Chân phước Ca-ta-ri-na Ra-cô-ni-gi (04/9)

  • 15/01/2023 18:39
  • Chị Ca-ta-ri-na Ra-cô-ni-gi chào đời năm 1486 tại Pi-ê-môn-tê thuộc miền Bắc nước Ý, là con gái duy nhất trong một gia đình thợ thủ công có nhiều con trai. Ðức giáo hoàng Pi-ô VII đã chuẩn y việc tôn kính chân phước Ca-ta-ri-na Ra-cô-ni-gi năm 1810.

     

    Ngày 4 tháng 9

    Chân phước Ca-ta-ri-na Ra-cô-ni-gi

    B. Catharina de Racconigi

    Trinh nữ (1486-1547)

    1.  Tiểu sử

    Chị Ra-cô-ni-gi chào đời vào năm 1486 tại Pi-ê-môn-tê thuộc miền Bắc ngước Ý, và là con gái duy nhất trong một gia đình thợ thủ công có nhiều con trai. Khi ấy vùng Pi-ê-môn-tê rơi vào tình cảnh thật bi thảm do sự xâm lăng của nước Pháp dưới các triều vua Sác-lơ VIII năm 1494, vua Lu-i XII năm 1499 và vua Phăng-xoa I với cuộc chiến Ma-ri-nhăng năm 1515. Chị làm nghề kéo sợi để kiếm sống. Cuộc đời của chị được ghi dấu bằng những sự kiện đặc biệt. Trước hết là tình trạng nghèo đói vào thời thơ ấu và sau đó là sự đau khổ trong tâm hồn.

    Ngay từ lúc năm tuổi, người ta nhận thấy chị Ra-cô-ni-gi có lòng khao khát mãnh liệt ơn cứu rỗi các linh hồn và sống kết hợp với cuộc thương khó của Ðức Ki-tô. Chị làm nghề kéo sợi để kiếm sống. Trong công việc này, chị luôn tìm được sự trợ giúp cho những lời cầu nguyện của mình.

    Cũng giống như thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, chị Ra-cô-ni-gi được ban cho những đặc sủng kỳ diệu như: đính hôn thiêng liêng, in dấu thiêng liêng, đối thoại nội tâm; dù không biết chữ, chị vẫn có thể đọc sách một cách lạ lùng, và chỉ đọc kinh thần vụ mà thôi.

    Năm 28 tuổi, chị lãnh tu phục Dòng Ba Ða Minh nhưng chị vẫn còn gặp khổ đau, vì người ta nói chị là phù thủy và các chị em đối xử với chị một cách ngờ vực. Năm sau, vì động lòng trắc ẩn trước những nạn nhân xấu số của chiến tranh, chị đã dâng tặng cả thân xác và linh hồn mình để cầu nguyện cho những người đã hy sinh trong cuộc chiến tại Ma-ri-nhăng. Từ đó cho đến cuối đời, chị phải chịu đựng nhiều đau đớn vì bệnh tật và bị vu khống.

    Tuy nhiên, chị vẫn có những người bạn nổi tiếng và có thế lực như hầu tước Mông-phe-rát, sử gia Píc Mi-răng-đôn là người viết tiểu sử của chị, và, đức cha Cơ-lốt Xây-xen - giám mục Mác-xây và tổng giám mục Tu-ri-nô. Nhưng các tu sĩ Ða Minh không có thiện cảm với chị nên đã từ chối trách nhiệm linh hướng cho chị trong một thời gian dài. Chị nói: "Tôi được kết hợp với Chúa Giê-su, Người sẽ săn sóc tôi; các vị bề trên của dòng không phải không quan trọng đối với tôi. Nhưng chính vì tình yêu Thiên Chúa mà tôi đã lãnh lấy tu phục, chứ không phải vì họ. Chúa Giê-su là niềm hy vọng của tôi."

    Cuối cùng các tu sĩ Ða Minh rút lại các đánh giá sai lầm về chị và cử cha giải tội đến với chị. Nhưng chị đã phải rời bỏ Ra-cô-ni-gi và qua đời trong cảnh lưu đầy ở Ca-ra-ma-nhô. Chị được an táng trong một giáo đường của các enh em Ða Minh ở Ga-rét-xi-ô. Ðức giáo hoàng Pi-ô VII đã chuẩn y việc tôn kính chân phước Ca-ta-ri-na Ra-cô-ni-gi năm 1810.

     

    2.  Cầu nguyện cho những người thất học, mù chữ

    Trong thế giới muôn sắc muôn màu có những bông hoa mang vẻ đẹp kiêu sa, thì cũng có những bông hoa đồng nội mộc mạc mang hơi thở đất trời. Dù thế nào chăng nữa, các bông hoa ngọn cỏ đều ánh lên những vẻ đẹp diệu kỳ của Đấng Tạo Hóa toàn năng. Sự khác biệt ấy vẫn làm nên sự hài hòa phong phú giữa muôn vật muôn loài và phản ánh tri thức siêu phàm thượng trí nơi Thiên Chúa.

    Dưới ánh nhìn của Thiên Chúa xót thương, con người có một giá trị đặc biệt trong trái tim Ngài. Thế nhưng, nhiều khi con người không tôn trọng giá trị của nhau và cũng chẳng nhận ra giá trị của bản thân mình. Giá trị của con người không thể đong đếm bằng học vị, cũng không được đánh giá bởi cấp bậc sang hèn. Giá trị của con người hệ tại ở nhân phẩm, ở thâm sâu cõi lòng, một tấm lòng khiêm tốn vui tươi vì nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương, một tấm lòng trinh tuyết luôn hướng về Thiên Chúa và yêu thương anh em vô vị lợi, một tấm lòng thống hối vì nhận ra những yếu đuối bất toàn của bản thân... Những tâm hồn ấy xinh đẹp và có giá trị vĩnh hằng trước nhan Thiên Chúa đến là dường nào.

    Vậy mà, thế giới vẫn còn đó những anh chị em không được đến trường, không biết chữ đang bị châm chọc, bị khinh rẻ và bị bóc lột. Giá trị của họ đang bị chà đạp thảm thương. Ước gì mọi người biết tôn trọng phẩm giá của họ. Vì chính khi chân nhận giá trị của anh chị em mình, cũng là khi chúng ta đang nâng cao giá trị của chính bản thân.

    Cuộc đời của chân phước Ca-ta-ri-na sẽ là một bài suy niệm cho chúng ta về giá trị đích thực của đời người. Ngài đã sống trong một thân phận thương đau, nhưng ngài đã làm sáng ngời một nhân cách vĩ đại. Nhờ lời chuyển cầu cũng như cuộc sống vinh phúc nơi thiên cung của ngài, những anh chị em nghèo khổ, thất học, mù chữ, đang bị xã hội loại trừ kia, sẽ được xoa dịu những nỗi đau và được khích lệ nâng đỡ; còn tất cả những ai được may mắn hơn cũng sẽ biết biết bồi đắp những giá trị đích thực, trân trọng – yêu thương và chia sẻ với anh chị em đồng loại của mình.

    Cuộc đời của chị được ghi dấu bằng những sự kiện đặc biệt. Trước hết là tình trạng nghèo đói vào thời thơ ấu và sau đó là sự đau khổ trong tâm hồn. Ngay từ lúc năm tuổi, người ta nhận thấy chị có lòng khao khát mãnh liệt ơn cứu rỗi các linh hồn và sống kết hợp với cuộc thương khó của Đức Ki-tô. Cũng giống như thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, chị được ban cho những đặc sủng diệu kì như đính hôn thiêng liêng, in dấu thánh, đối thoại tâm linh. Dù không được đi học để biết chữ, chị vẫn có thể đọc sách kinh thần vụ một cách lạ lùng.

    Năm 28 tuổi, chị lãnh tu phục dòng ba Đa Minh. Chị gặp nhiều đau khổ, vì người ta nói chị là phù thủy và các chị em trong dòng đối xử với chị cách ngờ vực. Vì động lòng trắc ẩn trước những nạn nhân xấu số của chiến tranh, chị đã dâng tặng cả thân xác và linh hồn của mình để cầu nguyện cho những người đã hy sinh trong cuộc chiến Ma-ri-nhăng. Từ đó cho đến cuối đời, chị phải chịu đựng nhiều đau đớn vì bệnh tật nơi thân xác và bị vu khống day dứt nơi tâm hồn.

    Tuy nhiên, sức hút của một cõi lòng thánh thiện bao giờ cũng mãnh liệt, dù nghèo khổ và thất học, nhưng những người nổi tiếng và có thế lực hầu như đã lui tới để tìm thêm được sức mạnh nội lực từ nơi chị, hầu tước Mông-phe-rát, sử gia Píc Mi-răng-đôn, đức cha Cơ-lốt Xây-len và tổng giám mục Tu-ri-nô.

    Bông hoa đồng nội đầy hương sắc ấy đã được Chúa đem về trồng nơi Thiên Quốc sau 61 năm cuộc đời dương thế.

    Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chân phước Ca-ta-ri-na Ra-cô-ni-gi được sung mãn nhờ ân huệ thiêng liêng và sự đầy tràn Chúa trong tâm hồn. Nhờ lời chuyển cầu của người, xin cho chúng con biết bồi đắp những giá trị vĩnh viễn trong tâm hồn, đồng thời biết cầu nguyện để cho xã hội luôn dành cho những anh chị em công nhân nghèo khổ thất học, một giá trị xứng đáng. Amen

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan