Chân phước Gio-an-na Ô-vi-ê-tô (24/7)

  • 15/01/2023 18:39
  • Chị Gio-an-na sinh ra trong một gia đình nông dân ở Ô-vi-ê-tô Tốt-can-na năm 1264. Chị qua đời năm 1306. Ðức giáo hoàng Biển Ðức XIV tôn chị lên hàng chân phước năm 1754.

     

    Ngày 24 tháng 7

    Chân phước Gio-an-na O-vi-ê-tô

    B. Joanna de Orvieto 

    Trinh nữ (1264-1306)

    1.  Tiểu sử

    Vùng O-vi-ê-tô Tốt-can-na có một ngôi giáo đường lộng lẫy được cung hiến cho Chúa Giê-su Thánh Thể. Cách đó không xa, tại Bôn-xê-na, một phép lạ nổi tiếng đã chứng minh sự hiện diện của Chúa Giê-su trong phép thánh Thể. Khi đức giáo hoàng U-ban-nô IV nghe biết có một phép lạ xảy ra ở Bôn-xê-na, người đề nghị thánh Tô-ma A-quy-nô sáng tác một bản văn phụng vụ tôn vinh phép Thánh Thể và thánh Tô-ma đã thực hiện công việc này tại tu viện thánh Ða Minh ở O-vi-ê-tô.

    Vào năm 1264, một năm sau khi xảy ra phép lạ trên, một gia đình nông dân ở O-vi-ê-tô Tốt-can-na đã sinh hạ một bé gái có tên là Gio-an-na. Với chị, những tháng ngày hạnh phúc dưới mái ấm gia đình nhanh chóng qua đi. Chị mồ côi cha mẹ ngay từ khi còn rất trẻ. Chị đến O-vi-ê-tô làm nghề may để kiếm sống. Các tu sĩ dòng Biển Ðức ở La Xuốc kể lại rằng : "Chị Gio-an-na có vóc dáng cao lớn, đầy đặn, vẻ mặt hồng hào. Chị gia nhập Dòng Ba Ða Minh, mặc dù tình trạng sức khoẻ không cho phép chị đáp ứng ơn gọi tu trì."

    Tuy thế, chị vẫn kiên trì luyện tập nhân đức và hãm mình như chị hằng mong ước. Chị còn tận dụng hoàn cảnh này để luyện tập đức khiêm nhường. Tuy cộng đoàn có đến 100 chị em, nhưng không mấy ai quan tâm đến chị Gio-an-na. Chị đã âm thầm đón nhận hoàn cảnh bi đát này và không ai còn nghi ngờ về những buổi trò chuyện huyền nhiệm Thiên Chúa đã dành cho chị. Chị rất đơn sơ và chăm chỉ. Mọi người trong thành phố đều yêu mến chị. Họ thường đến xin chị giúp đỡ trong bất cứ hoàn cảnh nào, từ việc khuyên bảo cho đến việc chăm sóc các bệnh nhân.

    Trong 42 năm sinh thời, chị đã để lại bao nhiêu công đức cho hậu thế. Chị trải qua 9 năm cuối đời trong mái ấm của tu viện và qua đời năm 1306.

    Người ta kể rằng, chị đã hiện ra với một tu sĩ và yêu cầu dời hài cốt của chị ra khỏi nghĩa trang, bởi vì dân chúng chỉ đến đây trò chuyện mà không chú tâm vào việc cầu nguyện. Hài cốt chị được đưa về an táng trong một ngôi mộ đơn sơ tai nhà thờ thánh Ða Minh. Ðức giáo hoàng Biển Ðức XIV tôn chị lên hàng chân phước năm 1754.

    2.  Cầu nguyện cho người kém may mắn

    Cuộc đời cũng giống như chiếc gương, mà khi soi có ai muốn nhìn thấy nét mặt buồn thảm, u tối thay vì vui tươi rạng ngời đâu. Dẫu vậy, khi những sự không may mắn ập xuống trên ta, trên gia đình, trên người thân, ta lại bị giằng co giữa bình an và bất an, giữa đón nhận và chối bỏ, giữa lạc quan và bi quan làm khuôn mặt, thái độ sống của ta dễ bị méo mó. Giữa những nỗi băn khoăn đó, giữa những câu hỏi nan giải từ trong cuộc sống vẫn còn đang bỏ lửng đó, cuộc đời của chân phước Gio-an-na Ô-vi-ê-tô sẽ giúp ta tìm ra chọn lựa đúng đắn và lời giải đáp tích cực cho bản thân những lúc gặp khó khăn, thua thiệt.

    Từng bước đón nhận và vượt qua nỗi đau, chị bắt đầu theo học và làm nghề may để sinh sống. Vốn tính đơn sơ, chăm chỉ và giàu lòng bác ái, chị Gio-an-na luôn sẵn sàng khuyên bảo, quan tâm, nâng đỡ hết mọi người, dẫu rằng ít khi chị được nhận lại những điều ấy. Đau yếu thể xác đã được chị hóa giải để trở thành sức mạnh tinh thần, chị hết lòng chăm sóc các bệnh nhân. Đau khổ, nghịch cảnh đã trở thành cơ hội cho khát khao nên trọn lành, vì thế chị Gio-an-na xin gia nhập dòng Ba Đa Minh. Yêu mến tinh thần Dòng, chị chuyên cần luyện tập nhân đức, sống khiêm nhường, hy sinh hãm mình cách âm thầm và tha thiết kết hiệp thân tình với Chúa.

    Gian nan, bất hạnh nay đã biến thành ân phúc. Chị qua đời sau bốn mươi hai năm trên bước đường dương thế. Bông hoa nhỏ bé là chị Gio-an-na Ô-vi-ê-tô vẫn luôn xinh tươi trước tấm gương cuộc đời và mãi tỏa hương thơm dịu nhẹ bằng muôn ngàn công đức. Hơn 400 năm sau ngày chị qua đời (1754), Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIV đã tôn phong chị lên hàng chân phước.

    Chiêm ngắm chân phước Gio-an-na Ô-vi-ê-tô ta có quyền hy vọng rằng những ai đau khổ, kém may mắn, mồ côi, bệnh tật… sẽ được lấp đầy bằng sức mạnh tình yêu. Thật vậy, đôi lúc ta nhìn thấy những hình ảnh từ cuộc sống đẹp như tranh vẽ: cảnh bố mẹ và con cái cùng nhau vui chơi, cảnh những bữa cơm ấm áp tình thân của gia đình hàng xóm, cảnh những em bé đang tung tăng chạy nhảy… nhìn lại, ta thấy mình thiếu tất cả các hình ảnh đẹp ấy.

    Ước gì những thiếu vắng tình thân của ta vẫn giúp ta vui và hạnh phúc với người xung quanh, vẫn làm cho ta đón nhận cuộc sống như cuộc sống là, để ta được giàu có và thanh thản trong tâm hồn. Quả vậy, ông Gióp - một nhân vật nổi tiếng đạo hạnh trong Kinh Thánh. Ông đã phải gánh chịu bao tai ương nhưng ông vẫn tràn đầy niềm cậy trông vào Thiên Chúa. Ông đã đón nhận biết bao đau khổ, nhưng ông đã để lại cho ta kinh nghiệm đáng quý khi nói: “Chúng ta đã đón nhận điều lành từ tay Thiên Chúa, còn điều dữ tại sao chúng ta lại không biết đón nhận ?” (G 2,10a).

    Nhìn vào chân phước Gio-an-na và nhìn vào ông Gióp, ước gì mỗi người chúng ta, dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn ghi nhớ: “Trong khi bị gian nan thử thách, ông Gióp đã nghiệm ra hương vị ngọt ngào của các ơn lành, để xoa dịu tâm hồn mình đang chìm ngập trong đau thương”.[1]

    Lạy Chúa, xin xót thương con, này đây con chẳng che giấu những vết thương của con. Chúa là lương y con là bệnh nhân, Chúa là Đấng hay thương xót còn con là kẻ đáng thương. Lạy Chúa, xin xót thương con, bởi vì những nỗi phiền muộn sâu xa của con đang chống lại những niềm vui tốt lành, xin Chúa hướng dẫn con, xin Chúa ở bên con, xin Chúa đỡ nâng con, xin Chúa thêm sức cho con và xin Chúa chỉ bảo con.

    Lạy Chúa, cuộc sống của con nơi dương thế chẳng phải là một thử thách đó sao? Con hiểu rằng, vì con chưa gắn bó hết mình với Chúa, vì con chưa được đầy tràn Chúa, nên con còn là gánh nặng cho chính bản thân và mọi người. Nguyện ước cho tất cả niềm hy vọng của con chỉ còn đặt nơi Chúa mà thôi.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/


    [1] Trích sách của thánh Grêgôriô Cả - giáo hoàng, bàn về Những vấn đề luân lý trong sách Gióp, bài đọc 2, bài đọc Kinh Sách thứ 2 tuần VIII thường niên

    Bài viết liên quan