Chân phước Giô-đa-nô Pi-xa (19/8)

  • 15/01/2023 18:39
  • Chân phước Giô-đa-nô chào đời tại Pi-xa nước Ý vào năm 1261. Người đã được đức giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô XVI (1831-1846) nâng lên hàng chân phước.

    Ngày 19 tháng 8

    Chân phước GIÔ-ÐA-NÔ PI-XA

    B. Jordanus de Pisa

    Linh mục (1260c.+1311)

    1.  Tiểu sử

    Chân phước Giô-đa-nô là một trong số các vị giảng thuyết nổi tiếng vào thời sơ khai của Dòng Ða Minh tại Ý. Giô-đa-nô sinh ra tại Pi-xa nước Ý vào năm 1261., tại đây, người lãnh nhận tu phục Dòng Ða Minh năm 1280. Sau khi theo học tại Pa-ri, rồi ở Bô-lô-ni-a, người dạy thần học tại tu viện Pi-xa trước khi được bầu làm giám đốc học vụ tại học viện thánh Ma-ri-a Nu-ven-lơ ở Phi-ren-xê.

    Là một học giả uyên bác, cha Giô-đa-nô đã đọc nhiều tác phẩm của các tác giả cổ đại. Người sử dụng thông thạo tiếng Hy Lạp và còn học tiếng Híp-ri cùng với một người bạn gốc Do thái. Người là một nhà thần học có tầm hiểu biết sâu rộng về triết học và say mê nghiền ngẫm Thánh Kinh, nhất là các thư của thánh Phao-lô, đến độ người có thể đọc thuộc lòng các thư ấy nhờ trí nhớ tuyệt vời của mình.

    Thêm vào đó, cha Giô-đa-nô còn là một tu sĩ có niềm tin sống động. Nội dung những bài giảng của cha thường nhấn mạnh đến lòng nhân hậu của Thiên Chúa và sự tôn sùng Ðức trinh nữ Ma-ri-a.

    Cha Giô-đa-nô đi rao giảng khắp nơi trên đất Ý, nhất là ở Phi-ren-xê, có những ngày người giảng đến 5 lần tại các nhà thờ và các quảng trường. Dân chúng Phi-ren-xê theo người khắp nơi, và người ta có thói quen ghi lại những bài giảng của người. Ðó là một cung cách rao giảng Tin Mừng hết sức bình dân, đầy lý luận nhưng lại giản dị, phong phú và súc tích. Cha còn là một trong số những người tiên phong trong việc bãi bỏ tiếng La tinh và dùng tiếng Tốt-ca-na đương thời để rao giảng cho đại chúng, ngôn ngữ này vốn đã được thi hào Ðan-tê khéo léo vận dụng trong các tác phẩm của mình. Ðến lượt mình, cha Giô-đa-nô cũng góp phần quan trọng trong việc chuẩn định các thành ngữ Tốt-ca-na và các bài giảng của người đã trở thành những tư liệu quý giá về dạng thức nguyên thuỷ của ngôn ngữ Tốt-ca-na.

    Người gặt hái được rất nhiều thành quả to lớn trong việc giúp người dân vùng Phi-ren-xê cải thiện đời sống, cũng như tạo mối giao hảo giữa hai phái Bạch đảng (Gueffe) và Hắc đảng (Gibelin). Sau này, khi người được bổ nhiệm tại Pi-xa, những hoạt động của người tại đây cũng đem lại những thành công đáng kể.

    Dòng tiến cử cha Giô-đan-nô lên chức tổng giảng sư và bề trên gửi người lên Pa-ri nhậm chức giảng sư thần học, nhưng trên đường đi, người qua đời tại Pơ-le-giăng khi mới 50 tuổi. Dân thành Pi-xơ tuốn đến Pơ-le-giăng để tìm kiếm thi hài của người, rồi tổ chức một đám rước đông đảo các tín hữu đưa thi hài của người về Pi-xa trong niềm xúc động thương tiếc. Sau đó, người đã được đức giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô XVI (1831-1846) nâng lên hàng chân phước.

     

    2.  Hội nhập văn hoá 

    Về vấn đề hội nhập văn hóa, Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã khẳng định: “Trong nhiều hoàn cảnh sống khác nhau trải dài qua các thế kỷ, Giáo hội đã sử dụng tài nguyên của các nền văn hóa khác biệt để phổ biến và giải thích cho muôn dân sứ điệp của Chúa Ki-tô trong khi rao giảng, để khám phá và thấu hiểu sâu xa hơn, để diễn tả sứ điệp ấy cách tốt đẹp hơn trong các lễ nghi phụng vụ và trong cuộc sống đa dạng của cộng đoàn các tín hữu[1]. Lần mở những trang lịch sử Giáo hội Công Giáo chúng ta càng có thể khẳng định cách chắc chắn về điều này, nhất là qua cuộc đời của chân phước Giô-đa-nô Pi-xa.
    Trong phút cầu nguyện này, chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà truyền giáo và hết những ai đang hoạt động tông đồ, xin cho họ biết cách hội nhập vào các nền văn hóa của những dân tộc nơi các vùng truyền giáo, và xin cho họ luôn ý thức rằng: “Vì được sai đến với tất cả các dân tộc ở mọi nơi mọi thời, Giáo hội không để bị ràng buộc theo kiểu độc chiếm, hay tuyệt đối gắn liền với một chủng tộc hay quốc gia, với một lối sống đặc thù hoặc một tập tục cũ hay mới nào”.[2]
    Năm 19 tuổi cậu nhận lãnh tu phục dòng Đa Minh. Trải qua những tháng ngày học tập tại Pa-ri và Bô-lô-ni-a, cha Giô-đa-nô trở thành một học giả uyên bác, một nhà thần học thâm sâu. Với nhiệt tâm giảng thuyết, cha đã có rất nhiều những sáng kiến mục vụ. Cha đã đi bước trước trong việc dùng tiếng dân tộc Tốt-ca-na cho các bài giảng, thay vì dùng tiếng La-tinh. Từng là nhà giảng sư thần học, giám đốc học vụ có kiến thức sâu rộng, cha đã rao giảng Tin Mừng bằng ngôn ngữ bình dân, giản dị nhưng lại phong phú, súc tích và đầy lý luận. Hơn thế nữa, cha còn làm nổi bật lên trong các bài giảng lòng nhân hậu của Thiên Chúa và việc tôn kính Đức Maria.
    Liên quan đến điều này, chúng ta hãy tự đặt ra những câu hỏi cho riêng mình: Cách thức nào được tôi dùng để chuyển trao Lòng Thương Xót của Chúa và lòng yêu mến Mẹ Maria cho người khác? Có phải tôi đã bị cuốn hút vào một xã hội đề cao lợi nhuận và hưởng thụ nên tôi đã vội lãng quên vai trò chứng tá của mình? Tôi có sẵn sàng sẻ chia những cảm nghiệm về tình thương Chúa dành cho tôi hay không?
    Sống trong lòng Giáo hội, bạn - tôi - chúng ta cách này hay cách khác đều là những tông đồ, những vị thừa sai. Do đó, bước chân truyền giáo của ta cần phải hài hòa với từng môi trường cụ thể. Ở những thành phố có lối sống hiện đại, tiện nghi đầy đủ, người tông đồ thường gặp phải những cám dỗ và thách đố không nhỏ. Khi được sai đến những vùng xa xôi, những vùng cao, vùng nông thôn với những người dân tộc thiểu số, nếu chúng ta có thể nói cùng thứ ngôn ngữ, ăn cùng những thổ sản và hiểu được những nét văn hóa đặc trưng, thì cánh đồng truyền giáo ắt hẳn sẽ cho một mùa gặt bội thu. Dẫu vậy, người tông đồ cần giữ lại những nét tinh hoa của mình và của người, cần khéo léo để đẩy xa những hư tục phương hại đến sự sống cho mất đi.
    Nhìn lại hành trình năm mươi năm của cha Giô-đa-nô, ta thấy nổi bật lên rất nhiều thành công mục vụ. Làm được điều này là do bởi cha Giô-đa-nô Pi-xa đã sớm hội nhập vào văn hóa thời đó và xóa đi những cách biệt do bất đồng ngôn ngữ, do khác biệt văn hóa hoặc do chênh lệch về mặt bằng kiến thức. Với sự thánh thiện và tài đức, cha Giô-đa-nô đã được đức giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô XVI tôn lên hàng chân phước.
    Lạy Chúa, khi thực thi sứ vụ tông đồ, nếu lời nói và việc làm của con phù hợp, con sẽ góp phần làm vinh danh Chúa và hướng đến tha nhân. Trước sự đa dạng của văn hóa vùng miền, của phong tục tập quán, của ngôn ngữ các dân tộc, của lối sống lạc hậu hay hiện đại con vẫn là tông đồ của Chúa. Con cần Chúa đồng hành hướng dẫn.
    Như chân phước Giô-đa-nô Pi-xa, xin Chúa dạy con biết cách chọn lựa nội dung và hình thức dấn thân, để con giới thiệu Chúa qua những nét đẹp văn hóa mà “vẫn trung thành với những truyền thống đặc thù, đồng thời ý thức được sứ mệnh phổ quát” của Giáo hội
    [3].

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/


    [1] Trích CĐ Vat II, Hiến chế Mục vụ, số 58.
    [2 Trích CĐ Vat II, Hiến chế Mục vụ, số 58.
    [3] Trích Cđ Vat II, Hiến chế Mục Vụ, số 58.

     

    Bài viết liên quan