Ngày 25/3 - Lễ Truyền Tin – Thiên Thần truyền tin cho Đức Maria

  • 15/01/2023 21:13
  • Lễ Truyền tin luôn được cử hành lồng vào trong khung cảnh của Mùa Chay và Mùa Phục sinh; cách đây một tuần Giáo Hội mừng kính lễ thánh Giuse. Tại sao Giáo Hội lại cho mừng hai lễ này trong khung cảnh của Mùa Chay và Mùa Phục sinh như thế?

    Ngày 25/03: Lễ Truyền Tin

     

    LỄ TRUYỀN TIN: LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA

    Trong “Vị ẩn sĩ khôn ngoan”, đoạn nói về người mẹ có viết:”…Và tất cả những điều đó chỉ một mình bà biết mà thôi, ẩn sĩ nói, mọi người không ai hay biết, vì thế họ mới lên án con bà. nhưng còn bà, vì biết rõ nó nên bà thương yêu nó. Thiên Chúa cũng thế, Người còn biết rõ nó hơn cả bà nữa. Và cả những điều bà không thấy nơi con bà, những điều còn ở trong ao ước, trong hy vọng, trong tiếc nuối, Thiên Chúa đều biết hết. Và giờ đây tất cả những cái đó đều xuất hiện ở bên kia thế giới. Ở đó không còn vấn đề nửa sự thật như ở đây ta thấy nữa”(Ebbe de Pauli L’ Ermite ).Vâng, người mẹ thế gian còn yêu thương con cái mình với tất cả tình thương dù cho con mình ngỗ nghịch, nói trắng ra là cả lúc phản nghịch, lỗi đạo làm con. Người mẹ có tên Maria lại còn yêu thương con người gấp bội. Mẹ đã yêu con người, chấp nhận ý định Thiên Chúa, nói lời xin vâng làm mẹ Thiên Chúa, mẹ Chúa Giêsu, dù rằng mẹ đã khấn giữ mình đồng trinh. Nhưng, chỉ biết ý định của Chúa:” Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là con Thiên Chúa”( Lc 1, 35 ). Maria đã tuân theo ý Chúa, không hề nao núng, không hề do dự:” Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần”( Lc 1, 38 ).

    MẸ MARIA ĐƯỢC TRÀN ĐẦY ƠN PHÚC

    Linh mục Thành Tâm trong bài hát:” Mẹ đầy ơn phúc” đã viết:” Hỡi Mẹ đầy ơn phúc, đời đời diễm phúc, Chúa ở cùng Mẹ”. Lời ca đượm ý Thánh Kinh. Vì với lời chào của thần sứ Gabrien, Maria quả thực là người vô cùng diễm phúc. Hàng ngày, lời kinh kính mừng mà muôn muôn người Kitô hữu cất lên vẫn luôn là lời ca ngợi, chúc tụng mẹ Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Mối phúc quan trọng hàng đầu là phúc con người được Thiên Chúa ở cùng. Mẹ Maria có phúc hơn mọi người phụ nữ được sinh ra bởi dòng dõi bà Eva, đó là Mẹ được tràn muôn ơn phúc. Mẹ được Thiên Chúa đoái thương, cất nhắc, dù Mẹ chỉ là một người đầy tớ khiêm hạ, đơn hèn và nghèo khó. Cái nghèo được Thiên Chúa ghé mắt đoái thương. Mẹ là một trong những kẻ “Anawim”, người nghèo của Thiên Chúa Giavê. Với lời chào của sứ thần Gabrien, Mẹ đã biến mối lo âu không biết đến người nam làm cái phúc, nghĩa là Mẹ đã biến cái son sẻ của một con người đã hiến trọn cuộc đời cho Chúa trở nên phong phú vì Mẹ biết không việc gì mà Thiên Chúa không làm được. Mẹ đã biến cái bối rối, lo âu, trăn trở làm thành nỗi vui mừng, phấn khởi vì  Mẹ hiểu ra người chị họ là bà Eâligiabét cũng đang được phúc mang thai con trong lúc tuổi già, trong lúc xế chiều, gần ra đi về với Chúa. Maria đã hiểu ý Chúa qua sứ thần truyền tin. Mẹ đã chấp nhận ý định tuyệt vời của Chúa và sẵn sàng tiếp tay với Chúa trong công việc cứu độ nhân loại, đến nỗi Mẹ đã cất cao lời chúc tụng, tạ ơn, tri ân Thiên Chúa:” Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”( Lc 1, 46- 55 ).

    CÁI PHÚC CỦA THIÊN CHÚA CŨNG ĐANG ĐƯỢC TRAO CHO TA

    Như câu chuyện:” Người Mẹ” trong vị ẩn sĩ khôn ngoan, người Mẹ luôn yêu thương đứa bé con bà dẫu rằng có lúc bà đã quá chán vì đứa con bà trở nên hư đốn, nhưng tấm lòng bao la, rộng lớn của bà mẹ đã lấn lướt đi tất cả, bà đã nghe lời khuyên của vị ẩn sĩ :” …Người ta gặt cái gì mà mình đã gieo: đó là luật chung, một điều luật tốt đẹp của Thiên Chúa dành cho con cái của Người. Nhưng nhờ đau khổ, chúng ta mới học biết nhiều. Và khi ta vượt qua được sự dữ đã từng đè nén ta, thì sự lành do Chúa đem lại sẽ lớn lên trong ta và sau cùng chỉ còn sự lành. Đó sẽ là cái”tôi” độc nhất và là cái”tôi” thật sự của mỗi người”( Ebba De Pauli L’ Ermite ).

    Vâng, người mẹ đã biến cái nỗi khốn cùng khi bà lo lắng về con mình để làm cho nó trở thành chứa chan hạnh phúc: bà đã cầu nguyện và hàng ngày cầu nguyện cho con mình. Cái phúc trở nên niềm vui cho con người, cho cuộc đời của mỗi người. Thiên Chúa đã dùng một người nữ, một người mẹ với trọn tình thương, với muôn đặc ân cao quí mà chỉ có độc nhất vô nhị người mẹ, người nữ ấy mới có: đặc ân không vướng tội lỗi, làm mẹ Thiên Chúa, hồn xác lên trời, trọn đời đồng trinh, để nhờ mẹ đưa nhiều người đến với Chúa. Thiên Chúa đã biến nỗi bất hạnh, nỗi âu lo, xao xuyến bối rối của người nữ tỳ Sion làm thành sự hạnh phúc tuyệt vời cho mẹ vì mẹ được chọn, được tuyển lựa giữa muôn vàn người nữ, cộng tác vào công trình cứu rỗi nhân loại. Mẹ nói lời”Fiat”, biến nó thành cái phúc cho mẹ và cho nhân loai, cho từng người. Cái phúc ấy vẫn như là một dòng suối linh thiêng đang từ từ tuôn chảy trong từng người con của mẹ.Nhân loại mãi mãi và muôn thuở vẫn nhận được cái phúc từ mẹ vì từ mẹ, từ cung lòng mẹ:”…Ngôi Lời của Chúa mặc lấy xác phàm để cứu độ loài người”( lời nguyện nhập lễ, lễ truyền tin ) và cũng chính nơi cung lòng mẹ Maria như thánh Phaolô viết: khi vào trần gian Đức Kitô nói:” Lạy Thiên Chúa, này con đây, Con đến để thực thi ý Ngài”( Dt 10, 5.7 ).

    Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng rằng: Con Chúa nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria là Thiên Chúa thật và là người thật. Xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận củng cố niềm tin chân thật ấy, và xin cho cuộc chiến thắng phục sinh của Con Chúa đem lại cho chúng con ơn cứu độ và niềm vui muôn đời( lời nguyện hiệp lễ, lễ Truyền Tin).
     

    Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

    Nguồn: simonhoadalat.com

     

    LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA LỄ TRUYỀN TIN


    I. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ

    Lễ Truyền tin được mừng đầu tiên tại Giáo hội Đông phương vào Chúa nhật I mùa Vọng từ thế kỷ IV hay thế kỷ V để kính nhớ mầu nhiệm Nhập Thể. Đến thế kỷ VII, lễ này lan sang Giáo hội Tây phương để kỷ niệm Đức Trinh Nữ Maria chịu thai Ngôi Lời Nhập Thể, đồng thời kỷ niệm Chúa Kitô được xức dầu làm Thượng Tế và làm Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người. Đức Thánh Sergiô I lập bốn lễ: Lễ Đức Mẹ tịnh tẩy, dâng Con vào đền thờ, lễ Truyền tin, lễ Sinh nhật Đức Mẹ, và lễ Đức Mẹ lên trời. Mỗi dịp lễ này, ngài truyền dạy tổ chức cuộc rước Đức Mẹ từ nhà thờ Thánh Adrianô về đền thờ Đức Bà Cả tại Rôma. Thánh Phêrô Kim ngôn đã giảng nhiều trong lễ Truyền tin.

    Thánh Augustinô đã đề nghị mừng lễ Truyền tin vào ngày 25 tháng 3 cho đúng chín tháng trước lễ Giáng sinh, nhưng Giáo hội Tây Ban Nha không đồng ý, nên Công đồng Toleđô năm 656 ấn định mừng tám ngày trước lễ Giáng sinh rồi đổi sang ngày 18 tháng Giêng để tránh mùa Chay. Đức Bênêđictô XIV ra sắc lệnh ấn định khắp Giáo hội mừng lễ Truyền tin vào ngày 25 tháng 3 theo Thánh Augustinô đã đề nghị và như ngày nay.

    Năm 1884 Công đồng Baltimore quyết định lễ Truyền tin ngày 25 tháng 3 là lễ nghỉ và lễ buộc cho Giáo hội Hoa Kỳ.

    II. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ

    Lịch Rôma thời xưa trọng thể mừng "lễ Ngôi Lời nhập thể" gọi là "Lễ Truyền tin của Chúa". Lễ này đã được sửa đổi lại nhưng là lễ mừng Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ. Mừng Chúa là Ngôi Lời trở thành Con Mẹ Maria (Mc 6:3). Mừng Đức Trinh Nữ trở thành Mẹ Thiên Chúa.

    * Về Chúa Kitô, Phụng vụ Đông phương và Tây phương mừng lễ trọng này để kính nhớ "lời xin vâng" của Ngôi Lời nhập thể vào trần gian đã nói: "Lạy Chúa, này con đây. Con xin đến để thực thi ý Chúa" (xem Dt 10:7; Tv 39:8-9). Lễ này cũng kính nhớ giây phút đầu tiên của ơn Cứu chuộc và mối tơ duyên kết hợp bất khả phân ly của Thiên tính với nhân tính trong một ngôi vị của Ngôi Lời.

    * Về Mẹ Maria, Phụng vụ Đông phương và Tây phương mừng lễ trọng này như một lễ của Tân Evà là Đức Trinh Nữ tuân phục và trung thành. Với lời thưa "Xin vâng quảng đại", bởi phép Chúa Thánh Thần, Mẹ đã trở nên Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ chúng sinh. Và bởi nhận trong cung lòng một Đấng trung gian (1 Tm 2:5), Mẹ thật sự trở nên Hòm bia Giao ước và Đền thờ Thiên Chúa. Phụng vụ này cũng kính nhớ thời điểm cao chót của cuộc đối thoại cứu độ giữa Thiên Chúa và loài người, và kính nhớ sự tự tình chấp nhận và hợp tác của Đức Trinh Nữ trong công trình Cứu chuộc.

    III. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ

    Bài đọc I: Isaia 7, 10-14

    Thời vua Akhaz cai trị nước Giuđêa, vua Aram và vua Ephraim định lên đánh chiếm thành Giêrusalem. Vua Akhaz hoảng sợ. Giavê sai Isaia nói với vua Akhaz: "Hãy ở yên. Đừng sợ. Lòng chớ bủn rủn". Isaia bảo vua Akhaz phải đặt lòng tin vào Giavê trong giờ nguy kịch cho triều đại Đavít. Isaia lại nói với vua Akhaz: "Hãy xin với Giavê, Thiên Chúa ngươi, một dấu". Nhưng Akhaz nói: "Tôi đâu dám xin thế. Tôi không muốn thử sức Giavê". Ngài mới nói: "Hỡi nhà Đavít, hãy nghe đây... chính Đức Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh Con và Bà sẽ gọi tên Con là Emmanuel". Thánh sử Matthêô giải thích lời tiên tri này nói về Trinh Nữ của lễ Truyền tin là "Chúa ở cùng chúng ta" (Mt 1:22-23).

    Bài đọc II: Do thái 10, 4-10

    Chức tư tế thời Cựu ước tương phản chức tư tế của Chúa Kitô: Hy lễ Cựu ước không trừ được tội lỗi, nên Chúa Kitô đã đến, hiến dâng mình Ngài duy một lần mà chúng ta được ơn cứu thoát.

    Phúc âm: Luca 1, 26-38

    Thánh sử Luca trình thuật cuộc đàm đạo giữa thiên sứ Gabrie và Trinh nữ Maria tại căn nhà Nazaréth xứ Galilêa. Thiên sứ chào chúc Trinh Nữ "đầy ơn phúc" làm Trinh Nữ xao xuyến. Thiên sứ trấn an Trinh Nữ và loan báo "Trinh Nữ sẽ thụ thai sinh con trai sẽ gọi tên là Giêsu. Ngài là Con Đấng tối cao. Ngài sẽ lên ngai Đavít, làm vua trên nhà Giacob đến đời đời. Vương quyền Ngài vô tận". Trinh Nữ thắc mắc: "Làm sao điều đó xảy ra được vì tôi giữ mình đồng trinh". Thiên sứ giải thích: "Thánh Thần sẽ đến trên tôn nương và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên tôn nương, nên con tôn nương sẽ là Đấng Thánh là Con Thiên Chúa". Thiên sứ đưa tin bà Elizabéth già và son sẻ mà đã mang thai sáu tháng để minh chứng: "Với Thiên Chúa, không gì là không có thể". Trinh Nữ đầy lòng tin và ưng thuận.

    Lm. Phêrô, CMC

    Nguồn tin:  https://giaophannhatrang.org/

     

     

    LỄ TRUYỀN TIN

    Anh chị em thân mến,

    Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng kính một trong những biến cố quan trọng nhất trong lịch sử ơn cứu độ. Biến cố sứ thần của Thiên Chúa truyền tin cho Đức Maria Mẹ của chúng ta.

    1- Lễ Truyền tin như anh chị em vẫn thấy luôn được cử hành lồng vào trong khung cảnh của Mùa Chay và Mùa Phục sinh. Và nếu anh chị em để ý một chút thì chúng ta thấy cách đây một tuần Giáo Hội cho chúng ta mừng kính lễ thánh Giuse. Tại sao Giáo Hội lại cho mừng hai lễ này trong khung cảnh của Mùa Chay và Mùa Phục sinh như thế? Chắc phải có lý do của nó. Giáo Hội là người mẹ rất khôn ngoan. Giáo Hội muốn đưa ra những tấm gương cụ thể để cho con cái của mình biết phải sống như thế nào trong mùa Chay và Mùa Phục sinh. Cũng như trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, hai hình ảnh đặc biệt được Giáo Hội coi như mẫu mực là Thánh Gioan Tẩy Giả và Đức Mẹ Maria, thì trong mùa Chay và Mùa Phục sinh Giáo Hội cũng đưa ra hai khuôn mặt mẫu mực như thế. Thay vì Thánh Gioan Tẩy Giả thì là Thánh Giuse và vai trò của Đức Mẹ thì chắc là không bao giờ có thể thiếu. Chính vì vậy mà hôm nay chúng ta có dịp để suy gẫm về Người.

    2 - Nói về Đức Mẹ như lời thánh Bênađô thì “chẳng bao giờ cho đủ”. Mỗi lần nói về vai trò của Đức Mẹ trong công trình cứu chuộc của Chúa thì chúng ta thường hay nghĩ đến cách thức Chúa thực hiện những việc lạ lùng nơi con người của Đức Mẹ hơn là nghĩ đến những yếu tố đặc biệt khiến Đức Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn. Thậm chí chúng ta còn thấy nhiều nhà tu đức còn cho là Thiên Chúa luôn có quyền làm theo ý muốn của mình. Họ cho rằng việc Thiên Chúa chọn một người phụ nữ quê mùa, nghèo khó để làm Mẹ Thiên Chúa là cốt ý để làm bẽ mặt những kẻ quyền thế, giàu có sang trọng ở trong thế gian.

    Tôi không phủ nhận ý kiến đó. Thế nhưng đối với tôi nếu chỉ nghĩ về Thiên Chúa như thế thì chưa đủ. Không phải lúc nào Thiên Chúa cũng hành động khác thường. Có những lúc Ngài cũng hành động theo những qui luật bình thường. Khi nói thế, tôi muốn nói tới những lý do khiến Chúa đã đặc biệt để ý đến Đức Mẹ và tuyển chọn Ngài vào một công tác rất quan trọng trong chương trình cứu độ của Người.

    Thế thì Đức Mẹ đã có những yếu tố nào để Thiên Chúa làm như vậy?. Tôi thấy nơi Đức Mẹ có hai nhân đức rất quan trọng này:

    Trước hết đó là lòng kính sợ Thiên Chúa.

    Thứ đến là sự khiêm nhường.

    a - Lòng kính sợ Thiên Chúa.

    Sách khôn ngoan nói: “Lòng kính sợ Thiên Chúa là đầu mối của mọi sự khôn ngoan”(Tv 111, 10). Lòng kính sợ Thiên Chúa nơi Đức Mẹ được biểu lộ ra trong nhiều trường hợp nhưng đặc biệt được biểu lộ ra một cách rõ rệt trong hai trường hợp này.

    + Trước hết vì lòng kính sợ Thiên Chúa cho nên Đức Mẹ không dám làm những gì mất lòng Chúa. Thí dụ như trong biến cố truyền tin hôm nay, Đức Mẹ chỉ chấp nhận lời đề nghị của sứ thần Gabriel khi biết chắc việc thụ thai là do quyền lực của Chúa Thánh Thần.

    + Thứ đến là Đức Mẹ luôn sẵn sàng thi hành mọi mệnh lệnh của Thiên Chúa.

    • Trong việc đưa Hài nhi Giêsu trốn qua Ai cập
    • Trong việc đưa Chúa Giêsu trở về
    • Nhất là theo Chúa Giêsu lên đến đỉnh đồi Golgotha.

    b - Đức tính đặc biết thứ hai của Đức Mẹ đó là lòng khiêm nhường.

              Các nhà tu đức học đều coi “Khiêm nhường là đức nền tảng của mọi nhân đức”. Sự khiêm nhường của Đức Mẹ được biểu lộ rất rõ nét qua hai sự việc này:

    - Đức Mẹ đã biết nhìn nhận thật rõ về con người của mình. Khác hẳn với Eva thuở xưa trong vườn địa đàng, tuy chỉ là con người mà cứ tưởng mình ngang tầm với Thiên Chúa. Đức Mẹ là Eva mới dù được Thiên Chúa đặc biệt ưu ái tuyển chọn lên bậc “quân vương” làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu thế nhưng Đức Mẹ vẫn chỉ xưng mình là một tôi tớ không hơn không kém……

    - Đức Mẹ nhìn nhận tất cả những gì mình có được đều là do Thiên Chúa.

    “Người đã đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn”(Lc 1, 48)

    “ Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”(Lc 1, 49)

    Vâng tất cả là bởi Thiên Chúa .

    “Thiên Chúa đã hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao những kẻ khiêm nhường - Thiên Chúa đã ban đầy dư cho những kẻ nghèo, còn người giàu có thì Người đuổi về tay không”(Lc 1, 48)

    Phải có một lòng khiêm nhường thật thẩm sâu thì mới có thể thấy hết được những sự thật đó. Thái độ của Đức Mẹ khác hẳn với thái độ của Eva thuở xưa. Evà thuở xưa mới có được một chút quyền hành Thiên Chúa ban cho trong công việc canh giữ và làm chủ vườn địa đàng đã tưởng mình là quan trọng, thậm chí có lúc còn tưởng là Thiên Chúa như muốn ghen tương với mình. Thật là kiêu ngạo.

    Trong thi tập: “Người Làm Vườn”. Thi hào Tagore của Ấn Độ đã ca ngợi người đàn bà như sau:

    Hỡi người đàn bà! Người không chỉ là tuyệt tác của Thượng Đế. Người còn là công trình của con người. Chính con người vẫn mãi mãi tiếp tục tô điểm cho người bằng tâm tình của họ.

    Các thi sĩ dệt cho người một mạng lưới của những vần thơ óng ả.

    Các hoạ sĩ mặc cho người một chiếc áo choàng bất tử.

    Biển khơi dâng hiến cho người ngọc ngà châu báu.

    Người thợ mỏ mang vàng đến cho người.

    Người làm vườn ôm ấp vỗ về người bằng muôn hoa cỏ đồng nội. Khát vọng của lòng người đã trải dài vinh quang của họ trên tuổi xuân của người. Hỡi người đàn bà! Người một nửa là đàn bà, một nửa là mộng mơ.

    Anh chị em thân mến.

    Những vần thơ trên đây đáng được dành riêng để ca tụng Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Nhưng có lẽ trên trần gian này không có lời nào có thể làm hài lòng Mẹ cho bằng chính lời của Chúa Giêsu, Con Mẹ. Mẹ Maria tuyệt mỹ, bởi vì Mẹ giống Chúa Con. Mẹ giống Chúa Con là bởi vì cả cuộc sống lúc nào Mẹ cũng tuân theo thánh ý Chúa. Trước khi được liên kết với Chúa Giêsu bằng máu mủ ruột thịt, Mẹ đã được liên kết với Ngài bằng hai chữ “xin vâng”.

    Lạy Mẹ, chúng con được gọi Mẹ bằng chính âm thanh của Chúa Giêsu đã từng gọi trong suốt cuộc đời của Ngài. Mẹ được Chúa Giêsu gọi bằng mẹ không những vì đã sinh ra Ngài mà còn bởi vì đã sống vâng phục như chính Ngài.

    Xin mẹ hãy phù giúp chúng con biết nhìn ngắm Mẹ và nhờ đó mỗi ngày một trở nên giống Con Mẹ hơn. Amen. 

    Nguồn tin:  https://tgpsaigon.net/

     

    Bài viết liên quan