàn tu trì về bản chất và mục đích của cộng đoàn: phải chăng giờ chỉ lo làm tiền, mất đi nét nhân chứng về Nước Trời mai sau (học thì hay nhưng khi ra thực tế không đúng như đã học, bề dưới khó chịu chống đối,…)
@ Mẫu gương Vâng phục cho các tu sĩ: Đức Giêsu, vâng phục cho đến chết
Hãy xem cuộc đời của Đức Giêsu không khác chúng ta: sống như một công dân bình thường, vâng phục quyền bính xã hội và tôn giáo miễn là những lệnh truyền này không đi ngược với thánh ý Thiên Chúa. Nhưng khi một quyền bính hay luật lệ con người đi ngược lại những đòi hỏi của Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu cảm thấy hoàn toàn tự do để bất tuân phục. Sự vâng phục của Đức Giêsu đi đến sự tự do ở mức độ viên mãn.
Sự vâng phục của Đức Giêsu là một thái độ tùng phục và sắp sẵn hoàn toàn để thi hành thánh ý của Cha (Lc 2,49), vì lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta và chu toàn công việc của Ngài (Ga 4, 32 - 33). Thì ra, sự vâng phục của Đức Giêsu không duy chỉ là một nhân đức có tính khổ hạnh hay luân lý. Sự vâng phục ấy có một chiều kích thần học sâu xa, có liên hệ mật thiết với chương trình cứu độ của Chúa Cha. Sự vâng phục ấy lên đến tột đỉnh trong việc tự nguyện trao hiến mạng sống mình vì ơn cứu độ của nhiều người. Cái chết của Đức Giêsu đạt đến tột đỉnh của vâng phục và trung thành. Đó là sự hoàn tất sứ mạng của Người.
7. Tôi sống vâng phục quyền bính là một nữ tu Dòng Đaminh Thái Bình
+ Theo Kinh Thánh tôi vừa suy niệm
+ Theo Giáo Huấn của Giáo Hội trong Sắc Lệnh Perfectae Caritatis, số 14
+ Theo Hiến Pháp của Hội Dòng từ số 22 – 30 (kể cả nội quy) xin trích lược
@ Đức Kitô là mẫu gương vâng phục hoàn hảo: thực hiện kế hoạch của Chúa Cha.
@ Mẹ Maria vâng phục trong đức tin: trong tinh thần khiêm tốn tín thác, luôn tìm ý Chúa.
@ Gương của Thánh Tổ Phụ Đaminh: Nhiệt tâm giữ luật dòng và các quyết nghị của Tổng Hội.
+ Giá trị của sự vâng phục
@ Dâng hiến ý riêng làm của lễ toàn thiêu,
@ Được kết hợp với kế hoạch của Chúa Cha,
@ Liên kết với sứ mạng của Hội Thánh,
@ Giúp trưởng thành nhân vị đến tự do hoàn toàn,
@ Dấu chỉ nước trời mai sau, thi hành ý Chúa mau nắn,
+ Nghĩa vụ
@ Vâng lời bề trên hợp pháp
@ Có quyền đối thoại
+ Tôi đã được huấn luyện và học về đức vâng phục trong thời gian tập sinh, học viện, (môn tu đức)
+ Huấn luyện và thực hành đức vâng phục trong đời sống
@ Khiêm nhường, vui tươi và mau mắn vâng phục các vị hữu trách, kính trọng và thông cảm
+ Vị hữu trách cũng lưu ý:
@ Tìm ý Chúa, đối thoại chân thành trong tình huynh đệ, cởi mở, tin tưởng chị em
@ Phục vụ bằng tình yêu chân thành,
@ Hiểu khả năng của từng chị em khi trao trách nhiệm (không ép buộc khi họ không có khả năng đó)
+ Nội quy cũng giúp tôi: sẵn sãng vâng phục khi thay đổi nhiệm sở, công việc,… trình bầy với bề trên khi gặp khó khăn, sau khi trình bầy luôn sẵn sàng khiêm tốn vâng phục quyết định của bề trên (họ chịu trách nhiệm trước mặt Chúa và trả lẽ về sau)
+ Khi nhân danh đức vâng phục thì phải vâng theo (trong những trường hợp đặc biệt)
8. Quyết tâm trong tháng
Nhìn lên Chúa Giêsu là mẫu gương vâng phục
Xem lại thái độ vâng phục của tôi: hợp với lời khấn vâng phục,…?
Thái độ đối với bề trên: kính trọng, đối thoại chân thành, cởi mở, nói xấu, dèm pha, bất tuân, hay chỉ làm cho xong mà tâm không phục, …. Hoặc nịnh bợ, tâng bốc để lấy điểm,….
Và còn nữa,…
Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bửu Khánh
Giáo phận Xuân Lộc
[1] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Gaudium et Spes, số 74.
[2] BỘ CÁC HỘI DÒNG TẬN HIẾN VÀ CÁC TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ Huấn thị Quyền Bính và Vâng Phục, số 13
[3] THÁNH CÔNG ÐỒNG CHUNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh về Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu, Perfectae Caritatis, số 14
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 229 | Tổng lượt truy cập: 4,164,526