Chân phước Gia-cô-bê Hum (10/11)

  • 15/01/2023 18:39
  • Chân phước Gia-cô-bê sinh khoảng năm 1407 tại Hum, thuộc vùng  Xu-a-bê nước Đức. Thầy qua đời năm 1491.

     

    Ngày 11 tháng 10

    CHÂN PHƯỚC GIA-CÔ-BÊ HUM

    B. Jacobus de Ulm

    Tu sĩ (+1491)

    1.  Tiểu sử

    Cuộc đời chân phước Gia-cô-bê Hum có nhiều nét thăng trầm. Chân phước Gia-cô-bê sinh khoảng năm 1407 tại Hum, thuộc vùng  Xu-a-bê nước Đức. Thân phụ của cậu thọ đến 103 tuổi, còn người thì sống đến 84 tuổi.

    Cậu Gia-cô-bê có một biệt tài sáng chói về hội họa trên thủy tinh, thế nhưng cậu đã không còn hành nghề này nữa khi đến tuổi 25 ; cậu rời gia đình để hành hương viếng mộ các thánh tông đồ. Cậu đến nơi vào đầu mùa Chay và tìm cách ở lại, vì cậu cảm nhận được niềm vui thiên quốc vĩnh hằng. Thế nhưng, tại đây cậu không tìm được việc làm nên đành phải đến Nê-a-pô-li. Trên đường, cậu gặp những thanh niên đăng ký phục vụ cho vua nước Xi-xi-li-a và xin nhập đoàn với họ. Cậu chiến đấu giỏi nhưng "cuộc sống doanh trại" có nhiều lối sống trái với luân thường đạo lý, vì thế, sau 4 năm binh nghiệp, cậu rời quân ngũ để tham gia hoạt động trong dịch vụ tư vấn pháp luật ở Ca-pua trong 5 năm, và thị trưởng của thành phố rất hài lòng về cung cách làm việc của cậu.

    Vào một ngày đẹp trời năm 1440, cậu bỗng mong được về thăm cha già và đã lên đường trở về Ðức. Khi đi ngang qua Bô-lô-ni-a, cậu lại đăng ký gia nhập quân đội Tác-ta-ri, nhưng một ngày nọ, đang khi cầu nguyện trước mộ thánh Ða Minh, một giọng nói từ bên trong bảo cậu rời bỏ "binh nghiệp trần thế" mà gia nhập vào đội quân của Chúa Giê-su Ki-tô. Lập tức, cậu tìm đến một linh mục và hỏi xem mình phải làm gì. Vị linh mục này, vốn là bề trên tu viện, đã gợi hứng cậu gia nhập Dòng Ða Minh. Cậu Gia-cô-bê ưng thuận và mong được sống ở bậc trợ sĩ, khi ấy cậu đã 34 tuổi.

    Từ đó thầy Gia-cô-bê sống rất khiêm nhường và thầm lặng trong tu viện. Thầy trở thành một tu sĩ ẩn dật và cố gắng hạn chế ra ngoài bao nhiêu có thể. Thầy kéo dài thời gian cầu nguyện từ sau giờ kinh đêm cho đến bình minh, suy niệm mầu nhiệm Vượt Qua với lòng sốt mến và anh em thường thấy thầy ở trong trạng thái xuất thần.

    Thêm vào đó, tu sĩ Gia-cô-bê còn thực hiện những bức vẽ trên thủy tinh cả trong những chuyến viễn du và thầy rất thành công trong lãnh vực này. Các vị bề trên thường nhờ thầy trang trí các cửa kiếng của tu viện và nguyện đường. Tuy thầy không để lại một bút tích nào, nhưng chúng ta vẫn có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm của thầy trong vương cung thánh đường thánh Phê-rô ở Bô-lô-ni-a. Thầy đã khám phá ra phương pháp làm cho thủy tinh có sắc vàng trong suốt bằng cách dùng ô-xít bạc. Quy trình mà thầy đã phát minh vẫn còn được sử dùng cho đến ngày nay. Thầy đã truyền bí quyết này lại cho hai học trò của mình đó là tu sĩ Am-bô-xi-nô - người viết tiểu sử về thầy và tu sĩ A-na-tha-xi-ô.

    Dù có khả năng, nhưng thầy không bao giờ khoe khoang tài nghệ của mình và luôn đặt đức tuân phục lên hàng đầu. Người ta kể lại rằng, một ngày nọ đang khi thầy bắt đầu làm một tấm cửa thủy tinh, bề trên bảo thầy đi quyên góp trong thành phố ; thầy Gia-cô-bê bỏ mọi sự trong khi công việc đang đòi buộc sự có mặt thường xuyên của thầy. Nếu như có trục trặc trong giai đoạn này thì đành phải bỏ đi cả mẻ thuỷ tinh. Nhưng khi trở về, thầy thấy tấm cửa thủy tinh không những nguyên vẹn mà còn chứa đựng nhiều màu sắc đến mức thầy chưa bao giờ làm được như thế.

    Khi hay tin thầy vừa mới qua đời, dân chúng trong toàn thành phố lũ lượt kéo đến viếng xác thầy, đó là năm 1491. Anh em đặt thi hài của thầy tại phòng hội tu viện để mọi người có thể đến kính viếng, sau đó, thầy được mai táng tại nguyện đường của tu viện.

     

    2.  Sử dụng năng lực bản thân

    Ta biết rằng, thành công không chỉ đến với những ai thông minh, tài giỏi, có năng khiếu đặc biệt mà còn đến với tất cả chúng ta. Vì thế, mọi người đều có thể đóng góp chút gì đó làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, ta vẫn phải chân nhận và trân trọng những đóng góp có phần không nhỏ của các bậc hiền tài cho sự phát triển của con người, của Giáo hội và xã hội. Chân phước Gia-cô-bê Hum một người có nhiều tài nghệ, nhưng ngài đã không để mình bị lệ thuộc vào những tài nghệ đó, ngài sẵn sàng dấn thân phục vụ. Chiêm ngắm ngài hôm nay, chúng ta cùng cầu nguyện cho các bậc hiền tài, biết dùng tài đức để dấn thân phục vụ ích chung.

    Từ thuở thiếu thời, Gia-cô-bê Hum đã có một biệt tài sáng chói về hội họa trên thủy tinh. Thành công đầu đời là thế, nhưng dòng đời đưa đẩy, Gia-cô-bê Hum đăng kí gia nhập quân đội, tài khéo bị bỏ ngang.

    Gia-cô-bê Hum chiến đấu thật anh dũng và tài giỏi. Nhưng, cuộc đời binh nghiệp khiến cậu đã nhận ra những ngang trái, oan khiên. Cậu rời bỏ đời binh đao và xin hành nghề tư vấn pháp luật ở Ca-pua. Nơi đây, mọi người rất hài lòng về cung cách và thái độ làm việc của cậu. Trong một chuyến trở về quê nhà thăm cha, Gia-cô-bê Hum lại xin gia nhập quân đội Tác-ta-ri. Nhưng Thiên Chúa đã thay đổi cuộc đời cậu, Người mời cậu tham gia vào đội quân Chúa Ki-tô, trở thành chiến sĩ nước trời và là người hùng của Dòng Giảng Thuyết.

    Thành công nối tiếp thành công khi làm việc giữa đời. Và khi sống trong tu viện, Gia-cô-bê Hum vẫn tiếp tục thành  công nhờ năng khiếu từ hồi còn trẻ. Tuy nhiên, chính đức độ mới là điều làm nên dấu ấn thành công thực sự nơi thầy Gia-cô-bê Hum. Nhân đức của thầy Gia-cô-bê Hum ngày càng trổi vượt hơn bởi lòng khiêm nhường, đời sống cầu nguyện và hy sinh nhiệm nhặt.

    Tu sĩ Gia-cô-bê thực hiện những bức vẽ trên thủy tinh rất thành công; nhưng thầy không vấn vương trước hấp lực của công danh, thầy luôn đặt đức tuân phục lên hàng đầu. Người ta kể lại rằng, một ngày nọ đang khi thầy bắt đầu làm một tấm cửa thủy tinh, bề trên bảo thầy đi quyên góp trong thành phố. Thầy Gia-cô-bê bỏ mọi sự trong khi công việc đang đòi buộc sự có mặt thường xuyên của thầy. Nếu như có trục trặc trong giai đoạn này thì đành phải bỏ đi cả mẻ thuỷ tinh. Nhưng khi trở về, thầy thấy tấm cửa thủy tinh không những nguyên vẹn mà còn chứa đựng nhiều màu sắc đến mức thầy chưa bao giờ làm được như thế.[1] Thật là một phần thưởng Chúa ban cho đức vâng lời.

    Với 84 năm trên hành trình dương thế, tu sĩ Gia-cô-bê Hum đã lưu lại cho đời những dấu chân đậm nét thành công dựa trên nền tảng là rất nhiều nhân đức.

    Ngày nay, giữa nhịp sống ồn ào, sôi động của xã hội hiện đại, hãy đánh thức hồn ta thoát khỏi bóng tối thờ ơ, lãnh đạm, vô cảm… mà sự thành công có thể tạo ra, để cùng với những người có tâm có tài thắp lên niềm tin và hy vọng cho thế giới. Hãy thêm những tiêu chuẩn mới gồm các nhân đức để làm thước đo cho thành công của bản thân, dù cho trước đây chúng ta chưa nghĩ tới.

    Chiêm ngắm chân phước Gia-cô-bê Hum và nhìn vào thực tế cuộc sống, ta nhận ra hương vị ngọt ngào khi thành công trong bất kỳ lãnh vực hay ngành nghề nào. Lòng ta vẫn thường trào dâng biết bao cảm xúc vui mừng đến nỗi khó có thể diễn tả hết bằng ngôn từ. Không những thế, thành công còn tạo nên một bức tường rào bảo vệ, hoặc một chiếc thang hoặc một bệ phóng về sự giàu sang quyền lực cho người sở hữu nó. Hãy ghi nhớ, khi đứng trên đỉnh thành công, hãy khiêm tốn ứng xử và loại bỏ tham vọng quyền lực trần thế.

    Lạy Chúa, khi đời con được bao phủ bởi nguồn ánh sáng của tài năng, của sự thành công, thì xin thương giúp con luôn sẵn sàng làm cho ánh sáng ấy lan rộng khắp nơi. Xin đừng để con ngủ yên trong sự thỏa mãn và tính kiêu ngạo của bản thân, nhưng để con đầy tràn lòng nhân ái; nhờ đó, con không quản ngại đến với những anh chị em nghèo khổ, những vùng đất khó khăn, để phục vụ cho lợi ích chung. Lạy Thiên Chúa quyền năng, con ca tụng và tôn vinh ngài. Amen.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/


    [1] http://hddmvn.net/tusach/thanhop/op%20thang10.htm#f
    Bài viết liên quan