Ngày 26 tháng 10
CHÂN PHƯỚC ÐA-MI-EN PHI-NA-LÊ
B. Damianus de Finale
Linh mục (+1484)
1. Tiểu sử
Chúng ta không có nhiều chi tiết về cuộc đời của Chân phước Ða-mi-en, bởi lẽ phần lớn các tài liệu chính xác về tiểu sử của người dường như đã bị thất lạc. Tuy nhiên, chúng ta biết chắc rằng, chân phước Ða-mi-en sống vào thế kỷ XV.
Năm 1503, các tu sĩ Ða Minh ở Vi-ga-va-nô đã viết thư cho các tu sĩ ở Rê-giô để xin họ hài cốt của tu sĩ Ða-mi-en vì người đã qua đời và được chôn cất tại tu viện này. Các tu sĩ ở Rê-giô viết thư hồi âm có đính kèm lời ca ngợi như sau: "Tu sĩ Ða-mi-en là người rất đáng khâm phục, nổi tiếng về sự thánh thiện và tên tuổi lẫy lừng. Sự dấn thân của người quả là một gương sáng: người có bản tính nhã nhặn, tốt bụng, hiền lành và khiêm hạ, sống triệt để đức tuân phục, giàu lòng nhân ái, và rất mực kiên nhẫn trong mọi thử thách. Người luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người và sống chan hòa yêu thương. Mặt khác, người còn là nhà giảng thuyết nhiệt thành, có biệt tài nối kết hài hòa giữa lời giảng hùng hồn với thái độ khiêm tốn và trang nghiêm. Người qua đời cách đây 20 năm”[1].
Chân phước Ða-mi-en sinh tại Phi-na-lê, nằm giữa vùng Giê-nét và Vin-ti-mi-lê, chắc chắn người đã được trao tu phục tại tu viện của các tu sĩ Ða Minh trong thành phố nhỏ bé này. Tu viện này đã được thiết lập từ 50 năm về trước.
Khi viết về các tu sĩ sống tại Rê-giô vào quãng thời gian này, một sử gia khác cũng phác hoạ một vài nét về người như sau: "Chân phước Ða-mi-en đã rao giảng rất nhiều lần tại Rê-giô và đã duy trì nơi đó ngọn lửa hoạt động tông đồ. Người đã giúp cho nhiều tội nhân lầm đường lạc lối được ơn hoán cải. Người qua đời tại Rê-giô, chính tại nơi đây, người thường lưu lại để thi hành tác vụ giảng thuyết". Ngôi mộ của người vẫn luôn được tôn tạo và bảo quản cho đến ngày nay. Việc tôn kính người được Giáo hội chuẩn nhận vào năm 1848.
2. Cầu cho mọi người biết “là người” hơn
Một lần sinh ra, một lần chết đi ấy chính là quy luật và cho dẫu thế nào chăng nữa, nó cũng chẳng nằm ngoài ý định quan phòng, yêu thương của Thiên Chúa. Thế nhưng, trong kiếp nhân sinh, món quà quý giá, cao trọng mà Thiên Chúa tặng ban đó chính là lý trí và sự tự do để mỗi người lựa chọn cho mình phương cách sống thành toàn ơn gọi làm người. Vậy mà, chúng ta vẫn thường hay nhầm lẫn trong việc dùng quà tặng của Chúa, rồi chọn lấy rất nhiều điều mau qua của thế gian, để cuối cùng vẫn chưa đạt đến niềm hạnh phúc sung mãn trong căn tính làm người.
Cuộc sống thường rất nhiều khi ta nỗ lực để thành tài nhưng chợt nhìn lại con đường thành nhân ta lại bỏ qua những điều cần thiết. Suy tư làm sao để sống trọn vẹn căn tính con người mà từ khởi đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên, ta bắt gặp mẫu gương chân phước Đa-mi-en Phi-na-lê, một người biết thành tài nhưng trước đó ngài đã rất thành nhân.
Đôi nét phác họa về chân phước Đa-mi-en, một bậc thánh, một nhà giảng thuyết đại tài, một linh mục tu sĩ và cũng là một con người đã sống rất tình người với tha nhân cho ta nhiều suy nghĩ tốt đẹp. Ta tự hỏi: Mẫu gương về một Đa-mi-en đầy lòng nhân ái, thánh thiện, có làm cho chúng ta nặng lòng về chữ nhân trong cuộc đời hôm nay và trong chính bản thân chúng ta hay không? Bởi chưng, những khát vọng trong bậc thang giá trị đã lôi kéo con người vào một cuộc chạy đua nhằm đạt đến lợi ích cá nhân, danh dự, địa vị,… Sự nhầm tưởng về tự do cùng những lệch lạc trong suy tư lý trí đã đẩy con người ngày càng xa cách nhau, mà tìm đến hòn đảo của cái tôi ích kỷ, vô tâm, thậm chí là sự tàn bạo, tiêu diệt lẫn nhau.
Có quá nhiều sự kiện, biến cố, những tai nạn và sự bi thương đang xảy ra hằng ngày từ một thực trạng mà ta vẫn nôm na gọi là sự suy đồi đạo đức, hay thiếu trưởng thành nhân bản; nhưng đau lòng thay chúng ta cứ bị nhận chìm trong vòng xoáy bất nhân mà chẳng kịp nhận ra. Và chỉ khi dừng lại trong ít phút lắng đọng tâm hồn, nơi thập giá của Đức Giê-su, nơi Thiên Chúa mặc lấy thân phận con người và chết vì con người, ta được mời gọi chiêm ngắm để nghiệm ra những đắng cay của cuộc đời còn tồn tại, là do thiếu vị ngọt bùi của lòng nhân, do thiếu đào luyện cho tiến trình thành nhân mà chỉ chú tâm để thành tài.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Lạy Chúa, chúng con đang ngột ngạt trong bầu khí của sự ganh đua nhằm thăng tiến bản thân, tìm kiếm những an toàn cá nhân về vật chất, về danh lợi, lạc thú. Nhưng trong thâm sâu cõi lòng chúng con, một khát vọng mãnh liệt hơn vẫn âm ỉ vẫy gọi về một đời sống nhân bản, về mối tương quan yêu thương đậm tình người. Hôm nay, gương mẫu nhân đức của chân phước Đa-mi-en đã tạo cơ hội cho lương tâm như mạnh mẽ nói với lý trí rằng: trước khi làm thánh, con phải làm người; trước khi thành tài con hãy thành nhân.
Vâng lạy Chúa, chúng con đã có quá nhiều những tính toán cho mình, chúng con thêm vào quá nhiều những ước muốn thành công; nhưng, chúng con còn thiếu lòng nhân, thiếu chân tình và ấm áp từ tâm hồn biết sống yêu thương. Xin cho chúng con biết khởi sự lại để sống là người như Chúa đã từng sống. Amen.
Đa Minh Thái Bình, tổng hợp
Tham khảo nguồn tin: https://hddmvn.net/
http://daminhrosalima.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 156 | Tổng lượt truy cập: 4,163,132