Chân phước Lô-ren-xô Ri-páp-rát-ta (28/9)

  • 15/01/2023 20:06
  • Cậu Lô-ren-xô chào đời tại lâu đài Ri-páp-ra-ta dưới chân núi Pi-xa vào năm 1359. Cha Lô-ren-xô đã an nghỉ trong Chúa năm 1457. Cha được đức giáo hoàng Pi-ô IX tôn phong chân phước năm 1851.

     

    Ngày 28 tháng 9

    Chân phước Lô-ren-xô Ri-páp-ra-ta

    B. Laurentius de Ripafratta

    Linh mục (1359-1457)

    1.  Tiểu sử

    Chân phước Lô-ren-xô là một trong những nhà cải cách sáng giá trong cuộc tái thiết Dòng ở thế kỉ XIV, khi cuộc Ðại Ly giáo và "cơn dịch đen" tàn phá toàn bộ Dòng và gần như xóa sổ các tu viện. Chỉ một số ít người sống sót nhưng mang tâm trạng chán nản và buông xuôi.

    Cậu Lô-ren-xô chào đời tại lâu đài Ri-páp-ra-ta dưới chân núi Pi-xa vào năm 1359. Cậu theo học ở Pi-xa. Năm 20 tuổi cậu lãnh tu phục Dòng Ða Minh và được thừa hưởng tinh thần của một nhà cải cách vĩ đại của Dòng đó là chân phước Gio-an Ða Minh.

    Thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na là người đã gieo mầm cho công cuộc cải tổ ; theo đó, chân phước Rây-mun-đô Ca-pua, vừa là bạn thân, vừa là người viết tiểu sử về thánh nữ, khi trở thành bề trên tổng quyền đã tiếp ứng và duy trì cuộc cải cách này. Về phía các nữ tu, chân phước Cơ-la-ra Gam-ba-co-ta người Pi-xa, đã hăng say hưởng ứng cuộc cải tổ này. Còn đối với các nam tu sĩ, chân phước Gio-an Ða Minh và Lô-ren-xô đóng vai trò xuất sắc trong việc này. Thật vậy, cha Gio-an Ða Minh đã giao cho tu sĩ Lô-ren-xô nhiệm vụ huấn luyện các tập sinh ở Co-tôn. Tại đây vào năm 1405, cha Lô-ren-xô làm giám sư tập sinh. Trước tiên, cha là vị giáo tập của thánh An-tô-ni-nô, thứ đến là chân phước Phê-rô Ti-phe-nơ. Rồi vào năm 1407, cha là giáo tập của tu sĩ An-giê-li-cô và Bê-nê-đét-tô là hai danh họa người Mu-gie-lô đã bị thánh Ða Minh chinh phục.

    Vốn là một giám sư tập sinh nghiêm cẩn, người biết thắp lên ngọn lửa nhiệt tình trong tâm hồn của mỗi tập sinh, với lòng kiên nhẫn cha dần dần uốn nắn tâm tư của họ. Cha có biệt tài định hướng ơn gọi chuyên môn cho mỗi tập sinh và phát triển năng khiếu tự nhiên của họ. Cha hướng dẫn tu sĩ Phê-rô theo con đường chiêm niệm, tu sĩ An-tô-ni-nô theo đường học vấn, tu sĩ An-giê-li-cô và Bê-nê-đét-tô theo hướng phát triển tài năng hội họa.

    Cha đã ân cần nhủ bảo họ : "Các con rất yêu quí, Thiên Chúa đã không cho các con khả năng về khoa học, các con hãy theo đuổi sự nghiệp hội họa, các con sẽ không bao giờ thua kém những nhà giảng thuyết chân lý. Bởi vì chúng ta không chỉ dùng lời để thuyết phục người ta yêu mến Chúa, nhưng còn bởi gương lành và bởi các loại hình nghệ thuật - một phương cách tuyệt vời để diễn giải tư tưởng của con người. Trong số các loại hình nghệ thuật thì âm nhạc và hội họa giữ vị trí hàng đầu. Chắc chắn, có một số lớn những tội nhân mà tài năng hùng biện của các anh em chúng con không thể lay động tâm hồn họ được, thì họ lại thú nhận là đã bị cảm hóa khi chiêm ngưỡng những bức họa của các con. Các con có lợi thế hơn những anh em khác : "Trong khi lời nói không thể vang vọng đến những người sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh và miệng lưỡi của các nhà hùng biện lẫy lừng nhất cũng không thể vọng lên từ các nấm mồ, thì những kiệt tác thiên tài lại mang những giá vĩnh hằng ; chúng sẽ trường tồn như những nhà giảng thuyết có uy tín cả về đạo lý lẫn nhân đức."

    Chính cha đã rao giảng trong vùng và thánh An-tô-ni-nô đã lưu giữ lời cha với lòng hâm mộ sống động. Năm 1443, cha được đặt làm Tổng đại diện đứng đầu hiệp hội cải cách do thánh Gio-an Ða Minh thiết lập. Tu viện đầu tiên được cải tổ là Phi-ê-xôn. Cha Lô-ren-xô đã cư ngụ ở Pít-tô-gia, rồi hăng say trong sứ vụ giảng thuyết ; người ta nói về cha rằng : đó là một nhà giảng thuyết "non curiosus, sed utilis et copiosus" - "không nhằm thoả mãn tính hiếu kỳ của thính giả, nhưng nhắm đến hiệu quả và khả năng thuyết phục". Khi trở thành tổng giám mục Phi-ren-xê, trong tinh thần khiêm nhường, thánh An-tô-ni-nô đã phải nhờ đến sự khôn ngoan và thông tuệ của cha Lô-ren-xô trong việc điều hành giáo phận.

    Ðược biết cha Lô-ren-xô đã an nghỉ trong Chúa năm 1457, hưởng thọ 98 tuổi. Cha được đức giáo hoàng Pi-ô IX tôn phong chân phước năm 1851.

    2.  Nhiệm vụ của nhà giáo dục

    Vào năm 1359, dưới chân núi Pi-xa, trong lâu đài Ri-páp-rát-ta, cậu Lô-ren-xô cất tiếng khóc chào đời. Trong suốt thời thơ ấu, cậu theo học tại Pi-xa. Cậu vào Dòng Đa Minh và lãnh tu phục năm 20 tuổi. Cậu được thừa hưởng tinh thần của cha Gio-an Ða Minh, một nhà cải cách vĩ đại của Dòng Đa Minh lúc bấy giờ. Làm linh mục, cha Lô-ren-xô đã góp phần giúp Dòng Đa Minh đứng vững trước những nguy biến của cuộc Đại Ly Giáo và “cơn dịch đen” tàn phá vào thế kỉ XIV. Với đức độ và sự khôn ngoan Chúa ban, cùng với cha Gio-an Đa Minh, nữ thánh Ca-ta-ri-na Si-e-na, chân phước Rây-mun-đô Ca-pua, chân phước Cla-ra Gam-ba-cô-ta người Pi-xa, cha Lô-ren-xô đã hoàn thành sứ vụ cải cách Dòng thật xuất sắc.

    Như Mô-sê đã lãnh đạo và kiên trì huấn luyện dân Chúa suốt 40 năm trong sa mạc, cha Lô-ren-xô cũng thế, ngoài biệt tài lãnh đạo, cha còn là một nhà giáo dục tài ba đức độ. Với vai trò là giám sư Tập sinh, cha đã thắp lên ngọn lửa nhiệt thành với sứ vụ trong tâm hồn của mỗi Tập sinh. Cha đem hết tâm huyết và lòng kiên nhẫn mà uốn nắn họ. Cha có biệt tài định hướng chuyên môn cho mỗi Tập sinh và giúp họ phát triển năng khiếu tự nhiên. Như thế, cha đã góp phần đào tạo một đội ngũ chuyên ngành giảng thuyết và làm phong phú cho sứ vụ ấy qua nhiều phương thế khác nhau. Cha đã hướng dẫn tu sĩ Phê-rô theo đường chiêm niệm, tu sĩ An-tô-ni-nô theo đường học vấn, tu sĩ An-giê-li-cô và Bê-nê-đíc-tô theo hướng hội họa…

    Cha ân cần nhủ bảo các tu sĩ theo hướng hội hoạ rằng: "Các con rất yêu quí, Thiên Chúa đã không cho các con khả năng về khoa học, các con hãy theo đuổi sự nghiệp hội họa, các con sẽ không bao giờ thua kém những nhà giảng thuyết chân lýBởi vì chúng ta không chỉ dùng lời để thuyết phục người ta yêu mến Chúa, nhưng còn bởi gương lành và bởi các loại hình nghệ thuật - một phương cách tuyệt vời để diễn giải tư tưởng của con người. Các con có lợi thế hơn những anh em khác là: ‘Trong khi lời nói không thể vang vọng đến những người sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh và miệng lưỡi của các nhà hùng biện lẫy lừng nhất cũng không thể vọng lên từ các nấm mồ, thì những kiệt tác thiên tài lại mang đến những giá trị vĩnh hằng; chúng sẽ trường tồn như những nhà giảng thuyết có uy tín cả về đạo lý lẫn nhân đức’."

    Những lời khuyên dạy của cha Lô-ren-xô đã làm cho các Tập sinh sáng lên định hướng tương lai. Thật hạnh phúc cho những người trò gặp được những bậc thầy như thế, những người giúp họ nhận ra được khả năng của mình. Thật hạnh phúc cho xã hội có nhiều những nhà giáo dục tâm huyết như thế, họ sẽ đào tạo những thế hệ tương lai với đầy năng lực.

    Đức Khổng Tử dạy: “Có kiến thức thì không nghi ngờ, có lòng nhân thì không ưu tư, có dũng cảm thì không sợ hãi”. Quả thật, cái dũng của cha Lô-ren-xô đã giúp cha không sợ hãi nhưng can đảm gánh vác sứ mạng của Dòng, đỡ nâng Dòng đứng vững trước những cơn nguy biến của thời đại; với kiến thức là sự khôn ngoan bắt nguồn từ Thiên Chúa, cha đã có những quyết định không nghi ngờ khi định hướng ơn gọi chuyên môn cho mỗi Tập sinh và giúp họ phát triển năng khiếu tự nhiên; với lòng nhân cha đã sống trọn vẹn ơn gọi trong nhiều trách nhiệm khác nhau một cách thanh thoát, thánh thiện và an nhiên.

    Sau 98 năm tuổi đời, cha Lô-ren-xô đã an nghỉ trong Chúa. Bốn thế kỉ sau (1851) cha đã được đức giáo hoàng Pi-ô IX tôn phong lên hàng chân phước.

    Lạy Chúa, con thuyền Giáo hội của Chúa vẫn đang lênh đênh trên muôn trùng sóng nước, vì thế cần lắm những tài công vững tay chèo, giúp con thuyền vượt thắng những nguy biến và cập bến bình yên. Xin Chúa cũng thương ban cho các nhà giáo sự khôn ngoan, lòng nhiệt tâm và sự kiên nhẫn của chân phước Lô-ren-xô, để họ giúp cho các thế hệ tương lai định hướng nghề nghiệp chân chính, phù hợp với khả năng, hầu góp phần làm cho sức sống Giáo hội thêm triển nở, đời sống xã hội thêm thăng tiến. Xin cho các người trẻ biết ghi khắc công ơn và cầu nguyện cho các nhà giáo dục.

    Con lớn lên nhờ cha sinh mẹ dưỡng

    Biết làm người nhờ các giáo dạy khuyên

    Vị linh hướng chỉ ra các con đường

    Con vững bước và an tâm tôi luyện.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan