Chân phước Si-mon Ban-la-ki (05/11)

  • 15/01/2023 18:39
  • Chân phước Xi-mon thuộc dòng tộc quí phái ở Ri-mi-ni, chào đời tại Xanh Ác-xăng-giê-lô. Người xin lãnh tu phục ở bậc trợ sĩ và là một mẫu người hiền lành, niềm nở và rất mực khiêm tốn.

     

    Ngày 5 tháng 11

    Chân phước Xi-mon Ban-la-ki

    B. Simon Ballachi

    Tu sĩ (+1319)

    1.  Tiểu sử

    Chân phước Si-mon thuộc dòng tộc quí phái ở Ri-mi-ni nhưng cậu lại được chào đời tại Xanh Ác-xăng-giê-lô cách Ri-mi-ni tám cây số. Ðiều này đã được minh định từ năm 1429. Thế nhưng, vì chân phước qua đời trước đó một thế kỷ và trong suốt những thập niên tiếp theo, không mấy ai còn lưu tâm đến những thông tin về người.

    Chú của người là một giám mục Dòng Ða Minh ở Ri-mi-ni thuộc vùng Rô-ma-nhê. Chân phước Xi-mon chào đời tại Xanh Ác-xăng-giê-lô cách Ri-mi-ni 8 cây số. Ban đầu, người thường tham gia những cuộc bạo động gây ra từ những bè rối, không quan tâm đến những giáo huấn của Hội Thánh, chống lại nhóm Bạch đảng (Gueffes) và Hắc đảng (Gibelins). Chính trong sự xáo trộn này mà người đã nghe được tiếng Chúa gọi dù đã 27 tuổi. Người xin lãnh tu phục ở bậc trợ sĩ, mặc dù chú của người hoàn toàn phản đối việc này. Người đã sống trọn cuộc đời còn lại trong tu viện Ri-mi-ni.

    Vốn là một người lao động cần cù, thầy được giao quản lý một khu vườn, chẳng bao lâu, thầy đã trở thành một quản đốc cai quản một khu đất rộng lớn. Thầy luôn sẵn lòng đón nhận những công việc nặng nhọc và gian khổ.

    Noi gương thánh Ða Minh, thầy luôn tha thiết cầu xin cho các tội nhân được ơn hoán cải. Thầy luôn sống một tinh thần khổ chế phi thường, thầy chỉ nằm ngủ trên một tấm phản trơ trụi, mang trên mình một sợi xích bằng sắt suốt 5 năm liền đến mức người phải chịu đau đớn khủng khiếp khi làm vườn. Thỉnh thoảng người không dùng bữa suốt hai ngày liền. Trong suốt 5 tuần mùa Chay, thầy chỉ dùng bánh mì và uống nước lã. Dù vậy chân phước Xi-mon là một mẫu người hiền lành, niềm nở và rất mực khiêm tốn. Người luôn ân cần dạy giáo lý cho trẻ em trong thành phố và luôn khao khát xin ơn hoán cải những tội nhân cứng đầu cứng cổ.

    Khi nghĩ về thời trai trẻ phóng túng của mình, thầy lại cảm thấy phiền muộn và đặc biệt lo lắng cho số phận của những người vô đạo và lạc giáo. Ðiều này đã thôi thúc người luôn cầu nguyện với lòng thống hối và khóc lóc thảm thiết đến độ người bị lòa khi mới có 56 tuổi. Dầu vậy, người vẫn sống rất thọ.

    Khi hay tin người qua đời, dân thành Ri-mi-ni lũ lượt kéo đến xin nhận những kỷ vật của người. Tất cả những bộ trang phục của người đã cũ rách tả tơi, vì thế, anh em phải liệu một bộ trang phục mới để vận cho người trong nghi thức tẩm liệm trước khi chôn táng. Kể từ 1817, thi hài của người được an táng tại nguyện đường ở Xanh Ác-xăng-giê-lô.

    2.  Cầu nguyện cho các tội nhân

    Năm Thánh Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót đang dần khép lại. Những gương mặt được Lòng Thương Xót Chúa cải hoá được nhắc lại như Mat-thêu, như Gia-kêu, như Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, như đứa con hoang đàng, như Phê-rô, như người thu thuế, như Au-gút-ti-nô… làm cho chúng ta được an ủi. Có lẽ danh sách những gương mặt tiêu biểu được cải hoá do bởi Lòng Thương Xót sẽ còn dài. Nhưng, trong phút cầu nguyện này, xin góp thêm vào danh sách ấy, một gương mặt đó là chân phước Si-mon Ban-la-ki một tu sĩ của dòng Đa Minh, sống cách nay gần 800 năm, để mỗi người chúng ta an tâm rằng tên chúng ta có thể viết tiếp vào danh sách ấy, danh sách của những người cần đến Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mỗi ngày, cho dù Năm Thánh đã khép lại.

    Chú của người là một giám mục Dòng Ða Minh ở Ri-mi-ni thuộc vùng Rô-ma-nhê. Ngay từ thời trai trẻ, cậu Si-mon đã thường tham gia những cuộc bạo động gây ra từ những bè rối, cậu không quan tâm đến những giáo huấn của Hội Thánh... Chính trong sự xáo trộn tội lỗi này mà Si-mon Ban-la-ki đã nghe được tiếng Chúa kêu gọi làm lại cuộc đời, dù cậu đã 27 tuổi. Cậu xin lãnh tu phục ở bậc trợ sĩ, mặc dù đức giám mục là chú của người hoàn toàn phản đối.

    Thầy Si-mon Ban-la-ki đã sống trọn cuộc đời còn lại trong tu viện Ri-mi-ni. Thầy lao động cần cù, luôn sẵn lòng đón nhận những công việc nặng nhọc và gian khổ, luôn sống tinh thần khổ chế phi thường. Trong suốt năm tuần mùa Chay, thầy chỉ dùng bánh mì và uống nước lã.

    Được cải hoá nhờ vào Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa, thầy Si-mon Ban-la-ki trở nên hiền lành, niềm nở và rất mực khiêm tốn. Thầy ân cần dạy giáo lý cho trẻ em trong thành phố và luôn tha thiết cầu xin cho các tội nhân được ơn hoán cải, nhất là những tội nhân cứng đầu cứng cổ.

    Khi nghĩ về thời trai trẻ phóng túng của mình, thầy lại cảm thấy phiền muộn và đặc biệt lo lắng cho số phận của những người vô đạo và lạc giáo. Thầy cầu nguyện với lòng thống hối và khóc lóc thảm thiết đến độ thầy bị lòa lúc thầy 56 tuổi. Thầy qua đời trong ân sủng của Thiên Chúa và sự quý mến của dân làng.

    Chiêm ngắm cuộc đời chân phước Si-mon Ban-la-ki, mỗi người chúng ta hãy để cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa điều khiển cuộc đời của chúng ta. Bởi vì, [1]Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại với tư cách là Đấng gần gũi, Đấng chăm lo, Đấng Cứu Độ và Đấng Xót Thương.

    Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót sẽ kết thúc vào ngày 20/11/2016, Chúa Nhật kính Chúa Ki-tô Vua. Ngày 15/11/2016 tại các Giáo hội địa phương nghi thức kết thúc Năm Thánh sẽ được diễn ra. Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh đã trao tặng chúng ta một thời gian ân sủng đặc biệt, chúng ta cùng tạ ơn Chúa. Chúng ta sẽ trao phó đời sống của Giáo hội, toàn thể nhân loại và vũ trụ mênh mông cho quyền thống trị của Chúa Ki-tô với lời cầu khẩn, xin Lòng Thương Xót của Người tự đặt mình vào trong lịch sử như giọt sương lúc ban mai, và xin Lòng Thương Xót ấy làm cho lịch sử được đơm bông kết trái với sự dấn thân của tất cả mọi người cho tương lai ngay trước mắt… Ước chi tất cả mọi người, cả các tín hữu lẫn những người đang đứng xa đều có thể trải nghiệm về dầu thơm của Lòng Thương Xót, như là dấu chỉ của Triều Đại Thiên Chúa, đang hiện diện giữa chúng ta rồi[2].

    Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con, để dù Năm Thánh Lòng Thương Xót này có qua đi, nhưng chúng con vẫn cảm nghiệm hồng ân của Lòng Thương Xót phủ lấp cuộc đời chúng con.

    Lạy Chúa Giêsu, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót, xin ban cho chúng con những ơn chúng con đang cầu xin. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/


    [1] Lược trích Tống sắc Dung nhan thương xót, số 6.
    [2] Lược trích Tống sắc Dung nhan thương xót, số 5.
    Bài viết liên quan