Chân phước Am-rô-xi-ô Xan-xơ-đô-ni (08/10)

  • 15/01/2023 18:39
  • Cậu Am-rô-xi-ô Xan-xơ-đô-ni sinh tại Xi-ê-na năm 1220. Cha qua đời năm 1286. Cha Am-rô-xi-ô được đức thánh cha Cơ-lê-men-tê VIII tôn phong chân phước năm 1597.

    Ngày 8 tháng 10

    Chân phước AM-RÔ-XI-Ô XI-Ê-NA

    B. Ambrosius Sansedoni

    Linh mục (1220-1286)

    1.  Tiểu sử

    Cậu Am-rô-xi-ô Xan-xơ-đô-ni sinh tại Xi-ê-na năm 1220. Cậu có thân hình xấu xí đến độ mọi người trông thấy cậu đều tỏ lòng xót thương. Lúc người vú nuôi đem cậu đến nhà thờ thánh Ma-ri-a Mác-đa-la của các tu sĩ Ða Minh, bỗng dưng, một phép lạ lớn lao đã xảy đến làm cho thân hình cậu trở nên hoàn toàn bình thường. Chính tại nhà thờ này, cậu đã lãnh tu phục vào năm 17 tuổi.

    Sau khi mãn năm tập, thầy Am-rô-xi-ô được gởi đến tu viện thánh Gia-cô-bê để thụ giáo với thánh An-be-tô Cả. Tại tu viện này, thầy đã trở thành bạn đồng môn với thánh Tô-ma A-quy-nô. Cả hai đều được theo học với những tôn sư ở Cô-lô-ni-a, tại đây, họ tiếp cận với công việc giảng dạy dưới sự hướng dẫn của các bậc tôn sư. Sau 5 năm trau dồi kiến thức, cha Am-rô-xi-ô được sai về Pa-ri để chú giải "các luận đề thần học". Thế nhưng, các nhà đào tạo nhận thấy cha có biệt tài hùng biện, nên chẳng bao lâu tài năng của cha được dành cho những sứ vụ quan trọng. Trước tiên, cha được sai đi khắp nước Ðức để ngăn chặn làn sóng gia tăng của bè rối; rồi đến Hung-ga-ri để trợ giúp cuộc kháng chiến chống quân Thát-đát (Nguyên Mông); tiếp theo là đến Xi-ê-na để giải phóng những đồng bào của mình khỏi cuộc nội chiến.

    Ðức thánh cha Ghê-gô-ri-ô X triệu mời cha đến Rô-ma để canh tân việc giảng dạy thần học và giao cho sứ vụ hòa giải các thành phố đang trong tình trạng chia rẽ: cha thuyết phục Giê-nét thương thuyết với Vê-nê-di-a; Vê-nê-di-a với Pi-xa; cha đã tái lập mối giao hảo giữa những người Xi-ê-na với đức giáo hoàng, rồi giữa những người dân Xan Giê-mi-ni-a-nô với nhau. Cha du thuyết ở Pháp để kêu gọi những tấm lòng hào hiệp tham gia vào cuộc thập tự chinh của vua thánh Lu-i. Một lần nữa tại Xi-ê-na, cha đưa các đồng bào của mình đang nổi lên chống đức giáo hoàng quay trở về với lòng thuần phục. Cha được chọn làm giám mục Xi-ê-na, nhưng vì lòng khiêm nhường cha đã từ chối chức vị này. Ðức khiêm nhường đã thôi thúc cha từ chối mọi vinh quang trần thế, cha rảo bước khắp nơi săn sóc cho các bệnh nhân, rửa chân cho khách lữ hành, đón nhận mọi nghịch cảnh mà không một lời than trách. Lòng khiêm hạ của cha còn được bộc lộ qua những cung cách cư xử dịu hiền và nhẫn nại.

    Cha lui về an dưỡng trong một tu viện và chỉ chú tâm vào đời sống chiêm niệm trong suốt 10 đến 15 năm. Sau đó, các đức giáo hoàng lại mời gọi cha đi tái lập hòa bình giữa những người Vê-nê-di-a và người Giê-nét, Phi-ren-xê và Pi-xa... vào những năm tháng cuối đời, cha được chỉ định làm tu viện trưởng ở Xi-ê-na. Chính cha là người đã góp nhiều công sức trong việc xây cất nhà thờ thánh Ða Minh, ngôi thánh đường này vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.

    Trên tòa giảng, lời nói của cha có sức thuyết phục mạnh mẽ, nhiệt thành và truyền cảm kỳ diệu. Vào đầu mùa Chay năm 1286, trong khi đang giảng ở Xi-ê-na để chống lại thái độ dửng dưng của giới trưởng giả, cha hăng say nhiệt tình đến độ một mạch máu trong tim bị đứt làm cho người bị thổ huyết. Ngày hôm sau, chứng xuất huyết đã thuyên giảm, cha lại lên bục giảng để tiếp tục bài giảng. Nhưng mạch máu ấy lại toạc ra gây xuất huyết trầm trọng hơn hôm trước. Cha Am-rô-xi-ô biết rằng giờ ra đi của mình đã gần kề, người xin được lãnh bí tích thống hối và xin anh em để cho người được an tĩnh hầu có thời gian để dọn mình trước khi về với Chúa.

    Cha Am-rô-xi-ô được đức thánh cha Cơ-lê-men-tê VIII tôn phong chân phước năm 1597.

    2.  Cầu nguyện cho người tài biết xả thân phục vụ

    “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không…” Lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giúp chúng ta suy tư về “tấm lòng” mà cuộc đời hôm nay đang rất cần. Tấm lòng phải chăng là chữ “tâm” trong đạo làm người, là cái “đức” cần có của người tài mà xã hội và cuộc đời đang mong chờ. Phải chăng đạo và đời gặp nhau ở điểm này, đó là cần một “tấm lòng” nơi những người được trao ban tài năng. Quả thật, điều khó tìm thấy trong cuộc đời thì cũng là điều mà người tín hữu Công giáo được mời gọi để sống và thực hành. Trong dòng suy tư này, chúng ta hãy cùng chiêm ngắm cuộc đời của chân phước Am-rô-xi-ô Xi-ê-na để nghiệm thấy vẻ đẹp sâu thẳm nơi “tấm lòng của người có khả năng thiên phú”.

    Cậu Am-rô-xi-ô Xan-xơ-đô-ni sinh ra tại Xi-ê-na năm 1220. Lúc còn nhỏ, cậu nhận được một phép lạ chữa lành tại nhà thờ thánh Ma-ri-a Ma-đa-lê-na của các tu sĩ dòng Đa Minh, nên khi lớn lên, cậu Am-rô-xi-ô đã xin gia nhập dòng Đa Minh. Được Chúa ban ơn khôn ngoan, thông minh, hiểu biết, nên ngay sau khi mãn năm tập, thầy Am-rô-xi-ô được gửi đến tu viện thánh Gia-cô-bê để thụ giáo thánh An-bê-tô Cả. Chính nơi đây, thầy đã trở thành bạn đồng môn với thánh Tô-ma A-qui-nô và cùng theo học với những tôn sư ở Cô-lô-ni-a. Chỉ sau năm năm trau dồi kiến thức, cha Am-rô-xi-ô được sai về Pa-ri để chú giải “các luận đề thần học”. Tuy nhiên, các nhà đào tạo nhận thấy cha có biệt tài hùng biện nên chẳng bao lâu tài năng của cha được dành cho những sứ vụ quan trọng về thuyết giảng.

    Từ một nhà suy tư thần học, cha Am-rô-xi-ô đã vui lòng vâng lời để trở nên một nhà giảng thuyết ra đi không mệt mỏi. Cha được sai đi khắp nước Đức để ngăn chặn làn sóng gia tăng của bè rối, cha đến Hung-ga-ri để trợ giúp cuộc chiến chống quân Thát-đát, đến Xi-ê-na để giải phóng đồng bào khỏi cuộc nội chiến. Nhận thấy cha có tài giảng thuyết, đức thánh cha Ghê-gô-ri-ô X đã mời cha đến để canh tân việc giảng dạy thần học và hòa giải các thành phố đang trong tình trạng chia rẽ…

    Những bài giảng của cha Am-rô-xi-ô có sức thuyết phục mạnh mẽ, truyền cảm diệu kỳ. Cha nhiệt thành truyền giảng đến mức trong một lần đi giảng mùa Chay năm 1286, cha thổ ra huyết ngay trên bục giảng. Tuy nhiên, ngày hôm sau cha vẫn tiếp tục giảng, và rồi cha bị xuất huyết trầm trọng hơn. Ngày hôm đó, khi bài giảng của cha Am-rô-xi-ô kết thúc cũng là lúc trang sử cuộc đời của cha khép lại. Cuộc đời của cha khép lại, nhưng bài học về một con người, một “tấm lòng” lại được mở ra cho những ai đang được nhận những khả năng, tài trí hãy cùng nghiệm lại thánh Tông Đồ đã nói: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác”[1].

    Thinh lặng và nhìn vào xã hội hôm nay, ta chợt thấy đắng lòng vì biết bao người có “tài” nhưng lại thiếu “tâm”, có “khả năng” nhưng lại có thêm “tật”. Ước gì mỗi người chúng ta hãy thêm những lời cầu nguyện cho những mầm non, những người trẻ tài năng có được “tấm lòng”. Ước chi thế giới sẽ ngày càng phát triển, tiến bộ nhờ sự chung tay góp sức của “những người tài có tâm” ấy.

    Lạy Chúa, ngắm nhìn cuộc đời chân phước Am-rô-xi-ô Xan-xơ-đô-ni, lòng con dâng trào một niềm tri ân cảm tạ vì Chúa đã thương ban cho Giáo hội một bông hoa tài đức, thánh thiện, và ban cho đời một nhân tài với tâm hồn cao đẹp.

    Cúi mình trước Chúa, con chẳng dám cầu xin cho mình được trở nên một vĩ nhân như chân phước Am-rô-xi-ô Xan-xơ-đô-ni, nhưng con chỉ thầm thĩ xin Chúa ban cho con ơn nhận biết mình và một trái tim biết yêu thương. Để với những khả năng Chúa ban, dù còn giới hạn và thua kém tha nhân, nhưng với tình yêu từ con tim quảng đại, con không chỉ biết sống tốt cho bản thân mà còn sống tốt vì mọi người.

    Lạy Chúa, lòng con khát khao nguyện ước phải chi ngọn lửa tình yêu hiến mình, phục vụ của Chúa bùng cháy lên thiêu hủy những mưu kế, gian xảo, dã tâm của những tài năng lầm lạc. Ước chi những người trẻ tài năng biết cống hiến bởi tâm hồn cao đẹp, biết dấn thân bởi khát vọng đem tài năng phục vụ anh chị em đồng loại. Amen.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

     


    [1] 1Pr 4,10
    Bài viết liên quan