Chân phước Ba-tô-lô-mê-ô Long-gô (06/10)

  • 15/01/2023 18:39
  • Ba-tô-lô-mê-ô Long-gô sinh ngày 10/02/1841 tại Ý. Ngài qua đời ngày 05/10/1926.. Ðức thánh cha Gio-an Phao-lô II đã phong chân phước cho ông năm 1980.

    Ngày 06 tháng 10

    Chân phước Ba-tô-lô-mê-ô Long-gô

    B. Bartholomaeus Longo

    (1841-1926)

    1.   Tiểu sử

    Ba-tô-lô-mê-ô Long-gô sinh ngày 10/02/1841, trong một gia đình đạo đức người Ý, cha của chàng mất sớm, mẹ chàng đã tái hôn với một vị luật sư. Người cha dượng muốn chàng dấn thân trong nghiệp nhà giáo; nhưng chàng lại ước muốn trở thành một luật sư như người cha dượng đáng mến của mình. Cuối cùng, chàng cũng đã thuyết phục được cha dượng để cho mình nối nghiệp luật sư.

    Vì quan tâm đến công cuộc Phúc Âm hóa vùng nông thôn, ông đã đóng góp nhiều công sức và tài chánh để xây dựng hai viện mồ côi gần nhà thờ Ðức Mẹ Mân côi ở Pom-pây. Thêm vào đó, ông còn thiết lập Hiệp hội các nữ tu cạnh toà thánh.

    Ngài qua đời ngày 05/10/1926. Ngày 26/10/1980 Đức thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II phong chân phước và gọi ngài là "Tông Đồ của Kinh Mân côi". Trong Tông thư Kinh Mân côi đức thánh giáo hoàng đã viết: “Chân phước Ba-tô-lô-mê-ô Long-gô đã có một đoàn sủng đặc biệt. Con đường nên thánh của ngài dựa trên một thần hứng được nghe thấy trong cõi thâm sâu của tâm hồn: Ai truyền bá Kinh Mân côi sẽ được cứu độ!” Ngài đã thực hành 15 ngày thứ Bảy, đã cổ võ các tâm hồn quy hướng và chiêm ngưỡng Đức Ki-tô nhờ Kinh Mân côi.

    2.  Cầu nguyện cho các luật sư

    Ông Ba-tô-lô-mê-ô là một giáo dân Ða Minh quê ở Pom-pây, gần thành Nê-a-pô-li. Ông cũng là một luật gia sống bậc hôn nhân gia đình và có một lòng sùng kính Ðức Trinh nữ Ma-ri-a rất sâu sắc.

    Trong quãng thời gian theo học tại trường luật, chàng đã để mình bị lôi cuốn đi theo phong trào chống phá Giáo hội, gieo rắc biết bao nhiêu gương xấu cho nhiều người. May mắn thay, chàng gặp được linh mục An-bê-tô Ra-đăng-tê Dòng Đa Minh, vị linh mục này đã dẫn chàng đến gặp gỡ Thiên Chúa qua tràng chuỗi mân côi. Gặp được Chúa, được ơn trở về, chàng đã nhận ra sai lầm của mình và hoán cải. Tại Bom-bay chàng nhận ra sự xói mòn đức tin của người dân và nỗ lực rất nhiều cho công cuộc Phúc Âm hóa. Chàng đã đóng góp rất nhiều về công sức và tài chính để xây dựng hai viện mồ côi. Chàng kết hôn với nữ bá tước Ma-ri-an-na, hai vợ chồng sống đời hôn nhân, nhưng quyết giữ mình thanh tịnh và tiếp tục làm từ thiện, chăm sóc trẻ mồ côi, truyền bá Kinh Mân côi.

    Cổ nhân đã dùng câu nói: “Muốn tròn thì phải có khuôn, muốn vuông thì phải có thước” để nhắc nhở cháu con về tầm quan trọng của tinh thần luật, hiểu biết giá trị của luật. Nhưng trong thời đại hôm nay, người ta ít chân nhận giá trị của lề luật, vì nó cản trở phần nào ý muốn “tự do bay nhảy” của họ. Với suy nghĩ và não trạng ấy, người ta đã làm cho trật tự xã hội bị đảo lộn.

    Lẽ thường, những người theo ngành luật sư là những con người am hiểu luật pháp. Tuy nhiên, câu chuyện vào nghề của các luật sư cũng có muôn màu muôn sắc. Có người đến với nghiệp làm “thầy cãi” chỉ như một cơ duyên, có người đến với ngành luật để thỏa một mơ ước đã bao năm ấp ủ, có người chỉ đơn giản bởi kế sinh nhai, có người lại dùng mưu mẹo của luật để đạp đổ công lý. Nhưng, cuộc đời này đâu chỉ có những xấu xa tệ hại, cũng có rất nhiều luật sư đã khởi sự nghề nghiệp như một con đường lý tưởng, đem công lý cho mọi người và dựng xây vun đắp xã hội qua những luật lệ đúng đắn, bênh đỡ người yếu thế...

    Chàng trai luật sư Ba-tô-lô-mê-ô Long-gô, một huynh đoàn giáo dân Dòng Ba Đa Minh, đã vượt trên mọi nấc thang thường tình của luật và chàng đã đạt được luật tối thượng là bác ái yêu thương nhờ sức mạnh của Kinh Mân côi.

    Ta cũng ước ao đất nước chúng ta có nhiều những luật sư chân chính, đừng có luật sư nào bị mua chuộc mà bán rẻ lương tâm, cũng đừng có nạn nhân nào bị vùi dập dưới cán cân công lý.

    Ước mong sao luật lệ không phải là một sợi dây trói làm cho ta mất tự do, nhưng đúng hơn, lề luật chính là sợi dây diều neo giữ ta trong đường chân lý và cho ta bay cao hơn trong phẩm giá con người. Vì, một khi ta biết giữ luật thì luật sẽ giữ ta. Ước mong sao các luật sư đừng dùng luật để tạo nên án tử, nhưng dùng luật để kết nối yêu thương.

    Lạy Chúa, qua lời chuyển cầu của chân phước Ba-tô-lô-mê-ô Long-gô, xin hãy nhìn đến những sinh viên luật sắp tung cánh bay vào đời và đang nỗ lực xây đắp con đường lý tưởng, xin giúp các bạn ấy bước vào đời một cách vững chãi, đủ bản lãnh để sáng tạo bản thân cho chân lý, biết dùng trí tuệ và tài hoạt ngôn để phục vụ công ích.

    Xin chân phước Ba-tô-lô-mê-ô Long-gô cũng khẩn cầu cùng Chúa cho mọi người trong đất nước chúng con có ý thức tuân hành luật pháp; đồng thời nhờ ơn Chúa giúp, chúng con có khả năng giải thoát mình khỏi óc nệ luật đến vô cảm và chủ nghĩa tự do đến buông thả.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan