Ngày 21 tháng 10
Chân phước Phê-rô Cát-ten-lô
B. Petrus de Città di Castello
Linh mục (+1445)
1. Tiểu sử
Chân phước Phê-rô sinh tại Om-bơ-ri-ê khoảng năm 1390, tại thành Cát-ten-lô. Ðây cũng chính là thời điểm cuộc Ðại Ly giáo đang diễn biến. Dù xuất thân danh giá, nhưng Phê-rô Cát-ten-lô luôn khát mong làm những việc tầm thường, nhỏ bé qua việc an ủi, săn sóc, phục vụ các bệnh nhân và những người nghèo khổ.
Người được trao tu phục Dòng Ða Minh năm 15 tuổi tại một tu viện nơi quê nhà. Ðược gởi đến Co-tô-nê để thụ giáo chân phước Lô-ren-xô Ri-páp-ra-ta, tại đây, người trở nên thân thiện với thánh An-tô-ni-nô và chân phước An-giê-li-cô. Co-tô-nê là một trong những tu viện lớn có nề nếp và kỷ cương, đã hưởng ứng công cuộc cải tổ do cha Rây-mun-đô Ca-pua khởi xướng. Chính tại tu viện này, người được trao tác vụ linh mục và sống tại đây cho đến mãn đời.
Cha Phê-rô liên kết một cách phi thường việc luyện tập các nhân đức phú bẩm với hoạt động tông đồ. Mặc cho nguồn gốc quí tộc của gia đình và uy tín người có ảnh hưởng trong thành phố, người vẫn chỉ mong lãnh nhận những công việc thường hèn của tu viện: đi quyên góp ở từng gia đình, phục vụ những người nghèo khổ, săn sóc và ủi an các bệnh nhân.
Cha dẫn đưa nhiều tội nhân lòng dạ chai đá trở về với Chúa. Vào thời kỳ này, những quan niệm về sự chết và hình bóng của nó luôn ám ảnh tâm trí con người. Ðược biết, cha Phê-rô hăng say rao giảng về chủ đề này với một cái sọ trong tay... Lời cầu nguyện trong thánh lễ kính người hàm ý từ một giai thoại như sau : Một thanh niên chơi bời lêu lổng, thình lình được cha Phê-rô khuyên bảo là hãy dọn mình chuẩn bị chết, anh ta ăn năn trở lại và chết ít lâu sau đó. Lời cầu nguyện được diễn tả như sau : "Lạy Thiên Chúa, Ngài đã mặc khải cho các tín hữu của Ngài biết rằng: 'nếu họ năng suy gẫm về ngày sau hết của đời mình thì họ có thể xa lánh các dịp tội.' Nhờ lời chuyển cầu và gương lành của chân phước Phê-rô, xin cho chúng con hằng ngày biết suy gẫm về cái chết, hầu tránh được hình phạt của sự chết đời đời. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Ki-tô Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị với Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men"
2. Cầu nguyện cho các linh hồn
Dọc theo chiều dài của năm tháng là những bước chân nặng nề khó khăn của các cụ ông, cụ bà. Sức sống ngày nào đã dần qua đi, từng hơi thở khó khăn, bao bệnh tật kéo đến. Tất cả những điều này là những dấu chỉ, tuy có phần mờ nhạt về ranh giới giữa sự sống và cái chết, song cũng để chúng ta hiểu rõ hơn về sự hữu hạn của kiếp con người. Hơn thế nữa, “mỗi khi một người trong chúng ta ra đi, thì lại xuất hiện câu hỏi về đời sống của chúng ta, về điều chúng ta đã làm, về sự trao tặng chúng ta đã hứa, không phải để kết án hay làm chúng ta lo lắng, nhưng là thúc đẩy chúng ta...”[1]
Tưởng chừng như chỉ có sự sống là nhịp cầu nối, là tác nhân có sức chuyển đổi và tác động đến cuộc đời chúng ta; nhưng không, chính sự chết cũng mang ý nghĩa đổi thay cách mạnh mẽ lối đường của mỗi người theo hướng thiện lành. Quả vậy, khởi đi từ sự chết của thân xác con người, chân phước Phê-rô Cát-ten-lô, một linh mục dòng Anh Em Giảng Thuyết đã cảm hóa không những các tội nhân mà cả chúng ta, giúp chúng ta tìm về sự sống vĩnh cửu.
Đi liền với các hoạt động tông đồ, Phê-rô Cát-ten-lô không ngừng luyện tập nhân đức. Với việc năng suy gẫm về sự chết, cha Phê-rô đã dùng chiếc sọ người cùng khả năng giảng thuyết Chúa ban để giảng về sự chết, khiến nhiều người từ bỏ con đường tội lỗi trở về với Chúa và dọn mình chết lành.
Chiêm ngắm cuộc đời chân phước Phê-rô Cát-ten-lô, chúng ta - những người còn đang sống được mời gọi suy gẫm về sự chết và hoán cải mỗi ngày để được hưởng hạnh phúc mai sau, đồng thời tránh được án phạt là sự chết đời đời. Hơn thế, trước bao cơn cám dỗ ngọt ngào của danh lợi trần thế, bạn và tôi rất dễ mải miết theo đuổi mà quên đi ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Ước gì chúng ta luôn tự nhắc nhở chính mình: từng ngày từng giờ trôi qua là chúng ta đang tiến gần hơn đến cái chết. Dù vậy, ngay cả khi nhớ đến sự chết, thì điều này cũng không đồng nghĩa với việc tâm trí chúng ta ngập tràn sự chết, nhưng khơi gợi nơi mỗi người sự thức tỉnh và chuẩn bị sẵn sàng cho những gì sẽ phải đến.
Ở tuổi 55, cha Phê-rô Cát-ten-lô được trở về hưởng vinh phúc bên Chúa. Cuộc đời cha là những chuỗi ngày nối dài đến vô tận của tình yêu và chuyển trao tình yêu với phương thế đặc biệt. Giờ đây, mỗi người chúng ta hãy ý thức để tìm những lối rẽ rất riêng cho cuộc sống, nhưng đều quy về một hướng là chính Chúa, để sự chết không còn là nỗi lo lắng, sầu thương hay oán trách. Hãy đong đầy yêu thương cho cuộc đời và hãy sống hết mình cho mọi người. Cũng vậy, hãy luôn ghi nhớ “Một cách thường xuyên rằng, chẳng sớm thì muộn, bạn sẽ chết. Hãy tưởng tượng rằng bạn sẽ chết ngày mai, và bạn sẽ thấy rằng bạn sẽ ngừng nói dối, ganh tỵ, phiền trách, hay phán xét kẻ khác... Tình yêu không chỉ hủy diệt nỗi sợ hãi về cái chết, mà thậm chí cả ý nghĩ về cái chết...”[2]
Lạy Chúa, ngang qua cuộc đời của chân phước Phê-rô Cát-ten-lô, chúng con biết rằng cả sự sống lẫn sự chết đều là hồng ân Chúa tặng ban. Xin giúp chúng con luôn biết tôn trọng và đặt giá trị của sự sống trên tất cả, để chúng con không tự hủy diệt sự sống, cũng không xin Chúa cất đi sự sống của chúng con ngay giờ này. Bên cạnh đó, “sự chết phải được hiểu trong chân trời Thánh Giá, giữa cái kết thúc của cuộc sống này và một cuộc sống khác ‘sau khi chết’, giữa ân ban và sự phong phú... Thánh giá không phủ lấp những nỗi đau đớn và phiền muộn... trước sự chết, cũng không giảm bớt, nhưng nhắc nhớ... về tầm quan trọng của cuộc sống hiện nay...”[3] Nhờ lời chyển cầu của chân phước Phê-rô Cát-ten-lô, xin cho chúng con trong khi ý thức về thân phận tro bụi của mình, cũng biết nài xin Chúa thương ban cho các linh hồn được sống trong tình yêu của Chúa. Amen.
Đa Minh Thái Bình, tổng hợp
Tham khảo nguồn tin: https://hddmvn.net/
http://daminhrosalima.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 156 | Tổng lượt truy cập: 4,163,163