Gio-an Giắc-giô sinh năm 1752 tại Cát-gien-than[1], miền Nam nước Pháp. Năm 20 tuổi Gio-an Giắc-giô xin vào Dòng Đa Minh, khi lãnh tu phục chàng lấy tên thánh là Tô-ma, từ đây chàng được gọi là Gio-an Giắc-giô Tô-ma. Chàng sống đời dâng hiến trong Dòng và trở thành linh mục Giảng thuyết.
Cuộc cách mạng Pháp bùng nổ từ năm 1789 đến năm 1799 đã ảnh hưởng đến nước Pháp, đến thế giới và Giáo hội Công giáo tại Pháp cũng phải trải qua nhiều biến động. Cuộc cách mạng diễn ra, chính quyền mới đã ban hành luật xóa bỏ những đặc quyền của giới giáo sĩ, chuyển toàn bộ tài sản của Giáo hội cho chính quyền quốc gia. Ngoài ra, còn có thêm luật được nhà vua ấn ký, đã biến các giáo sĩ trở thành những người làm công cho nhà nước và yêu cầu họ phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Hiến pháp; đồng thời cũng biến Giáo hội Công giáo thành một lực lượng của nhà nước thế tục.
Phản ứng lại bộ luật này, các giáo sĩ của Giáo hội Công giáo Pháp đã bị phân hóa thành hai phái: một là "phái tuyên thệ" - gồm những người đã lập lời thề chấp nhận sự sắp đặt mới của nhà nước; hai là "phái không tuyên thệ" - gồm những người không chịu chấp nhận theo sự sắp đặt của chính quyền. Những giáo sĩ không chịu chấp nhận theo sự sắp đặt của chính quyền, sẽ bị bắt và bị thảm sát trên toàn đất Pháp. Các tu viện bị phá hủy và giải tán…
Năm 1793, cha Gio-an Giắc-giô Tô-ma bị bắt cùng 64 người khác, là những người quyết trung thành bảo vệ đức tin. Cha bị nhốt trong một nhà tù ở Nan-xi. Dưới triều đại Au-gut-tô độc ác, từ tháng 5 đến tháng 8/1794, nhiều người bị bắt và bị giết. Cha Gio-an Giắc-giô Tô-ma cũng đã bị sát hại ngày 11/8/1794. 200 năm sau (ngày 10/10/1995) Đức Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã tôn cha lên hàng chân phước.
Thể chế xã hội luôn ảnh hưởng đến tôn giáo. Có những thể chế xã hội nâng đỡ niềm tin tôn giáo, có những thể chế xã hội tiêu diệt niềm tin. Cuộc cách mạng Pháp xuất hiện, thể chế xã hội mới này loại trừ niềm tin tôn giáo. Cha Gio-an Giắc-giô Tô-ma và 64 anh chị em khác vẫn giữ vững đức tin trong các biến động của thời cuộc. Đó là một ân ban và là điều chúng ta phải tha thiết cầu xin Chúa.
Hằng năm, Giáo hội Công giáo có thêm nhiều anh chị em tân tòng lãnh các Bí tích khai tâm, các chị em này được làm con Chúa và được hiệp thông trong Giáo hội. Đây là niềm vui thật lớn lao vì ơn đức tin Chúa ban cho các anh chị em ấy. Việc lãnh nhận đức tin là quan trọng, nhưng việc giữ cho đức tin được bền vững và lửa đức tin được bừng sáng là điều cần thiết.
Thánh Tô-ma A-qui-nô vị tiến sĩ thiên thần đã nói: “Đức tin là một tập quán của tâm trí, nhờ đó đời sống vĩnh cửu được khởi đầu trong chúng ta… Không có đức tin thì không thể làm vui lòng Thiên Chúa được… Chúng ta cũng không thể đạt được ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu, trừ khi chúng ta có đức tin và tin những điều Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta. Vậy nên, đức tin hữu ích để mở cánh cửa dẫn đến ước ao trong sâu thẳm tâm hồn mình là hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa, và theo nghĩa nào đó, đời sống đó khởi đầu ngay khi chúng ta có đức tin và chấp nhận để ơn Chúa hoạt động trong tâm hồn mình”.[2]
Khi các anh chị em Tân tòng lãnh nhận Phép Rửa, họ bước vào một cộng đoàn niềm tin. Họ không tách rời khỏi xã hội cũ nơi họ sống và làm việc. Niềm tin và cách sống của con người mới được đặt trong môi trường mà ở đó các anh chị em ấy trở thành muối, men và ánh sáng. Chúng ta và các anh chị em ấy cũng phải luôn tự hỏi, chúng ta phải làm gì để nuôi dưỡng đức tin của mình?
Thánh Tô-ma A-qui-nô trả lời giúp: “Chúng ta có thể lớn lên trong đức tin qua việc lãnh nhận các bí tích, suy gẫm sách thánh và các giáo huấn của Giáo hội.”[3]
Giây phút này, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho các anh chị em tân tòng cũng như cho tất cả chúng ta giữ được lửa đức tin, để chúng ta sống sung mãn trong tình yêu của Chúa. Đồng thời chúng ta cũng có đủ sức để làm cho ơn đức tin lan tỏa đến những người chúng ta gặp gỡ.
Nguồn tin: http://daminhrosalima.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 138 | Tổng lượt truy cập: 4,163,048