Chân phước Mác-đa-la Pa-na-xi-ê-ri
B. Magdalena Panatieri
(1445c.-1503)
1. Tiểu sử
Chân phước Mác-đa-la sống ở thế kỷ XV, tại Tri-nô, gần Véc-xe-li, miền Bắc nước Ý. Từ lúc còn rất trẻ, người đã gia nhập hội các chị em "Men-te-la-tê" thuộc Dòng Ba Ða Minh và qua đời năm 1503, ở tuổi 60.
Với lòng ngưỡng mộ thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, chị Mác-đa-la muốn theo gương thánh nữ bằng những đêm canh thức kéo dài, đánh tội hành xác và hết lòng yêu mến việc cầu nguyện. Bằng sự hiểu biết phi thường, chị đã làm cho các nhà thần học cảm thấy lúng túng. Thật vậy, chị đã đưa ra những lời giải thích rất chuẩn xác về các mầu nhiệm thánh. Với lòng bác ái mặn nồng, chị năng thăm viếng các bệnh nhân và sẵn lòng đón tiếp những người nghèo khổ. Qua đó, nhiều người đã đem lòng yêu mến và ngưỡng mộ đời sống nhân đức của chị. Ðược nhiều người tín nhiệm, chị đã đứng ra hòa giải những gia đình chia rẽ và dẫn đưa nhiều tội nhân khô khan trở lại nẻo chính đường ngay.
Lòng khiêm nhường của chị đã rọi chiếu một luồng sáng vào những lề thói phong tục của thời đại. Thật vậy, một nhà quí tộc ở Tri-nô đã chiếm đoạt bất động sản thuộc quyền sở hữu của các Anh em Thuyết giáo. Giáo triều Rô-ma ra vạ tuyệt thông ông và bản án được dán trước cổng tu viện. Nhà quý tộc nhờ một trong những người bạn của mình đến gỡ bản án đó đi. Lập tức, người bạn của ông đã nhanh chóng thi hành việc này. Bằng những lỡi lẽ dịu dàng, chị Mác-đa-la cố gắng để thuyết phục hắn cải tà quy chính. Dù bị hắn la mắng thậm tệ và bị tát một cái nảy lửa, chị vẫn khiêm nhường quỳ gối trước mặt hắn và hết lời khuyên bảo. Vài ngày sau, ông quý tộc cùng với bạn ông và nhiều tên đồng mưu lăn ra chết một cách tất tưởi.
2. Cầu nguyện cho các tông đồ giáo dân
Từ khi còn rất trẻ, Chân phước Mác-đa-la đã gia nhập hội các chị em thuộc Dòng Ba Ða Minh. Cuộc đời của ngài đã thể hiện một cách hài hòa và sinh động linh đạo “nói với Chúa và nói về Chúa” của thánh Đa Minh.
Để thể hiện tình yêu trọn vẹn dành cho Chúa, chị đã canh thức kéo dài hằng đêm, đánh tội hành xác và hết lòng yêu mến việc cầu nguyện để “nói với Chúa”. Từ việc gặp gỡ một cách mật thiết với Chúa trong cầu nguyện, chị đã đưa ra những lời giải thích rất chuẩn xác về các mầu nhiệm thánh.
Để thể hiện tình yêu nồng thắm dành cho anh chị em xung quanh, chị đã thường xuyên thăm viếng các bệnh nhân và sẵn lòng đón tiếp những người nghèo khổ. Chị đã đứng ra hòa giải những gia đình chia rẽ và dẫn đưa nhiều tội nhân khô khan trở lại nẻo chính đường ngay. Bằng những lời lẽ dịu dàng chị “nói về Chúa”, chị cố gắng thuyết phục các tội nhân cải tà quy chính, chị khiêm nhường dùng lời khuyên bảo những tâm hồn chai đá mau chóng trở về với Chúa và giúp hàn gắn những gia đình tan vỡ, phân li.
Chị qua đời ở tuổi 60, chị xứng đáng là mẫu mực cho những ai muốn dấn thân làm tông đồ giáo dân phục vụ Chúa và Giáo hội. Chiêm ngắm sứ mệnh tông đồ của chân phước Mác-đa-la Pa-na-xi-ê-ri chúng ta có thể ghi nhận:
Vai trò của tông đồ giáo dân thật là quan trọng trong Giáo hội. Vì, người tông đồ giáo dân không đứng xa anh chị em của mình, họ có thể đồng hành, lắng nghe và thấu cảm được những nơi nào thấm đậm nỗi đau của anh chị em đồng loại. Họ là những người ít bị lệ thuộc vào cơ chế. Họ dễ dàng có những cuộc tiếp đón đơn giản xã giao với hàng xóm, cộng tác với địa phương mà không bị một rào cản nào phá vỡ sức mạnh tông đồ của họ. Sự gần gũi có tính huynh đệ này của người tông đồ giáo dân giúp cho những người yếu thế, những người lầm lỗi có thể đứng thẳng hơn. Họ có thể bắt đầu lại và có thể lên đường sau khi vấp ngã,[1] khi biết rằng bên cạnh mình có một người bạn đồng hành tạo thêm sức mạnh cho mình.
Người tông đồ giáo dân cùng với anh chị em của mình làm thành một hệ thống có tương quan chặt chẽ, họ có thể sống cùng với nhau trong một khu nhà trọ, trong cùng một câu lạc bộ thể dục, trong cùng một công ty,… Họ cùng nâng đỡ và chia sẻ với nhau, cùng nhau thoát khỏi những khó khăn của cuộc sống. Sự hiện diện dấn thân của họ thật sự là tốt đẹp, họ đưa Lời Thiên Chúa đến với anh chị em trong cả hành động, ngôn từ lẫn từng biến động cuộc sống. Họ đến với những người thường xuyên sống xa Giáo hội mà chẳng ngại ngần hay bị bất cứ rào cản nào.
Người tông đồ giáo dân cùng chung vận mệnh với bạn hữu trong hành trình hoán cải mà không làm cho bạn mình e thẹn hay ngại ngùng. Họ có phương pháp của chính đời sống giáo dân để áp dụng cho anh chị em bạn hữu mà không quá cao trong lý tưởng hay quá xa trong thực tế đời sống.
Chiêm ngắm chân phước Mác-đa-la Pa-na-xi-ê-ri và trong tâm tình của ngày cuối năm, chúng ta dâng lên lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì muôn hồng ân Chúa đã ban cho con trong suốt năm qua. Con xin lỗi Chúa vì những thiếu sót và lầm lỗi của con, xin Chúa thanh tẩy con. Con xin lỗi Chúa vì nhiều khi con mải mê kế hoạch của mình mà quên đi tư cách làm tông đồ theo Thánh Ý Chúa muốn cho con.
Lạy Chúa, thời gian hết là thời gian nhìn lại để sám hối và hướng về một năm mới để canh tân. Con dâng Chúa năm mới sắp đến xin Chúa thánh hóa, chúc lành, ban bình an và hướng dẫn con. Xin cho con tìm được ý nghĩa cao quý của cuộc đời, biết dùng thời gian Chúa ban để nên thánh và để phục vụ Chúa trong anh chị em.
Xin Chúa Thánh Thần ngự trên con trong năm mới sắp tới, để con hăng say đem Chúa đến với các anh chị em đau yếu bệnh tật, những gia đình tan vỡ, như chân phước Ma-đa-lê-na Pa-na-xi-ê-ri mà chúng con chiêm ngắm, để tình yêu thương của Chúa được lớn mãi trong lòng nhân loại hôm nay. Amen.
Đa Minh Thái Bình, tổng hợp
Tham khảo nguồn tin: https://hddmvn.net/
http://daminhrosalima.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 27 | Tổng lượt truy cập: 2,797,920