Chân phước Mác-cô Mơ-đên (20/9)

  • 15/01/2023 18:39
  • Chân phước Mác-cô Mơ-đên sinh tại Mơ-đên vào đầu thế kỷ XV. Cha qua đời tại tu viện này vào ngày 22-9-1498. Người được đức thánh cha Pi-ô IX suy tôn lên hàng chân phước năm 1857.

    Ngày 20/9

    Chân phước Mác-cô Mơ-đên

    B. Marcus de Modena

    (1420 - 1498)

    1.  Tiểu sử

    Mặc dù có rất ít thông tin về tiểu sử của chân phước Mác-cô Mơ-đên, nhưng dựa vào những thông tin hạn hẹp đó ta vẫn có thể hình dung cách sống động về nhân cách của người. Mặt khác, không có sự kiện nào vào thời ấy được truyền lại cho chúng ta, mà không bị biến dạng và trộn lẫn với các sự kiện khác. Thế nhưng, các chi tiết trong tiểu sử này đều có những điểm tương đồng : chân phước Mác-cô Mơ-đên là một tu sĩ đức độ và là một tông đồ nhiệt thành rao giảng Lời Chúa.

    Người sinh tại Mơ-đên vào đầu thế kỷ XV. Lúc còn trẻ người xin gia nhập tu viện thuộc Dòng Ða Minh ở quê nhà. Người say mê cầu nguyện, siêng năng suy gẫm các mầu nhiệm trong đạo, trung thành giữ các lời khấn và kỷ luật dòng, đánh tội phạt xác và tô điểm tâm hồn bằng các nhân đức. Vì mục đích chính của Dòng là các tu sĩ không chỉ khao khát ơn cứu độ cho chính mình mà còn nhiệt tâm chăm lo phần rỗi cho tất cả mọi người, nên cha đã miệt mài nghiên cứu thánh khoa và đi giảng dạy khắp nơi, mang lại nhiều hoa trái cho các linh hồn ở nhiều thành phố của nước Ý. Tiếng tăm về sự thánh thiện và thông thái đem lại cho người một uy tín ; sức mạnh siêu nhiên của tài hùng biện và gương sáng về đời sống thanh thoát đã đem lại một sức thuyết phục mạnh mẽ trong lời giảng của người. Vì thế, cha đã cảm hóa được nhiều tâm hồn, giúp họ từ bỏ đường tà và khơi dậy nơi tâm hồn họ niềm khao khát được nên trọn hảo.

    Khi cha được chọn làm bề trên tu viện Pê-xa-rô, anh em và dân cư trong thành phố hết lòng kính trọng và tín nhiệm người. Cha qua đời tại tu viện này vào ngày 22-9-1498.

    Người được đức thánh cha Pi-ô IX suy tôn lên hàng chân phước năm 1857.

    2.  Chứng tá đời sống

    Đức giáo hoàng Phao-lô VI đã nói: “Con người thời đại này thích nghe những chứng nhân hơn là những nhà giảng thuyết, và nếu họ có nghe những nhà giảng thuyết, thì bởi vì chính những nhà giảng thuyết cũng là những chứng nhân”[1].

    Cuộc đời chân phước Mác-cô Mơ-đên, là cuộc đời của một nhà giảng thuyết đã giảng bằng một đời sống chứng tá. Tiểu sử của ngài chỉ có ít dòng ngắn ngủi, không có ngày tháng năm sinh, chỉ biết ngài sinh tại Mơ-đên vào đầu thế kỷ XV. Lúc còn trẻ, ngài xin gia nhập dòng Ða Minh. Khi vào Dòng, ngài là một tu sĩ đức độ và là một tông đồ nhiệt thành rao giảng Lời Chúa. Ngài say mê cầu nguyện, siêng năng suy gẫm các mầu nhiệm trong đạo, trung thành giữ các lời khấn và kỷ luật dòng, đánh tội phạt xác và tô điểm tâm hồn bằng các nhân đức. Ngài miệt mài nghiên cứu thánh khoa và đi giảng dạy khắp nơi. Tiếng tăm về sự thánh thiện và thông thái đem lại cho ngài một uy tín; sức mạnh siêu nhiên của tài hùng biện và gương sáng về đời sống thanh thoát đã đem lại một sức thuyết phục mạnh mẽ trong lời giảng của ngài.

    Quả đúng như lời đức giáo hoàng Phao-lô VI đã nói: “Chính bằng cách xử thế, bằng đời sống mà Giáo hội sẽ rao giảng Tin Mừng cho thế giới, nghĩa là bằng chứng tá đời sống trung thành với Đức Kitô, sống nghèo khó và từ bỏ, sống không lệ thuộc vào các quyền lực thế gian, tắt một lời, chính bằng đời sống thánh thiện mà Giáo hội rao giảng Tin Mừng”[2].

    Chiêm ngắm chân phước Mác-cô Mơ-đên, khi ta đang sống giữa sự lên ngôi của chủ nghĩa thực dụng, ta có trăn trở để sẵn sàng âm thầm dấn thân thay cho ước mong nổi tiếng, được mọi người biết đến tán dương và ca ngợi không? Cũng vậy, với những việc làm nhỏ bé, tầm thường, ít người chọn lựa và quan tâm thì đâu là niềm vui, niềm hạnh phúc của người phục vụ?

    Nhà thơ Ta-go trong tập thơ “Mảnh trăng non”[3] đã kể một câu chuyện: Một buổi mai bước trên đường sỏi đá tôi kêu: “Có ai mướn tôi không?” Nhà vua tới, ngài cầm tay tôi và bảo: “Ta sẽ mướn ngươi bằng quyền tước”. Nhưng quyền tước của ngài chẳng ra gì, và ngài gióng xe đi. Trưa nóng nực,… tôi lang thang trên con đường khúc khuỷu. Một ông lão ôm gói vàng bước ra và bảo: “Ta sẽ mướn ngươi bằng tiền”… Ông nhắc từng đồng, nhưng tôi ngoảnh đi. Chiều về, vườn đầy hoa, người thiếu nữ xinh xắn bước ra và nói: “Em sẽ mướn anh với nụ cười”. Nụ cười của nàng nhạt nhoà trong nước mắt và nàng lủi thủi bước đi… Ánh dương lấp lánh trên cát, em bé ngồi chơi vỏ sò, nó cất tiếng: “Tôi mướn ông chẳng với chút gì”… Từ lần mặc cả giữa trò chơi trẻ nhỏ đó, tôi thành người tự do.

    Quyền chức, tiền bạc, sắc danh không phải là điểm nhắm của một đời loan báo Tin Mừng. Trung thành chu toàn bổn phận nhỏ bé hằng ngày, sống đời sống chứng tá đó có lẽ là lời rao giảng thiết thực nhất. Nếu có lần nào đó bạn và tôi ước mong được nhắc tên và được ghi công đức, chúng ta hãy chiêm ngắm sự khiêm nhường qua những dòng tiểu sử của chân phước Mác-cô Mơ-đên mà không rơi vào chiếc bẫy của hư danh, địa vị và quyền lợi. Hãy sống chứng tá giữa đời và luôn ghi nhớ: “Cuộc sống là phúc lành cao nhất có thể có được. Chúng ta thường hay bỏ quên niềm vui của cuộc đời này, mong đợi rằng, một ngày nào đó, một nơi nào đó, chúng ta có thể đạt được một phúc lành vĩ đại hơn. Nhưng không thể có một phúc lành nào tốt hơn cái phúc lành này - ở đây, trong đời sống hằng ngày của bạn”[4]

    Lạy Chúa, như chân phước Mác-cô Mơ-đên, con mong muốn được trở nên nhân chứng sống động để làm chứng và giới thiệu Chúa cho mọi người. Xin đừng để con trở thành người phản chứng khiến hình ảnh Chúa bị lu mờ. Và lạy Chúa, giữa những việc nhỏ bé và những việc lớn lao, nhiều khi chúng con ưa thích những việc đem lại tiếng vang hơn là những việc bổn phận thường ngày không ai biết tới… Nếu như con đã chọn những lớn lao cao trọng, xin giúp con thi hành trong bác ái, khiêm nhu, để cho nhân đức luôn trổi vượt. Ước gì con không phân biệt xem thường hay coi trọng bất cứ công việc nào, nhưng làm tất cả vì tin có Chúa ở bên con. Amen.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/


    [1] Tông huấn Loan báo Tin Mừng, số 41.
    [2] Tông huấn Loan báo Tin Mừng, số 41.
    [3] Rabindranath Tagore, Bài thơ “Mặc cảm lần cuối” trong tập thơ Mảnh trăng non.
    [4] Lev Tolstoy, “Đời là một phúc lành” – Suy niệm mỗi ngày, trang 50.
    Bài viết liên quan