Ngày 6 tháng 9
Chân phước Bê-tran Ga-ri
B. Bertrandus de Garrigue
(1230c.)
1. Tiểu sử
"Tu sĩ Bê-tran, sau này là bề trên giám tỉnh tỉnh dòng Pơ-rô-văng, vốn là một người rất thánh thiện, chuyên cần tuân giữ kỷ luật và hãm mình ép xác. Người học được nhiều điều hữu ích từ gương sáng của thánh Ða Minh, và đôi lúc họ là bạn đồng hành của nhau." Cha Giô-đa-nô Xa-xô-ni-a đã viết như vậy về vị tu sĩ Ða Minh vùng Pơ-rô-văng, người đã được sinh ra tại Ga-ri gần A-léc trong vùng Gôn Na-bon-ne.
Tu sĩ Bê-tran đã có mặt từ buổi đầu xây dựng dòng ở Tu-lu-dơ năm 1217. Người cũng thuộc nhóm anh em đến Pa-ri để xây dựng tu viện thánh Gia-cô-bê trong những bước khởi sự phát triển Dòng. Ít lâu sau, tu sĩ Mát-thêu Phơ-răng trao cho người nhiệm vụ đi gặp đấng sáng lập Dòng. Cùng với tu sĩ Gio-an Na-va-rê, người đến Rô-ma và trình bầy với thánh Ða Minh về tình hình của các cơ sở ở Pa-ri và những khó khăn họ đang phải đương đầu. Khi nhận được bức thư của đức giáo hoàng Hô-nô-ri-ô III yêu cầu là phải tham gia vào đại học Pa-ri, thánh Ða Minh đã sai hai tu sĩ này đi Bô-lô-ni-a vào tháng 4-1218. Ðến tháng 6, thánh Ða Minh lại sai họ đi Pa-ri một lần nữa vì tin rằng, tu sĩ Bê-tran, một con người hoàn toàn đáng tin tưởng, là mối dây liên kết giữa bề trên và các cộng đoàn của mình.
Vào đầu năm 1219, tu sĩ Bê-tran gặp thánh Ða Minh tại Xanh Rô-manh ở Tu-lu-dơ, và cuối tháng 5 đầu tháng 6 cả hai cùng nhau đi Pa-ri và ghé qua Rô-ca-ma-đua. Chính trong cuộc hành trình này đã xảy ra một tình tiết rất nổi tiếng liên quan đến tu sĩ Bê-tran. Sử gia Giê-rát Ra-sê đã thuật lại tình tiết đó như sau : những người Ðức đi hành hương đã chia sẻ phần lương thực dồi dào của họ cho hai vị tu sĩ, và, cha Ða Minh buồn rầu nói : "Này thầy Bê-tran ... chúng ta thu hoạch hoa lợi của những người hành hương này mà không gieo vào lòng họ của cải tinh thần ... Nào, chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta có thể nói tiếng của họ và loan báo Chúa Giê-su cho họ ..." và phép lạ đã xảy ra khi cả hai đều nói về Thiên Chúa cho những bạn đồng hành người Ðức trong suốt 4 ngày cho tới tận Óoc-lê-ăng.
Tại tổng hội 1221, thánh Ða Minh đặt tu sĩ Bê-tran làm giám tỉnh tỉnh dòng Pơ-rô-văng bao gồm các tu viện ở Tu-lu-dơ, Li-ông, Mông-pơ-li-ê, và đan viện ở Pơ-rui-dơ ; trước cuối năm đó, tỉnh dòng còn gia tăng thêm số tu viện ở Ba-giô-nơ và Puy. Người đã thi hành trách vụ giảng thuyết với lòng nhiệt thành do đời sống thánh thiện đem lại. Người qua đời năm 1230, đang khi giảng cho các tu sĩ dòng Xi-Tô ở Bu-xê gần O-răng-dơ. Ðức giáo hoàng Lê-ô XIII đã tôn phong cha Bê-tran lên hàng chân phước năm 1881.
2. Nhớ về nguồn cội
Dòng Đa Minh đang trong năm thánh mừng 800 năm thành lập, thiết nghĩ con cái cha thánh Đa Minh trên khắp năm châu bốn bể cũng mang nặng tâm tình tri ân, nhớ về nguồn cội của mình. Tri ân thánh tổ phụ Đa Minh, tri ân các anh em tiên khởi đã có công xây dựng nền móng cho Dòng. Có lẽ đây cũng là tâm tình mà mỗi người khi sinh ra trong cuộc đời đều “ghi tâm khắc cốt” – “Tri ân các bậc tổ tiên”.
Chân phước Bê-tran Ga-ri, là một trong những thành viên có mặt trong giai đoạn khai sinh dòng Giảng Thuyết, cùng với thánh Đa Minh. Sinh tại Ga-ri, cha Bê-tran là một trong những môn đệ tiên khởi rất được thánh Đa Minh yêu mến, và thường xuyên được thánh Đa Minh chọn làm bạn đồng hành và làm việc. Ngay từ đầu, cả hai vị đã trở nên những người bạn thân thiết. Ta có thể đoán được rằng cha Bê-tran cũng là người đầu tiên mà thánh Đa Minh cho biết ý định lập một dòng tu hoạt động tông đồ và cùng đồng hành với ngài khi bắt đầu thu nhận những ứng viên muốn vào dòng, để cùng thực thi ý nguyện ra đi loan báo Tin Mừng, đưa các anh em lạc giáo trở về.
Mùa thu năm 1215, thánh Đa Minh đi Rô-ma để xin Tòa thánh châu phê Dòng, thánh Đa Minh đã tin tưởng giao cho cha Bê-tran trách nhiệm lãnh đạo cộng đoàn. Rồi sau đó một thời gian, vào một chuyến đi khác năm 1216, thánh Đa Minh đặt cha Bê-tran làm tu viện Trưởng của tu viện thánh Rô-man cho tới khi cha Đa Minh trở lại vào năm 1217. Sau đó, cha Bê-tran được gửi tới Pa-ri. Tại đây, cha Bê-tran giữ vai trò huấn luyện các thành viên mới. Tuy nhiên cha chỉ ở miền Bắc nước Pháp một thời gian ngắn, rồi sau đó trở lại tu viện thánh Rô-man ở Tu-lu-dơ để làm tu viện trưởng. Trong thời gian này, công việc của cha rất phức tạp và tế nhị, nhưng với lòng kiên nhẫn và khuynh hướng cầu hòa ngài đã vượt qua tất cả. Tại tổng hội năm 1221, cha được chọn làm giám tỉnh tiên khởi của tỉnh dòng Pơ-rô-văng. Nhờ gương sống thu hút của ngài, các tu viện của Dòng luôn đầy ắp những tu sĩ mẫu mực. Ngài đã thi hành trách vụ giảng thuyết với lòng nhiệt thành do đời sống thánh thiện đem lại. Và ngài qua đời năm 1230 đang khi giảng cho các tu sĩ Xi-tô ở Bu-xê.
Chân phước Bê-tran là một trong những bậc tiền nhân cùng thời với thánh Đa Minh. Ngài đã xây dựng Dòng bằng một đời sống đạo đức và hy sinh đến quên mình. Lắng nghe câu chuyện cuộc đời ngài, chúng ta mới thấy hết những khó khăn vất vả của các bậc cha anh để đem lại lợi ích và hạnh phúc cho hậu thế.
Thế nhưng, có một nghịch lý đáng buồn, ngày nay người ta coi khinh các bậc tiền nhân cổ lỗ sĩ, họ bỏ bê ông bà cha mẹ vì cho rằng những người già vô dụng. Đức thánh cha Phan-xi-cô đã nói: "… Biết bao lần người già bị gạt bỏ bằng thái độ bỏ rơi, đúng hơn là để họ chết cách êm ái! Đó là hậu quả của nền văn hóa chối bỏ, gây ra rất nhiều tổn hại cho thế giới của chúng ta…” Đức thánh cha Phan-xi-cô cũng cảnh báo thêm: “Một dân tộc không biết gìn giữ những người già và không làm điều tốt cho họ là một dân tộc không có tương lai! Tại sao không có tương lai ? Bởi vì kí ức bị đánh mất, bị bứng khỏi các căn cội của nó.”[1]
Đức thánh cha còn cho rằng: “Phẩm chất của một xã hội, hay của nền văn minh, được phán đoán theo cách nó đối xử với người già. Chú ý tới người già làm thành sự khác biệt trong một nền văn minh. Nền văn minh này tiến tới, nếu nó biết trân quý sự khôn ngoan của tuổi già.”[2] “Uống nước nhớ nguồn,” đó chẳng phải cũng là một nét đẹp truyền thống của dân Việt mà chúng ta nhắc nhở nhau gìn giữ khi cùng chiêm ngắm chân phước Bê-tran Ga-ri đó sao ?
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu thương quan tâm, kính trọng ông bà cha mẹ của chúng con và cả những cụ già mà chúng con gặp gỡ, để đền đáp công ơn các ngài. Xin cho chúng con hiểu rằng: dù cao tuổi, nhưng các vị như những cây cổ thụ vẫn tiếp tục tỏa bóng mát và đem lại hoa trái cho chúng con.
Đa Minh Thái Bình, tổng hợp
Tham khảo nguồn tin: https://hddmvn.net/
http://daminhrosalima.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 69 | Tổng lượt truy cập: 4,233,091