Chân phước Biêng-vơ-nuy Bô-gia-ni (30/10)

  • 15/01/2023 18:39
  • Chân phước Bô-gia-ni sinh tại Phơ-ri-un thuộc vùng Vê-nê-ti vào giữa thế kỷ XIII. Chị là người con thứ bảy và là con gái duy nhất trong gia đình có mười anh em, vì thế chị đã được gia đình chào đón với niềm vui sướng.

    Ngày 30/10

    Chân phước Biêng-vơ-nuy Bô-gia-ni

    B. Benvenuta Boiani

    (1255-1292)

    1.  Tiểu sử

    Chân phước Bô-gia-ni sinh tại Phơ-ri-un thuộc vùng Vê-nê-ti vào giữa thế kỷ XIII. Vì chị là người con thứ 7 và là con gái duy nhất trong gia đình, nên chị Bô-gia-ni đã được chào đón với niềm vui sướng : “Biêng-vơ-nuy, Em thực là niềm vinh hạnh !” Sau chị Bô-gia-ni, còn có 3 cậu em trai nữa, trong đó một người cũng dâng mình cho Chúa trong Dòng Ða Minh.

    Cuộc đời của chị được nhào nặn trong việc thực hành khổ chế và đời sống nhiệm nhặt một cách phi thường. Noi gương thánh Ða Minh, chị thường thức khuya, mặc áo nhặm, đeo dây xích sắt, mỗi đêm đánh tội ba lần, ngủ trên nền đất. Tất cả những thực hành khổ chế này làm chị yếu sức đến độ ngã bệnh trầm trọng, nhưng lại được chữa lành một cách lạ thường nhân chuyến hành hương viếng mộ thánh Ða Minh ở Bô-lô-ni-a.

    Tuy nhiên, sau phép lạ này, chị sống không được bao lâu nữa và qua đời ở tuổi 38, trước sự chứng kiến của nhiều tu sĩ trong Dòng. Trong lúc hàng ngàn tín hữu đến kính viếng xác của chị, người ta cất lên những bài tán dương về cuộc sống nhân đức của chị. Chị được chôn táng trong nguyện đường của các tu sĩ Ða Minh. Ít lâu sau, tiểu sử của chị được viết và được xuất bản năm 1292. Bản thảo về tiểu sử của chị còn được lưu giữ mãi cho đến thế kỷ XVIII và được viết lại trong tập sách “hạnh các thánh”.

    2.  Đường nên Thánh

    Các thánh là những người theo sát Chúa Giê-su, nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su và diễn tả cuộc đời Chúa Giê-su ở một khía nào đó. Có những vị thánh với con đường nên thánh hùng oai, khiến chúng ta chỉ lặng mình chiêm ngắm; có những vị thánh với con đường nên thánh được tinh luyện lâu dài, khiến chúng ta nghiệm ra được sức mạnh diệu kỳ của Chúa; nhưng cũng có những vị thánh với cuộc đời giản đơn, sống ít ngày ngắn ngủi, giúp chúng ta có được sự tự tin mà bước theo các ngài, an tâm rằng “mọi sự đều trở nên tốt cho những ai yêu mến Chúa”.[1]

    Chân phước Bô-gia-ni trinh nữ mà hôm nay chúng ta chiêm ngắm, có một cuộc đời giản dị đơn sơ nhưng lại nhiệm nhặt phi thường. Chị là người con thứ bảy và là con gái duy nhất trong gia đình có mười anh em, vì thế chị đã được gia đình chào đón với niềm vui sướng.

    Ưu thế “nhất nữ” này có thể đã làm cho nhiều đứa con trở nên hư hỏng vì sự chiều chuộng của cha mẹ cũng như của các anh em. Tuy nhiên, với chân phước Bô-gia-ni thì không như thế. Chị đã để cuộc đời của chị được nhào nặn trong việc thực hành khổ chế và đời sống nhiệm nhặt một cách phi thường. Noi gương thánh Ða Minh, chị thường thức khuya, mặc áo nhặm, đeo dây xích sắt, mỗi đêm đánh tội ba lần, ngủ trên nền đất. Tất cả những thực hành khổ chế này làm chị yếu sức đến độ ngã bệnh trầm trọng, chị qua đời lúc 38 tuổi.

    Phương thế thực hành khổ chế và đánh tội của chân phước Bô-gia-ni làm cho người thời nay cảm thấy kinh dị, khó thực hành và khó noi theo, nhưng nhìn ở một mức độ nào đó nếu muốn thì chúng ta sẽ làm cho điều không thể ấy trở nên có thể đem lại giá trị cao quý. Vâng, ta có thể thực hành khổ chế bằng việc giảm bớt các nhu cầu không cần thiết, không xa xỉ, không dư thừa. Bù lại chúng ta phải biết lưu tâm đến những anh chị em nghèo khổ và chia sẻ với họ. Can đảm nói không với những cám dỗ vật chất, xa hoa… Chúng ta không mặc áo nhặm như chân phước Bô-gia-ni, nhưng chúng ta ăn mặc giản dị để chia bớt cho những ai không có áo ấm che thân giữa trời đông giá rét. Chúng ta không đeo xích sắt đánh tội hằng đêm, nhưng chúng ta can đảm tháo xiềng xích cho những ai tù đày trong cảnh oan ức bất công. Chúng ta không ngủ trên nền đất, nhưng chúng ta có thể chia sẻ bớt những nhu cầu trang trí dư thừa trên chiếc giường để cho một gia đình nghèo có được tấm chăn trong mùa lạnh, lúc lũ lụt, khi phải di tán xa cơ…

    Tình yêu của chân phước Bô-gia-ni dành cho Chúa đã làm cho ngài càng ngày càng muốn trở nên giống Chúa hơn. Không thể nên giống Chúa Giê-su giảng thuyết, chị nên giống Chúa Giê-su nghèo khó ở Be-lem, giống Chúa Giê-su thanh bần ở Na-gia-rét và giống Chúa Giê-su đau khổ trong cuộc thương khó.

    Chiêm ngắm chân phước Bô-gia-ni chúng ta nghiệm ra rằng: có lẽ Chúa không đòi mỗi người phải nên thánh bằng những con đường vượt quá sức riêng. Nhưng chắc hẳn, Chúa muốn mỗi người nên thánh trong vai trò và phận vụ của mình. Con đường nên thánh của từng người sẽ có ý nghĩa và giá trị vĩnh hằng nếu mỗi người biết tháp nhập vào cuộc đời của Chúa Giê-su.

    Vui mừng trong ngày mừng kính các thánh, cùng với chân phước Bô-gia-ni chúng ta hiệp dâng những vần thơ ca ngợi:

    Lạy Giêsu – Thiên Tử rạng ngời,
    Mừng Trinh Mẫu dâng lời tụng ca,
    Chúc khen các thánh vang hoà,
    Vinh tụng thần sứ ngự toà thiên cung.

    Nơi dương thế, nguy khó nghìn trùng,
    Các ngài đã tín trung hết lòng,
    Tin yêu – phó thác – cậy trông,
    Tuân hành Thiên Ý coi không sự đời.

    Đường nên thánh mỗi người chọn lựa,
    Miễn làm sao theo Chúa trọn tình,
    Quyết tâm, quyết chí, hết mình,
    Chúa thương ban thưởng phúc vinh ngàn đời.
     
    Xin chân phước trên trời vinh phúc,
    Chuyển ơn lành, chuyển đức cho con,
    Giúp con theo Chúa sắt son
    Giúp con theo Chúa vẹn tròn mãi luôn.

    Cùng chân phước con vào thế giới,
    Quyết tâm luôn đổi mới cuộc đời,
    Đem Lời Chúa đến mọi nơi,
    Bằng lời rao giảng, bằng đời chứng nhân.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/


    [1] Rm 8,28.
    Bài viết liên quan