Chân phước A-lanh Rốc (08/9)

  • 15/01/2023 18:39
  • Chân phước A-lanh Rốc sinh khoảng năm 1428. Người qua đời tại Duôn (Hà Lan), ngày 8/9/1475, tại nguyện đường của tu viện Cô-lô-ni-a.

    Ngày 08 tháng 9

    Chân phước A-lanh Rốc 

    B. Alan de La Roche

    (1428-1475)

    NGƯỜI CỔ VÕ KINH MÂN CÔI

    1. Tiểu sử

    Chúng ta không biết rõ nguyên quán của tu sĩ A-lanh Rốc. Người là vị tu sĩ nhiệt thành cổ võ lòng tôn sùng Ðức Maria qua việc lần chuỗi Mân côi. Những người sống đồng thời cho biết tu sĩ A-lanh Rốc là người vùng Bơ-rơ-tan-nhơ thuộc miền Ðông Bắc nước Pháp. Người sinh khoảng năm 1428, gia nhập Dòng Anh em Thuyết giáo ở Ði-năng và đã khấn dòng tại đây.

    Vào thế kỷ XV, nhờ thông tin của thánh Vinh Sơn Phe-ri-ê, chúng ta biết được tình trạng của giáo sĩ đoàn ở Bơ-rơ-tan-nhơ hết sức bi đát vì dịch bệnh, đói kém và giặc giã. Thầy A-lanh ao ước muốn có một đời sống tu trì khổ chế nhiệm nhặt, nên đã từ giã quê nhà Bơ-rơ-tan-nhơ để đi đến vùng Phơ-lăng-đơ và xin gia nhập hiệp hội cải cách Hà Lan. Lúc bấy giờ, hiệp hội này rất có uy tín và ảnh hưởng rất mạnh mẽ. Người đã tìm thấy nơi đây cuộc sống khổ hạnh phù hợp với đời sống của các tu sĩ Ða Minh thời sơ khai.

    Cũng như các tu sĩ thuộc hiệp hội cải cách Hà Lan, tu sĩ A-lanh đã đến học tại đại học Pa-ri, nhờ đó, người trở thành một giáo sư thần học đầy hứa hẹn. Năm 1459, người được gửi đến trường tiểu học thánh Gia-cô-bê tại Pa-ri để chú giải sách Châm ngôn của giáo sư Phê-rô Lom-bác-đi-a vốn là một bậc thầy về thần học thời Trung cổ. Năm 1460, người dạy học ở -Li-dơ ; năm 1461, ở Pa-ri rồi trở về Li-dơ năm 1462. Năm 1464, người là giảng sư ưu tú ở Ðu-oai rồi ở Rốt-xơ-tốc. Năm 1475, người trở thành bậc thầy về thần học và đạt đến đỉnh cao sự nghiệp giảng dạy. Cũng trong năm này, người được cử đến Duôn dự hội nghị của Hiệp hội và đã qua đời tại đây vào đúng ngày lễ sinh nhật Ðức Mẹ.

    Với sự nghiệp đầy uy tín của một giáo sư và nhà giảng thuyết, tu sĩ A-lanh đã được chứng minh là một người có lòng yêu mến Ðức Maria tha thiết. Bạn đồng môn của thầy là tu sĩ Mi-xen Li-dơ khẳng định rằng, trong bất cứ công việc gì, dù nói chuyện, rao giảng hay tản bộ, người luôn cầu nguyện bằng kinh Truyền Tin. Chính vị tu sĩ có lòng yêu mến thiết tha này đã được Ðức Maria chọn đi loan truyền việc lần "chuỗi Mân Côi". Người kể lại rằng, trong một thị kiến, Ðức trinh nữ Maria hiện ra hứa với người rằng : "Hãy tin tưởng vào sự che chở của Mẹ, Mẹ sẽ không bao giờ rời bỏ con." Từ đó, thầy A-lanh hăng say ra đi truyền bá chuỗi Mân Côi.

    Theo truyền thống bấy giờ, người ta thường dùng tuyển tập 150 ca vịnh về Ðức Maria để cổ võ lòng sùng kính người. Dựa theo truyền thống này, thay vì phải đọc 150 ca vịnh kính Ðức Trinh nữ Maria, thầy A-lanh đã tạo ra một xâu chuỗi gồm 150 hạt. Khi lần chuỗi, mỗi hạt tương ứng một lời chào của thiên sứ Gáp-ri-en khi truyền tin cho Ðức Maria. Thêm vào đó, thầy còn chia chuỗi hạt ra thành từng chục, mỗi chục có thêm kinh Lạy Cha và một lời suy niệm về những biến cố liên quan đến cuộc đời của Chúa Giê-su và Mẹ Maria. Như vậy, chu kỳ của 15 mầu nhiệm mân côi : Vui, Thương, Mừng dần dần được phổ biến rộng rãi và trở thành một phương pháp cầu nguyện không những chứa đựng nội dung Tin Mừng mà còn phong phú về mặt thần học. Một truyền thống khác vào thời Trung cổ cho biết, thầy A-lanh đã triệu tập một số tín hữu lại thành hội Mân Côi và giúp họ thông công trong việc lần chuỗi, cũng như chia sẻ những ân huệ kín múc được từ việc lần chuỗi này.

    Tuy vậy, việc rao giảng của thầy không tránh khỏi những lời chỉ trích và phản đối, nhưng thầy luôn can đảm vượt qua nhờ lòng tin mạnh mẽ vào Ðức Ki-tô Giê-su và Mẹ Maria. Nhờ đó, mọi người đều khẳng định rằng, thầy là một mẫu gương thánh thiện và đạo đức, bằng chứng là thầy luôn dâng thánh lễ hàng ngày với lòng sốt mến sâu xa. Bởi lẽ lúc bấy giờ, việc dâng lễ hằng ngày chưa phải là một truyền thống trong Giáo hội.

    Vào ngày người qua đời tại Duôn (Hà Lan), ngày 8-9-1475, tại nguyện đường của tu viện Cô-lô-ni-a, tu sĩ Gia-cô-bê Xơ-phơ-ren-gơ đã long trọng suy tôn hội Mân Côi đầu tiên trong lịch sử và hội này đã được đức giáo hoàng Xít-tô IV chuẩn y.

    Từ đó trở đi, hội Mân Côi đã không ngừng lan rộng với sự ủng hộ của các giáo hoàng và các bề trên tổng quyền Dòng Anh em Thuyết giáo. Vì thế, Dòng đã có một truyền thống sâu xa gắn liên với việc truyền bá kinh Mân Côi.

    Ngày 7-10-1571, nhân dịp các hội Mân Côi tổ chức buổi rước kiệu hàng tháng, họ đã phó thác các chiến sĩ Công giáo trên hạm đội Ðôn Gio-an của nước Áo trong tay Ðức Mẹ Mân côi, vì thế, các chiến sĩ đã đánh thắng quân Thổ tại vịnh Lơ-păng, giải phóng nước Ý khỏi mối đe dọa của quân Hồi giáo. Ðể ghi nhớ biến cố lịch sử này, đức giáo hoàng Pi-ô V dành riêng ngày này trong phụng vụ để tỏ lòng sùng kính Ðức Maria dưới tước hiệu "Ðức Mẹ Toàn thắng", đến năm 1573, lễ này trở thành lễ Ðức Mẹ Mân côi. Vào năm 1716, đức Cơ-lê-men-tê XI đã chuẩn y việc cử hành lễ này trên khắp Giáo hội hoàn vũ. Cuối cùng, đức Lê-ô XIII dành toàn bộ tháng Mười cho việc sùng kính Ðức Maria qua mầu nhiệm Mân Côi.

    Qua nhiều thế kỷ, Dòng Anh em Thuyết giáo vẫn luôn trung thành với việc sùng kính Ðức Maria qua chuỗi kinh Mân Côi bằng nhiều hình thức khác nhau: các hội đoàn, các nhóm, những cuộc hành hương và các tạp chí...

    Lời của cha Mông-roi - bề trên tổng quyền Dòng Anh em Thuyết giáo (1671) - đã khẳng định: "Kinh Mân Côi là bông hoa tuyệt vời nhất của Dòng. Khi bông hoa này tàn, thì sức hấp dẫn và phát triển của Dòng chúng ta cũng suy giảm; nhưng khi trở nên tươi tốt, bông hoa ấy sẽ tuôn đổ xuống trên chúng ta vô vàn ơn phúc từ trời cao." (Chuỗi Mân Côi của tôi, tháng 10/1990).

     

    2.  Chuỗi hạt Mân Côi với Chân Phước

    Phải nói trong số các thánh chuyên để về chuỗi hạt Mân Côi, thì Chân Phước Alan de la Roche là một vị Tông đồ đặc biệt của chuỗi hạt Mân Côi Đối với thánh Đa Minh, Ngài là vị chân phước hậu sinh. Vì thánh Đa Minh sinh năm 1170, mà Ngài thì sinh năm 1428, tức là sau 258 năm. Tuy nhiên Ngài cũng là một tu sĩ dòng Đa Minh. Chân phước Alan de la Roche, có một đời sống rất tốt lành, thánh thiện, gương mẫu, được mọi người qúy mến. Sau khi qua đời, Ngài đã được phong chân phước, và người ta thường gọi là Chân Phước Alan de la Roche. Chân Phước Alan de la Roche và Hội Mân Côi do Ngài sáng lập năm 1470, có một ảnh hưởng lớn trong việc thành hình nên chuỗi Mân Côi như ngày nay. Dựa trên bằng chứng lịch sử, có người cho rằng chân phước Alain xứng đáng được gọi là cha của kinh Mân Côi hơn là thánh phụ Đa Minh, Đấng sáng lập dòng Anh Em Giảng Thuyết, tức dòng Thánh Đa Minh hiện nay.

    Chân phước cũng chính là người đầu tiên thuật lại truyện Đức Mẹ trao ban tràng chuỗi Mân Côi cho thánh Đa Minh, và dạy thánh nhân cách cầu nguyện bằng kinh Mân Côi. Với một lòng yêu mến Đức Mẹ Mân Côi một cách thiết tha. Với ước nguyện lớn lao muốn cho mọi người được nhận biết và yêu mến kinh Mân Côi, vào năm 1470, Chân phước đã cho thành lập Hội Mân Côi đầu tiên tại tỉnh Douai, miền bắc nước Pháp. Và sau này, Ngài đã lập ra rất nhiều hội Mân Côi ở khắp nơi Ngài đi giảng. Hội Mân Côi là một tổ chức được Giáo Hội công nhận, là vì chính Ngài đã vận động với Hội Thánh thừa nhận Hội Mân Côi là một hội chính thức của Giáo Hội. Do đó ngày 8-9-1475, là ngày sinh nhật Đức Mẹ, trước khi chân phước qua đời, theo lời thỉnh nguyện của Hoàng Đế Fredecih lll của nước Đức, Giáo hội đã chính thức thừa nhận Hội Mân Côi, và truyền cho các nơi trong Giáo Hội, chỗ nào có đông giáo dân, thì nên thành lập Hội Mân Côi cho giáo dân được hưởng nhờ những ơn ích bởi Hội Mân Côi.

    Sau thời gian vàng son đó, Hội Mân Côi đã liên tục nhận được nhiều ơn xá, đại xá, do các Đấng thẩm quyền của Hội Thánh, từ Đức Giáo Hòang Sixto lV, cho đến các Đức Giáo Hoàng kế tiếp, thay nhau rộng ban ơn xá cho những ai gia nhập Hội Mân Côi. Theo Chân phước Alan de la Roche, thì bất cứ ai, bất cứ ở đâu, mà muốn gia nhập Hội Mân Côi thì chỉ cần thực hiện các điều đã quy định như đã kể trên, thì đương nhiên là hội viên Hội Mân Côi rồi. Đấy là tất cả công trình vĩ đại của Chân Phước trong sự truyền bá kinh Mân Côi và hội Mân Côi ở khắp nơi trong Giáo Hội.

     

    3. Sự tích kinh Mân Côi

    Ngày sinh nhật trên trời của chân phước A-lanh Rốc cũng chính là ngày sinh nhật của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a Mẹ chúng ta. Có lẽ đây là phần thưởng mà Mẹ Ma-ri-a và Con Yêu của Mẹ trao tặng cho chân phước A-lanh Rốc, người hết lòng yêu mến Mẹ, say mến chiêm ngắm và loan truyền màu nhiệm tình yêu Thiên Chúa qua chuỗi kinh Mân Côi.

    Với uy tín của một giáo sư và nhà giảng thuyết, tu sĩ A-lanh ngày càng tỏa sáng hơn nhờ tâm hồn tha thiết yêu mến Mẹ Maria. Chân phước A-lanh Rốc kể lại, trong một thị kiến, Ðức Trinh nữ Ma-ri-a hiện ra hứa với ngài rằng: "Hãy tin tưởng vào sự che chở của Mẹ, Mẹ sẽ không bao giờ rời bỏ con." Từ đó, thầy A-lanh hăng say ra đi truyền bá chuỗi Mân Côi. Thay cho việc đọc 150 ca vịnh kính Đức Trinh Nữ vào lúc bấy giờ, thầy A-lanh đã tạo ra một xâu chuỗi gồm 150 hạt, mỗi hạt tương ứng với một lời chào của thần sứ Gáp-ri-en, khi truyền tin cho Đức Ma-ri-a. Thêm vào đó, thầy còn chia chuỗi hạt ra thành từng chục, mỗi chục có thêm một kinh Lạy Cha cùng lời suy niệm về những biến cố liên quan đến cuộc đời Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a. Chân phước A-lanh Rốc đã can đảm vượt qua những rào cản của sự chỉ trích và phản đối, quyết tâm giúp các tín hữu gia tăng lòng sùng kính Đức Mẹ qua việc lần chuỗi Mân Côi.

    Tình yêu dành cho Mẹ đã biến tu sĩ A-lanh từ một nhà giảng thuyết thành một nhà truyền bá kinh Mân Côi. Tình yêu đã giúp tu sĩ A-lanh có được sáng kiến trong việc bày tỏ lòng sùng kính Mẹ, bằng một phương pháp cầu nguyện rất đơn sơ và cũng rất bình dân nhưng chứa đựng nội dung Tin Mừng, phong phú về mặt thần học. Còn tình yêu của mỗi người chúng ta đối với Mẹ thế nào? Tình yêu ấy có đủ mặn nồng để thôi thúc ta mỗi ngày mỗi kiên trì đến với Mẹ qua chuỗi kinh Mân Côi không ?

    Lời kinh ca mừng Mẹ bình bị và giản đơn giúp mọi người dễ dàng đến kín múc nguồn ân sủng thông ban từ Thiên Chúa và thông chia phúc lành cho nhau. Quả cậy:"Kinh Mân Côi là bông hoa tuyệt vời nhất … khi trở nên tươi tốt, bông hoa ấy sẽ tuôn đổ xuống trên chúng ta vô vàn ơn phúc từ trời cao." [1]

    Trên tay tràng chuỗi Mân Côi
    Con dâng lên Mẹ muôn lời kinh vui
    Dâng lên Mẹ những ngọt bùi
    Những gian nan, những dập vùi đắng cay
    Dâng lên Mẹ những tháng ngày
    Lang thang sống kiếp lưu đày trần gian
    Dâng lên Mẹ, mỗi tâm can
    Cõi lòng chất chứa muôn vàn lắng lo
    Dâng lên Mẹ, những đắn đo
    Xin thương nâng đỡ giúp cho an lòng
    Dâng lên Mẹ, những long đong
    Nhờ Mẹ dẫn bước khỏi vòng truân chuyên
    Dâng lên Mẹ, những ước nguyền
    Hi sinh nhỏ bé trinh nguyên vẹn tròn
    Dâng lên Mẹ tiếng nỉ non
    Xin thương đưa dẫn linh hồn mẹ cha
    Ông bà, thân hữu gần xa
    Cùng bao hồn khác đang là lầm than
    Về thiên quốc, hưởng thánh nhan
    Được ơn phần rỗi muôn vàn phúc vinh
    Mân Côi - hoa thắm ân tình
    Nhờ Mẹ dâng Chúa lời kinh mỹ miều
    Gẫm suy chiêm ngắm Tình Yêu
    Chúc tụng Thiên Chúa, sớm chiều vang ngân.
    [2]

    Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con. Hiệp cùng với thánh Đa Minh, với chân phước A-lanh Rốc và với muôn tâm hồn yêu mến Mẹ, chúng con xin cất cao lời ca vang mừng Mẹ. Vẫn biết rằng, lời kinh của con với âm vang còn nhỏ bé do sự biếng nhác lâu ngày, giai điệu còn rời rạc, lạc lõng do thiếu lòng sốt mến, kiên trì. Nhưng con tin Mẹ nhân từ đang ghé mắt xót thương đoàn con yếu hèn, con cậy nhờ lửa yêu mến của chân phước A-lanh, để xin được thanh luyện con tim bé mọn mà cất cao lời kinh Kính Mừng. Con xin được ở lại cùng Mẹ qua từng lời kinh Mân Côi, nguyện xin Mẹ níu giữ con trong tình yêu và sự chở che của Mẹ, để mỗi ngày con tin yêu Chúa hơn, mỗi ngày con được biến đổi hơn nhờ suy niệm các màu nhiệm tình yêu của Chúa, Amen.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  http://daminhvn.net/

    https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan