Chân phước Gio-an Xa-le-nô (09/8)

  • 15/01/2023 18:39
  • Cha Gio-an Xa-le-nô qua đời khoảng năm 1242. Cha qua đời khoảng năm 1242. Chẳng bao lâu sau khi cha qua đời, ngày ngày đông đảo khách hành hương đến kính viếng mộ của ngài. Năm 1783, đức giáo hoàng Pi-ô VI suy tôn ngài lên bậc chân phước.

    Ngày 9 tháng 8

    Chân phước Gio-an Xa-le-nô

    B. Joannes de Salerno

    Linh mục (+1242)

    1.  Tiểu sử

    Chân phước Gio-an Xa-le-nô thuộc thế hệ tu sĩ Ða Minh đầu tiên. Người sinh tại Xa-le-nô gần Nê-a-pô-li, trong một gia đình thuộc dòng dõi chinh phục vùng Noóc-măng-đi. Người theo học tại Bô-lô-ni-a. Tại đây, người đã gặp thánh Ða Minh và được trao tu phục từ chính tay cha thánh năm 1219. Ngay sau đó, cha thánh đã gửi người và 12 bạn đồng hành đến lập tu viện ở Phi-ren-xê. Một người tội lỗi ăn năn trở lại đã giúp đỡ anh em bằng cách dâng cúng một khu đất của mình để xây một đan viện và một nguyện đường ở ngoại ô Phi-ren-xê, hầu anh em có thể thực hiện “kế hoạch Ri-pô-li” : đó là những phôi thai đầu tiên của tu viện.

    Những anh em đầu tiên của cha Gio-an có ý định chỉ sống chiêm niệm trong nội thất tu viện, nên người đã nhắc nhở họ rằng : chúng ta đến đây không phải để sống cho mình, nhưng là vì phần rỗi các linh hồn. Thế là họ lên đường trở về thành phố, bắt đầu việc rao giảng với tất cả lòng nhiệt thành, sống bác ái trong cảnh túng nghèo. Dân chúng lấy làm phấn khởi vì được nghe các ngài rao giảng. Cha Gio-an tổ chức những buổi giảng thuyết chống lại bè rối Ca-tha, vì họ thường đến gây nhiễu loạn các tín hữu. Qua đó, người đã thu hút nhiều bạn trẻ đến với Dòng.

    Sau khi một đan sĩ tại Ri-pô-li qua đời, anh em quyết định thiết lập cơ sở tại Phi-ren-xê. Thế là Ri-pô-li trở thành một tu viện dành cho các tu sĩ Ða Minh, và anh em còn xây dựng thêm những căn nhà mộc mạc mang tên thánh Pan-cơ-rát và thánh Phao-lô. Tháng 5 năm 1221, thánh Ða Minh đến thăm các anh em ở Phi-ren-xê và khuyên nhủ các anh em vượt qua những trở ngại anh em đang phải đương đầu với những chống đối của một số kinh sĩ trong giáo phận. Vài tháng sau, cha Gio-an Xa-le-nô đến thăm cha thánh khi người đang trên giường bệnh ở Bô-lô-ni-a. Tại Phi-ren-xê, các kinh sĩ dòng thánh Phao-lô trục xuất các tu sĩ Ða Minh trong lúc cha Gio-an vắng nhà. Khi trở về, một linh mục phụ trách nguyện đường thánh Ma-ri-a Nu-ven-lơ có nhã ý nhượng quyền cai quản cho các tu sĩ Ða Minh và thế là các ngài đã dọn đến định cư tại đây ngày 8-11-1221.

    Cha Gio-an Xa-le-nô điều hành tu viện trong nhiều năm. Người đã nên gương sáng về đời sống khổ hạnh và cầu nguyện sốt sắng ; Những giờ cầu nguyện của người có khi kéo dài thâu đêm.

    Cha Gio-an Xa-le-nô qua đời khoảng năm 1242. Người để lại cho hậu thế một tấm gương chói ngời về đời sống nhân đức và lòng nhiệt thành. Chẳng bao lâu sau khi cha qua đời, ngày ngày đông đảo khách hành hương đến kính viếng mộ của người. Năm 1783, đức giáo hoàng Pi-ô VI suy tôn người lên bậc chân phước.

     

    2.  Vì phần rỗi các linh hồn

    Có những cuộc đời, những tâm hồn vẫn mãi là tiếng âm vang cho các thế hệ mai sau về một lý tưởng, một giá trị sống. Qua dòng chảy thời gian của anh em Giảng Thuyết suốt tám thể kỉ, cuộc đời chân phước Gio-an Xa-le-nô vẫn còn làm vang vọng lời thôi thúc lòng nhiệt thành dấn thân vì phần rỗi các linh hồn nơi các thế hệ hôm nay.

    Chân phước Gio-an Xa-le-nô được kể vào thế hệ những môn đệ tiên khởi của thánh Đa Minh. Ngài sinh tại Xa-le-nô gần Nê-a-pô-li và đã từng theo học tại đại học Bô-lô-nha. Ngài gia nhập Dòng tại trường này và đã được nhận tu phục từ chính tay cha thánh Đa Minh vào năm 1219. Ngài được xem là nhà giảng thuyết nổi bật và là một nhân vật đáng chú ý trong nhóm các bậc anh tài đệ tử ruột của cha thánh Đa Minh. Bên cạnh những hương thơm nhân đức của người tu sĩ thánh thiện, yêu mến đời sống khổ hạnh, cầu nguyện sốt sắng, ngài còn sáng ngời về những phẩm chất của một vị bề trên hoàn hảo. Nhưng nổi bật hơn cả, ngài vẫn được xem như là “kẻ chài lưới người thành công”.

    Quả thực, Thiên Chúa đã ban nhiều ân sủng cho cha Gio-an Xa-le-nô để dùng ngài như “chiếc búa đập tan lạc giáo” thời ấy; và như chiếc lưới nhẹ nhàng kéo các linh hồn hối nhân trở về. Lời giảng, cuộc đời và lòng nhiệt huyết tông đồ của ngài, thực sự là âm vang trong những tâm hồn đang khao khát truyền giảng Lời Chúa. Giữa lúc anh em đang chùn bước trước những thách đố, muốn tìm ẩn náu trong đời sống chiêm niệm của nội thất tu viện, thì tiếng nói nhiệt thành của cha Gio-an Xa-le-nô đã vang lên để thức tỉnh và thúc giục: “Chúng ta đến đây không phải để sống cho mình, nhưng là vì phẫn rỗi các linh hồn”.

    Tuyệt vời thay, một nhóm những thợ gặt linh hồn sau lời nhắc bảo đã cùng cha Gio-an Xa-le-nô, hăng hái rời khỏi nội vi hẻo lánh - an bình để tiếp tục ra đi dấn thân, tung gieo Lời chân lý và quyết tìm cho kỳ được các linh hồn về cho Chúa. Vâng, một lời của cha Gio-an đã đánh thức những anh em cùng thời trong việc ý thức về linh đạo của Dòng, một cuộc đời còn để lại âm vang cho Dòng Anh Em Giảng Thuyết, hầu giúp các anh em luôn trung tín trong sứ vụ vì phần rỗi các linh hồn.

    Dọc dài suốt 800 năm lịch sử, vẫn có đó sự hiện diện của người tu sĩ Đa Minh trong cuộc lữ hành đức tin của Giáo hội. Nhưng thời cuộc luôn có nhiều đổi thay, xã hội và Giáo hội luôn có những bước chuyển mình, đời sống của những thợ gặt linh hồn hôm nay và ngày mai luôn phải đối mặt với những thách đố, cùng linh động trước những đổi thay. Thế nên, lời âm vang của cha Gio-an Xa-le-nô vẫn luôn thức thời để giúp cho mỗi tu sĩ Đa Minh thực thi sứ vụ. Và lời ấy tựa như điều mà đức thánh cha Phan-xi-cô đã nhắn nhủ cách đặc biệt: “...Hãy duy trì các đặc sủng cách sinh động để cho chúng được phong phú và thích nghi mà không giảm bớt tính cách độc đáo, với cùng một sức mạnh mà  Thánh Linh đã gợi lên, để phục vụ Giáo hội và góp phần vào việc thiết lập Nước Thiên Chúa.”[1] 
    Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã trao ban cho chúng con những thợ gặt nhiệt thành sống hết mình để dẫn đưa các linh hồn trở về với Chúa. Chúc tụng Chúa, vì đường lối huyền nhiệm của Người đã biến cuộc đời chân phước Gio-an thành lời vang vọng đánh thức các thợ gặt linh hồn luôn nhiệt thành dấn thân. Ngợi khen Chúa, vì Người vẫn còn thương gởi đến cho cánh đồng Giáo hội hôm nay những thợ gặt âm thầm, hăng say ra đi không mỏi mệt truyền rao chân lý. Và trong ơn thánh Chúa, chúng con cũng cảm nghiệm rằng: cho dẫu nhiệt huyết của những tâm hồn tông đồ có dâng cao, thì cũng không thể dập tắt hết mọi bão tố của những thách đố luôn mới trong dòng chảy thời đại. Xin Chúa đồng hành và nâng đỡ những ai đang phục vụ Chúa trên cánh đồng vì phần rỗi các linh hồn. Amen

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/


    [1]  Tông thư của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gửi tất cả những người tận hiến nhân dịp năm Đời sống thánh hiến 2015.
    Bài viết liên quan