Chân phước Phê-rô Giê-rê-mi-a (25/10)

  • 15/01/2023 18:39
  • Chân phước Phê-rô Giê-rê-mi-a sinh năm 1381, tại Pa-lê-mô. Cha qua đời khi được 71 tuổi và được tôn phong chân phước năm 1784 do đức giáo hoàng Pi-ô VI.

    Ngày 25 tháng 10

    Chân phước PHÊ-RÔ GIÊ-RÊ-MI-A

    B. Petrus Geremia

    Linh mục (1381-1452)

    1.  Tiểu sử

    Chân phước Phê-rô Giê-rê-mi-a là người Xi-xi-li-a sinh tại Pa-lê-mô năm 1381. Ðang khi người hoàn tất chương trình luật và chuẩn bị thi lấy bằng tiến sĩ luật ở Bô-lô-ni-a, thì người được một thị kiến trong đó một tù nhân nói với người rằng : "Hãy trốn đi, hãy trốn khỏi tòa án của người đời nếu anh muốn được tha bổng tại tòa án của Thiên Chúa." Nhờ lời cảnh cáo lay động, người từ bỏ kỳ thi lấy bằng tiến sĩ và dâng mình cho Thiên Chúa tại tu viện Bô-lô-ni-a.

    Học xong chương trình thần học, người được trao tác vụ giảng thuyết và trở nên nổi tiếng trên khắp bán đảo. Nhân dịp đi ngang qua tu viện Bô-lô-ni-a, thánh Vinh Sơn Phê-ri-ê đã dừng chân ghé thăm người.

    Năm 1427, người được sai đi Xi-xi-li-a với vai trò của một vị tổng kinh lý để tái lập trật tự trong các tu viện đang suy thoái về kỷ luật. Hiện tượng suy thoái này không chỉ xảy ra trong Dòng Ða Minh mà còn thấy xuất hiện tại nhiều Dòng tu khác nữa. Ðức giáo hoàng Êu-gen-ni-ô IV mời người tham dự công đồng Phi-ren-xê để thắt chặt mối dây hiệp nhất Giáo hội La-tinh và Giáo hội Ðông Phương. Tại đây, người đã gây được sự chú ý nhờ niềm xác tín, sự thông thái và sức thuyết phục của người trong các cuộc tranh luận. Trở về Xi-xi-li-a, người định cư tại Pa-lê-mô. Tại đây, người đã thi hành sứ vụ nhiệt thành đến mức dường như không ngơi nghỉ. Người thiết lập tu viện thánh Di-ta nổi tiếng, và khéo léo vận dụng tài trí với sự dịu dàng để xây dựng tu viện thành một tổ ấm có kỷ cương, thu hút được nhiều ơn gọi.

    Cha Phê-rô bị một dị tật rất trầm trọng ở chân và người đã đón nhận sự đau đớn này trong tinh thần thống hối. Cha đã nhận được nhiều ân sủng qua việc đi bộ để thi hành những công việc tông đồ.

    Cha qua đời khi được 71 tuổi, anh em khám phá thấy một sợi xích sắt quấn quanh thắt lưng người từ hơn 50 năm và đã ăn sâu vào trong da thịt người.

    Cha Phê-rô Giê-rê-mi-a để lại nhiều tác phẩm thần học, trong đó, có hai bản thảo vẫn còn được lưu giữ tại công hàm tu viện thánh Ða Minh ở Bô-lô-ni-a. Cha được tôn phong chân phước năm 1784 do đức giáo hoàng Pi-ô VI.

     

    2. Làm gì khi ta thất bại?

    Cách đây không lâu báo chí đưa tin gia đình chủ tiệm máy Hà Nhung ở Thanh Hóa làm ăn thua lỗ, người chồng đã đầu độc vợ và hai con, để lại thư tuyệt mệnh và treo cổ tự tử. Vào mỗi mùa thi, không thiếu những sĩ tử đã tự vẫn vì thất bại trong thi cử. Dường như người ta ít nghe được lời lẽ trong bài văn “Bản chất của thành công” của cô bé Hà Minh Ngọc, ở đó em khẳng định: Không có thất bại mà chỉ là  thành công bị trì hoãn mà thôi.

    Có lẽ bản thân mỗi người cũng đã từng có trải nghiệm về sự xuất hiện của vị khách ít mong đợi mang tên “thất bại”. Chúng ta cùng học nơi chân phước Phê-rô Giê-rê-mi-a, một vị chân phước đã đối diện với thất bại. Ngài đã quyết từ bỏ thành công trần thế để phục vụ Chúa. Học nơi ngài, ta có được kinh nghiệm thiêng liêng sau mỗi lần thất bại. Từ đó, ta đem luồng khí tươi mới tràn về và khơi gợi lên nguồn sống vượt qua những thất bại, đồng thời ta cũng biết phải làm gì khi ta rơi vào những thất bại ngổn ngang trên đường đời.

    Chân phước Phê-rô Giê-rê-mi-a sinh tại Xi-xi-li-a vùng Pa-lê-mô năm 1399. Sử sách không để lại nhiều tài liệu về việc xuất thân và gia cảnh của ngài. Chúng ta chỉ được biết, Phê-rô Giê-rê-mi-a lớn lên và bước đi cách vững chắc, hăng say làm việc tông đồ và nỗ lực học hành. Tấm bằng tiến sĩ Luật tại Bô-lô-ni-a là đích nhắm mà Phê-rô Giê-rê-mi-a đang hướng tới. Có được tấm bằng này, cậu sẽ có chỗ dựa và một sự bảo đảm an toàn cho bản thân. Tuy nhiên, tất cả như đảo lộn trật tự khi Phê-rô Giê-rê-mi-a nghe được lời nhắc bảo từ một thị kiến, chàng từ bỏ kỳ thi lấy bằng tiến sĩ và dâng mình cho Thiên Chúa tại tu viện Bô-lô-ni-a. Con đường công danh sự nghiệp đang rộng mở thênh thang nay đã khép lại để nhường chỗ cho lý tưởng dấn thân phục vụ Thiên Chúa.

    Với đời sống cầu nguyện, sự hy sinh, lòng nhiệt thành, thêm vào đó là tài trí thông minh, khả năng giảng thuyết, cùng với việc chuyên cần học hỏi, tu sĩ Phê-rô Giê-rê-mi-a được nhiều người biết đến. Ngài dùng sự khéo léo, thông thái và sức thuyết phục để lập lại trật tự, kỷ luật trong các tu viện. Ngài được đức giáo hoàng Êu-gen-ni-ô IV mời tham dự công đồng Phi-ren-xê để thắt chặt mối dây hiệp nhất Giáo Hội La-tinh và Giáo Hội Ðông Phương. Ngài qua đời khi được 53 tuổi. 333 năm sau, ngài được tôn phong lên hàng chân phước.

    Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại mà nguồn tri thức nhân loại không ngừng phát triển, có lẽ chúng ta khó nghe được tiếng nói từ trong lòng và khó để có được các thị kiến như chân phước Phê-rô Giê-rê-mi-a. Thế nhưng, lời mời gọi sống thanh thoát trong tâm tưởng để không lệ thuộc cũng không bám víu vào danh vọng vẫn mãi âm vang. Hãy từ bỏ “tấm áo giáp bảo vệ” cho cuộc tìm kiếm “hư danh” mà các loại bằng cấp có thể mang đến. Hãy bước vào dòng chảy tri thức, hãy bước vào cuộc đừng đứng bên lề, cũng đừng để bản thân bị đẩy lùi về phía sau. Hãy dùng những lợi thế mà Thiên Chúa ban tặng làm nên phương cách hiệu quả để thành công trong việc tiến gần đến tha nhân và Thiên Chúa.

    Chiêm ngắm cuộc đời chân phước Phê-rô Giê-rê-mi-a ta thấy một cuộc trao đổi kỳ diệu đã diễn ra, thất bại trên đường công danh sự nghiệp trước kia, giờ đây đã trở nên những thành công rực rỡ dưới ánh sáng của Chúa soi dẫn.

    Lúc nào đó trong cuộc đời, khi chúng ta miệt mài và hăng say chinh phục đỉnh cao tri thức, bỗng nhiên ta phải từ bỏ vì những điều xảy ra ngoài ý muốn, vì thất bại cứ đến rồi lại đến. Ngày ấy lòng chúng ta không tránh khỏi bối rối và đặt dấu hỏi cho nỗ lực cùng khả năng của bản thân. Việc vượt qua chính mình và việc can đảm đón nhận thất bại là một bước mạnh mẽ cho niềm hy vọng thành công ở bước tiếp theo.

    Lạy Chúa, như chân phước Phê-rô Giê-rê-mi-a, con cũng muốn từ bỏ những danh vọng trần thế một cách dứt khoát để đi theo Chúa. Con vẫn tưởng rằng, từ bỏ có nghĩa là bị thua thiệt, chịu mất mát,… Nhưng, trải nghiệm cho thấy, mỗi khi con sẵn sàng từ bỏ những vật cản khiến con không thể tiến đức, là mỗi lúc con được nhận lãnh thật nhiều hồng ân siêu nhiên. Nguyện Chúa giúp con biết từ bỏ như Chúa đã từ bỏ thiên cung cao sang, sinh xuống làm người nghèo, để ở giữa chúng con. Amen

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan