Ngày 08.8 - Thánh Đa Minh, Linh mục (1170 – 1221)

  • 15/01/2023 20:32
  • Thánh Đa Minh sinh tại Castille, Tây Ban Nha, năm 1170. Truyện về tuổi trẻ của Ngài nói tới nhiều điềm báo lạ lùng. Mẹ Ngài, bà Aza mơ thấy con mình như một con chó ngậm đuốc chạy khắp cả thế gian.

     

    1.  ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

    Domingo de Guzmán (Đa Minh) sinh ngày 24.06.1170 tại Caleruega, giáo phận Osma, Tây Ban Nha. Thân phụ là bá tước Felix Guzman, thân mẫu là chân phước Gioanna Aza.

    Năm 1177, ngài học với cậu là linh mục Gumiel. Năm 1184, ngài là sinh viên đại học Palencia. Ngài gia nhập Kinh Sĩ Đoàn giáo phận Osma, thụ phong linh mục năm 1194.

    Năm 1203 sau một đêm thuyết phục chủ quán theo lạc giáo Abigeois, Chúa Thánh Thần gợi lên trong Đa Minh hứng khởi nền tảng để lập Dòng.

    Năm 1206, cha thành lập nữ đan viện đầu tiên tại Prouille. Năm 1215, tại Toulouse, nước Pháp hai tu sĩ tiên khởi Thomas và Seila khấn trong tay cha Đa Minh.

    Ngày 22.12.1216, Dòng Anh Em Thuyết Giáo (Ordo Praedicatorum: viết tắt là O.P.) được châu phê. Năm 1217, Cha Đa Minh phái 16 anh em tiên khởi đến các thành phố lớn để học tập, rao giảng và lập tu viện.

    Ngày 06.08.1221, Cha về trời trong bình an giữa anh em. Di ngôn cha để lại: “Hãy sống bác ái, khiêm tốn, và khó nghèo tự nguyện”. Và cha hứa rằng: “Từ nay trước nhan Thiên Chúa, nhờ sự hỗ trợ của Đức Trinh Nữ Maria, cha sẽ luôn chuyển cầu cho anh em hăng say giảng thuyết, chuyên cần cầu nguyện, và luôn được bình an đích thực”.

    2.  BÀI HỌC CHA ĐỂ LẠI

    – Say Mê Cầu Nguyện

    Cả cuộc đời cha Đa Minh ướp nồng bằng cầu nguyện. Cha dâng lễ mỗi ngày, tham dự Kinh Thần Vụ với bất cứ cộng đoàn nào cha gặp. Cha thức thâu đêm để cầu nguyện với Chúa như gặp gỡ một người thân cách chân tình sốt sắng, với nhiều tư thế khác nhau diễn tả tâm hồn. Vì cầu nguyện là đối thoại với Chúa, nên cha không chỉ nói mà còn lắng nghe Ngài. Đặc biệt, cha Đa Minh chọn cho Dòng sứ vụ loan báo Tin Mừng, vì cha tin rằng, Lời loan báo phải là hoa quả điều đã được thưởng nếm trong cầu nguyện và chín mùi trong tình yêu.

    – Say Mê Giảng Thuyết Ân Sủng

    Sau một đêm không ngủ để thuyết phục chủ quán lạc giáo, cha Đa Minh nhận ra rằng: Muốn cảm hóa được lạc giáo, cần phải có những người nhiệt tình, hiểu và sống Tin Mừng, sẵn sàng ra đi, đối thoại và thuyết phục họ. Ngày 15.08.1217, được gọi là Lễ Hiện Xuống của Dòng, cha Đa Minh triệu tập 16 anh em tiên khởi và nói với họ: “Tôi quyết định phái anh em đi khắp nơi. Từ đây anh em không còn sống với nhau trong chốn này nữa. Vì hạt giống được gieo vãi mới sinh hoa kết quả, nếu giữ mãi trong bao nó sẽ hư mất” . Cha Đa Minh phái bảy anh em đến Paris “để học, rao giảng và lập tu viện“, bốn người qua Tây Ban Nha, ba người ở lại Toulouse. Cha Đa Minh cũng ở lại đó đến khi đi Rôma.

    – Say Mê Ơn Cứu Độ Linh Hồn Tha Nhân

    Viện phụ Guillaume de Pierre, một nhân chứng đương thời cho biết, cha Đa Minh khát khao mãnh liệt ơn cứu rỗi các linh hồn … Ngài hăng say rao giảng ngày đêm, trong nhà thờ, nơi nhà riêng, giữa cánh đồng và ngay trên đường đi. Ngài không ngừng công bố Lời Chúa, cổ võ anh em cũng làm như vậy, bao giờ cũng chỉ nói về Chúa. Đặc biệt, trong những giờ cầu nguyện, ngài luôn thổn thức rơi lệ thưa với Chúa: “Lạy Chúa, rồi đây các tội nhân sẽ ra sao?” Chính lòng trắc ẩn này đã khiến thánh nhân không ngừng cầu nguyện và giảng thuyết.

    3.  CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH CHA DÀNH CHO ĐOÀN VIÊN CHÚNG TA

    – Đời Sống Chuyên Chăm Cầu Nguyện

    Chân phước Jordano ghi rằng: Cha Đa Minh thường cầu nguyện suốt đêm. Trong cầu nguyện, cha cảm thông với những sầu khổ của họ tận đáy lòng, và biểu hiện ra bên ngoài bằng những dòng nước mắt. Đó là sự đồng cảm với Đức Kitô, yêu nhân gian bằng những rung cảm, thao thức của chính Chúa. Tình yêu đó thúc đẩy cha thưa với Chúa về những người đã gặp, học với Chúa để biết xót thương và cảm thông với những người sẽ gặp. Cha luôn xin Chúa mở rộng cõi lòng mình để biết yêu thương và cảm thông với người tội lỗi.

    – Đời Sống Học Hành Khổ Chế

    Do kinh nghiệm về khả năng Kinh Thánh của anh em lạc giáo, cha Đa Minh đã thêm một yếu tố mới vào cộng đoàn, đó là việc học hành, vì cha muốn chuẩn bị nhân sự cho xứng đáng để đảm nhận sứ vụ thuyết giáo của Dòng tương lai. Đặc biệt, cha Đa Minh muốn anh em dấn thân học hỏi với trí thông minh và lòng đạo đức; một việc học hỏi dựa trên Kinh Thánh là linh hồn của mọi hiểu biết thần học, và có thái độ tôn trọng đối với các vấn nạn do lý trí đặt ra. Khẩu hiệu của Dòng là “Chiêm niệm và thông truyền cho người khác điều đã chiêm niệm” giúp chúng ta khám phá ra khát vọng chiêm ngắm học hỏi chân lý.

    – Đời Sống Huynh Đệ Cộng Đoàn

    Gia nhập kinh sĩ đoàn tại giáo phận Osma, cha Đa Minh đã học được kinh nghiệm sống chung theo tinh thần Giáo Hội tiên khởi (Cv.4,32). Khi chọn theo tu luật Augustino, cha muốn anh em sống một trái tim một tâm hồn trong một mái nhà, để tài sản làm của chung, đề cao kinh nguyện chung, việc học hành và chia nhau đi rao giảng, giúp đỡ người bất hạnh. Để đời sống chung được hài hoà và đem lại bình an, mọi anh em phải thật sự đồng tâm nhất trí. Thánh Đa Minh đã lưu tâm đặc biệt về sự đồng tâm nhất trí này. Người biết rằng, các anh em chỉ có thể sống chung một khi quan tâm đến sự đồng tâm trong đời sống huynh đệ cộng đoàn.

    – Đời Sống Sứ Vụ Tông Đồ Giảng Thuyết

    Xuất phát từ tấm lòng đối với tha nhân, Dòng Anh em Giảng Thuyết đã được ủy nhiệm trách vụ truyền giảng Lời Chúa. Như vậy, giảng thuyết là đặc tính của Dòng chúng ta. Vì thế, Dòng đã có mặt ở mọi lục địa, và ngày nay nhiều người vẫn muốn rằng Dòng cần phải du thuyết nhiều hơn nữa, không những bằng đôi chân, mà còn bằng trí khôn, lòng đạo đức, vốn kiến thức,…Tư tưởng phải sinh động, uyển chuyển trong mọi môi trường văn hoá.

    4.  TRUYỆN KỂ

    Truyện về tuổi trẻ của Ngài nói tới nhiều điềm báo lạ lùng. Mẹ Ngài, bà Aza mơ thấy con mình như một con chó ngậm đuốc chạy khắp cả thế gian. E ngại vì giấc mơ này bà làm tuần cửu nhật xin cho được sinh nở vuông tròn đến ngày thứ bảy, vị chánh sở nói với bà:

    – Đừng sợ gì vì đứa trẻ sinh ra sẽ trở thành ánh sáng thế gian và niềm an ủi

    cho Giáo hội, nhờ sự thánh thiện và giáo thuyết của nó.

    Khi trẻ Đa Minh còn nằm trong nôi, một bầy ong mật lượn quanh rồi êm ái đậu xuống nơi nôi Ngài. Điều này báo trước rằng lời lẽ miệng Ngài sẽ êm dịu như mật ngọt. Ngày chịu phép rửa tội, vú nuôi Ngài thấy một vì sao chói sáng trên trán Ngài. Đó là dấu ơn thánh Ngài sẽ tỏa chiếu để thu hút các linh hồn.

    Được cưng chiều, thánh Đa Minh sớm sống đời khổ hạnh. Ngài học hãm mình cầu nguyện khi vừa thôi nôi. Người vú nuôi nhiều lần thấy Ngài âm thầm thức dậy trong đêm tối để cầu nguyện. Ngài chọn một nơi thanh vắng ở cuối vườn làm nơi tâm sự với Chúa. Đức Trinh nữ thường hiện ra với Ngài, dạy Ngài lần chuỗi. Việc đạo đức này về sau trở thành phương thế hữu hiệu để cải
    hóa những người theo lạc giáo.

    Đến tuổi đi học, Đa Minh được gởi tới thụ giáo với ông cậu là tổng linh mục ở Gumiel. Năm 14 tuổi, Ngài theo học tại đại học ở Palencia và đã tiến triển rất nhanh về hiểu biết lẫn nhân đức. Nạn đói lan tràn nước Tây Ban Nha, một người bạn đến thăm Đa Minh không thấy đồ dùng lẫn những pho sách quí đâu nữa. Ngài đã bán để giúp người nghèo khó rồi. Gương sáng này đã lôi kéo được nhiều sinh viên lẫn các giáo sư bắt chước.

    Sau khi hoàn tất việc học, Đa Minh được đức Chadiegô, giám mục Osma truyền chức linh mục. Vị Giám mục đạo đức này đang muốn canh tân lòng đạo đức trong giáo phận, đã đặt cha Đa Minh làm kinh sĩ. Khi lo chuyện nhà nước qua Châu Âu, đức cha Diegô dẫn cha Đa Minh đi theo. Tại Languedoc, các Ngài được chứng kiến được tàn phá mà bè rối Albigeois gây ra. Họ chủ trương rằng: mọi vật chất đều xấu và do ma quỉ. Sự hoàn thiện theo họ, hệ tại sự từ bỏ phi nhân bản để sống khắc khổ. Chủ trương này dẫn tới sự lãnh cảm. Chẳng hạn đối với việc hôn nhân và chôn vùi mọi cơ cấu xã hội gia đình. Họ còn có lễ nghi, và phẩm trật riêng. Người ta bị phân thành hai loại: một bên gồm những người hoàn thiện và những nhà lãnh đạo sống rất khắc khổ; bên kia là quần chúng tìm thấy nơi giáo thuyết mới lý do bào chữa cho sự tự do luân lý không bị kiềm chế của mình.

    Trên đường về, đức cha Diegô và cha Đa Minh đến Rôma xin từ nhiệm để dấn thân vào cuộc truyền giáo quanh vùng Dniepen. Đức giáo hoàng Innocentê III từ lâu đã mong có người ra đi rao giảng tại miền nam nước Pháp, chống lại ảnh hưởng của bè rối Albigeois, thay vì chấp nhận lời thỉnh cầu, Đức giáo hoàng sai các Ngài tới miền nam nước Pháp. Hai người đã tới phụ lực với các sứ giả đã được sai tới trước kia. Tại Montpellier, đức cha Diegô đã nhận thấy sự khác biệt giữa các nhà giảng thuyết công giáo đầy xa hoa với các nhà giảng thuyết phái Albigeois đầy khiêm tốn giản dị. Các Ngài chọn đường lối khác, lấy khó nghèo và cầu nguyện làm gương sáng thu hút mọi người.

    Tháng 4 năm 1207, nhiều tu sĩ Xitô đến trợ lực. Trong vòng một năm trời, có đến 40 vị dấn thân vào hoạt động. Những thành công sơ khởi bắt đầu tới, nhưng không kéo dài được lâu. Các tu sĩ Xitô nản lòng. Đức cha Diegô trở về Tây Ban Nha kiếm thêm người trợ lực và qua đời tại đây. Một vị sự thần cũng từ trần. Tệ hại hơn cả là Phêrô Castelman, vị sự thần khác, bị bọn lạc giáo ám sát.

    Còn lại mình cha Đa Minh. Ngài vẫn tiếp tục nhiệt tình hoạt động trong đường lối khổ hạnh và cầu nguyện. Không chấp nhận kiểu rao giảng khua trống gióng chiêng, Ngài nói:

    – Không thể đến với kẻ thù như vậy được. Hãy trang bị bằng kinh nguyện và chân không mà đến với tên khổng lồ Goliath.

    Trong sáu năm, cha Đa Minh trải qua nhiều sóng gió, ngay khi mới tới, đức cha Diegô và Ngài đã thiết lập một cộng đoàn nữ tu tại Prouille. Bây giờ Ngài chỉ còn là trợ lực duy nhất, một ngày kia trong khi nhiệt tình cầu nguyện, thánh nhân than thở tại sao số người lạc giáo quá nhiều mà trở lại thì quá ít. Đức Trinh nữ đã hiện ra và dạy Ngài hãy rao giảng phép lần hạt Mân Côi.

    Vâng lời Mẹ, thánh nhân dồn nỗ lực vào việc truyền bá sự sùng kính kỳ diệu này, thay vì tranh luận như trước, Ngài dạy dân chúng hiểu phương pháp và tinh thần khi lần chuỗi. Ngài dẫn giải cho họ các mầu nhiệm thánh. Kết quả thật lạ lùng. Sau một thời gian ngắn, thánh Đaminh đã được an ủi khi thấy hơn một trăm ngàn người tội lỗi và những kẻ lạc giáo được đưa trở về với Giáo hội.

    Hoàn thành sứ mệnh, thánh Đaminh có ý định thành lập một dòng tu làm vườn ươm các tông đồ. Ngài trình bày dự tính với Đức giáo hoàng Innocentê III. Nhưng đức giáo hoàng ngần ngại. Đêm sau Ngài mơ thấy đại giáo đường Lateranô bị rung chuyển và thánh Đa Minh đưa vai chống đỡ bức tường cho khỏi sụp đổ. Biết ý Chúa Ngài cho gọi thánh nhân đến và chấp thuận cho lập dòng mới. Đây là Dòng Giảng thuyết.

    Khi còn ở Rôma, một đêm kia, trong lúc cầu nguyện, thánh Đa Minh thấy Chúa Giêsu giận dữ muốn phóng ba ngọn đuốc xuống thiêu hủy thế gian:

    – Loài người lao mình vào nết xấu kiêu căng nhục dục và biển lận, nên Ta muốn hủy diệt chúng bằng 3 ngọn lửa này.

    Nhưng đức Trinh Nữ cản lại:

    – Con ơi, hãy thương xót thế gian. Này đây có hai người sẽ làm sống dậy các nhân đức.

    Đa Minh biết mình là một, nhưng người kia là ai thì chưa rõ. Hôm sau khi đến nhà thờ Ngài gặp một tu sĩ, mặc đồ người ăn xin ngồi ngay cửa. Đó là thánh Phanxicô. Hai người chưa gặp nhau, nhưng đã ôm choàng lấy nhau và gọi tên nhau. Các Ngài hợp nhất với nhau trong công cuộc của Chúa.

    Thánh Đa Minh đề cao việc học, Ngài gởi các tu sĩ đến các đại học, Ngài truyền:

    – Chớ gì các tu sĩ chuyên cần học tập ngày đêm. Lúc ở nhà cũng như khi đi ngoài đường, họ phải không ngừng đọc sách và suy gẫm.

    Thánh Đa Minh rảo qua khắp nẻo trên đường giảng dạy, một thanh niên ngây ngất hỏi Ngài đã học cách nào, Ngài nói:

    – Hỡi con trong sách đức ái đó, sách này hơn mọi sách dạy bảo tất cả.

    Một năm trước khi qua đời, các tu sĩ Đa Minh đã được sai tới Oxford, Hungaria, Đan Mạch và Hy lạp. Thánh Đa Minh qua đời tại Bologna ngày 6 tháng 8 năm 1221.

    Nguồn: Theo Vết Chân Người, Lm. Phaolô Phạm Quốc Tu

    Bài viết liên quan