Chân Phước Au-gut-ti-no Lu-xe-ra (03/8)

  • 15/01/2023 18:39
  • Chân phước Âu Tinh chào đời khoảng 1260 tại Ðan-ma-ti, thuộc nước Cơ-roát-ti-a ngày nay. Ðức giám mục Âu Tinh qua đời ngày 3-8-1323. Hai năm sau, vua xứ Nê-a-pô-li xin phong thánh cho người, nhưng mãi đến năm 1700, đức giáo hoàng Cơ-lê-men-tê IX mới chuẩn y ngày lễ tôn kính người.

    Ngày 3 tháng 8

    Chân phước Âu-tinh Lu-xê-ra

    B.Augustinuskazotic

    Giám mục (+1328)

    1.  Tiểu sử

    “Một mẫu gương về vị mục tử nhân lành” là một lời kinh thần vụ hàm ý nói về chân phước Âu Tinh. Quả thực, vị tu sĩ Ða Minh thế kỷ XIII-XIV đã được rất nhiều người biết đến, đặc biệt là từ khi người được phong chức giám mục. Chân phước Âu Tinh chào đời khoảng 1260 tại Ðan-ma-ti, thuộc nước Cơ-roát-ti-a ngày nay. Người gia nhập Dòng Anh Em Thuyết giáo từ khi còn rất trẻ, và được gởi đến Pa-ri để thụ giáo tôn sư Tô-ma A-qui-nô.

    Trở về quê hương, người trở thành một nhà giảng thuyết nhiệt thành. Chẳng bao lâu, người trở nên nổi tiếng không chỉ bởi khả năng rao giảng mà còn bởi đời sống chuyên chăm cầu nguyện trong nhiều đêm thức trắng. Người đã chọn một câu nói của thánh bổn mạng làm châm ngôn cho đời sống của mình: “Ai biết nghệ thuật sống tốt, người đó phải biết cầu nguyện giỏi”.

    Năm 1303, đức giáo hoàng Biển Ðức XI đặt người là giám mục Gia-gơ-rép. Tại đây, người đặc biệt quan tâm khơi dậy lòng nhiệt thành cho hàng giáo sĩ và nâng đỡ người nghèo. Người thường rảo bộ trên các nẻo đường quanh vùng đồi núi trong giáo phận để thăm viếng giáo dân.

    Người còn được ủy thác nhiệm vụ kiến tạo hòa bình ở Hung-ga-ri. Tại đó người đã thành công trong việc lập lại trật tự và làm quen với vua Sác-lơ Rô-be-tô vùng Nê-a-pô-li.

    Năm 1311, người đi dự Công đồng Viên, trên đường trở về, người bị hoàng thân xứ Ðan-ma-ti tấn công, bởi ông hoàng này không ưa vị giám mục bảo vệ dân nghèo. Ít lâu sau, vua xứ Nê-a-pô-li ngỏ ý xin đức giáo hoàng Gio-an XXII cho giám mục Âu Tinh đến làm giám mục vùng Lu-xê-ra thuộc lãnh thổ của vua. Giáo phận này đã từng bị người Xa-ra-din chiếm đóng, và hiện nay các hình thức sinh hoạt tinh thần và đời sống luân lý đang từng bước khởi sắc. Người đã tích cực vận dụng những phương cách như đã thực hiện ở Gia-gơ-rép khi mời các tu sĩ Ða Minh đến giúp đỡ. Người phó dâng hàng giáo phẩm và cả giáo phận cho Ðức Trinh nữ Ma-ri-a và giáo phận Lu-xê-ra tôn nhận Ðức Mẹ làm bổn mạng cho đến nay.

    Ðức giám mục Âu Tinh qua đời ngày 3-8-1323. Hai năm sau, vua xứ Nê-a-pô-li xin phong thánh cho người, nhưng mãi đến năm 1700, đức giáo hoàng Cơ-lê-men-tê IX mới chuẩn y ngày lễ tôn kính người. Ngày ngày, đông đảo dân chúng vẫn đến kính viếng phần mộ của người và xin người cầu giúp nguyện thay.

     

     

    2. Cầu Nguyện Cho Những Người Chống Đối

    Nhắc đến chân phước giám mục Au-gút-ti-nô Lu-xê-ra, chúng ta nhớ đến hình ảnh của một nhà giảng thuyết thánh thiện, tài giỏi thuộc dòng Đa Minh đã vượt qua bao thử thách, chống đối trong đời mục vụ. Au-gút-ti-nô Lu-xê-ra, sinh năm 1260, tại Đan-ma-ti thuộc nước Cơ-rat-ti-a ngày nay. Người gia nhập Dòng Anh Em Thuyết giáo từ khi còn rất trẻ, và được gởi đến Pa-ri để thụ giáo tôn sư Tô-ma A-quy-nô. Người trở thành một nhà giảng thuyết nhiệt thành và nên mẫu gương chuyên chăm cầu nguyện. Người đã chọn một câu nói của thánh bổn mạng làm châm ngôn cho đời sống của mình: "Ai biết nghệ thuật sống tốt, người đó phải biết cầu nguyện giỏi". 
    Với tài thuyết giáo, giám mục Au-gút-ti-nô Lu-xê-ra đã hoạt động mục vụ cách chuyên cần và nhận lãnh những trách vụ quan trọng như kiến tạo hòa bình ở Hung-ga-ri, lập lại trật tự ở vùng Nê-a-pô-li, cải thiện các hình thức sinh hoạt tinh thần và đời sống luân lý ở vùng Lu-xê-ra. Bằng sự nhiệt tâm, giám mục Au-gút-ti-nô đã gặt hái được những thành công đáng kể.
    Cũng vì sự nhiệt thành trong sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Au-gút-ti-nô Lu-xê-ra đã bị ông hoàng xứ Đan-ma-ti tấn công, bởi vì ông không ưa vị giám mục gần gũi và nâng đỡ dân nghèo. Chống đối đã xảy ra với những con người làm việc tốt lành, sống chân chính và tận tâm phục vụ Giáo hội.
    Nhìn vào Giáo hội hiện nay ta thấy, đức giáo hoàng Phan-xi-cô đã nhận lãnh vai trò chủ chăn, với sự thân thiện cởi mở, ngài đã không chấp nhận rập theo những khuôn mẫu có sẵn, nhưng tạo ra những luồng khí mới cho Giáo hội. Tuy nhiên, đi liền kề với phần đông những người ủng hộ lại là những thế lực phản đối, bài bác. Khi ngài dùng ngôn từ giản đơn, bình dân thì gặp phải ý kiến cho rằng: “Giáo hoàng phát biểu như một ông cha xứ miền quê”; khi ngài gần gũi với người nghèo người vô gia cư thì bị cho là: “Mị dân, quyến rũ dân chúng”; khi ngài bỏ chiếc mũ nhỏ trên đỉnh đầu xuống và tặng cho dân chúng rồi nhận lại từ nơi họ một chiếc mũ khác, kiểu như “ông nội vui đùa với con cháu” thì họ kết luận: “Như vậy là báng bổ các biểu tượng của giáo hoàng…”; khi ngài không ở trong căn phòng dành cho giáo hoàng mà ở trọ trong nhà khách Mat-ta: “phải chăng ngài muốn công khai phê bình và chỉ trích các vị tiền nhiệm”[1] .
    Đó đây trong cuộc đời vẫn có những mảng tối chen vào mảng sáng, vì vậy ta hãy nhìn nhận sự tồn tại của chống đối như là điều không thể tránh khỏi. Có thể nói, chống đối luôn ẩn hiện cách kín đáo hoặc công khai dưới nhiều hình thức và dường như len lỏi, tác động vào mọi người, mọi nơi, mọi thời, mọi mặt của đời sống. Chúa Giê-su khi xưa đã gặp chống đối, đức giám mục Au-gút-ti-nô Lu-xê-ra đã gặp chống đối, đức giáo hoàng Phan-xi-cô cũng gặp chống đối, chúng ta khi phục vụ có lẽ cũng không thoát khỏi chống đối, bất đồng... Những lúc như thế, ta hãy nhớ đến chân phước giám mục Au-gút-ti-nô Lu-xê-ra, người đã vượt qua bao khó khăn bằng đời sống cầu nguyện, thăm viếng giáo dân, hoạt động mục vụ... Bước theo chân phước Au-gút-ti-nô Lu-xê-ra, ta cũng làm cho tinh thần phục vụ được trổi vượt trên hết. Đôi khi những khó khăn từ bên ngoài tác động, khiến ta nản lòng không còn mong ước làm được những việc lớn lao như chân phước Au-gút-ti-nô Lu-xê-ra. Nhưng, ước gì ta luôn cầu mong cho bản thân có được tình yêu, niềm hăng say trong môi trường và điều kiện sống của mình.
    Ngang qua cuộc đời chân phước Au-gút-ti-nô Lu-xê-ra ta được mời gọi cầu nguyện cho đức thánh cha Phan-xi-cô, cho các giám mục, linh mục, cho chính bản thân ta và hết mọi người, được kiên vững trong lý tưởng phục vụ Chúa và tha nhân.
    Giờ đây, nhờ lời chuyển cầu của chân phước Au-gút-ti-nô Lu-xê-ra, ta hãy dâng lên Thiên Chúa những tâm tình tha thiết:Lạy Chúa, xin thương cảm hóa những tâm hồn, những thế lực đang tìm cách phá rối, làm nguy hại hoặc làm chia rẽ Hội Thánh. Xin cho họ biết hướng tới những giá trị thiện hảo đích thực.
    Lạy Chúa, con muốn thân thưa với Chúa hai điều con không muốn vấp phải: một là con bị nhiễm lây sự chống đối chia rẽ, hai là con tìm cách tách biệt những người chống đối ra khỏi đời sống con. Xin đừng để con trở thành những người chống đối hoặc rơi vào tình trạng thái quá bất cập nhưng thương hướng dẫn con bước đi trong ánh đức tin và sẵn sàng đồng hành với những anh chị em đang lạc hướng. Amen

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/


    [1] “Cuộc cách mạng của GHPhanxicô”, Marco Politi, HvOP, 2016.
    Bài viết liên quan